Nữ cảnh sát đặc nhiệm ở Ấn Độ

Thứ Hai, 08/08/2005, 07:14

Ấn Độ - đất nước vẫn nặng tư tưởng bảo thủ và bất bình đẳng với phụ nữ thì lại có một hiện tượng xã hội đặc biệt - một đại đội cảnh sát đặc nhiệm toàn nữ được huấn luyện để chống lại tội phạm.

Phụ nữ Ấn Độ được bổ nhiệm vào lực lượng cảnh sát lần đầu tiên vào năm 1973 nhưng lúc đó phần lớn trong số họ bị hạn chế bởi những công việc văn phòng. Năm 1992, họ được phép tham gia vào lực lượng bảo vệ nhưng chỉ bó hẹp trong những công việc phục vụ và hỗ trợ. Trong lịch sử Ấn Độ cũng có những nữ chiến binh như Rani Lakshmilbai, người đã chiến đấu với quân đội Anh trong trận nổi loạn Sepoy, cuộc chiến đấu vì tự do đầu tiên của Ấn Độ.

Ngày nay, những phụ nữ Ấn Độ tài ba, kiệt xuất lại đổ về phía nam, tiểu bang Tamil Nadu, nơi tọa lạc doanh trại của Đội quân số 5 của lực lượng đặc nhiệm Tamil Nadu: đội quân đầu tiên của thế giới toàn nữ.

Tamil Nadu từ trước đến nay vốn rất coi trọng phụ nữ, nơi đó đã bầu cử thống đốc nữ đầu tiên. Nơi này rất tự hào về trường đại học đầu tiên dành cho nữ giới, trường đào tạo nữ kỹ sư đầu tiên, đội đặc công nữ đầu tiên và bây giờ là đại đội cảnh sát đặc nhiệm nữ đầu tiên.

Ý tưởng cho ra đời “Trại cảnh sát toàn nữ” (All Women Police Station - AWPS) này là đứa con tinh thần của Thống đốc nữ đầu tiên, bà J.Jjayalatitha, người thành lập AWPS đầu tiên vào năm 1992. Theo bà, vì phụ nữ chiếm hơn phân nửa dân số nên những vấn đề của họ có thể được giải quyết tốt hơn.

Mỗi trại AWPS có 15 nữ sĩ quan và tập trung truy bắt những tội phạm nhằm vào phụ nữ. Ngày nay, có 188 trại AWPS, và ở mỗi quận của tiểu bang Tamil Nadu đều có 1 trại cùng với 2 đường dây nóng trợ giúp miễn phí – đối tượng là phụ nữ và trẻ em túng quẫn, khốn cùng hoặc bị bạo hành. Qua đó những lời thỉnh cầu nặc danh cũng được xem xét và điều tra ưu tiên như những cuộc gọi cầu cứu thông thường. Kết quả là tăng  23% trong việc giải quyết những tội phạm nhắm vào phụ nữ, trẻ em và tỉ lệ bị kết án cũng cao hơn. Vài tiểu bang khác cũng đã bắt đầu thành lập tổ chức AWPS.

Vào năm 2002, 50 phụ nữ tuổi từ 21 đến 35 trong lực lượng cảnh sát đặc biệt Tamil Nadu khát khao được trải qua đợt huấn luyện biệt kích. Yêu cầu của họ được chấp nhận, 21 người được lên danh sách và đã trải qua khóa huấn luyện gian khổ kéo dài 12 tuần. “Thừa thắng xông lên”, thêm 120 nữ cảnh sát được huấn luyện, thành lập đại đội biệt kích nữ đầu tiên. Năm 2004, đội thứ hai ra đời và cả  2 đều là một phần của lực lượng cảnh sát nữ đặc nhiệm gồm 1.000 phụ nữ tinh nhuệ. Chương trình tuyển dụng và đào đạo vẫn đang tiếp diễn.

Kalpana Nayak, sĩ quan chỉ huy lực lượng cho biết: “Nữ cảnh sát cũng năng động và thích hợp ngang bằng với nam giới trong cùng vị trí. Trước khi chương trình này ra đời, tỉ lệ  nam - nữ cảnh sát là 42 “chọi” 1, còn bây giờ là 12 “chọi” 1.

Phần lớn nữ cảnh sát đến từ vùng ngoại ô và rèn luyện đặc công là một thế giới hoàn toàn mới mẻ đối với họ. Manimozhi, 29 tuổi, đến từ quận Tiruvarua cho biết: “Tôi gia nhập lực lượng cảnh sát theo ước nguyện của ba tôi. Tôi luôn được dạy bảo những gì mà phụ nữ có thể và không thể làm. Chính công việc cảnh sát này đã cho tôi một sự tự chủ to lớn. Giờ đây tôi đã nhận thức được sức mạnh tiềm ẩn của phụ nữ và họ có thể đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào”.

Thực ra, cũng có sự thúc đẩy về kinh tế, S. Vlarmathi,  28 tuổi, đến từ một ngôi làng ở quận Tirunelveli thừa nhận: Trở thành lính đặc nhiệm có nghĩa là mức lương được tăng, gần gấp đôi so với khi tôi làm việc như một cảnh sát bình thường. Điều này đã giúp gia đình tôi rất nhiều”.

A. Jansi, một lính đặc nhiệm 21 tuổi từ quận Trichy nói: “Khóa huấn luyện tuy khá cam go, vất vả nhưng khi tôi đã vượt qua thì cảm giác còn trên cả tuyệt vời”. Được biết, cô A.Jansi đã đoạt huy chương vàng trong cuộc thi bắn súng năm  2004 dành cho cảnh sát tiểu bang, đánh bại các đồng nghiệp và nam cảnh sát khác.

Ngoài sự rèn luyện thể chất, cứu hỏa và võ thuật, nữ đặc nhiệm còn được học cưỡi ngựa, lái xe, bơi lội, chạy trên cát, đánh tay không giáp lá cà, chèo thuyền, điều khiển thuyền buồm, đi thăng bằng trên tường và leo núi đá. Họ được huấn luyện chuyên về sử dụng súng AK – 47s, các loại súng máy, đặt và phá bom cũng như đối phó với những tình huống bắt cóc con tin.

Khóa học lý thuyết bao gồm những chủ đề như tâm lý học, chủ nghĩa khủng bố và sách lược du kích; những chương trình nhạy cảm về giới tính cũng được nhấn mạnh cộng với những kỹ thuật điều tra và tư vấn. Khóa huấn luyện kết thúc bằng một cuộc chạy đua dài  3 ngày với tổng cộng chiều dài là 440 dặm và không ngủ trong suốt  72 tiếng.

Thật không còn nghi ngờ gì nữa, đội cảnh sát nữ đặc nhiệm này là một minh chứng hùng hồn khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội – có thể bình đẳng với nam giới. Họ có đầy đủ năng lực, trí tuệ và thể chất để đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc những việc mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Ngoài ra, chính đội quân này cũng đã tạo cho người phụ nữ quyền hạn và sức mạnh giúp họ phát huy tối đa khả năng và đạt được vị trí cũng như sự thăng tiến trong việc lèo lái “con tàu chính trị”.

Với hơn phân nửa dân số địa cầu là nữ giới, phụ nữ Tamil tin rằng đều có thể học cách bảo vệ an ninh và có tiếng nói đáng kể trong chính trường

Nguyễn Hồng Cẩm Tú (Theo Internet)
.
.