Nước Pháp lại dậy sóng với thuế nhiên liệu

Thứ Tư, 28/11/2018, 17:07
Ngày 24-11, cuộc biểu tình của hơn 8.000 người theo phong trào “áo vàng” trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ đã nhanh chóng biến thành bạo loạn. Hơn 3.000 cảnh sát và máy bay trực thăng được điều động để đảm bảo trật tự, cùng hàng rào an ninh được thiết lập trong thành phố và các tòa nhà chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông cương quyết phản kháng khi cố gắng tiếp cận Điện Elysee (dinh Tổng thống Pháp). Đây là ngày thứ 8 liên tiếp những người biểu tình “áo vàng” xuống đường nhằm phản đối cải cách cùng những chính sách kinh tế mới của Tổng thống Emmanuel Macron.

Biển người “áo vàng” dậy sóng

Chính phủ Pháp đã quyết định tăng thuế nhiên liệu, từ đó vạch ra lộ trình tăng giá nhiên liệu (dự kiến được áp dụng từ tháng 1-2019), cụ thể là dầu diesel, nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường. Hiện tại, giá dầu đã tăng đến 85 USD/thùng, vượt xa mức trước đó là 50 USD/thùng. Mức giá nhiên liệu cao đã khiến người dân Pháp cực kỳ phẫn nộ khi cho rằng mức tăng không công bằng với người lao động chỉ có nghề lái xe làm kế sinh nhai.

Cảm giác thất vọng của một bộ phận không nhỏ người dân Pháp đã hình thành nên phong trào “áo vàng” (loại áo phản quang, dùng cho công nhân và cảnh sát giao thông, được những người hưởng ứng biểu tình treo ở đằng sau xe ô tô hoặc mặc trên người).

Trên thực tế, chiến dịch biểu tình “áo vàng” đã trở thành cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm vào chính quyền Tổng thống Macron. Đã có khoảng 300 tỉnh thành ở nước Pháp hưởng ứng chiến dịch này, trong khi đó giới quan sát dự báo phe “áo vàng” thậm chí có thể lan tỏa ảnh hưởng tới tận vùng lãnh thổ Reunion nằm trên Ấn Độ Dương.

Ngay từ ngày đầu tiên diễn ra vào hôm 17-11, phong trào “áo vàng” tự phát trên diện rộng đã lôi kéo gần 300.000 người tuần hành trên đường phố, gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Những người tham gia biểu tình thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, song chủ yếu là những người sử dụng phương tiện xe hơi để đi làm.

Bước sang ngày thứ 3 liên tiếp (19-11), tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện khi người biểu tình vẫn còn tập trung và “cắt” mạch giao thông tại nhiều tuyến đường từ thị trấn Verdun thuộc miền Đông Bắc cho tới thành phố cảng Bordeaux thuộc miền Tây Nam nước Pháp, hay tuyến đường hầm phục vụ hãng đường sắt Eurostar kết nối với Vương quốc Anh. Khoảng 20.000 người thuộc phe “áo vàng” tiếp tục phong tỏa ít nhất 200 nhà kho chứa nhiên liệu trong bối cảnh chính phủ chưa có động thái nhượng bộ.

Cho đến nay, phong trào “áo vàng” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì chưa bên nào chịu “xuống nước”. Bầu không khí trở nên căng thẳng khi những người biểu tình xô đổ các thanh chắn và vật dụng trên đường phố để dựng một rào cản ở giữa đại lộ Champs-Elysees. Nhiều người dường như sẵn sàng cho các vụ đụng độ với cảnh sát khi tự trang bị đầy đủ mặt nạ chống khói và kính bảo hộ. Họ lấy đá lát vỉa hè và pháo ném về phía cảnh sát, hò hét yêu cầu Tổng thống Emmanuel Macron từ chức, khiến khu vực Champs-Elysees hỗn loạn. Những đám cháy bùng lên trên đại lộ, trong khi giao thông hoàn toàn bị tê liệt ở các khu vực xung quanh.

Hàng ngàn người phe “áo vàng” biểu tình phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu, sau đó biến thành bạo loạn.

Phe “áo vàng” đã tạo nên hiệu ứng lớn trong xã hội Pháp khi lôi kéo hàng trăm nghìn người tham gia khoảng 1.000 cuộc biểu tình lớn nhỏ ở 1.600 địa điểm trên khắp cả nước theo lời kêu gọi trên mạng xã hội. Các cuộc biểu tình đã làm ít nhất 2 dân thường thiệt mạng, hơn 600 người khác cùng 136 cảnh sát bị thương.

Người biểu tình đập phá các cửa hàng, các công trình công cộng trên đường, đốt phá nhiều tài sản công. Cảnh sát thường xuyên phải sử dụng lựu đạn hơi cay và vòi rồng để đẩy lui đám đông biểu tình quá khích, tạm giam ít nhất 157 đối tượng quá khích. Cuộc biểu tình cũng khiến kinh tế Pháp bị ảnh hưởng khi doanh thu hằng ngày của các nhà bán lẻ giảm 35%.

Chính sách cứng rắn

Tổng thống Emmanuel Macron đã lên tiếng chỉ trích người biểu tình làm tê liệt hoạt động ở Paris hôm 24-11, cáo buộc trách nhiệm của các nhà tổ chức biểu tình thuộc phe “áo vàng”, cho rằng bạo động được thao túng bởi phe cực hữu hưởng ứng lời kêu gọi của Marine Le Pen - Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia. Ông cũng khẳng định thấu hiểu nỗi niềm của người biểu tình, song nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã đề ra.

Khi được yêu cầu bình luận về các cuộc biểu tình đang xảy ra trên khắp nước Pháp, Tổng thống Macron không bày tỏ quan điểm gì mà chỉ nhắc lại cam kết sẽ tiếp tục giữ vững chính sách tăng thuế nhiên liệu.

Theo chủ trương của Tổng thống Macron, việc tăng thuế nhiên liệu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, cũng như khuyến khích người tiêu dùng Pháp chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường. Thế nhưng, phe đối lập đã chỉ trích ông Macron là “Tổng thống của người giàu”, cho rằng ông không hiểu được việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của đại đa số người dân Pháp.

Trong khi đó, người dân có vẻ như tỏ ra mệt mỏi khi phải gánh quá nhiều khoản thuế và tin rằng ông Macron đã “mất kết nối” với những khó khăn kinh tế thường ngày của họ cùng lời kêu gọi tổng thống từ chức. Đây được xem như một thách thức không hề nhỏ đối với Tổng thống Emmanuel Macron sau hơn một năm lên nắm quyền.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tái định hình nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Cũng từ đây, ông liên tục phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối chính sách của chính phủ. Hồi cuối năm 2017, Pháp đã thông qua việc tăng thuế nhiên liệu, song chính sách này bắt đầu gây tác động trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng trong tháng 10-2018.

Những biện pháp cải cách gây tranh cãi đã khiến chỉ số tín nhiệm với “ông chủ” Điện Elysee rơi xuống mức thấp. Theo kết quả thăm dò mới được công bố, chỉ có khoảng 25% số người được hỏi tỏ ra hài lòng với Tổng thống Macron, thấp hơn so với mức 29% công bố hồi tháng 10.

Anh Lâm (tổng hợp)
.
.