Nước Nga đã cứu Syria

Thứ Năm, 07/09/2017, 11:08
Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki trong những phát biểu của mình đã khẳng định toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ bị hủy diệt nếu chiến dịch ném bom của Nga không thành công. Tròn 2 năm kể từ khi nước Nga bắt đầu giáng đòn không kích, tình hình khu vực Trung Đông đã có nhiều biến đổi tích cực.

Cuộc nội chiến ở Syria đã kết thúc. Các vòng đàm phán hòa bình đang được mở. Trước mắt, chỉ còn mục tiêu cuối cùng, diệt tận gốc khủng bố.

Nội chiến ở Syria đã chấm dứt

Xung đột vũ trang tiếp diễn ở Syria từ tháng 3-2011. khiến hàng trăm nghìn người bỏ mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và phải di cư. Theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad, ngày 30-9-2015, Nga bắt đầu giáng đòn không kích vào các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; al-Qaeda và những phe chống lại Chính phủ Syria.

Với sự yểm trợ của Nga, Damascus đã đạt thành công đảo ngược tình thế. Trước khi có sự can thiệp chính thức này, Nga đã bày tỏ thái độ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đã cung ứng các trang thiết bị cho quân đội Syria.

Sự giúp đỡ hiệu quả của Nga đã giúp Trung Đông dần bình ổn trở lại. Ngày 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố, cuộc nội chiến ở Syria đã kết thúc. Mục tiêu còn lại là tấn công lực lượng khủng bố. Và Nga được đánh giá là đã thành công trong chiến dịch hỗ trợ Chính phủ Syria tiêu diệt IS.

Kể từ khi mở chiến dịch từ tháng 9-2015, các cuộc không kích của Nga khiến sức mạnh của IS suy yếu đáng kể, đẩy phiến quân dần rút khỏi các thành phố trọng điểm mà chúng tự xưng là lãnh thổ của mình; bước đầu đem lại hòa bình, ổn định cho người dân Syria.

Tổng thống Nga Putin động viên sĩ quan, binh sĩ Nga thực hiện nhiệm vụ tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Đánh giá tổng thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nhờ nỗ lực của Nga và các nước quan tâm khác mà gần đây, những điều kiện tiên quyết để cải thiện tình hình ở Syria đã được hình thành. Nhấn mạnh vai trò của Nga tại Trung Đông, Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki tuyên bố: Nếu không có Nga thì sớm muộn, Chính phủ Syria sẽ sụp đổ, tiếp đó là Iraq và cuối cùng, bản đồ toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ thay đổi.

Tại cuộc gặp người đồng cấp Lebanon Yakub Al-Sarraf trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật quân sự Quốc tế "Quân đội - 2017", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố rằng, cuộc nội chiến ở Syria đã kết thúc. Theo lời Đại tướng Shoigu, Nga đã thành công tách phái đối lập ôn hòa khỏi bọn khủng bố và thiết lập vùng giảm leo thang, cho phép chấm dứt nội chiến và tập trung vào đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Sức mạnh Nga và quyết tâm tiêu diệt khủng bố tại Syria

Nhờ Nga, vùng lãnh thổ do chính quyền Syria kiểm soát tăng gấp 4 lần. Tham mưu trưởng quân đội Nga nhận định rằng chiến dịch của lực lượng không quân Syria đã giúp chính phủ nước này có thể kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn trước đây.

Thượng tướng Sergey Rudskoy, Tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết, trong suốt chiều dài chiến dịch quân sự của không quân Nga tại Syria, diện tích lãnh thổ Syria mà chính phủ nước này kiểm soát đã tăng từ 19.000 lên gần 100.000km vuông.

Kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào năm 2015, không quân Nga đã tiến hành tổng cộng 90.000 lần không kích nhằm vào các phần tử khủng bố ở Syria. Sau khi Nga chính thức can dự vào cuộc chiến Syria thì phương Tây đã chẳng còn ưu thế nữa.

Máy bay ném bom của Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga triển khai ở Syria. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều. Trong khuôn khổ Diễn đàn Quân sự “Army - 2017”, tướng tình báo Igor Korobov thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết đã có tới hơn 25.000 tay súng thuộc 70 nhóm khác nhau cấu kết thành liên minh khủng bố mới tại Syria có tên gọi Heyat Tahrir Al-Sham, trong đó nhóm Al-Nusra đóng vai trò then chốt. Ngoài ra, trong liên minh thánh chiến mới này có cả những thành viên phe đối lập trước kia tự tuyên bố thuộc hàng ngũ phe đối lập ôn hòa.

Theo tướng Korobov, thủ lĩnh các nhóm khủng bố đang nỗ lực liên kết tất cả các tổ chức Hồi giáo vũ trang tại Syria, đầu quân cho nhóm Al-Nusra để chống lại quân đội chính phủ. Trong khi nhóm này không ngừng gia tăng các cuộc giao chiến chống quân đội chính phủ cũng như chống lại phe đối lập ôn hòa tại các tỉnh Aleppo, Damascus, Idlib và Hama.

Tướng Korobov cũng cho biết thêm khoảng 9.000 tay súng thuộc tổ chức khủng bố Jabhat Al-Nusra đang âm mưu chiếm giữ tỉnh Idlib. Trước đó, các phần tử thuộc nhóm này đã tăng cường tái tổ chức tại miền Bắc Syria nhằm tìm cách nắm quyền kiểm soát khu vực giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Syria cho đến khi tiêu diệt được hoàn toàn các nhóm khủng bố. Đây là tuyên bố mạnh mẽ của Tư lệnh Các lực lượng vũ trang LB Nga tại Syria, Thượng tướng Sergey Surovikin. Tướng Surovikin cũng thông báo về việc kết thúc chiến dịch tiêu diệt các nhóm khủng bố nhỏ lẻ tại biên giới Syria với Jordan và Iraq, cũng như tiếp tục tấn công vào các phần tử khủng bố tại thành phố Abu Kemal ở biên giới Syria - Iraq.

Ngoài ra, tướng Surovikin cho biết quân đội Chính phủ Syria với sự yểm trợ của không quân Nga đang phát triển 3 hướng tấn công vào thành phố Deir ez Zor: từ sông Euphrat, từ thành phố Ess-Sukhne và từ khu vực Abu-Kemal.

Theo người phụ trách các chiến dịch chính của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga - ông Sergei Rudskoy, tính đến nay, lực lượng không quân Nga đã phát động nhiều cuộc tấn công ở Syria, tiêu diệt nhiều tên khủng bố, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang đi theo chiều hướng có lợi cho chính quyền của Tổng thống Assad.

Xe tăng, thiết giáp của quân đội Chính phủ Syria bao vây Aleppo. Ảnh: AP.

Chiến thắng được quyết định trên chiến trường

Khi cuộc chiến Syria đang dần kết thúc thì cũng là lúc các nhà quan sát đặt ra câu hỏi: Ai là bên chiến thắng, ai là bên thua cuộc? Mọi chuyện sẽ ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc?

Cuộc nội chiến Syria bắt đầu từ cuộc nổi loạn của một số nhóm phiến quân vào năm 2011 chống lại chính phủ Damascus. Tuy nhiên, không đơn giản là một cuộc nổi dậy trong nước, các thế lực bên ngoài như phương Tây cùng các thế lực trong khu vực đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy và biến biểu tình thành xung đột vũ trang.

Quân đội Chính phủ có lúc yếu thế tưởng chừng như tan vỡ. Song, theo thông tin từ các nhà báo hàng đầu nước Anh mô tả quân đội Syria đã hồi sinh cực kỳ thành công. Họ đã giành được nhiều chiến thắng khi sử dụng các loại vũ khí tối tân do Nga cung cấp. 6 tháng trước, các nhóm khủng bố và các đồng minh “ôn hòa” đã tiến sát Damascus. Quân đội Syria rơi vào tình thế hiểm nghèo.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra. Robert Fisk viết trên tờ the Independent: Vai trò sống còn của vũ khí Nga cũng như công tác huấn luyện đã đảo ngược tình huống hiểm nghèo của chính quyền Syria.

Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9-2015. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau đó, Nga rút các lực lượng quân sự chính ra khỏi Syria với lý do các mục tiêu của chiến dịch “hầu như đã được hoàn thành”. Nga chỉ duy trì ở Syria một lực lượng vừa đủ để theo dõi việc thực hiện lệnh ngừng bắn ở Syria. Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang đi theo chiều hướng có lợi cho chính quyền của Tổng thống Assad.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của lực lượng không quân Nga cũng như sự giúp đỡ to lớn của một số lực lượng khác, quân đội trung thành với ông Assad đang giành chiến thắng lớn tại nhiều khu vực và từ đó củng cố quyền lực cho chính quyền ông Assad.

Đến nay, kế hoạch thay đổi chế độ ở Syria có thể coi là đã thất bại thảm hại. Với tiền bạc, nhân lực, vật lực mà phương Tây và một số nước đã đổ vào cuộc chiến, mục tiêu lật đổ chính quyền đã không đạt được. Đổi lại, các nước này còn bị đe dọa bởi những hiểm họa lớn nảy sinh từ cuộc chiến với những tay súng cuồng tín thiện chiến.

Cần phải nhớ rằng cuộc chiến này không phải chiến thắng trên bàn đàm phán mà là chiến thắng trên chiến trường, thông qua những trận chiến tàn khốc. Lực lượng ủng hộ Assad có thể coi là đã chiến thắng lực lượng nổi dậy khi quân đội Assad đã kiểm soát được các thành phố chủ chốt và các tuyến đường cao tốc chạy xuyên đất nước, trong khi đẩy lùi và cô lập được phiến quân.

Phần lớn phiến quân đều là các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan và bị người dân căm ghét, hoàn toàn trái ngược với những gì phương Tây mô tả. Tệ hơn là khi cuộc xung đột kéo dài thì phương Tây càng không thể che giấu quan hệ với IS hay Al Qaeda.

Các chuyên gia cho rằng khi Aleppo sụp đổ trước quân đội chính phủ vào năm 2016 thì cũng là lúc chiếc đinh cuối cùng trong “cỗ áo quan” của cuộc nổi dậy được đóng lại. Các nước phương Tây đã tính toán sai lầm khi tìm cách thay đổi chế độ ở Syria. Họ tin rằng họ có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh giá rẻ bằng cách sử dụng lính đánh thuê.

Những nước này không dám mạo hiểm với một cuộc đối đầu trực tiếp với các nước khác trong khu vực. Và phương Tây cũng đã đánh mất cái gọi là nền tảng đạo đức khi rõ ràng là đã trang bị và hậu thuẫn cho những lực lượng từng bị xem là kẻ thù của các giá trị phương Tây.

Thế cờ bị lật ngược

Tướng Surovikin nhấn mạnh, quân đội Nga hùng mạnh hơn vì đã tham gia chiến đấu ở Syria. Theo chuyên gia quân sự Nga, quân đội Nga đã có bài học kinh nghiệm rất quan trọng qua chiến dịch ở Syria.

Trong "Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2017", quân đội Nga đứng thứ hai trong 3 cường quốc mạnh nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Công ty Global Firepower. Nga sở hữu lực lượng bộ binh mạnh nhất, dẫn đầu về số lượng xe tăng chiến đấu.

Người dân Syria ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad. Ảnh: PressTV.

Trong đánh giá của Global Firepower năm ngoái, Nga cũng đứng ở vị trí thứ hai. Khi đó, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng quân đội Nga đã được củng cố bởi chương trình hiện đại hóa quy mô lớn. Ví dụ sinh động nhất chứng minh điều này đó là việc Nga đưa các hệ thống vũ khí tối tân triển khai tại Syria đã làm đảo lộn mọi tính toán quân sự trong khu vực.

Việc Nga duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các tác nhân chủ chốt của khu vực Trung Đông đang góp phần to lớn vào việc củng cố vị thế của nước Nga. Moskva chấp nhận mạo hiểm khi quyết định trợ giúp Tổng thống Syria, hợp tác với Iran trong vấn đề Syria, củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ Ai Cập... Ngoài ra, sự can thiệp của Nga vào vấn đề Lybia dường như đã mang lại kết quả rõ rệt và được minh chứng cụ thể qua hai chuyến thăm của tướng Khalifa Haftar.

Sự can dự của Nga tại Syria đã thực sự mang lại kết quả và cũng góp phần buộc Mỹ phải hợp tác, chí ít là trong khía cạnh quân sự. Một mặt, sự hiện diện của Nga đã phần nào ổn định tình hình trên chiến trường và giúp quân đội Syria chiếm thế thượng phong. Hơn thế nữa, Nga tham chiến ở Syria cũng là cách để họ đảm bảo an toàn cho các căn cứ của Nga tại quốc gia này.

Cuối cùng, quyết định can thiệp của Nga đã giúp Moskva gia tăng đáng kể sức ảnh hưởng của mình về mặt địa chính trị, đưa Kremlin trở thành một nhân tố chính trong khu vực.

Việc can thiệp đúng lúc của Nga đã đặt dấu chấm hết cho mọi toan tính bất lợi cho Chính phủ Syria. Thậm chí, Nga và Syria đã đi trước một bước khi cùng nhau thiết lập hệ thống phòng không chung và họp bàn về triển vọng hợp tác về dầu khí. "Nga và Syria có quan hệ đặc biệt trong mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, quân sự... Mức độ cao của các mối quan hệ này cho phép chiến thắng khủng bố, giải phóng phần lớn các khu vực của Syria.

Giai đoạn hợp tác tiếp theo là khôi phục đất nước. Đó là một lĩnh vực rộng lớn cho các hoạt động mà chúng ta có thể thiết lập hợp tác hiệu quả", Bộ trưởng Năng lượng Syria Ali Ghanem nói.

Hoa Huyền
.
.