Nước Anh vẫn gian nan với Brexit

Thứ Tư, 06/03/2019, 09:59
Chưa bao giờ nước Anh rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như lúc này. Người chèo lái con thuyền, Thủ tướng Theresa May từ lúc tuyên bố “thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”, nay đã phải thay đổi quan điểm khi quyết định để Hạ viện lựa chọn cách thức Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Cả hai chính đảng lớn nhất Anh là Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập hiện đều thay đổi chiến thuật đối với vấn đề Brexit. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, người trước giờ vẫn khăng khăng phản đối việc các thành viên trong đảng kêu gọi ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý Brexit lần 2, nay cũng thay đổi lập trường khi nói Công đảng sẽ ủng hộ trưng cầu dân ý lần 2 với một số điều kiện nhất định.

Như vậy, hành trình gập ghềnh của Anh rời EU lại rẽ sang một “khúc ngoặt” mới. Thủ tướng Theresa May đã buộc phải trao quyền “cầm lái” cho quốc hội, trao cho các nghị sĩ quyền “cầm cân nảy mực” để ngăn chặn và đảo ngược tình thế Brexit không thỏa thuận, điều có thể làm chao đảo và gây hỗn loạn cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh.

Với việc trao cho các nghị sĩ 3 sự lựa chọn: Thông qua thỏa thuận “ly hôn” mà bà đã ký với EU, bỏ phiếu rời EU vào ngày 29-3 mà không có thỏa thuận hoặc đề nghị EU trì hoãn Brexit trong thời gian 3 tháng, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Anh thừa nhận “xứ sở sương mù” có thể không rời EU vào ngày 29-3, thời điểm được ấn định 2 năm trước đây và được nêu rõ trong luật pháp Anh là ngày nước này rời khối.

Đến thời điểm này, Chính quyền bà May vẫn chưa thể có được “cái gật đầu” của quốc hội cho thỏa thuận rời EU đối với các điều khoản “ly hôn” và mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Mối lo ngại về nguy cơ Brexit “cứng” ngày càng gia tăng khi mà một Brexit không thỏa thuận sẽ làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân ở cả Anh và 27 nước EU còn lại.

Người dân biểu tình phản đối thỏa thuận Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh.

Trước nguy cơ trên, bà May cam kết sẽ có cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sửa đổi tại Hạ viện vào ngày 12-3 tới. Nếu các nghị sĩ bỏ phiếu bác lại đề xuất này thì ngày 13-3, Thủ tướng sẽ đề xuất khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận để Hạ viện xem xét, còn nếu như đề xuất này tiếp tục bị phản đối, ngày 14-3 Chính phủ sẽ đề nghị Hạ viện “gia hạn thêm một thời gian ngắn” cho các cuộc đàm phán Brexit theo điều khoản 50. Thời gian gia hạn này sẽ “kéo dài chậm nhất là đến cuối tháng 6-2019 để tránh nước Anh dính vào các cuộc bầu cử của châu Âu.

Giới phân tích nhận định rằng do đa số nghị sĩ phản đối phương án “Brexit cứng” nên quốc hội sẽ thiên về sự lựa chọn giữa việc ủng hộ thỏa thuận của bà May và trì hoãn quá trình Anh rời EU. Tuy nhiên, mọi việc lại không phải dễ dàng như vậy, EU hiện không đồng thuận trong việc đồng ý để Anh hoãn hạn chót rời khỏi liên minh này trong thời gian dài khi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện. Chính Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cũng phải thừa nhận rằng đề nghị kéo dài Brexit là khả năng không thực tế vì bản thân EU không muốn Anh tham gia vào các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Chỉ còn 24 ngày trước ngày chính thức ra đi, Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất một thỏa thuận “ly hôn” với EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng lùi thời hạn Brexit là lựa chọn “hợp lý” cho Anh. Với những khó khăn mà Thủ tướng May đang đối mặt tại Hạ Viện thì hầu hết các quan chức EU đều chung một nhận định Anh cần lùi ngày rời EU sau ngày 29-3. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là lùi thêm bao lâu? Thời gian lùi Brexit đang được nội bộ EU tính tới là có thể gia hạn từ 2 đến 21 tháng.

Tuy nhiên, Thủ tướng May chỉ muốn lùi ngày Anh rời EU ngắn nhất có thể, thậm chí chỉ vài tuần, bởi lẽ bà không muốn phải tham gia vào cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (dự kiến diễn ra vào ngày 23 đến 26-5 tới) mà Anh sẽ phải tuân thủ mọi nguyên tắc nếu như vẫn là thành viên của EU.

Trong khi kịch bản mà các nhà ngoại giao EU tính tới gồm nhiều yếu tố, như “Kéo dài do không đạt được thỏa thuận”: Trong trường hợp Hạ viện bác dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng May, các nhà đàm phán EU lo ngại Thủ tướng May hay người kế nhiệm bà sẽ yêu cầu cần có thêm thời gian để đàm phán cho một gói thỏa thuận Brexit tốt hơn và điều này sẽ mở ra một giai đoạn đàm phán khác mà dường như sẽ không có hồi kết. Phương án lùi lại 8 tuần được cho là khó khăn cho EU.

Theo lời một cố vấn của một lãnh đạo EU thì ‘khó mà tưởng tượng nổi” vì thời điểm này quá gần với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Việc thông qua sẽ trở nên phức tạp hơn tại Quốc hội Anh và một cuộc khủng hoảng Brexit khác có thể sẽ bao phủ lên chiến dịch này. Nếu như lùi lại đến cuối tháng 6 như một số nước thành viên EU mong muốn thì thỏa thuận này sau đó cần một khoảng thời gian “kỹ thuật” để được thông qua. Và vì sự việc diễn ra sau Nghị viện châu Âu mới họp lần đầu ngày 2-7 thì hiệp ước này của Anh sẽ vẫn gắn với luật EU vì Anh vẫn là thành viên của EU.

Trường hợp “Kéo dài mang tính chiến lược”: Thời hạn này được cho ít nhất là phải 9 tháng, đẩy lùi Brexit đến cuối năm 2019, và do vậy Anh sẽ tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, một bước mà đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đang rất cố gắng tránh. Mục đích của “kéo dài mang tính chiến lược” là để có một bước thay đổi mang tính quyết định trong chính trường nước Anh, đó là hoặc thay đổi cách tiếp cận của Anh đối với vấn đề Brexit hoặc quay lại Hạ viện để Hạ viện có thể đồng ý với những điều khoản để rời EU.

Còn “Kéo dài không chủ đích”: Nếu như Anh không có được một kế hoạch thuyết phục về việc họ sẽ giải quyết vấn đề Brexit như thế nào, các lãnh đạo EU chắc chắn sẽ đưa ra một số lựa chọn gây tranh cãi, một trong số đó là để cho nước Anh thời gian dài hơn nữa để xử lý cái gọi là “cuộc khủng hoảng xác định bản sắc Brexit”.

Một chọn lựa đưa ra là kéo dài thời hạn này đến cuối năm 2020, đúng vào quãng thời gian mà trước đây dự tính cho là thời kỳ chuyển đổi sau Brexit. Điều này sẽ tránh xảy ra việc liên tiếp phải gia hạn thời gian rời EU sau mỗi 3 tháng. Nhưng đây được cho là một lựa chọn cực đoan không được nhiều nước thành viên EU ủng hộ.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.