Nữ sinh đánh nhau, cả xã hội giật mình!

Thứ Tư, 24/03/2010, 16:35
Cuối cùng thì các nữ sinh tham gia trong đoạn clip đánh nhau ở Hà Nội cũng được Cơ quan Công an xác minh danh tính, vụ việc cũng đã được báo chí cập nhật rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều thật sự bất ngờ là các nữ sinh ấy, đánh nhau chỉ vì một cái giẫm chân có thể là vô tình trong giờ ra chơi. Sau đó, lên diễn đàn trên trang web của nhà trường đốp chát với nhau vài câu và cuối cùng, nữ sinh "có số" hơn đã quyết định "dạy cho con nhỏ đó một bài học vì cái tội bố láo"(!).

Một sự cố đơn giản đã được các nữ sinh chuyển thể thành một kịch bản nghiêm trọng đến mức khiến cả xã hội giật mình nhìn lại.

1. Khởi xướng cho “phong trào” nữ sinh đánh nhau, quay video clip và tung lên mạng là bắt đầu từ giữa năm 2008. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ đây là những trường hợp cá biệt, nhưng rồi sau đó, tần số xuất hiện của các video clip này nhiều đến mức... người ta đã thôi không quan tâm về nó nữa. Thi thoảng, lại có một vài trí thức phát biểu về những chuyện này như: "Nữ sinh đánh nhau là cái tát vào mặt người lớn", vậy rồi thôi. Mọi chuyện đâu lại vào đó, cho đến tận tháng 3/2010.

Xem đi xem lại đoạn clip trên hàng chục lần, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao các nữ sinh ở thời điểm hiện tại có thể hành xử với nhau theo kiểu vô văn hóa đến thế. Bởi đó là hành động của đám lưu manh côn đồ, chứ không phải là của những cô bé đang còn cắp sách đến trường. Không chỉ nữ sinh THPT mới dàn trận hành hung, quay phim rồi chuyển lên mạng Internet, những nữ sinh đang học THCS cũng đã bắt đầu có kinh nghiệm quay phim ở những trận đòn thù.

Tháng 1/2010, trong giờ Giáo dục công dân, giáo viên ở Trường THCS Chu Văn An, quận 11, TP HCM phát hiện một nhóm các nữ sinh đang sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Theo quy định của nhà trường, học sinh không được mang ĐTDĐ vào lớp, nên giáo viên bộ môn đã thu toàn bộ số di động của các nữ sinh trên. Không hiểu bằng cách nào, giáo viên đã phát hiện trong bộ nhớ của những chiếc ĐTDĐ này đều có chứa một đoạn phim ghi lại cảnh hành hung giữa một nhóm nữ sinh với nữ sinh có tên là Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) hiện đang là học sinh lớp 7/5 của trường. Một cuộc điều tra nội bộ trong phạm vi nhà trường nhanh chóng được mở ra.

Kết thúc cuộc "điều tra nội bộ", Hiệu trưởng của nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật dự tính là sẽ cảnh cáo trước toàn trường và hạ một bậc hạnh kiểm đối với những nữ sinh tham gia vào vụ hành hung bạn. Dự tính kỷ luật này ngay lập tức tạo nên những phản ứng trái chiều trong giới phụ huynh học sinh có con em theo học tại Trường THCS Chu Văn An.

Điều bất ngờ là theo giám thị của nhà trường, tất cả những nữ sinh tham gia đánh bạn, kể cả nữ sinh là nạn nhân đều là những học sinh ngoan, hiền lành. Có thể là suy đoán, nhưng biết đâu những nữ sinh ấy, chỉ là các cô bé cố gắng sống theo trào lưu để khẳng định... đẳng cấp của mình.

Sự tác động của hàng loạt các video clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau như là một thứ model đáng lo ngại, và hẳn nhiên, ở lứa tuổi mà theo Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn trong lần trao đổi với PV Chuyên đề ANTG là "thích chứng tỏ mình", thì chuyện gì lại không thể xảy ra. Còn nhớ, khi cầu thủ bóng đá L.C.V. cùng người yêu là ca sĩ T.T. rủ nhau cởi trần để chụp ảnh ngày hôm trước, thì ngay ngày hôm sau, trên các trang web dành cho lứa tuổi teen đã xuất hiện những câu bình luận kiểu như: "Trùi ui, nhìn anh V. với chị T. thik wé nà... sexy wé nà... fải kiu anh iu đi làm một kỉu như zậy mới được" (Trời ơi, nhìn anh V. với chị T. thích quá nè. Sexy quá nè... Phải kêu anh yêu đi làm một kiểu như vậy mới được - PV). Và vài hôm sau, trên các blog đã xuất hiện hình ảnh của những cô cậu nhóc với khuôn mặt búng ra sữa đang uốn éo, cởi trần tạo dáng để... chụp ảnh(!).

2. Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Hồng Hạnh - GĐ Công ty Truyền thông - Tư vấn và Đào tạo Ý tưởng Việt, một trong những công ty hiếm hoi có công tác đào tạo về tư vấn tâm lý khi trao đổi với tôi về vấn nạn "nữ sinh hành hung bạn rồi quay clip khoe chiến công" cũng tỏ ra rất băn khoăn.

Trả lời câu hỏi, có thể nhận định, việc quay clip khi hành hung bạn một cách tàn nhẫn của các nữ sinh đã biến chuyển từ hành động cá biệt sang trào lưu không. Chuyên viên tư vấn tâm lý này cho biết, những clip có nội dung bạo lực do một nhóm nữ sinh đánh bạn tập thể không phải là hiếm và trường hợp cá biệt, vì chúng ta không khó để tìm kiếm, tải về hoặc xem trực tiếp ngay trên mạng Internet.

Giới trẻ xem những clip ấy và luôn có các bình luận trái chiều ngay trên đoạn phim mình vừa xem. Điều đó cho thấy họ rất quan tâm, chú ý đến những vụ việc sốc và nóng như vậy. Bình luận của giới trẻ về các clip này, có ý kiến xót thương, bất đồng; có ý kiến tán thưởng, có ý kiến quan tâm nhưng tựu trung lại số lượng bình luận lại rất cao... đủ để những kẻ quay và tung clip lên hả hê, thỏa mãn.

Điều đáng ngạc nhiên là, số lượng người bình luận cho những clip bạo lực ấy ngày càng nhiều nhưng số lượng người "nói không với clip" bạo lực ngày càng hiếm. Lâu dần, khi giới trẻ được xem nhiều thì vấn đề đó cũng trở nên... bình thường thôi.

Tại sao các cơ quan chức năng không gỡ bỏ ngay và có biện pháp cấm các clip này khi chúng chuẩn bị hoặc vừa được đăng tải trên Internet thay vì để nó có cơ hội biến thành một đề tài xã hội. Khi đã thành đề tài được dư luận quan tâm, chắc chắn những kẻ tung clip đã đạt được mục đích của mình. Chính vì vậy, hành động xấu này sao lại không có khả năng trở thành trào lưu(?!).

Với câu hỏi, giới trẻ thì thấy bình thường và vô cảm trước những clip bạo lực này, trong khi người lớn lại giật mình. Nguyên nhân bắt đầu từ đâu, giáo dục gia đình hay những định hướng hành vi đạo đức từ những giờ học đạo đức lẫn lối sống gia đình đã không thể phát huy tác dụng?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói, nhân cách của một con người được hình thành đầu tiên từ nền móng giáo dục gia đình, sau đó là sự thể nghiệm trong môi trường, giáo dục và tự giáo dục. Chúng ta dạy cho trẻ làm thế nào để phấn đấu học giỏi nhất lớp, làm thế nào để được khẳng định bản thân, làm thế nào để trở thành người nổi trội. Nhưng chúng ta ít quan tâm để dạy trẻ tình yêu thương đối với những người xung quanh, sự quan tâm, giúp đỡ người khác hơn là cứ chăm chăm bảo toàn cho lợi ích bản thân mình.

Trong hệ thống giá trị nhân cách thì giá trị hướng về cộng đồng dường như không được xem trọng từ chính suy nghĩ của cha mẹ, thầy cô và nhóm bạn bè bên ngoài trẻ; các phương tiện truyền thông cũng góp phần không nhỏ, chương trình truyền hình, game show, phim ảnh cũng hướng đến khẳng định giá trị cá nhân nhiều hơn. Trái tim không được rung động bởi tình cảm yêu thương thì làm sao mã hóa được cảm xúc. Trách trẻ vô cảm một phần, trách người lớn chúng ta vô tâm và vị kỷ cá nhân trăm phần. "Gieo cây lành, gặt quả ngọt" là quy luật muôn đời.

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, khi trao đổi với báo chí xung quanh chuyện clip nữ sinh đánh nhau cho biết. Với các bậc phụ huynh, hẳn khi thấy con mình là "chủ" của những hành vi phản cảm sẽ không thể nào không suy nghĩ, bức xúc. Trong trường hợp này, phụ huynh cũng cần bình tĩnh nhìn nhận lại mình đã giáo dục con cái thế nào: nuông chiều con quá mức? Hay bỏ mặc con? Rõ ràng, gia đình cũng phải chịu nhiều trách nhiệm trong những hành động bạo lực ấy của các nữ sinh.

Cảnh bạo lực của nữ sinh.

3. Trên một trang web nổi tiếng dành cho lứa tuổi 9X, ngoài những hình ảnh khiêu dâm, những bài viết nặng tính tình dục hơn là thông tin, những câu chuyện câu khách rẻ tiền... là hàng loạt những video clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau với những lời bình luận hết sức thô thiển và vô văn hóa mà tôi không thể nêu ra trên mặt báo được. Thú thật, cho đến giờ tôi vẫn không thể hiểu vì sao kiểu trang web như hot.9xinh lại có thể mặc nhiên tồn tại được (?!).

Trang web video.zing..., trang web do một công ty chuyên kinh doanh game online làm chủ cho đăng tải những đoạn clip rợn người về nữ sinh đánh nhau.

Một clip từ trang web trên cho thấy cảnh hành hung bạn của một nữ sinh, mà nghe giọng nói, nhìn quần áo có thể nhận ra nữ sinh này đang theo học tại một trường THCS ở TP HCM. Cuộc chiến diễn ra ngay tại lớp học, nữ sinh túm tóc bạn cùng lớp, vật xuống nền nhà và ra sức... đập mạnh đầu của "nạn nhân" xuống sàn nhà. Sau màn đập đầu ấy, là cảnh nữ sinh này túm tóc, lôi nạn nhân xềnh xệch trên sàn, nhìn thật khủng khiếp. Kèm theo những cú đập, là tiếng chửi thề chát chúa. Hàng loạt máy di động được các học sinh trong lớp chìa ra để quay lại cảnh tượng ấy, tuyệt nhiên không có ai can thiệp. Mãi một lúc sau, mời nghe giọng của một nam sinh la lên "Thôi đủ rồi, đủ rồi". Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn còn tiếp diễn thêm một hồi nữa.

Tham gia trao đổi xung quanh chuyện nữ sinh đánh nhau quay clip trên một tờ nhật báo, có ý kiến mà có lẽ là của một phụ huynh học sinh rất đáng để được lưu tâm. Xin trích lại nguyên ý kiến này như là tư liệu để các nhà quản lý giáo dục tham khảo: "Cần tạo điều kiện để các em hình thành nhân cách tốt. Ai cũng biết ngày nay đa số học sinh ở trường, ở lớp còn nhiều hơn thời gian ở nhà: học chính, học thêm, rồi tham gia các lớp kỹ năng ở các trung tâm. Nhà trường nên dành nhiều tiết học hay các hoạt động ngoại khóa của yêu thương bằng xem phim, đọc sách báo về những tấm gương tốt của các bạn cùng trang lứa. Hoặc đến các trung tâm trẻ em khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ hay những cụ già neo đơn... để các em cảm thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều. Những tiết đi thực tế như vậy sẽ thiết thực hơn những bài giảng đạo đức hay giáo dục công dân có trong sách".

Rõ ràng, chúng ta biết hành động bạo lực giữa nữ sinh với nữ sinh là điều rất đau lòng. Càng đau lòng hơn, khi các nữ sinh ấy đã xem việc đấm đá như một cách hành xử quen thuộc. Rất nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý, các nhà xã hội học... đều kiến nghị chuyện dạy các em biết cách yêu thương. Dẫu vậy, đã cấp thiết lắm rồi chuyện "xắn tay áo vào làm" hơn là ngồi để mong một phép mầu nào đó giúp các em bỗng dưng có thể yêu thương người khác(!)

Kinh Hữu
.
.