Nỗ lực lập lại trật tự ở Nagorno – Karabakh

Thứ Hai, 23/11/2020, 08:52
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17-11 tuyên bố trên kênh truyền hình Rossya-24 rằng lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh (NKR), cũng như các thỏa thuận đảm bảo hoạt động của các tuyến giao thông và nối lại quan hệ kinh tế trong khu vực rất quan trọng vì chúng tạo tiền đề để tình hình trở lại bình thường.

Ông Putin khẳng định thành tựu quan trọng nhất của Moscow là ngăn chặn đổ máu trong cuộc xung đột này và nêu quan điểm về việc công nhận độc lập cho Karabakh, một tuần sau khi Azerbaijan, Armenia và Nga ký “thỏa thuận đình chiến hoàn toàn”.

Khi được hỏi liệu vấn đề NKR có tiếp tục tồn tại, ông Putin nhắc lại rằng tình trạng của khu vực vẫn chưa được xác định. Ông cho biết thêm việc giải quyết vấn đề hiện trạng của NKR thuộc về các nhà lãnh đạo tương lai. Ông Putin bày tỏ: “Tôi tin rằng nếu có điều kiện để sống một cuộc sống bình thường, khôi phục quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, đặc biệt là những người đang sống trong khu vực xung đột thì điều này sẽ tạo điều kiện để xác định quy chế của NKR”.

Một bức không ảnh từ UAV chụp khu vực Nagorno – Karabakh.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng tuyên bố thành quả chính của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở NKR là chấm dứt đổ máu. “Hơn 4.000 người đã thiệt mạng chỉ theo số liệu chính thức, trên thực tế, tôi nghĩ còn nhiều hơn, hàng chục nghìn người đã bị thương. Xin hãy biết đây không phải là một bộ phim. Đây là một bi kịch xảy ra trong cuộc sống với những con người cụ thể, với những gia đình cụ thể”.

Tổng thống Nga cho biết, Azerbaijan có quyền tự chọn đồng minh, không ai có thể ngăn cản nước này quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin lưu ý rằng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đã được nói trực tiếp ở Azerbaijan “và Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ che giấu điều này, họ đơn phương ủng hộ Azerbaijan”. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng Ankara luôn là một bên tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết xung đột NKR.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố, trung tâm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV) để giám sát tình hình các tiền tuyến tại Nagorno - Karabakh trong bối cảnh lệnh ngừng bắn đang được giữ vững. Phát biểu trên kênh truyền hình trên, ông Putin khẳng định: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm hợp tác tại Trung Đông, trong đó có Syria, nơi chúng tôi thực hiện các cuộc tuần tra chung tại vùng giảm leo thang Idlib và ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã nhất trí sẽ thiết lập một trung tâm chung có sử dụng UAV. Chúng tôi sẽ cùng nhau kiểm soát tình hình dọc đường tiếp giáp với sự trợ giúp của những máy bay không người lái này. Chúng tôi sẽ cùng nhận thông tin và phân tích chúng”.

Nói về tương lai của vùng đất đang tranh chấp này, Tổng thông Putin nhất trí “giữ nguyên hiện trạng và những gì xảy ra tiếp theo sẽ được quyết định bởi các nhà lãnh đạo tương lai và những người tham gia tương lai trong quá trình này”. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho biết: “Về việc công nhận hay không công nhận NKR là một quốc gia độc lập có thể có những cách tiếp cận khác nhau nhưng chắc chắn đây là một yếu tố quan trọng”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cũng cho biết Mỹ đã hối thúc Armenia và Azerbaijan nhanh chóng tái cam kết với các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm đạt được một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột tại khu vực này.

Trong một tuyên bố, ông Pompeo nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các bên tái cam kết càng sớm càng tốt với các đồng chủ tịch của Nhóm Minsk trong việc theo đuổi một giải pháp chính trị lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột tại khu vực NKR dựa trên các nguyên tắc của Đạo luật Helsinki về việc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết và quyền bình đẳng của các dân tộc”. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh nước này sẽ cung cấp 5 triệu USD cho hoạt động viện trợ nhân đạo ở NKR.

Theo hiệp ước hòa bình ký ngày 10-11 vừa qua, chỉ các đơn vị gìn giữ hòa bình của Nga mới được triển khai ở khu vực NKR. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là người đầu tiên và sau đó là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thông báo về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại NKR. Một số phương tiện truyền thông đã ngay lập tức đăng bài rằng Nga, dù tuyên bố trong thỏa thuận không đề cập đến lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ không quá tích cực trong vấn đề này. Điều này khiến cho truyền thông phỏng đoán vấn đề đã được giải quyết từ trước.

Giới chuyên gia cho rằng yêu cầu về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được Tổng thống Aliyev đưa ra từ trước. Theo các nhà phân tích, việc ông Aliyev đưa ra yêu cầu như vậy là có lý do của nó, song tình hình có vẻ như khó có thể nằm trong sự điều phối của cả hai bên xung đột vào lúc này.

Trong một diễn biến khác, ngày 18-11, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin đã cáo buộc một số nước phương Tây đang tìm cách kích động lại cuộc xung đột ở khu vực NKR nhằm mục đích đẩy Moscow ra khỏi khu vực Ngoại Caucasus. Theo ông Naryshkin, nhiều quốc gia hàng đầu của NATO đang cố che giấu “sự không thoải mái” trước thỏa thuận ngừng bắn ở NKR mà Azerbaijan và Armenia đã đạt được với sự tham gia tích cực của Nga.

Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga cảnh báo: “Những hành động này là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy Mỹ và các nước đồng minh châu Âu của họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu của họ mà hy sinh lợi ích của các thường dân, trong trường hợp này là những người Azerbaijan và Armenia. Họ không lo ngại rằng những hành động khiêu khích của họ có thể dẫn đến tình trạng đổ máu mới và có thể đẩy khu vực vào một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng”.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.