Nóng bỏng tình báo công nghiệp

Thứ Hai, 23/05/2005, 07:53
Việc Yahoo News lập ra một chuyên mục thời sự “Spyware” (nhu liệu gián điệp) ngay trong những ngày đầu năm 2005 đã cho thấy an ninh mạng thật sự trở thành một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay.

Dịch chôm chỉa thông tin trong ngành công nghiệp sản xuất chip đã xuất hiện từ lâu. ít người biết rằng nhiều hãng chip lừng danh đã không hề sản xuất sản phẩm của họ trong những nhà máy hiện đại như hình dung.

Để tránh nạn trộm thông tin công nghệ, nhiều hãng điện tử nổi tiếng như Intel, Samsung, IBM, Advanced Micro Devices Inc... đều hoạt động trong những nhà máy mini di động (chỉ nhỉnh hơn chiếc xe buýt) gọi là “fab”. Chi phí lập một “fab” tốn chừng 2 tỉ USD, và nếu hoạt động đủ công suất nó có thể tung ra 20.000 con chip/tháng.

TSMC - Công ty bán dẫn Đài Loan, là đại gia trong thị trường chip, cung cấp cho các khách hàng lớn như Sony, Texas Instruments và Philips Semiconductors. 11 fab của TSMC sản xuất hàng trăm triệu chip mỗi năm, chiếm 47% sản lượng chip thế giới. Năm 2003, TSMC thu được 5,9 tỉ USD và lãi 1,3 tỉ USD.

Trong khi đó, đối thủ Công ty quốc tế sản xuất bán dẫn Thượng Hải (SMIC) được thành lập cách đây 5 năm với 4 “fab” ở Thượng Hải và một nhà máy tại thành phố công nghiệp Thiên Tân.

Broadcom Corp, Toshiba và Infineon Technologies là một trong số những khách hàng của SMIC. Cuộc kiện tụng ầm ĩ giữa TSMC và SMIC đã bùng nổ liên tục trong suốt nhiều năm qua.

TSMC gần như gửi đơn kiện SMIC lên tất cả tòa án nằm trong “khu vực tranh chấp” thị phần tại Mỹ. TSMC tin rằng không phải tự nhiên khi một loạt nhân viên của mình bất ngờ bỏ sang SMIC, đúng ngay thời điểm TSMC chuẩn bị tung ra chip siêu mỏng (180 nanometer - mỏng hơn sợi tóc 700 lần); và cũng không bình thường khi xảy ra cơn sốt photo tài liệu tại một nhà máy TSMC ở Tainan (phía nam Đài Loan).

Có tin nói rằng nhân viên TSMC nào sang SMIC mà mang theo tài liệu mật sẽ được hưởng 50.000 - 80.000 cổ phần SMIC hoặc được ưu đãi chứng khoán.

Đến cơn sốt “Netspionage”

Vụ TSMC - SMIC chỉ là một mảng rất nhỏ trong bức tranh tình báo công nghiệp. Cách đây vài năm, Cơ quan Tình báo Anh MI-5 từng điều tra một nhân viên thuộc Tổng cục Tình báo Pháp (DGSE) khi “bể độ” vụ nhân viên DGSE này đánh cắp bí mật từ ba công ty Anh. Oracle cũng từng dính vào scandal thuê một công ty chuyên “lượm rác” từ Microsoft.

Và “trashint” (trash intelligence - tình báo rác) chỉ là một trong vô số kỹ thuật trong tình báo công nghiệp hiện đại. 500 công ty Mỹ có mặt trong danh sách xếp hạng của Tạp chí Fortune đã thiệt hại trung bình 200 tỉ USD/năm do bị thất thoát thông tin mật.

Chủ tịch Hãng An ninh tư nhân PeXis Corp (nguyên chánh văn phòng CIA tại châu Âu), ông Darryl Thibault cho biết Internet đã trở thành “địa bàn” hoạt động náo nhiệt của tình báo kinh tế với những lời chào bán bí mật công nghiệp một cách công khai, mà hầu hết đều được đánh cắp bằng kỹ thuật thâm nhập mạng nội bộ. Đó là cái người ta gọi là “netspionage” (tình báo đột nhập mạng).

Kỹ thuật Steganography, chèn tài liệu sau những bức ảnh.

Ông Bill Hancock (thuộc Hãng Exodus Communication) kể: Được một hãng quốc phòng Pháp (giấu tên) thuê điều tra nguyên nhân tại sao một bản thiết kế bị rò rỉ, Hancock đã mò ra một nhân viên trẻ trong công ty đã đưa dữ liệu bản thiết kế lên trang web công ty và chèn (giấu) đằng sau những bức ảnh quảng cáo về công ty trông hoàn toàn vô hại, bằng kỹ thuật steganography.

Ở bên ngoài, một hacker khác đường hoàng dùng kỹ thuật tương tự “thò tay” lấy bí mật nằm sau những bức ảnh. Hancock chỉ phát hiện được khi nhận thấy kích thước tập tin ảnh bị thay đổi.

Theo Hancock, ngày càng có nhiều cá nhân riêng lẻ đứng ra tìm hacker với hợp đồng vài trăm hoặc vài ngàn đôla nhằm đột nhập mạng nội bộ, bản thân các cá nhân này lại được thuê từ công ty nào đó.

Hãng tin AP của Mỹ tổng kết rằng, một trong những hiểm họa Internet năm 2004 là sự bùng nổ của spyware: thâm nhập máy tính nạn nhân bằng cách tung ra “e-mail phishing”, trong đó chứa một số virus như “Mydoom” có cơ chế “cửa hậu” nhằm bí mật truy xuất thông tin trong ổ cứng mà nạn nhân không hề hay biết

Nhật Anh (theo Voici)
.
.