Nước cờ nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Sáu, 08/12/2017, 07:03
Bất chấp cảnh báo của Nga và Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc mở cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng có đã tác động mạnh tới chính quyền CHDCND Triều Tiên. Liệu có phải đó là kế khiến lãnh đạo CHDCND Triều Tiên "nổi đóa" và nếu xung đột xảy ra thì đây là một nước cờ chưa có tiền lệ.

Ngày 4-12, Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc tập trận ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên mang tên Vigilant Ace (Át chủ bài cảnh giác) diễn ra đến hết ngày 8-12 trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử tên lửa tiên tiến nhất của nước này.

Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 230 máy bay, trong đó đáng lưu ý có 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor và khoảng 12.000 binh sĩ Mỹ. Hiếm khi nào Lầu Năm Góc tiết lộ quy mô chi tiết của các lực lượng tham gia tập trận, cho thấy lần này Seoul và Washington muốn đưa thông điệp răn đe đặc biệt nhằm vào Bình Nhưỡng. Cuộc tập trận được tiến hành với nhiều kịch bản, như mô phỏng tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu hạt nhân và tên lửa giả định của CHDCND Triều Tiên.

Tại Washington, cố vấn an ninh của Nhà Trắng, tướng McMaster hôm 2-12 nói rõ: "Ngoài giải pháp quân sự, có nhiều cách để giải quyết hồ sơ Triều Tiên, nhưng thời gian có hạn". Hãng tin Reuters ngày 4-12 dẫn tuyên bố của Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham cho rằng, Mỹ nên bắt đầu di tản vợ con của các binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Hàn Quốc về Mỹ bởi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy đang "tiến gần tới một cuộc xung đột quân sự" với CHDCND Triều Tiên.

Trong phiên họp ngày 4-12, Nghị viện Nhật Bản khẳng định những vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là một “mối hiểm họa cận kề” đối với nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng đối thoại với quốc gia khép kín này là việc vô ích.

Mặc dù đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với mục tiêu công khai của Mỹ và Hàn Quốc nhưng cũng giống như hàng trăm cuộc tập trận chung của hai nước này trước đó, CHDCND Triều Tiên luôn coi chúng là những hành động khiêu khích chiến tranh. Một ngày trước chiến dịch tập trận Mỹ-Hàn, nhật báo Rodong Sinmun của Bình Nhưỡng, số ra ngày 3-12, lên án "hành vi công khai khiêu khích nhắm vào Triều Tiên và hành động đó có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân bất cứ lúc nào".

Tờ báo cho rằng Mỹ và Hàn Quốc đang lao vào một "sự tự hủy diệt". Trước đó, phát biểu trên kênh KCNA, một quan chức Bộ Ngoại giao của Bình Nhưỡng tố cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn "gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử bằng mọi giá" phớt lờ lời kêu gọi từ Nga và Trung Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 4-12 nói "đáng tiếc" là tất cả các bên đã không "nắm bắt cơ hội" mà 2 tháng tương đối tĩnh lặng mang lại trước khi CHDCND Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm mới nhất. Trung Quốc và Nga đã đề xuất Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự lớn để đổi lấy việc CHDCND Triều Tiên đình chỉ các chương trình vũ khí của họ. Bắc Kinh chính thức gọi ý tưởng là đề xuất "đình chỉ kép".

Về phía mình, Nga cáo buộc Mỹ tìm cách kích động lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "nổi đóa" để Washington có cớ hủy diệt chính quyền Bình Nhưỡng. Theo Sputnik, chưa bao giờ một chính quyền Mỹ lại dùng nhiều các biện pháp đe dọa quân sự với CHDCND Triều Tiên như hiện nay.

Các máy bay chiến đấu của Mỹ được điều động tới cuộc diễn tập Vigilant Ace tại Căn cứ Không quân Osan, Hàn Quốc, ngày 3-12.

Giới hạn chịu đựng của hai bên ngày càng được đẩy xa hơn trước trong khi khả năng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mỗi lúc một mạnh lên. Điều đáng sợ là từ trước đến nay chưa ai lường trước được những phản ứng của Bình Nhưỡng. Tờ báo Nga cho rằng bằng cách thử giới hạn chịu đựng của một CHDCND Triều Tiên với vũ khí hạt nhân trong tay, Tổng thống Trump đang đặt thế giới vào vòng nguy hiểm diệt vong.

Tờ báo viết: “Nguy cơ chiến tranh giữa Triều Tiên và Mỹ bắt nguồn từ đánh giá sai lầm. Nguy cơ này không thể bị loại trừ khi chính quyền Bình Nhưỡng thu mình khép kín và khi vẫn còn những phản ứng khó lường của ông Donald Trump và chính quyền Washington. Chiến lược răn đe của Mỹ không còn đáng tin cậy nữa...”.

Báo chí Pháp những ngày này cũng có nhiều bình luận về cuộc khủng hoảng Mỹ-Triều hiện nay. Tờ Le Monde trong mục ý kiến cho rằng vai trò của Trung Quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng này là rất lớn. Ngày 29-11, Tổng thống Trump đã điện thoại lần nữa qua Trung Quốc, và Bắc Kinh một lần nữa, lại yêu cầu ông Trump kiên nhẫn, chờ thi thố hết các hành động ngoại giao.

Theo tờ báo, lãnh đạo Trung Quốc đang tìm các thuyết phục Mỹ hãy chờ đến khi Bắc Kinh đưa ông Kim Jong-un ngồi xuống nói chuyện. Chuyện này có thể xảy ra, thứ nhất Bình Nhưỡng muốn có nói chuyện ngang hàng với Mỹ để ký một hiệp ước đình chiến. Thứ hai, CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng chấp nhận tạm ngưng thí nghiệm bom và tên lửa. Sau khi thí nghiệm thành công một tên lửa hồi tuần trước có thể bắn tới nước Mỹ, Bình Nhưỡng có địa vị cao hơn!

Bây giờ CHDCND Triều Tiên có thể tự coi mình mạnh không thua gì nước Mỹ! Cho nên, theo Le Monde, ông Tập Cận Bình có thể thuyết phục ông Donald Trump rằng tên lửa mới của CHDCND Triều Tiên càng bay cao và bay xa thì Bình Nhưỡng càng sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Mỹ hơn.

Nhưng tờ nhật báo Le Figaro nhận thấy dường như Trung Quốc đang mất kiểm soát đối với đồng minh CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, không có chuyện xem xét lại mối liên minh chiến lược. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên lại là cơ hội đánh lạc hướng chú ý dư luận ra ngoài tham vọng thôn tính trên Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Mỹ tỏ ra bất lực trong khu vực.

Hiệu quả của trừng phạt kinh tế CHDCND Triều Tiên giờ phụ thuộc vào Trung Quốc và phần nào đó là Nga. Tấn công quân sự phủ đầu bị loại trừ vì rất nhiều yếu tố nguy hiểm.

Le Figaro kết luận: “Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang thúc đẩy sự xuất hiện của một bàn cờ quốc tế mới. Nó khẳng định trọng tâm thế giới đang được đẩy về hướng châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà nguy cơ xung đột lớn và nhất là các tranh chấp lãnh thổ và hiềm khích quá khứ vẫn còn đó”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.