Nỗi lo an toàn hạt nhân lại bao trùm nước Pháp

Thứ Hai, 17/04/2017, 19:25
Chính phủ Pháp mới đây thông báo quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim lâu đời nhất nước này. Đúng hai tháng trước đó, một vụ nổ đã xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Flamanville ở miền bắc, nơi chính quyền Pháp kỳ vọng một lò phản ứng mới tại đây sẽ đáp ứng lượng điện thiếu do đóng cửa nhà máy Fessenheim.

Chính phủ Pháp ngày 9-4 công bố sắc lệnh đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim ở biên giới với nước Đức. Đây được xem là một phần trong những cam kết đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử trước kia của Tổng thống Francois Hollande, trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 5 tới. Việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim là một phần trong cam kết nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân từ mức 75% xuống còn 50% và tăng nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim nằm gần biên giới với Đức, đã hoạt động kể từ năm 1977. Từ nhiều năm nay, các nhà hoạt động môi trường Pháp, Đức và Thụy Sĩ đã phát động các chiến dịch kêu gọi đóng cửa nhà máy này do lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra khi nhà máy điện hạt nhân này nằm ở rãnh kiến tạo thường xảy ra động đất.

Quyết định hôm 9-4 ghi rõ nhà máy điện hạt nhân Fessenheim sẽ ngừng hoạt động khi một lò phản ứng hạt nhân mới đang được xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville đi vào vận hành, dự kiến vào năm 2019. Nhưng ngày 9-2-2017, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy điện Flamanville, khiến 5 người bị thương nhẹ. Không có rò rỉ phóng xạ sau vụ việc. Nguyên nhân vụ nổ được cho là sự cố kỹ thuật chứ không phải tai nạn hạt nhân.

Biểu tình chống lò phản ứng hạt nhân theo công nghệ EPR trước nhà máy điện Flamanville.

Stéphane Lhomme (thuộc Tổ chức Giám sát hạt nhân) trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh RT bản tiếng Pháp mới đây cho rằng, việc đóng cửa nhà máy Fessenheim là đáng hoan nghênh vì lý do an toàn nhưng lò phản ứng hạt nhân theo công nghệ EPR mà Chính phủ Pháp cho xây dựng tại Flamanville từ năm 2013 lại đang có vấn đề về mặt kỹ thuật. Theo ông, nếu Pháp không khắc phục những lỗi công nghệ chế tạo lò phản ứng hạt nhân EPR thì có thể dẫn đến thảm họa như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản).

RT: Nhiều năm qua, ông luôn đấu tranh cùng Tổ chức Giám sát hạt nhân để truyền tải thông tin liên quan đến những thiếu sót của nhà máy chế tạo cơ khí Le Creusot (của Tập đoàn Areva) và công nghệ chế tạo lò phản ứng EPR (European Pressurized Reactor) tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville. Ông có ngạc nhiên khi EDF và Areva đã biết trước những thiếu sót của nhà máy này từ 12 năm năm trước?

Stéphane Lhomme (SL): Không, từ lâu chúng tôi đã biết được điều đó. Nhưng điều vẫn làm cho tôi thấy mơ hồ trong chuyện này là sự thiếu kiểm soát của ASN. Hoặc cũng có thể là ASN đã lén bật đèn xanh cho phép sử dụng lò phản ứng EPR. Nhưng trong mọi trường hợp thì ASN đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng! Cơ quan này không nhìn ra được những vấn đề, hoặc có lẽ là họ cố tình che giấu. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra những thiếu sót và những vấn đề trong chế tạo lò phản ứng EPR.

Theo tôi, sai lầm nghiêm trọng của ASN bắt đầu từ tháng 12-2013 khi cho phép EDF xây thêm lò phản ứng hạt nhân EPR tại Flamanville bên cạnh 2 lò phản ứng cũ, với công suất phát điện của mỗi lò lên tới 1.300 MW và được xây dựng từ những năm 1980.

Hiện nay, lò phản ứng EPR đã được xây dựng gần xong, các đường ống cũng đã được hàn chặt. Sự việc trở nên rất khó giải quyết, thậm chí là không thể giải quyết, mặc cho ASN có chịu đứng ra nhận trách nhiệm và nói "lò phản ứng EPR sử dụng không tốt, nhà máy phải phá hủy lò gần xây xong để thay thế bằng một loại lò phản ứng khác".

ASN đã tự đưa mình vào tình huống khó khăn vì nếu lò phản ứng EPR bị phá hủy thì ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp sẽ bị sụp đổ và ảnh hưởng đến hàng nghìn việc làm. Áp lực tạo ra rất là khủng khiếp. Đây là lỗi của ASN. Cho nên hồi tháng 12-2013, họ không nên cho phép sự việc được diễn ra.

Hơn nữa, theo như thông tin của chúng tôi, hai lò phản ứng EPR được bán sang nhà máy điện hạt nhân Taishan của Trung Quốc cũng gặp phải vấn đề tương tự. ASN đã hợp thức hóa việc xuất khẩu lò phản ứng EPR sang Trung Quốc. Rõ ràng là EDF, Areva và ASN biết các vấn đề của 3 lò phản ứng EPR nhưng vẫn mặc kệ chúng.

RT: Những rủi ro tồn tại khi sử dụng một trong ba lò phản ứng tại Pháp và cả Trung Quốc là gì?

SL: Chúng ta nên biết rằng một số nhà máy điện hạt nhân tại Pháp đang gặp phải khiếm khuyết trong lò phản ứng hạt nhân và cả các lò hơi nước, đặc biệt là những lò phản ứng của nhà cung cấp GCFC Nhật Bản vì những sự cố có thể xảy ra đều không được nhắc đến trong tài liệu đảm bảo an toàn. Nhưng không có nghĩa là các sự cố không thể xảy ra! Và lỡ như có sự cố phát sinh thì sẽ không có tài liệu để tham khảo. Nếu máy bơm hơi trong nhà máy điện hạt nhân bị hỏng, một máy bơm hơi khác sẽ được khởi động.

Hoặc cũng với sự cố như vậy xảy ra thì một mạch điện an toàn sẽ được bật lên để dẫn nước và làm mát hệ thống. Nhưng nếu xảy ra tình huống lò phản ứng hoặc lò hơi nước bị vỡ thì hoàn toàn không có phương án dự phòng để xử lý. Lúc bấy giờ, nước sẽ thoát ra nhanh chóng, trung tâm của lò phản ứng không được nước làm lạnh, dẫn tới sự quá nhiệt của lò phản ứng hạt nhân và tình hình sẽ chuyển biến như những gì đã xảy ra ở Fukushima.

RT: Đối mặt với những khiếm khuyết trên, ông nghĩ chúng ta nên làm gì?

SL: Đầu tiên, nên tìm cách xử lý khẩn cấp với sự trợ giúp từ quốc tế hoặc các chuyên gia độc lập để xem ý kiến của họ về lò phản ứng EPR. Biện pháp này cũng không hoàn toàn khả thi bởi vì các chuyên gia là người thuộc ngành công nghiệp hạt nhân.

Theo tôi, biện pháp đơn giản nhất là chính quyền chỉ cần mạnh dạn ra quyết định không cho sử dụng loại lò phản ứng này nữa bởi vì có quá nhiều rủi ro tiểm ẩn. Chúng ta đều biết thảm họa hạt nhân xảy ra ở Fukushima và sự việc tương tự có thể cũng xảy ra ở Pháp. Nhưng cũng không hẳn vì chúng ta đang đứng trước những lựa chọn. Chúng ta có nhiều nhà máy điện hạt nhân.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.