Nước Anh cần thay đổi chính sách chống khủng bố!

Thứ Tư, 07/06/2017, 09:57
“Thế là quá lắm rồi!”, đó là tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Anh bà Therea May đưa ra để lên án vụ khủng bố nhằm vào trung tâm London ngày 3-6 vừa qua. Sở dĩ bà May phải thốt lên như vậy là vì từ cả chục năm nay nước Anh đã đầu tư rất nhiều công sức để ngăn ngừa khủng bố nhưng kết quả xứ sương mù của bà vẫn phải chịu 3 vụ tấn công liên tiếp chỉ trong 3 tháng gần đây, còn trước đó thì kể không hết.

Các cơ quan phản gián và an ninh Anh đều quen mặt 1 trong 3 tên khủng bố!

Cảnh sát Anh hôm 4-6 bắt giữ khoảng 12 nghi can, trong đó có 4 phụ nữ, liên quan tới vụ tấn công bằng xe và dao tại trung tâm thủ đô London khiến 10 người chết và hơn 50 người khác bị thương. Cuộc tấn công diễn ra chỉ trong ít phút kinh hoàng tối ngày 3-6, khởi sự với vụ một chiếc xe van bất ngờ tông vào những người khách bộ hành đang đi trên cầu London Bridge. Có 3 người đàn ông chạy ra khỏi xe, mang theo các con dao lớn, lao vào tấn công thực khách ở các nhà hàng và quán rượu ở khu Borough Market gần đó.

Nhân chứng Gerard Vowls, cho hay “những người này miệng hô lớn đây là vì Allah và họ xô một phụ nữ xuống đất rồi dùng dao đâm người này”. Một người đầu bếp, ông Florin Morariu, gốc Romania, đang làm việc trong tiệm Bread Ahead, cho biết thấy người ta bỏ chạy, có người ngã xỉu, và rồi thấy 2 người tiến lại gần nhau, “một người rút dao ra đâm... và tôi như chết đứng, không biết phải làm gì” - Morariu - nói sau đó ông dùng giỏ đựng bánh mì đập vào đầu một kẻ tấn công.

Cảnh sát Anh tuần tra khu vực chợ Borough ngày 4-6. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát London cho biết họ bắn chết các kẻ tấn công chỉ trong vòng 8 phút đồng hồ kể từ lúc nhận được tin báo. Cơ quan cấp cứu nói có 50 người, gồm cả 2 cảnh sát viên, được điều trị ở các bệnh viện khắp London. Một số bị các vết thương trầm trọng, đe dọa tới tính mạng. Có cả công dân Pháp và Tây Ban Nha trong số những người bị thương. Con số người thiệt mạng là 7 người, không kể 3 kẻ tấn công.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự phẫn nộ và chia sẻ đối với người dân Anh ngay sau vụ khủng bố tại trung tâm thủ đô London. Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Canada đều khẳng định “sát cánh với Anh” và tưởng nhớ đến các nạn nhân vụ khủng bố tàn bạo. Ngoài lời chia buồn trên Twitter, qua điện đàm với Thủ tướng Theresa May, Tổng thống Donald Trump còn khẳng định sự “ủng hộ hoàn toàn” của Mỹ với Anh. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo lên án “hành động hèn nhát và điên rồ chống lại những gì chúng ta tin tưởng”.

Trong một thông cáo ngắn, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, “vượt khỏi phạm vi biên giới, ngày nay, các nước đều liên kết với nhau bởi nỗi sợ hãi và cả lòng quyết tâm” trong cuộc chiến chống mọi hình thức khủng bố. Đây cũng là lời khẳng định của Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni. Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án “vụ tấn công kinh hoàng vì mức độ tàn ác và vô liêm sỉ”, đồng thời “tin chắc rằng hành động đáp trả sự kiện xảy ra phải là sự tăng cường nỗ lực chung trong cuộc chiến chống các lực lượng reo rắc nỗi sợ hãi”.

Thủ tướng Anh Therea May tuyên bố từ giờ sẽ không dung thứ cho chủ nghĩa cực đoan.

Cuối ngày 5-6, Cảnh sát London đã công bố danh tính 2 trong 3 kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố; đó là 2 tên Khuram Shazad Butt và Rachid Redouane. Butt, 27 tuổi, là công dân Anh nhưng sinh ra ở Pakistan. Cơ quan tình báo nội địa MI-5 cũng như các cơ quan phản gián và an ninh Anh đều quen mặt hắn. Tuy nhiên, không có thông tin nào cho thấy cuộc tấn công cuối tuần trước đã được lên kế hoạch.

Butt từng làm việc cho một công ty chuyên giám sát hệ thống giao thông công cộng ở London. Hắn thực tập tại vị trí trợ lý phục vụ khách hàng cho công ty tàu điện ngầm London trong gần 6 tháng song bỏ việc hồi tháng 10 năm ngoái. Butt thậm chí từng xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về những phần tử cực đoan tại Anh phát trên truyền hình năm 2016, theo Telegraph. Trong phim, hắn được nhìn thấy tại các sự kiện có 2 kẻ tuyên truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khét tiếng tham dự.

Trong một đoạn phim, Butt đi lại xung quanh trong lúc cảnh sát đang hỏi một nhóm người về nguồn gốc của một lá cờ đen Nhà nước Hồi giáo (IS). Butt còn chụp ảnh cùng Abu Haleema, kẻ bị cáo buộc cố ý cực đoan hóa một học sinh người Anh. Cơ quan chức năng sau đó điều tra và phát hiện học sinh này âm mưu chặt đầu các sĩ quan cảnh sát trong cuộc diễu hành nhân ngày Anzac tại Australia.

Còn Redouane, 30 tuổi, có tên khác là Rachid Elkhdar, là người gốc Morocco và Libya. Redouane từng sống tại thành phố Dagenham, phía đông London, cách không xa ngôi nhà mà Butt sinh sống ở Barking. Kẻ tấn công thứ ba đã được xác định song cảnh sát chưa công bố danh tính.

Chiều ngày 4-5, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) dùng hãng tin Amaq của bọn chúng để tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Đây là cuộc tấn công lớn lần thứ ba ở Anh trong 3 tháng qua, kể cả một vụ dùng xe và dao tương tự như vừa xảy ra, trên cầu Westminster Bridge hồi tháng 3-2017 khiến 5 người chết.

Gần đây nhất, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà hát Manchester Arena ở thành phố Manchester, phía Tây nước Anh vào tối 23-5, làm ít nhất 19 người chết và 50 người khác bị thương. Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp "nguy hiểm" để rồi lại hạ xuống cấp "nghiêm trọng" vài giờ trước một thảm họa mới ở London.

Từ cuối tháng 5 đến nay, Chính phủ Anh đã điều quân đội vào trấn giữ các mục tiêu quan trọng như quốc hội và chính phủ, để có thêm cảnh sát vũ trang rảnh tay tuần tra bảo vệ các mục tiêu mềm và nhanh chóng triển khai như trong vụ việc hôm 3-6.

Tên Khuram Shazad Butt xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về những phần tử cực đoan tại Anh phát trên truyền hình năm 2016.

Tại nước Anh có trên 3.000 đối tượng cần “theo dõi liên tục”

Trước đó, cứ sau mỗi vụ khủng bố, London lại tiến hành các biện pháp tăng cường an ninh. Sau vụ khủng bố tại Pháp tháng 11-2015 tại Pháp, 600 cảnh sát Anh đã được triển khai tới London, nâng lên tổng số 2.800. Nhưng điều đó cũng không giúp nước Anh ngừa được một vụ tấn công ở nhà ga tàu điện ngầm vào ngày 6-12-2015. Một người đàn ông cắt cổ một hành khách đồng thời hét lên rằng “Đây là cho Syria”.

Một năm sau đó, tháng 9-2016, cơ quan tình báo Anh MI-6 nâng quân số. Ngày 22-9-2016, tờ Times tiết lộ MI-6 tuyển thêm 1.000 điệp viên để chống khủng bố. Theo kế hoạch từ nay đến 2020, MI6 sẽ tăng quân số lên 3.500 điệp viên. Hai tháng sau, lãnh đạo MI-6, Alex Young, đã đặt cơ quan của mình trước mối đe dọa chưa từng có sau khi phá thành công 12 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước Anh kể từ tháng 6-2013.

Theo Alex Young, sự tham gia của Anh tại Syria đã biến Anh thành mục tiêu của những kẻ khủng bố. London, Paris và Washington đã ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ đầu cuộc nội chiến tại nước này và từ đó tới nay vẫn không thay đổi quan điểm.

Cũng từ sau vụ tấn công nhắm vào Hạ viện Anh hôm 22-3-2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số phản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân.

Trong lĩnh vực tình báo, London một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Mỹ, Canada, Australia và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.

Giới chuyên gia nhận định rằng, trong những vụ khủng bố gần đây trên thế giới thì kẻ tấn công chuyển sang sử dụng những phương tiện đơn giản hơn và nhắm vào mục tiêu mềm, như vụ đâm xe tải ở Đức, hay hôm 22-3 là dùng dao đâm cảnh sát ở Anh, và gây tai tạn cho du khách ngay tại khu trung tâm của London. Kịch bản tấn công tương tự vừa được bọn khủng bố tái hiện tại London hôm 3-6.

Trong những trường hợp trên thì cách duy nhất để bảo vệ các mục tiêu mềm là theo dõi chặt chẽ danh sách những kẻ tình nghi có nguy cơ cao trong việc tổ chức tấn công khủng bố. Giới chuyên gia nhận định có khoảng 100 đối tượng như vậy ở Anh, nhưng diễn biến phức tạp khó lường, cùng khoảng 3.000 đối tượng khác cần theo dõi liên tục.

Phát biểu hôm 4-6, Thủ tướng May than rằng “Thật là quá lắm rồi!”. Mặc dù bà không nói ra nhưng nói ai cũng hiểu rằng dù nước Anh đã tốn nhiều công sức nhưng vẫn không ngăn được khủng bố. Và bà yêu cầu xem xét lại chiến lược chống khủng bố khi nhấn mạnh tới một "kiểu đe dọa mới" mà nước Anh phải đối mặt.

Vẻ thảng thốt của những người may mắn thoát khỏi vụ khủng bố.

“Đất nước chúng ta đã quá khoan dung cho chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta cần phải kiên quyết hơn, vạch mặt bọn chúng và tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan trong xã hội của chúng ta. Chúng ta không còn chần chừ được nữa” - bà May nói.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh với Ủy ban Cobra trước đó ít giờ, Thủ tướng May cho biết, tình hình đã thay đổi khi những kẻ khủng bố không phải là một mạng lưới cụ thể mà chỉ là những người cùng đi theo một hệ phái tư tưởng lệch lạc của Hồi giáo cực đoan, đòi hỏi biện pháp toàn diện hơn bao gồm kiểm soát Internet và phối hợp toàn cầu, còn trong nước thì các cộng đồng khác biệt cần phải chung sống đoàn kết để bảo đảm an ninh, tăng mức phạt đối với hành động khủng bố vì nước Anh đã quá dung thứ đối với các phe nhóm cực đoan.

Theo nữ Thủ tướng Anh, London cần có một "chiến lược an ninh mới" dựa trên 4 hướng chính: tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May, là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là "tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ".

Theo giới quan sát, điểm sau cùng này là một nhược điểm của bà May. Một cách gián tiếp nữ Thủ tướng Anh nhìn nhận một số những "lỗ hổng" trong vấn đề an ninh. Hai vụ khủng bố ở Manchester và London vừa qua đang làm thay đổi tương quan lực lượng trên chính trường Anh.

Cuộc chiến chống khủng bố là nhược điểm của bà May trong cuộc chạy đua để giữ chiếc ghế thủ tướng. Thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bà May thuộc cánh bảo thủ và ông Corbyn, bên Công đảng đang thu hẹp lại. Thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng, Theresa May sẽ khó chiếm được đa số rộng rãi.

Như phân tích của một nhà báo Anh, trên tờ Times có khuynh hướng bảo thủ, lãnh đạo đối lập, ông Jeremy Corbyn, 68 tuổi, chứng tỏ ông là một đối thủ đáng gờm với bà May, người mà nữ Thủ tướng Anh luôn chỉ trích là "không có tầm cỡ".

Tự nhận mình là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và cứng rắn, cựu Bộ trưởng Nội vụ của Thủ tướng David Cameron hứa hẹn sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của London trong các vòng thương thuyết với Liên minh châu Âu về Brexit mở ra kể từ ngày 19-6-2017. Bà May lao vào cuộc vận động với khẩu hiệu "hùng mạnh và ổn định" hàm ý bà sẽ cứng rắn với các đối tác và nhất là với những đối thủ nào đe dọa quyền lợi của Vương quốc Anh, nhưng cũng là người bảo đảm một sự ổn định cho đất nước.

Hình ảnh đó của nữ Thủ tướng May đang bị sứt mẻ sau 3 vụ khủng bố liên tiếp nổ ra trên đất Anh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm vào đó là lo ngại với Brexit, hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo giữa London với các đối tác trong Liên minh châu Âu sẽ lỏng lẻo hơn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.