Nước Anh sẽ rời khỏi EU?

Thứ Hai, 28/01/2013, 19:00

Câu hỏi này đang ngày càng được đặt ra nhiều hơn khi ở nước Anh, xu thế "bài châu Âu" cũng đang ngày càng lớn mạnh. Việc một đảng chính trị nhỏ theo đường lối chống EU nhận được sự ủng hộ của ngày càng đông cử tri đã tạo nên một áp lực đối với Thủ tướng David Cameron, đặc biệt là khi ông thực hiện bài phát biểu trước các nhà đầu tư tài chính, các đối tác châu Âu tại Amsterdam, Hà Lan, hôm thứ sáu 18/1.

Chuyến đi của Thủ tướng David Cameron đến Amsterdam và bài phát biểu của ông hôm 18/1 được dư luận trong cũng như ngoài nước Anh theo dõi rất sát với tâm trạng khác nhau. Phái "bài châu Âu" hy vọng ông Cameron sẽ đưa ra một luận điểm cho việc nước Anh sẽ rút lại các mối quan hệ lâu nay với Liên minh châu Âu (EU), còn những người không muốn nước Anh rời khỏi châu Âu thì băn khoăn lo ngại, thậm chí đã có 10 doanh nhân hàng đầu nước Anh ký vào một thư thỉnh nguyện đăng trên báo Financial Times ngày 8/1/2013 bày tỏ lo ngại việc thương lượng lại vấn đề nước Anh "đi hay ở" trong khối EU có thể ảnh hưởng không tốt, gây nên tác hại nhất định cho giới kinh doanh của nước Anh hoặc dẫn đến việc nước Anh sẽ rút hoàn toàn ra khỏi khối EU.

Thế nhưng, ngày càng nhiều người Anh đang hăm hở đón nhận kịch bản "xấu" đó, mà một trong những người cổ vũ mạnh mẽ nhất là ông Nigel Farage - thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP).

Thời gian gần đây, đảng UKIP của ông vẫn còn là một đảng nhỏ, chưa có đại biểu trong Quốc hội và cho đến nay cũng chưa tạo được tác động chính trị nào đáng kể. Nhưng gần đây, tình thế của đảng này đã thay đổi, kéo theo vai trò và "sức nặng" chính trị của ông Farage cũng thay đổi theo chiều hướng gia tăng. Các hãng thăm dò dư luận cho biết, đảng UKIP từ chỗ "vô danh" đã vươn lên vị trí thứ 3 ở nước Anh, với 16% cử tri ủng hộ, đẩy đảng Dân chủ Tự do (LibDem) trong liên minh cầm quyền xuống vị trí đảng nhỏ.

Chưa từng giành được ghế trong Nghị viện Anh, nhưng tại 2 cuộc bầu cử bổ sung Nghị viện vào ngày 29/11/2012, UKIP đã đánh bại đảng Bảo thủ và LibDem để giành vị trí thứ nhì. Lãnh đạo đảng, ông Farage hứng chí phát biểu: "Chúng tôi đang kết nối với người dân và điều đó sẽ được tiếp tục". Báo chí Anh nhắc lại một sự kiện: năm 2006, ông Cameron (Thủ tướng Anh hiện nay) đã dùng những từ ngữ kinh miệt để nói về các thành viên đảng UKIP, kể cả ông Farage; còn giờ đây, chính ông Farage đang là người mà đương kim Thủ tướng Cameron phải "cầu cạnh" trong vấn đề quan hệ giữa nước Anh và EU.

Không chỉ đảng UKIP ở nước Anh, mà khắp châu, cuộc khủng hoảng nợ công đã làm cho những người bài châu Âu có thêm khí thế. Các thăm dò ý kiến toàn châu lục đều cho thấy chỉ có 31% còn tin tưởng vào EU, có nghĩa là gần 70% còn lại đang mất tin tưởng hoặc có suy nghĩ tiêu cực về khối này. Còn riêng ở nước Anh, tỉ lệ tin tưởng chỉ là 16%. Điều đó cho thấy, vấn đề nước Anh "đi hay ở" trong khối EU không còn là vấn đề riêng của người Anh, mà nó đã là chuyện của khối, là vấn đề sống còn, liệu EU sẽ tiếp tục tồn tại mà không có nước Anh. Giới phân tích nhìn nhận: Tác động tiêu cực của việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để chống khủng hoảng là nguyên nhân chính khiến số đông cử tri trước đây theo đảng Bảo thủ và LibDem nay quay sang ủng hộ quan điểm và đường lối của UKIP.

Những người bảo việc ông Cameron đến Amsterdam để nói chuyện với các đối tác châu Âu là một sai lầm vì nó thể hiện hình ảnh Thủ tướng Anh giống như một "kẻ tội đồ" đối với châu Âu. Thực ra, đó là một hành động cân bằng đầy khó khăn của ông Cameron, chỉ cần nghiêng về bên này hay bên kia một chút là có thể đổ vỡ ngay. Cameron đã nói rõ ý định của ông là thương lượng lại một thỏa thuận mới giữa nước Anh với EU chứ không phải là rời khỏi khối hoàn toàn, và cơ sở để ông làm việc này chính là cuộc khủng hoảng nợ công. Hơn 3 năm qua, cuộc khủng hoảng nợ công đã gây nên những tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống, đã ảnh hưởng xấu đến chính trường nhiều nước.

Thủ tướng Anh David Cameron.

Một số người cho rằng, nếu việc thỏa thuận mới với EU là mục tiêu, thì phương tiện để đạt mục tiêu đó là xem lại những hiệp định đã ký và hủy bỏ những hiệp định đã ký và phê chuẩn từ lâu, nhằm thu hồi lại một số quyền đã được giao cho EU trước đây. Việc thương lượng này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, do thành phần chính trị bảo thủ, bài châu Âu (tiêu biểu là đảng UKIP nêu trên) đang lớn mạnh.

Để làm hài lòng phái "bài châu Âu" do ông Farage dẫn đầu, Cameron có thể sẽ đòi hỏi EU cho nước Anh được miễn áp dụng một số quy chế, tiêu chuẩn mà các nước khác đang phải áp dụng. Điều này khiến cho các lãnh đạo châu Âu cảm thấy như mình đang bị nước Anh bắt chẹt, gây khó dễ. Từ đó đặt ra nguy cơ thương lượng đổ vỡ, không thể đạt được thỏa thuận mới và có khi tình thế chính trị trong nước Anh có thể buộc Thủ tướng Cameron phải quyết định chọn kịch bản tiêu cực là "rời khỏi EU".

Viễn cảnh đó đang khiến cho giới chức châu Âu lo lắng. Một châu Âu không có nước Anh sẽ ra sao trong thời gian tới là một câu hỏi mà hầu như chưa có ai đưa ra được câu trả lời, và giới chức ở châu lục này cũng chưa dám hình dung ra những hệ lụy sẽ như thế nào. Một Hy Lạp khủng hoảng nợ công đứng trước nguy cơ bị loại khỏi khối, trở thành mối đe dọa cho sự thống nhất, toàn vẹn của khối.

Nhưng với nước Anh, vấn đề sẽ không đơn giản. Từ trước đến giờ, người Anh vẫn chia rẽ quanh việc có nên sử dụng đồng tiền chung euro hay không, và cho đến nay, euro vẫn là đồng ngoại tệ ở Anh. Đồng tiền là chủ quyền, và người Anh đã không từ bỏ chủ quyền của mình. Một sự hòa nhập không trọn vẹn như thế thật là khiên cưỡng

Văn Trương (tổng hợp)
.
.