Nước Anh và “thời khắc của Boris Johnson”

Thứ Hai, 05/08/2019, 13:55
Nước Anh đã chào đón một thủ tướng mới, “hãy thắt dây an toàn để bắt đầu một hành trình đầy khó khăn”, theo AP.

Một hành trình đầy khó khăn

Nước Anh đang bước vào “thời khắc của Boris Johnson”, sau khi cựu Ngoại trưởng Boris Johnson được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ, trở thành Thủ tướng Anh và là chủ nhân mới của số 10 phố Downing.

Tuy nhiên, do phải đối diện với các vấn đề như cục diện bế tắc của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, kinh tế suy thoái, tình hình chính trị không ổn định, sóng gió ngoại giao..., triển vọng chính trị của tân Thủ tướng Boris Johnson không mấy tốt đẹp, thậm chí có thể nhiều rủi ro hơn người tiền nhiệm Theresa May. Hãng AP từng bình luận rằng “Nước Anh sẽ chào đón một thủ tướng mới, hãy thắt dây an toàn để bắt đầu một hành trình đầy khó khăn”.

Đồng hồ đang điểm và thời hạn 31-10 đang đến rất gần. Cả EU lẫn Anh đều nói rằng đây là thời hạn cuối cùng nhưng lần trước họ cũng nói vậy. Điều Thủ tướng Boris Johnson cần làm là phá vỡ cục diện bế tắc, nhanh chóng hoàn thành Brexit còn dang dở.

Ông Boris Johnson từng cho biết, một khi giành thắng lợi, ông sẽ lập tức bắt đầu đàm phán với EU, sửa lại thỏa thuận của bà Theresa May. Đồng thời, ông cam kết nếu thắng cử thì ngày 31-10, Anh sẽ rời khỏi EU, cho dù có thỏa thuận hay không. Người Anh đã không thể chấp nhận được tình trạng bế tắc của Brexit hiện nay.

Thế nhưng, Brexit “không thỏa thuận” bị nhiều người trong và ngoài Quốc hội Anh coi như một viễn cảnh “cheo leo bên bờ vực” cần phải tránh bằng mọi giá. Rời đi mà không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải đột ngột ra khỏi EU mà không có một giai đoạn chuyển tiếp - giai đoạn giúp các doanh nghiệp thích nghi với môi trường bên ngoài EU.

Điều này cũng có nghĩa rằng Anh sẽ phải trở lại tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các mức thuế quan nhập khẩu tự động vốn sẽ gây ảnh hưởng tới thương mại và tiêu dùng. Do vậy, lèo lái hành trình Brexit với tân Thủ tướng sẽ chẳng hề đơn giản, phía trước, ông Boris Johnson sẽ phải rất tính toán thận trọng với từng bước đi của mình.

Tân Thủ tướng Anh đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước.

Những câu hỏi chưa có lời đáp

Tân Thủ tướng từng nói, đưa lựa chọn Brexit không thỏa thuận đặt lên bàn đàm phán chỉ là để khiến cho nước Anh ở vào vị thế có lợi hơn trong cuộc đàm phán với EU.

Thế nhưng, thời gian dành cho ông Boris Johnson còn rất ít, cách thời hạn cuối cùng chỉ hơn 3 tháng. Tháng 8 lại là thời điểm nghỉ hè của các quốc gia EU, Anh rất khó thu hút được sự chú ý của EU, hơn nữa EU kiên quyết khẳng định không thể đàm phán lại. Ngoài ra, EU đang trong thời kỳ chuyển giao lãnh đạo, ông Boris Johnson có thể hòa hợp thuận lợi với các nhà lãnh đạo mới của tổ chức này hay không cũng là điều chưa biết được. Rõ ràng, với Brexit, khó khăn còn rất nhiều với ông chủ số 10 phố Downing.

Hơn thế nữa, với ông Boris Johnson, Brexit là thách thức lớn nhất nhưng không phải duy nhất. Làm thế nào nào để tân Thủ tướng có thể chấn hưng nền kinh tế Anh bị tác động từ Brexit? Theo dữ liệu thống kê mà Công ty IHS Markit (Anh) công bố, kinh tế Anh sẽ bị đình trệ trong quý II năm nay.

Tháng 6-2019, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất chế tạo của Anh đã giảm xuống dưới 50 điểm, chỉ còn 48 điểm, đây là tháng thứ 3 suy giảm liên tiếp, hơn nữa còn là mức thấp nhất kể từ tháng 6-2013, thể hiện rõ sự suy giảm nhanh chóng nhất của ngành sản xuất chế tạo gần 7 năm qua. Tờ Sky News của Anh bình luận rằng thủ tướng tiếp theo của Anh sẽ tiếp quản một nền kinh tế đang bước vào thời kỳ suy thoái.

Ngoài ra, còn câu chuyện làm thế nào để chỉnh đốn một chính đảng rời rạc? Do bị đám mây đen “Brexit không thỏa thuận” bao phủ, trong nội các xuất hiện trào lưu từ chức của hàng loạt bộ trưởng. Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Bộ trưởng Văn hóa... đều đã đệ đơn từ chức.

Tờ Financial Times cho rằng, ông Johnson sẽ tiếp quản một đảng Bảo thủ suy yếu và “chia năm xẻ bảy”, nếu trong tương lai các cuộc bầu cử được tổ chức, đảng này có thể sẽ mất nhiều ghế trong Quốc hội. Công đảng đối lập đang xem xét việc phát động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với đảng Bảo thủ cầm quyền. Dĩ nhiên, do Quốc hội sẽ bước vào kỳ tạm ngừng họp từ ngày 26-7, Công đảng có thể sẽ đợi đến mùa thu mới hành động.

Tuy nhiên, đối với ông Boris Johnson, “chiếc vòng kim cô” này sẽ rất khó tháo ra. Theo kế hoạch, Anh phải đến năm 2022 mới tổ chức bầu cử nhưng nếu chính phủ thua cuộc trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thì có thể dẫn đến một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Ở xứ sở sương mù hiện nay, các vấn đề nội bộ đã rất nan giải, ngoại giao cũng không kém phần, đều là những khó khăn đang chờ đón tân Thủ tướng trên bàn nghị sự. Trước mắt, việc cấp bách cần giải quyết là tranh chấp về việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Hãng tin Bloomberg cho rằng, để đối phó với cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Anh không chỉ phải tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của EU mà còn phải tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, về vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, Anh vẫn sẵn sàng bảo đảm thỏa thuận, sự bất đồng này đã gây thêm trở ngại cho phương án Anh và Mỹ phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng tàu chở dầu.

Bên cạnh đó còn là thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ. Ông Boris Johnson từng nói sau khi trở thành thủ tướng, ông sẽ ngay lập tức đến Mỹ để đàm phán với ông Donald Trump, cố gắng nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox đã dội một gáo nước lạnh.

Ông nói, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ được tiến hành trước khi Anh rời khỏi EU sẽ vi phạm luật quốc tế, ngay cả khi thỏa thuận này có các giới hạn, đồng thời, phải “làm rất nhiều việc” để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, có thể sẽ phải mất nhiều năm.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.