Nước Anh “bế tắc” vì Brexit
Trong khi đó, các doanh nghiệp và thị trường tài chính Anh đang chuẩn bị cho kịch bản nước Anh từ chối đàm phán Brexit...
Lý thuyết màu hồng
Ngày 19-6, Anh và Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động tiến trình đàm phán đưa "xứ sở sương mù" rời khỏi "ngôi nhà chung", còn gọi là Brexit, theo đúng lịch trình. Phát biểu tại trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) khi gặp Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis, Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu (EU), Michel Barnier nói: "Hôm nay, chúng tôi chính thức khởi động tiến trình đàm phán về việc rút nước Anh ra khỏi EU theo đúng lịch trình". Đại diện EU nhấn mạnh EU hướng tới một cuộc đàm phán xây dựng với Anh.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với các đồng cấp EU tại Luxembourg thảo luận về kế hoạch Brexit, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng cho rằng cuộc đàm phán sẽ mang đến kết quả tích cực cho cả Anh và EU, với việc đạt được một nghị quyết có thể được thực thi bằng sự tôn trọng và có lợi cho cả hai bên.
Thủ tướng Anh T. May và Tổng thống Pháp E. Macron trong cuộc gặp giữa tháng 6-2017 tại Pháp. Ảnh: Sky News. |
Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit "cứng", bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng May không giành được đa số quá bán tại quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 8-6 vừa qua là điềm báo cho thấy, không dễ dàng gì để hai bên đi đúng theo kế hoạch màu hồng này, khi sự đồng thuận từ nước Anh, EU đều không thể đạt được, cho dù hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm gác lại các cuộc đàm phán thương mại tự do cho đến khi hai bên thương thảo xong "hóa đơn ly hôn" trị giá ước tính 100 tỷ euro.
Tại một trong những cuộc đàm phán quốc tế được đánh giá là nhạy cảm về mặt chính trị nhất trong thời hiện đại, hai bên đã nhất trí dành ưu tiên cho các vấn đề chủ chốt là thanh toán hóa đơn ly hôn và quyền công dân (bao gồm quyền của 1,2 triệu công dân Anh tại EU và 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh), cũng như các vấn đề phức tạp khác trong giai đoạn đầu đàm phán như yêu cầu của EU về cơ cấu đàm phán (gồm lịch trình và cách thức tiến hành các cuộc đàm phán), hay việc làm thế nào để có thể tránh được vấn đề biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và CH Ireland.
Các cuộc thương lượng liên quan đến vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hứa hẹn sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, mà sẽ được tiến hành thông qua một cuộc đối thoại riêng và diễn ra với tiến độ chậm hơn.
Lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn tham gia biểu tình tại London. Ảnh: Concept News Central. |
Nước Anh dừng đàm phán Brexit?
Chỉ sau hai tuần, dường như những tuyên bố tốt đẹp của hai bên đang rơi vào khoảng không. Theo tờ Sunday Telegraph ngày 2-7 đăng bài cho biết, lãnh đạo các doanh nghiệp của Anh đã được thông báo chuẩn bị cho khả năng chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May có thể rút khỏi cuộc đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong năm nay.
Tờ báo trên đưa tin, việc rời đàm phán là một bước đi nhằm phục vụ "nhu cầu tiêu thụ nội địa", để cho thấy rằng chính phủ đang đàm phán một cách cứng rắn với EU. Theo báo này, giới lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận được thông tin trên từ một trợ lý cấp cao của bà May. Cho dù Văn phòng Thủ tướng Anh vẫn chưa có bình luận về thông tin trên, song một loạt những dấu hiệu cứng rắn từ các nhà lãnh đạo Anh.
Tờ báo phân tích, hiện tại nước Anh đang rơi vào tình trạng bất ổn định về đời sống chính trị và kinh tế. Về mặt chính trị, chính phủ cầm quyền hiện nay là chính phủ Bảo thủ thiểu số, vẫn đang loay hoay đàm phán với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), tìm kiếm sự hậu thuẫn của đảng này tại Hạ viện để chính phủ có thể thông qua được các kế hoạch, dự luật của mình trước Hạ viện do đảng Bảo thủ đã không có đủ số ghế đại đa số tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Đây là bước thụt lùi của đảng Bảo thủ nói chung và Thủ tướng Theresa May nói riêng.
Do không đủ mạnh như trước khi tiến hành tổng tuyển cử, nên đảng Bảo thủ sẽ không thể tự quyết các vấn đề quan trọng của đất nước như tiến trình đàm phán Brexit với EU, mà sẽ phải lắng nghe, và chịu sức ép từ các đảng phái chính trị khác.
Đối với Thủ tướng Theresa May, bà sẽ còn khó khăn hơn nữa trong khi thực thi nhiệm vụ đàm phán với EU bởi những ý kiến bất đồng từ chính một số nhân vật quan trọng trong nội các như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, và từ các đảng chính trị khác. Vị thế của bà tại EU bị suy yếu trong bối cảnh ảnh hưởng của tân Tổng thống Pháp Macron tại EU đang lên cao. Nước Anh đã không còn ở thế mặc cả thẳng thừng với EU.
Nhiều ý kiến cho rằng Đức-Pháp đang dẫn dắt EU trong tiến trình đàm phán lịch sử này. Nếu nước Anh vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với vấn đề di trú và kiểm soát đường biên giới thì sẽ gặp khó khăn khi tiến hành đàm phán với 27 nước EU còn lại.
Trong khi đó, đời sống nhiều hộ gia đình Anh lại không mấy sáng sủa. Kinh tế Anh tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng 1,8% trong 3 quý tiếp theo sau khi tiến hành trưng cầu dân ý, tuy nhiên, mức sống của các hộ gia đình Anh được cho là thấp đi so với trước khi tiến hành trưng cầu dân ý do giá cả sinh hoạt tăng 2,8%/năm trong khi đó mức lương thực tăng có 1,7%.
Theo nhận định của Bộ Tài chính Anh, suy thoái kinh tế Anh có thể xảy ra nếu như các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu trước tình hình bất ổn định hiện nay.
Brexit đã tác động xấu đến tâm lý các nhà đầu tư, kinh doanh tại Anh, đồng bảng mất giá làm suy giảm giá trị tài sản của nước này. Tình trạng kinh tế hiện nay của nước Anh không đem lại sự hài lòng cho đa phần người dân nước Anh. Kết quả của việc bỏ phiếu tổng tuyển cử vừa qua phản ánh thái độ phản kháng của người dân Anh, muốn trừng phạt chính phủ cầm quyền.
Có thể thấy rõ, nước Anh đang đầy khó khăn. Chính trường xáo trộn, an ninh đất nước liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố, và các cuộc tấn công bài ngoại. Mức sống của người dân giảm sút, kinh tế trở nên mong manh hơn, một số dấu hiệu cho thấy không có chuyện đầu tư sẽ giúp cân bằng tăng trưởng kinh tế, và mọi người khó tránh được cảm giác nước Anh có thể rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế.
Kết quả thăm dò mới nhất của báo The Oberver cho thấy tỷ lệ chênh lệch giữa những người ủng hộ và phản đối bà May là âm 20% điểm, thấp hơn nhiều so với mức 21% điểm trong tháng 4 vừa qua.
Hệ quả là ngày 1-7, tại trung tâm thủ đô nước Anh đã diễn ra cuộc biểu tình lớn phản đối những chính sách kinh tế của chính phủ thiểu số Bảo thủ do bà Theresa May đứng đầu. Cuộc biểu tình, do nhóm có tên gọi "Tập hợp những người phản đối chính sách tiết kiệm của chính phủ", đã thu hút được hàng nghìn người tham gia.
Chủ tịch Công đảng, đảng đối lập lớn nhất, Jeremy Corbyn đã có bài diễn thuyết tại quảng trường tòa nhà quốc hội trước những người biểu tình. Ông Corbyn cho rằng đảng Bảo thủ với những lập luận về chính sách thắt lưng buộc bụng là một sự thụt lùi. Ông Corbyn tuyên bố sẽ quyết tâm để có thể dẫn đến sớm có một cuộc tổng tuyển cử nữa.
Trong khi đó, những người biểu tình đã bày tỏ sự tức giận trước chính sách thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dịch vụ công vốn đang bị thiếu ngân sách hoạt động và đang hoạt động quá tải như hệ thống y tế, trường học công. Các vấn đề xã hội khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề trước chính sách tiết kiệm mà chính phủ đưa ra như vấn đề việc làm, nhà ở và tư nhân hóa.
Chia rẽ trên chính trường
Không chỉ vấp phải sự phản đối của người dân, Thủ tướng Theresa May còn phải đối mặt với những chia rẽ giữa các thành viên trong nội các về việc bà sẽ lựa chọn cách nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu như thế nào. Do đảng Bảo thủ cầm quyền đã không giành được đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, quan điểm về một Brexit "cứng" của bà trở nên bấp bênh và nhiều thành viên chính phủ đã có những cách nhìn khác nhau về Brexit.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã chỉ trích quan điểm của Ngoại trưởng Boris Johnson cho rằng nước Anh không thua thiệt gì khi lựa chọn ra đi. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis không đồng tình với kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Hammond về một thời kỳ chuyển đổi trong thời kỳ này nước Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan EU cho dù có thể nước Anh chưa thể ngay lập tức có được những thỏa thuận thương mại của riêng mình.
Bộ trưởng Davis cho rằng ông Hammond có nhiều điểm không nhất quán và tin rằng nước Anh có thể đạt được những thỏa thuận thương mại ngay sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019.
Người dân Anh biểu tình tại London ngày 1-7. Ảnh: IBTimes UK. |
Bộ trưởng Tài chính Hammond đã khẳng định quyền lực của mình trong chính phủ của Thủ tướng May bằng cách công khai chỉ trích Ngoại trưởng Johnson, nhân vật chủ chốt thuộc phe Brexit "cứng". Ông Johnson cho rằng nước Anh vẫn giữ nguyên các lợi ích như là thành viên của EU mà không cần phải chia sẻ chi phí với EU, quan điểm này khiến Đức vô cùng tức giận.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Hammond, nước Anh cần phải thông minh tìm cách hợp tác với EU để khi "ly hôn", hai bên vẫn duy trì được những lợi ích vốn có trước đến nay.
Về phần mình, Bộ trưởng Davis nhận định đề xuất 4 năm thời kỳ chuyển đổi của Bộ trưởng Hammond là không nhất quán với những gì ông này từng nói trước đây chỉ tối đa là 3 năm. Theo ông Hammond, trong thời kỳ chuyển đổi, nằm trong liên minh thuế quan, Anh có thể đàm phán những sẽ chưa ký thỏa thuận thương mại nào với các nước thứ ba.
Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách Brexit Davis lại ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Thương mại Liam Fox cho rằng các thỏa thuận thương mại có thể ký ngay lập tức sau khi Anh rời EU vào tháng 3-2019.
Nhân lực... “chảy máu”
Vì vấn đề Brexit, nhiều ngành kinh tế quan trọng của nước Anh như tài chính, năng lượng, du lịch đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Trong khi đó, đã xuất hiện hiện tượng chảy máu chất xám, cho dù Thủ tướng May đã có những chính sách níu kéo người tài ở lại nước Anh. Trước hết, vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu của Anh bị tác động.
Theo nghiên cứu mới nhất của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, song khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần thu hẹp, do lo ngại những tác động từ tiến trình Brexit.
Trong một diễn biến liên quan, các cơ quan công quyền của Anh đã cảnh báo, số lượng công dân Anh nộp đơn xin nhập quốc tịch Thụy Sĩ đã tăng mạnh trong năm 2016, sau khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân rời khỏi EU. Bang Vaud ở Tây Nam Thụy Sĩ ghi nhận con số công dân Anh nộp đơn xin nhập quốc tịch Thụy Sĩ cao hơn cả.
Bên cạnh bang Vaud, Geneva cũng ghi nhận số lượng đáng kể công dân Anh muốn sở hữu hộ chiếu Thụy Sĩ. Với con số tăng từ 90 trường hợp năm 2015 lên con số 145 trong năm 2016, tương ứng với mức tăng 61% trong vòng 1 năm.
Đi tìm các nguyên nhân lý giải thực tế này, các nhà phân tích cho rằng Brexit là một nguyên nhân nhưng không chỉ có vậy. "Sự bất ổn liên quan đến tình hình ở “cố quốc” luôn là một yếu tố lí giải sự gia tăng số lượng các đơn xin gia nhập quốc tịch tại quốc gia nơi người dân nhập cư sinh sống từ nhiều năm nay", Etienne Piguet, giáo sư địa lý tại Đại học Neuchatel nhấn mạnh.
Việc các công dân Anh nộp đơn xin gia nhập quốc tịch tại các quốc gia họ đang định cư sẽ mang một ý nghĩa khác hơn nếu nhìn sang các quốc gia láng giềng của Thụy Sĩ là Pháp và Đức. Tại Pháp, năm 2016, có 1.363 người Anh đã nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Pháp, so với con số 385 trong năm 2015, tức là mức gia tăng 254% trong một năm, theo thông tin đăng tải trong tuần trước trên nhật báo Pháp "Le Monde".
Tại Đức, ngay cả trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh, không ít các công dân Vương quốc Anh đã tiến hành các thủ tục xin gia nhập quốc tịch Đức. Số lượng người Anh được nhận hộ chiếu Đức trong năm 2016 đã tăng tới 361%, theo thông tin từ Cục Thống kê Liên bang Đức. Cơ quan này đã nhấn mạnh mối “liên hệ mật thiết” của thực tế kể trên với sự kiện Brexit.
Nước Anh đang tìm mọi cách để chặn đà "chảy máu" nguồn nhân lực chất lượng cao, khắc phục bất đồng nội bộ, thúc đẩy tiến trình Brexit suôn sẻ. Song, quả không phải việc dễ như ban đầu người ta tưởng.