Nữ vận động viên cử tạ ngồi xe lăn bán vé số

Thứ Bảy, 06/07/2013, 18:35

Là vận động viên đạt nhiều giải quốc gia, quốc tế, nhưng hàng ngày, chị vẫn phải bươn chải với cuộc sống bằng nghề bán vé số trên xe lăn. Có lẽ, niềm an ủi cuộc đời của chị là sự động viên hết mình từ người chồng khỏe mạnh, khôi ngô và đứa con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Chị không chỉ là một tấm gương về sự vươn lên trong cuộc sống mà còn truyền nghị lực sống cho những người bất hạnh.

Nhà vô địch bất đắc dĩ

Đôi chân teo tóp, lách khỏi chiếc xe lăn, chị khó nhọc lê từng bước vào phòng tập hướng đến dàn tạ. Rồi chị nằm xuống băng ghế, gồng hết sức mình nâng hai quả tạ sắt nặng nề. Hình ảnh này tuy lặp đi lặp lại hàng ngày ở Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình (Tp HCM) nhưng với người lần đầu được chứng kiến thì không khỏi xốn xang chạnh lòng. Tôi càng ngỡ ngàng hơn khi biết rằng, người phụ nữ tật nguyền đó đã không ít lần đoạt huy chương vàng cả trên đấu trường trong nước lẫn quốc tế...

Giữa giờ giải lao, giữa ngổn ngang những đòn sắt, đĩa tạ đen trùi trũi, chị Hồng lau vội dòng mồ hôi và dần dần kéo quá khứ, vẽ lại cuộc đời của mình. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Lúc chào đời, chị cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi lên 4 tuổi, chị bị sốt, người thân cứ nghĩ bệnh bình thường, theo thói quen nên ra quầy thuốc để mua thuốc về chữa trị. Tuy nhiên, càng uống thuốc, bệnh càng nặng.

Khi sức lực của cô bé Hồng kiệt quệ, thở không ra hơi, cha mẹ mới cuống quýt gom góp tiền đưa con mình vào bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu: “Cháu bị sốt bại liệt quá nặng, chúng tôi chỉ có thể giữ mạng sống, nhưng đôi chân thì không thể”. Hơn một tháng nằm trong bệnh viện, cô bé Hồng cảm nhận rõ rệt đôi chân ngày từng ngày cứ như không còn thuộc về thân thể của mình. Nhiều lúc, muốn nhổm dậy để đi, bàn chân chạm đất nhưng đôi cẳng chân teo tóp không thể đỡ nổi thân thể khiến cô bé ngã nhào. Nước mắt cứ thế tuôn trào trên khuôn mặt non nớt. Xuất viện, bé Hồng phải chôn chặt thân mình trên chiếc xe lăn nặng nề.

Thời gian trôi qua, chị dần quen với cuộc sống thiếu đôi chân. Chị ngẫm: “Trên đời này có hàng triệu người khuyết tật vẫn sống tốt thì tại sao mình không thể?”. Từ đó, chị cố bỏ ngoài tai những lời bóng gió, chai lòng trước những ánh nhìn thương hại. 15 tuổi, chị xin cha mẹ mở một quán nước ven quốc lộ để tự mưu sinh. Người thân bất ngờ, dùng hết mọi lời lẽ khuyên nhủ vì ái ngại. Chị tự tin thuyết phục: “Con không còn đôi chân, không đồng nghĩa với việc con bị tàn phế. Bất kỳ điều gì người khác làm được, con cũng làm được”.

Thế là hàng ngày, chị dậy thật sớm lụi cụi nấu nước, dọn hàng. Thế mà cái quán nước tin hin đó không chỉ nuôi được mình mà chị còn tích cóp được một số tiền nho nhỏ. 18 tuổi, cô chủ quán nước dấn thêm một bước quyết định thay đổi cuộc đời của mình bằng cách xin đi học lớp 1. Mỗi buổi sáng, chị lắc xe hơn 4km đến trường.

Chị bồi hồi nhớ lại: “Thời gian đầu, mấy đứa nhỏ tha hồ chọc ghẹo,  nhiều khi xấu hổ và buồn tủi bật khóc, nhưng lúc đó, niềm khao khát chứng minh mình không phải là đồ thừa nên chỉ chú tâm vào việc học. Và điều bất ngờ, tôi tiếp thu chữ nghĩa khá nhanh, chỉ vài tháng là đã có thể đọc thông viết thạo”.

Chị Hồng cười tươi trong một lần nhận Huy chương Vàng.

Cùng năm đó, trong huyện tổ chức cuộc thi đua xe lăn cho người khuyết tật. Một cán bộ văn hóa xã nhận thấy sức khỏe của chị Hồng tốt nên tự ý đăng ký cho chị. Ngày thi cận kề, anh cán bộ này mới thông báo cho chị biết. Mọi chuyện đã rồi nên chị cũng đi thi. Thật bất ngờ, trong cuộc thi đó, chị đạt Huy chương Vàng. Lên nhận giải, niềm vui hòa lẫn nước mắt với niềm tự hào đã chiến thắng bản thân, nay lại giành Huy chương Vàng và có thể khẳng định, người thường làm được thì mình cũng có thể thành công.

Chừng một tháng sau, chị đoạt tiếp Huy chương Vàng của tỉnh. Thế là chị được cử ra Hà Nội tham gia Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2003. Một lần nữa, nghị lực chiến thắng lại mang cho chị Huy chương Vàng môn xe lăn, xe lắc cự ly 3.000m. Trưa hôm đó, trong lúc giải lao, một chú trong ban huấn luyện ngồi cạnh thấy chị liền bảo: “Xem thể lực của con có thể tham dự môn cử tạ, con cứ thử đi!”.

Ngay chiều hôm đó, chị thử sức với môn cử tạ, nâng được 45 kg và giành Huy chương Bạc. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngay tháng sau, chị được triệu tập tham dự vào Đội tuyển quốc gia dự Asean Para Games môn cử tạ. “Đến bây giờ nhìn lại, tôi vẫn không thể tin nổi, chưa bao giờ được tập luyện mà mình lại giành được nhiều huy chương vàng trong khoảng thời gian ngắn đến thế”, chị Hồng cười tươi chia sẻ.

Tình yêu cổ tích

Trong cuộc trò chuyện với tôi, chị Hồng luôn miệng nhắc đến “chồng tôi” với vẻ trìu mến. Khi được hỏi, chị ngước nhìn về phía xa xăm, nhẹ nhàng: “Từ lúc nhỏ, với khiếm khuyết của đôi chân, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện mình sẽ có chồng. Thế nhưng, ông mai bà mối đã se duyên giữa anh và tôi”. Nhà chị và nhà anh Nguyễn Trọng Vũ cách nhau ba căn. Hồi nhỏ, trong khi chị luôn sợ hãi với những ánh mắt dòm ngó của mọi người thì anh lại thường xuyên sang nhà chơi. Anh đến với chị chỉ để trò chuyện.

Cũng qua những lần tâm sự, anh phát hiện, ẩn bên trong thân thể tật nguyền kia là cả một tâm hồn rực lửa. Chính anh cũng không biết trái tim mình lỗi nhịp từ khi nào. Anh chỉ nhớ, lúc đó, cứ hễ về đến nhà là lại muốn sang nhà hàng xóm để được ngắm, được nghe giọng chị.

Chị Hồng hạnh phúc bên chồng và con trai.

Chị còn nhớ lần anh tỏ tình đầy mộc mạc: “Hình như... anh thích em rồi Hồng ơi!”. Chị xúc động, nhưng chỉ giây lát sau như chợt tỉnh: “Anh là một người bình thường, còn em lại tật nguyền, làm sao sống bên nhau”. Lời từ chối như xát muối vào trái tim của người đàn ông.

Sau lần đó, hai gia đình đều biết và cùng tìm mọi cách ngăn cấm. Cả anh và chị đều biết lý do gia đình ngăn cấm là không sai, bởi, nếu quyết tâm đến với nhau thì hạnh phúc mình gây dựng cũng sẽ rất mong manh. Tình yêu quá lớn, anh bỏ mặc lời khuyên nhủ của gia đình, hàng ngày vẫn sang chăm sóc, chuyện trò cùng chị. Chị hoang mang sợ lý trí sẽ đầu hàng trái tim nên tìm mọi cách trốn tránh. Hơn một năm trôi qua, hai người cứ chơi trò đuổi bắt tình yêu.

Một hôm, nhân lúc nhà vắng người, anh chạy vào buồng cầu khẩn: “Anh yêu em hơn cả mạng sống của mình và anh biết, em cũng hay điều đó. Anh nghĩ, nếu ở lại đây thì cả hai sẽ không vượt qua được rào cản gia đình. Thôi thì, hai đứa hãy trốn đi”. Trái tim chị nghẹn ứ, phân vân nhưng vẫn từ chối.

Liên tiếp nhiều tháng sau, anh vẫn kiên trì điệp khúc cũ khiến chị xiêu lòng. Vào một buổi sáng đầu đông, gió thổi sốc, ngôi nhà vắng lặng, anh đẩy xe cho chị ra đường bắt xe vào Tp HCM. Chị nhớ lại: “Tôi chẳng biết, lúc đó mình làm thế là đúng hay sai, chỉ biết rằng, được ở cạnh anh là đủ”.

Thế rồi, năm 2007, tình yêu của anh chị đơm hoa khi đứa con trai ra đời. Chị vui mừng khôn xiết, từng cử chỉ, động thái của con đều được chị dõi theo thận trọng. Đối với một người bình thường chăm con đã khó thì đối với một người tật nguyền lại khó hơn gấp bội.

Nhưng, như lời anh Vũ chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng băn khoăn vợ chăm con sẽ như thế nào. Nhưng, bây giờ nhìn lại, có lẽ, sẽ chẳng có người phụ nữ nào chăm con tốt hơn cô ấy”. Căn phòng trọ quá nhỏ, cuộc sống ở thành phố khó khăn, anh chị đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc và cho đi học. Những ngày hè này, cu cậu được cha mẹ đón vào TP HCM thăm, tiếng con trẻ khiến căn phòng chưa đầy 10 m2 vỡ òa hạnh phúc.

Bước ra thế giới từ những tấm vé số

Vào chốn phồn hoa, anh Vũ phải từ bỏ nghiệp xẻ gỗ và lần lượt tìm đến rất nhiều công việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác, đạp xe xích lô… Chị xót lòng khi ở nhà chờ đợi anh về với những giọt gian khổ rớt rơi. Thế rồi, chị nghĩ: “Đã là một gia đình thì phải biết sẻ chia với nhau”.

Chị bàn và quyết định nhận vé số của đại lý đem bán. Hàng ngày, chị dậy từ sớm, khó nhọc với đôi nạng gỗ để nấu cơm cho chồng rồi hai người cùng ra khỏi nhà đi làm. Chị cứ lăn chiếc xe đi từ nơi này đến nơi khác để mời mọc từng tấm vé. Ban đầu, mới lăn xe đi được mấy tiếng, tay chân mỏi nhừ nhưng chị không dám nói, vì sợ anh bắt ở nhà. Nhiều lần, gặp người quen, chị chỉ biết thinh lặng, kéo vành mũ xuống che mặt. Ngày đắt khách, chị cũng kiếm được chừng 200 nghìn đồng, ngày mưa gió ế ẩm cũng được vài chục mua mớ rau, cân gạo.

Khó khăn là vậy, nhưng nghiệp cử tạ lại không bỏ chị. Huấn luyện viên cũ biết chị đang ở Tp HCM liền viết một bức thư và gửi thêm lời giới thiệu tham gia vận động viên khuyết tật. Chồng chị cũng góp vào: “Nếu em thích thì cứ tham gia, anh đồng ý cả hai tay”. Chị thích cảm giác được nâng, chinh phục từng kilôgam tạ nên quyết định tham gia. Từ đó, ban ngày đi bán vé số, buổi tối chị lại đến Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình để luyện tập.

Chị kể, muốn nâng được hai quả tạ lớn, thường phải lấy hai chân làm trụ. Nhưng, chân chị bị tật nguyền thì phải tự tìm cách để giải quyết. Mỗi khi nâng tạ lại hít hơi thật sâu, dồn hết sức lực vào hai bàn tay. Không ít lần, cũng vì không có đôi chân làm trụ, chỉ sơ sẩy một chút, tay lệch là quả tạ rơi xuống gây thương tích. Dù vậy, chị Hồng chưa một lần nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ môn cử tạ. Điều đáng nói hơn, bình thường, vận động viên cử tạ phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp, nhưng với chị, cuộc sống khó khăn, ăn uống cũng không được điều độ, gặp đâu ăn đó.

“Tôi cũng ao ước được chăm sóc sức khỏe như các vận động viên khác lắm chứ. Nhưng, vì cuộc sống, tôi phải mưu sinh. Mà công việc mưu sinh của tôi thì làm sao dám nghĩ đến điều xa xỉ ấy”, chị tâm sự.

Nhiều năm nay, chị luôn đạt huy chương tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Vào các năm 2003, 2005, 2009, chị đạt Huy chương Vàng Asean Para Games. Đặc biệt, chị từng bước lên bục vinh quang ở Giải Thể thao người khuyết tật châu Á 2009 và đoạt hạng 4 tại Paralympic 2012. Chị cho biết, hiện nay đang ra sức tập luyện cho cuộc thi Người khuyết tật châu Á 2013 diễn ra tại Hàn Quốc.

“Tôi vui nhất là niềm đam mê của mình được chồng con ủng hộ. Những lần đi thi ở trong nước thì cả gia đình cùng đi. Nhưng, nếu thi ở nước ngoài thì tối về, chúng tôi lại gọi điện, kể chuyện diễn ra trong ngày. Đối với tôi, cử tạ là một niềm vui và gia đình là cả cuộc sống”

Huy Đức
.
.