Nữ CSGT Hà Nội: Đời thường không dễ nói

Thứ Năm, 11/04/2013, 20:20

Chủ trương đưa nữ Cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ phân luồng tại các chốt giao thông trọng điểm của Công an Hà Nội mới thực hiện được 3 tháng nhưng hiệu quả đã được khẳng định. Sự xuất hiện của những nữ CSGT trên đường phố Thủ đô không chỉ góp phần tạo sự thân thiện đối với nhân dân mà còn làm đẹp thêm hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam.

1. Trẻ trung, năng động và không kém phần xinh đẹp, duyên dáng. Những nữ CSGT trong độ tuổi 9X mà tôi đã gặp khiến bất cứ chàng trai nào cũng phải xao xuyến.

Gương mặt thanh tú, phom người chuẩn như một người mẫu, Thượng sĩ  Nguyễn Thị Bảo Yến (23 tuổi) ở Đội CSGT số 2 từng là học sinh thanh lịch Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì. Yến kể mẹ là giáo viên nên định hướng cho con gái theo nghề của mẹ. Nhưng mẹ đâu có biết cô con gái rượu đã ấp ủ ước mơ trở thành cô công an từ những ngày đầu năm học cấp ba, khi đối diện trường học của Yến là trụ sở Công an huyện Ba Vì. Hàng ngày, chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ công an mạnh mẽ trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân đã nuôi ước mơ  được đứng trong hàng ngũ CAND đối với cô học sinh hoa khôi của trường. 

Ngày chuẩn bị thi đại học, nghe Yến trình bày nguyện vọng muốn thi vào trường công an, cả nhà lúc đầu không ai ủng hộ. Mẹ bảo  con gái yểu điệu thục nữ, làm công an vất vả lắm, nhất là sau này có gia đình, mẹ lo không có thời gian chăm sóc chồng con. Thuyết phục mãi rồi mẹ cũng đồng ý. Đến khi Yến trở thành học viên K45 Trường trung cấp CSND I, rồi ra trường, cô gái đã trở thành niềm tự hào của cả gia đình khi ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Yến là chiến sĩ nữ công an duy nhất.

Nữ Thượng sĩ hoa khôi kể, thật may mắn khi thời điểm ra trường của cô đúng dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Yến vinh dự được lựa chọn vào Đội Tuần tra dẫn đoàn, làm nhiệm vụ đưa đón các đoàn khách quốc tế và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công việc khá vất vả, thông thường phải thức đêm để chờ đón, tiễn đoàn ở sân bay. Ngày diễn ra Đại lễ cũng là ngày thức trắng. 12 giờ đêm chị em dậy trang điểm thật đẹp để 3 giờ sáng có mặt tại Phủ Chủ tịch làm nhiệm vụ sắp xếp, hướng dẫn xe vào vị trí. Buổi tối lại ra sân vận động Mỹ Đình làm nhiệm vụ bảo vệ bắn pháo hoa. Mệt nhưng mà vui và tự hào. Bởi những cơ hội như vậy sẽ không bao giờ lặp lại.

Được điều chuyển từ Đội CSGT số 11 từ Láng - Hòa Lạc về Đội CSGT số 2, được về trung tâm Thủ đô, với nhiều người là mơ ước nhưng với Yến trước mắt là rất nhiều khó khăn. Xa nhà, đơn vị lại không có nhà tập thể nên nữ Thượng sĩ phải thuê nhà ở cùng một đồng nghiệp. Từ công việc hành chính trong đơn vị, nay chuyển sang làm nhiệm vụ trên đường phố, dù đã được học trong trường nhưng khi ra thực tế vẫn là bỡ ngỡ.

Yến kể sợ nhất là khi đứng trên bục ở ngã tư Nguyễn Thái Học - Tôn Đức Thắng. Lưu lượng xe qua lại rất đông trong khi diện tích ngã tư lại hẹp nhất. Mỗi lần xe buýt vào cua, thành xe va vào bục xoèn xoẹt. Cảm giác  đứng trên bục mà run. Xong nhiệm vụ, căng thẳng đến nỗi mồ hôi ướt đẫm. Ở ngã năm Daewoo - Nguyễn Chí Thanh, làn xe nhiều và đông. Đứng trên bục nhìn dòng phương tiện ầm ầm lao qua, cảm giác như bị dòng lũ cuốn đi…

Nhìn ra ngoài đường, Bảo Yến chia sẻ nỗi lo lắng rất đỗi con gái: "Mấy hôm nay nắng nóng, bụi đường nên ai nấy về đen nhẻm. Kem chống nắng cũng không lại được. Tối về soi gương thấy mụn bắt đầu lấm tấm trên mặt, thấy xấu đi từng ngày mà lo. Người ta bảo con gái  nhất dáng nhì da mà. Thế nhưng mỗi ngày đứng mấy tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm, mới biết các chiến sĩ nam còn vất vả hơn nhiều".

Ở Đội CSGT số 6, hai nữ trung sĩ Nguyễn Hồng Nhung và Hoàng Thị Hương coi Trung tá Trần Ngọc Quyên - Đội phó  như người cha thứ hai của mình. 30 năm là CSGT dạn dày kinh nghiệm, Trung tá Quyên là người luôn sát cánh bên hai nữ CSGT trẻ để kèm cặp, hướng dẫn khi họ được giao nhiệm vụ phân luồng giao thông tại các  chốt giao thông quan trọng trên cửa ngõ phía tây Thủ đô.

Gặp hai nữ trung sĩ sau giờ làm nhiệm vụ, sau cái vẻ nghiêm trang khi đứng trên bục giao thông là phút hồn nhiên, vô tư và dịu dàng rất đỗi con gái khi họ kể về công việc và cái duyên đưa họ đến với ngành công an.

Hồng Nhung kể, giấc mơ được trở thành chiến sĩ công an của cô bắt nguồn từ bộ phim Cảnh sát hình sự. Ấp ủ có một ngày sẽ được khoác bộ sắc phục CAND đã thành hiện thực khi Nhung trở thành học viên K47, Trường  trung học CSND I. Ra trường, mới chân ướt chân ráo về công tác tại Đội CSGT số 6 thì cô được giao nhiệm vụ đứng bục điều khiển giao thông. Gọi điện thoại thông báo về gia đình. Mẹ băn khoăn bảo từ trước đến nay có thấy nữ CSGT ra đường bao giờ đâu, lỡ không hoàn thành được nhiệm vụ thì sao? Còn bố thì động viên: "Đã là CSGT thì phải ra đường cọ sát thực tế rồi. Công an việc gì cũng phải biết, nhiệm vụ từ trong nhà ra ngoài đường đều phải làm tốt thì mới trở thành một cán bộ công an giỏi được".

Được bố động viên như vậy nhưng trong lòng vẫn không yên. Nhung kể, hôm đầu tiên ra quân trúng vào ngày mưa rét nhất. Đứng trên bục run cầm cập, nhưng không phải vì lạnh mà vì lo lắng không biết có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Đến khi dòng xe trước mặt lao tới, em nói khẽ với chú Quyên: Chú ơi chóng mặt quá, không biết con có trụ được không? Chú bảo con cứ bình tĩnh, khi nào thấy hoa mắt thì hít thật sâu rồi thở ra. Có chú ở bên cạnh rồi, không lo".

Khác với vẻ yểu điệu thục nữ của Hồng Nhung, Trung sĩ Hoàng Thị Hương có vẻ đẹp khỏe khoắn, rắn rỏi của "con nhà võ". Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, ban đầu Hương dự định sẽ trở thành một vận động viên thể thao bởi cô từng đoạt giải thi đấu cầu lông trong thời gian học phổ thông. Thế rồi cái duyên lại dẫn cô đến với lực lượng công an và trở thành bạn cùng lớp với Hồng Nhung.

Hương tâm sự, từ ngày bước vào ngành công an đã rèn cho cô cách sống tự lập, mạnh mẽ. Những tiết học võ thuật ngày nào trong trường đã  giúp cô có được tinh thần dũng cảm, nhanh nhạy khi xử lý các tình huống thực tế. Bởi dẫu ở trường đã được học các tình huống giả định nhưng đó chỉ là lý thuyết. Khi ra thực tế mới thấy muôn vàn tình huống… không có trong sách. Ví như một lần Hương đang đứng trên bục giao thông thì hai xe máy chẳng hiểu loạng quạng thế nào va vào nhau. Cả người và xe ngã văng trước mặt cô. Nếu chờ đồng nghiệp nam từ bên kia đường sang giải quyết sẽ lâu hơn. Vậy là Hương chủ động bước xuống bục, đỡ người phụ nữ bị ngã dậy dìu vào lề đường rồi tiếp tục  đưa xe máy  vào cùng. Việc giải quyết linh hoạt của Hương đã được chỉ huy đội khen ngợi.

Một tình huống không có trong sách khác. Vào dịp 8-3, đang mải mê phân luồng giao thông thì một chàng trai không hiểu vì mến mộ hay muốn… thử tài ứng xử của nữ CSGT trẻ, ôm một bó hoa hồng đỏ thắm tới tặng. Không nhận cũng không được, mà nhận xong thì tay đâu mà điều khiển giao thông bây giờ. Rất may Đội phó Trần Ngọc Quyên từ phía bên kia đường đã tới hỗ trợ. Nhận hoa và cảm ơn chàng trai xong, Hương chuyển bó hoa cho chú Quyên mang giúp ra xe.

Trung sĩ Nguyễn Thị Kim Anh (21 tuổi), cán bộ Đội CSGT số 7 thì chưa hết "bức xúc" vì cô chính là "nạn nhân"  thông tin nữ CSGT bị sàm sỡ gây "sốc" của một tờ báo mạng vào thời điểm những ngày đầu ra quân.  Kim Anh kể chiều 24/1,  cô nhận nhiệm vụ điều khiển giao thông  tại nút ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Tối về nhà, cô hết sức bất ngờ khi dồn dập nhận được điện thoại, tin nhắn trên Facebook hỏi thăm việc bị hai thanh niên sàm sỡ trên đường. "Mặc dù em khẳng định chính em đứng ở chốt hôm đó và không hề xảy ra chuyện gì, có chăng chỉ một vài thanh niên buông câu bông đùa thôi. Người nhà, người thân thì tin nhưng bạn bè vẫn bán tín bán nghi chị ạ. Nhân đây em xin khẳng định lại lần nữa là không có chuyện đó. Ngay cả những người trêu đùa, em nghĩ rằng cũng chỉ xuất phát từ tình cảm yêu mến của họ dành cho nữ CSGT mà thôi".

Các nữ CSGT Thủ đô đang góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND.

2. Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân, Đội CSGT số 1 là người lớn tuổi nhất và cũng là người duy nhất có con nhỏ trong số nữ CSGT làm nhiệm vụ phân luồng tại các nút giao thông Hà Nội. Bận rộn công việc gia đình là thế nhưng bà mẹ hai con này khiến ngay cả các đồng nghiệp nam cũng phải khâm phục bởi chị lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chỉ cần nghe kể về gia đình đủ các thế hệ "tứ đại đồng đường" mà Cẩm Vân đang làm dâu, dù chưa gặp bố mẹ chồng của Vân nhưng tôi đồ rằng hẳn các cụ rất hài lòng khi kén được cô con dâu đẹp người, đẹp nết như chị. Dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà xong xuôi, Vân lên đường đến đơn vị khi hai con nhỏ vẫn đang say giấc. Nhà cách đơn vị hơn chục cây số nhưng bao giờ Trung úy Vân cũng có mặt tại chốt trước 7 giờ.

Thời gian đầu, số chiến sĩ nữ đủ để phân công luân phiên đứng chốt. Nhưng qua 3 tháng, có người lập gia đình, người đi học, người thì bầu bí. Hiện giờ Đội CSGT số 1 chỉ còn 3 nữ CSGT đảm đương nhiệm vụ phân luồng giao thông tại 3 chốt. Coi như ngày nào cũng đứng chốt. Rời nhà từ 5 giờ sáng và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn, Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân bảo thật may mắn khi chị nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ từ gia đình nhà chồng trong chăm sóc con cái. Nhất là người bạn đời đang công tác tại Đội CSHS Công an quận Long Biên.

Trải qua 3 tháng từ khi làm nhiệm vụ trên đường phố, cảm nhận chung của các nữ CSGT là thái độ ngày càng thân thiện của người dân đối với lực lượng CSGT. Theo các nữ chiến sĩ CSGT thì ý thức của người tham gia giao thông ngày càng tiến bộ.

Bác Phạm Gia Vĩnh, ở ngõ Toàn Thắng, Khâm Thiên, Hà Nội nhận xét, hình ảnh các nữ CSGT dịu dàng trên đường phố dường như đã tác động rất tích cực tới người tham gia giao thông. Mọi căng thẳng của người tham gia giao thông như được giải tỏa bớt. Hơn nữa thấy phụ nữ dầm mưa dãi nắng trên đường, người dân chúng tôi cũng có cái nhìn thiện cảm hơn đối với lực lượng CSGT.

Những ngày căng thẳng rồi cũng qua. Khi đã quen việc, có thời gian quan sát người đi đường nhiều hơn, các nữ CSGT rất vui khi nhận ra trên dòng người qua lại, có rất nhiều người yên mến họ. Với Hồng Nhung, đó là  một lần chiếc xe ôtô chở các em học sinh cấp một đi qua ngã tư Trần Thái Tông - Xuân Thủy. Ngang qua bục, cô hết sức bất ngờ khi các em học sinh tranh nhau mở cửa kính, giơ tay ra vẫy chào: "Cháu chào cô công an ạ". Đến giờ nhớ lại, cảm giác  vẫn lâng lâng khó tả.

Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân kể, tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, có một cụ ông trên 70 tuổi ra tận chốt động viên. Cụ bảo hơn 30 năm rồi, cụ mới thấy lại hình ảnh của nữ CSGT trên đường phố rồi khen "Thật là đẹp!".  Có hôm, cụ bất ngờ xuất hiện phía sau nhắc: "Con ơi, chỉnh áo lại đi", hôm thì hỏi: "Con đã ăn sáng chưa?". Những lời thăm hỏi của cụ như một món quà tinh thần vô giá giúp chị và đồng đội quên hết mỏi mệt

H.Vũ (huongvu.cand@gmail.com)
.
.