Nước Mỹ choáng váng vì cơn bão Katrina

Thứ Hai, 12/09/2005, 14:47

Katrina là trận bão nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử thiên tai Mỹ. Chưa có thống kê chính thức về số nạn nhân tử vong bởi Katrina nhưng người ta tin rằng số thiệt mạng có thể hơn cả 8.000 - 12.000 người gây ra bởi trận bão Galveston năm 1900. Sự chậm chễ trong công tác cứu trợ của chính phủ càng làm cho hậu quả nặng nề hơn.

Có quá nhiều điều được bàn luận và mổ xẻ sau sự kiện trận bão Katrina tấn công nước Mỹ ngày 29/8/2005 nhưng điều người ta nói nhiều nhất vẫn là yếu tố chủng tộc. Vấn đề thật sự nằm ở chỗ nào? Đầu tiên, đó là chiến dịch sơ tán. Thống kê cho thấy 27% hộ dân thành phố New Orleans (khoảng 120.000 người) không có xe hơi cá nhân nhưng công tác cứu trợ vẫn không được xử lý kịp thời.

Các ý kiến chỉ trích cũng cho rằng giới chức trách không xem xét chi tiết New Orleans (bang Louisiana) là một trong những thành phố lớn nhất nhưng nghèo nhất Mỹ (tỉ lệ người nghèo khoảng 38%). Tình hình càng nhuốm màu chính trị khi những tổ chức da màu (Congressional Black Caucus, Black Leadership Forum, National Conference of State Legislators, National Urban League...) liên tiếp chỉ trích Chính phủ.

Cộng đồng người dân da màu tiếp tục chính trị hoá sự kiện Katrina.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng phải chăng ngân sách liên bang cho công tác phòng chống bão lụt bị cắt giảm đã làm hậu quả Katrina thêm nghiêm trọng; phải chăng cuộc chiến tại Iraq đã khiến quân đội Mỹ thiếu nhân lực cho chiến dịch cứu trợ nạn nhân Katrina; phải chăng viên chức từ địa phương đến trung ương phản ứng quá chậm; phải chăng Michael Brown không đủ kinh nghiệm ngồi ghế điều hành FEMA (Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang); rằng tại sao lâu nay người ta không chú ý xây dựng - nâng cấp hệ thống đê bao tốt hơn cho New Orleans dù thành phố này nằm dưới mực nước biển; rằng tại sao Tổng thống W.Bush không đưa bất kỳ người da màu nào vào ban điều hành xử lý hậu quả thảm họa (trong thực tế, tướng Russel Honoré - Chỉ huy trưởng Lực lượng quân đội chịu trách nhiệm chiến dịch cứu hộ và sơ tán - là người da màu)...

Vấn đề màu da xuất hiện liên tục trên vô số tờ báo và bản tin thông tấn Mỹ. Thậm chí nhà bình luận Lou Dobbs (CNN) cũng nói rằng: “Chúng ta nên đặt vấn đề một cách rõ ràng. Ngay cả mình, tôi cũng thấy New Orleans có 70% dân da màu, Thị trưởng là người da màu, cấu trúc chính trị chính yếu là thành phần da màu và do vậy, nếu có điều gì không phải với người Mỹ da màu, những người sống trong nghèo khổ tại New Orleans, thì giới chức trách phải chịu trách nhiệm”.

Báo chí Mỹ cũng lật lại quá khứ xử lý tình huống kém trong việc đối mặt thảm họa thiên tai của gia đình Tổng thống W.Bush. Năm 1992, Tổng thống Bush-cha bị chỉ trích hành động quá chậm trong công tác cứu trợ sau trận bão Andrew làm thiệt mạng 26 người tại Nam Florida, trong khi thống đốc bang này, Jeb Bush (em Tổng thống đương nhiệm W.Bush) dường như bình chân như vại vài ngày sau thảm họa. Và với Tổng thống W.Bush, cách thức ứng phó thảm kịch thiên nhiên dường như cũng có “vấn đề”. Trước kỳ tái đắc cử năm 2004, khi bão Charley đổ bộ vào Florida, Tổng thống Bush thực hiện công tác ứng cứu kịp thời nhưng với trận bão Katrina, tất cả những gì ông làm là hủy hai ngày chuyến nghỉ mát trước khi kịp tuyên bố nước Mỹ sẽ tiến hành chiến dịch cứu trợ lớn nhất trước nay, ở thời điểm mà Katrina đã khiến đóng cửa 8 nhà máy lọc dầu và New Orleans rơi vào tình trạng hỗn độn kinh khủng (xảy ra giết người và thậm chí hãm hiếp!).

Vấn đề bây giờ là khắc phục thảm họa Katrina. Chắc chắn phải mất nhiều năm New Orleans (dân số khoảng 1,4 triệu người) mới lấy lại bộ mặt thị tứ trước khi bị Katrina tàn phá và san thành bình địa như hiện thời. Toàn bộ kiến trúc hạ tầng, từ nhà cửa đến đường sá, đều tan nát. Tuy nhiên, người ta cũng tin rằng việc khôi phục New Orleans lại từ đầu sẽ biến thành phố này giàu có hơn. Một thập niên sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 1871, Chicago bắt đầu phát triển mạnh và dân số tăng đến hơn nửa triệu, so với 300.000 người vào thời điểm thảm họa (Berlin, Hiroshima, Rotterdam... đều từng bị san bằng trong Thế chiến II nhưng tất cả đều nhanh chóng khôi phục và thịnh vượng sau đó).

Trở lại vấn đề chính trị hóa sau trận bão Katrina tại Mỹ. Tất nhiên nhìn ở góc độ nào, Chính phủ Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì mà người dân chỉ trích, đặc biệt vấn đề cắt giảm ngân sách cho công tác phòng chống bão lụt để dành tiền cho việc củng cố an ninh nội địa. Dù vậy, cũng cần nên nhấn mạnh, tâm lý người bị nạn vẫn thường than oán và “đổ lên đầu” tất cả những gì có thể lên người điều hành, cũng như nhiều cơ quan cấp liên bang. Lời than trách của người dân da màu Mỹ trong vụ Katrina cũng là một điều dễ hiểu

M.Kim (Tổng hợp)
.
.