Nữ cảnh sát Iraq lên tiếng chống lại sự phân biệt đối xử

Thứ Hai, 28/06/2010, 21:35
Nhiều phụ nữ phục vụ trong lực lượng cảnh sát Iraq than phiền về tình trạng phân biệt đối xử trong bổ nhiệm công tác và thậm chí sự ngược đãi của đồng nghiệp nam.

Rula Waleed Abdel-Kader, nữ sĩ quan cảnh sát ở thủ đô Baghdad của Iraq, nói: "Phụ nữ chúng tôi luôn bị đặt ngoài rìa xã hội ở Iraq và bất chấp nỗ lực của hàng chục nhà hoạt động xã hội nhằm thay đổi vấn đề này, đến cuối ngày mọi thứ đều trở lại như cũ. Chúng tôi luôn đứng ở vị trí thua kém và tầm thường so với đồng nghiệp nam giới, mặc dù chúng tôi đều sử dụng súng thành thạo và vượt qua mọi chương trình huấn luyện cũng như các yêu cầu như bất cứ nam cảnh sát nào".

Chưa có con số chính thức về những phụ nữ phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Iraq hiện nay, nhưng người ta ước tính là hơn 2.000 người. Nữ sĩ quan cảnh sát được huấn luyện trong môi trường riêng biệt với nam giới, song vẫn học cùng một chương trình như nhau: cách đối phó với đám đông bạo loạn, cách tháo ráp súng, kiểm soát và tìm kiếm vũ khí v.v...

Hala Abdel-Lattef, nữ sĩ quan cảnh sát làm việc trong trạm kiểm soát của một tòa nhà chính quyền, nói: "Không có chỗ cho chúng tôi ngủ lại bên trong học viện hay đồn cảnh sát, do đó chúng tôi khó mà có mặt đúng giờ học hay làm việc. Nếu được sử dụng súng có lẽ phụ nữ chúng tôi sẽ cảm thấy được bảo vệ. Cho dù được cử đến làm việc tại các khoa quan trọng như  điều tra pháp y, chúng tôi vẫn phải thường xuyên di chuyển từ nhà đến nơi làm việc với bao nhiêu nguy hiểm luôn rình rập trên đường".

Mayada Zuhair, một nhà hoạt động xã hội nữ nói, nữ cảnh sát Iraq chỉ được phép mang súng nếu trạm kiểm soát nơi họ làm việc cho phép điều đó. Zuhair nói: "Theo điều tra của tôi, chỉ có 3 đồn cảnh sát trên khắp Iraq cho phép một nửa cảnh sát mang súng. Hàng ngày nữ cảnh sát luôn phải làm việc trong những vị trí và tình huống nguy hiểm mà lại không được phép mang súng để tự vệ. Nếu đây không là sự phân biệt đối xử thì gọi là gì?".

Haydar Abdel-Jaffer, nam sĩ quan cảnh sát làm việc trong một trạm kiểm soát của Bộ Y tế Iraq, không che giấu định kiến: "Nếu có điều gì đó mới mẻ ở Iraq thì chúng tôi không thể quen với điều đó. Phụ nữ yếu ớt hơn và chúng tôi không thể nhìn nhận họ có được những khả năng như cánh nam giới chúng tôi. Nếu họ trong quân đội hay lực lượng cảnh sát, họ phải làm việc hành chính trong văn phòng chớ không phải trong vị trí của chúng tôi".

Zuhair lên án: "Nếu xuất thân từ một giáo phái khác, nữ cảnh sát này sẽ phải luôn sống trong tình cảnh không được bảo vệ và chỉ được công tác ở vị trí tầm thường trong lực lượng và có nguy cơ phài làm việc trong những trạm kiểm soát thường bị bọn Hồi giáo cực đoan tấn công. Tháng nào cũng có ít nhất một nữ cảnh sát tìm đến văn phòng của tôi ở Vùng Xanh để nhờ hỗ trợ và chúng tôi giúp can thiệp chuyển nơi công tác cho cô ấy để được an toàn giữa những đồng nghiệp xuất thân từ cùng một giáo phái".

Tuy nhiên, Trung tá Ali Hassan Gandour, nam sĩ quan làm việc tại Bộ Nội vụ Iraq, phủ nhận bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đối với nữ cảnh sát. Ông nói: "Phụ nữ luôn được hoan nghênh gia nhập quân đội và cảnh sát Iraq. Tôi không tin có sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày của họ". Tuy vậy, Gandour cũng thừa nhận có chuyện phụ nữ bị coi là không có đủ khả năng đảm nhận những vị trí quan trọng trong lực lượng cảnh sát và quân đội

T.T.P. (theo Islam News)
.
.