Nước cờ sai của Belarus?

Thứ Năm, 27/05/2021, 08:12
Tadeusz Giczan, Tổng Biên tập Nexta, cho biết khi lên máy bay ở Athens, Protasevich đã cảm thấy bị một số người bám theo. Theo ông Giczan, những người này được cho là đặc vụ của cơ quan tình báo Belarus và khi máy bay đi vào không phận Belarus, họ đã dàn dựng một vụ xô xát với phi hành đoàn, buộc máy bay phát tín hiệu khẩn cấp...


Ngày 23-5, chuyến bay mang số hiệu 4978 của Hãng hàng không Ryanair từ Hy Lạp đến Litva khi bay qua không phận Belarus đã nhận được liên lạc từ đài kiểm soát không lưu địa phương. Chính phủ Belarus điều máy bay tiêm kích Mig-29 buộc máy bay chở khách này phải hạ cánh xuống Minsk với lý do có nguy cơ đánh bom, tuy nhiên, mục đích để bắt nhà hoạt động đối lập là nhà báo, nhà hoạt động chính trị đối lập Roman Protasevich, cựu Tổng biên tập của kênh Nexta có trụ sở tại Ba Lan. Việc làm này bị chỉ trích là hành động khủng bố nhà nước chưa từng có.

Kịch bản đã được chuẩn bị từ trước?

Tadeusz Giczan, Tổng Biên tập Nexta, cho biết khi lên máy bay ở Athens, Protasevich đã cảm thấy bị một số người bám theo. Theo ông Giczan, những người này được cho là đặc vụ của cơ quan tình báo Belarus và khi máy bay đi vào không phận Belarus, họ đã dàn dựng một vụ xô xát với phi hành đoàn, buộc máy bay phát tín hiệu khẩn cấp. Cơ quan kiểm soát không lưu Belarus cũng thông báo cho phi hành đoàn về một mối đe dọa có bom trên khoang và yêu cầu máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay ở thủ đô Minsk. Cáo buộc về kịch bản này chưa được xác nhận của chính quyền nước nào cũng như Hãng hàng không Ryanair.

Lực lượng an ninh tại sân bay ở Minsk kiểm tra hành lý của hành khách trên chuyến bay Ryanair.

Tuy nhiên, suy đoán trên không phải không có căn cứ. Khi chuyến bay đến gần điểm đến ở Litva, kiểm soát không lưu Belarus đã ra lệnh cho máy bay đến Minsk, nơi họ khẳng định là sân bay quốc tế gần nhất, mặc dù Vilnius ở gần hơn nhiều. Cụ thể, trước khi phải chuyển hướng, máy bay cách sân bay Vilnius 90 km về phía Nam nhưng cách Minsk 160 km về hướng Tây. Điều này khiến cho yêu cầu của nhà chức trách Belarus trở nên rất khó hiểu.

Ngay khi phi hành đoàn thông báo máy bay buộc phải chuyển hướng xuống Minsk, theo lời kể của các hành khách khác, Protasevich đứng bật dậy, lôi từ trong khoang hành lý phía trên đầu một máy tính xách tay và chuyển nó cùng với điện thoại của mình cho người phụ nữ đi cùng.

Một hành khách khác cho biết, Protasevich tỏ ra bồn chồn và vô cùng hoảng hốt kể từ khi biết máy bay chuyển hướng và anh ta nói "Án tử hình đang chờ tôi ở đây". Ngay khi máy bay đáp xuống sân bay ở Minsk, nhà báo bị tách khỏi đoàn. Lực lượng an ninh cùng chó nghiệp vụ đã tiến hành kiểm tra hành lý của Protasevich.

Protasevich là ai?

Theo Washington Post, Protasevich là “cái gai trong mắt” chính quyền Belarus. Protasevich là cựu Tổng Biên tập của kênh Nexta có trụ sở tại Ba Lan. Đây là kênh truyền thông xã hội trên Telegram có hơn 1 triệu người theo dõi thường xuyên phát sóng các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Tổng thống Belarus Lukashenko, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Roman Protasevich.

Trong cuộc bầu cử tổng thống khi đó, kết quả được công bố phần thắng thuộc về ông Lukashenko. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng có gian lận và phần thắng lẽ ra phải thuộc về bà Svetlana Tsikhanouskaya. Nhiều nước châu Âu cũng không công nhận kết quả ông Lukashenko thắng cử.

Tháng 11-2020, Protasevich đăng tải trên Twitter một bản sao danh sách khủng bố do giới chức Belarus công bố, trong đó có tên của anh này. Protasevich sang Ba Lan năm 2019 để tránh sức ép từ chính quyền Belarus. Ba Lan đã từng từ chối yêu cầu dẫn độ Protasevich của Chính phủ Belarus. Sau một thời gian, Protasevich chuyển tới Vilnius, Litva, nơi lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya đóng trụ sở. Anh đến Hi Lạp để đưa tin về một hội nghị kinh tế mà bà Tsikhanouskaya tham gia với tư cách là nhà lãnh đạo lưu vong của đất nước Belarus.

Ngoài kênh Nexta, Protasevich hiện là Tổng Biên tập của Belarus of the Brain - một kênh thông tin chính trị Belarus trên ứng dụng Telegram hiện có khoảng 250.000 người đăng ký theo dõi.

Hậu quả nhìn thấy trước

Belarus là một bên ký kết Công ước hàng không dân dụng Montreal 1971 và Nghị định thư về sân bay năm 1988, theo đó buộc nước này phải ngăn chặn các hành vi trái pháp luật đối với hàng không dân dụng.

Hai văn bản này cấm các hành vi đe dọa đến sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn trên tàu bay dân dụng, bao gồm “(thực hiện) hành vi bạo lực đối với một người trên tàu bay đang trong hành trình bay nếu hành vi đó có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn của chuyến bay đó” và “(truyền đạt) thông tin mà người đưa ra biết là sai, gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay đang trong hành trình bay”.

Sau vụ việc này, Các quy tắc toàn cầu về hàng không dân dụng bị suy yếu nghiêm trọng.

Công ước và nghị định thư nêu trên đã được gần như mọi nước ký kết và phê chuẩn. Các văn kiện này củng cố các tiêu chuẩn an ninh hàng không và sân bay trên toàn thế giới. Nếu không có các hiệp ước này, sẽ không có các tiêu chuẩn chung cho các yêu cầu hàng không dân dụng, hạn chế nghiêm trọng việc đi lại bằng đường hàng không giữa các quốc gia. Nếu Belarus sử dụng vũ lực để điều hướng một máy bay dân dụng khỏi điểm đến dự kiến vì mục đích chính trị không liên quan đến an ninh thực tế thì có thể nước này đã thực hiện hành vi không tặc.

Ngay sau vụ việc, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã chỉ trích hành động của Belarus. Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định các nước trong khối sẽ đánh giá hậu quả vụ việc và có thể sớm tiến hành trừng phạt Belarus. Viết trên Twitter, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng vụ việc là nghiêm trọng và cần tiến hành điều tra ở cấp quốc tế. Tương tự, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố hành động của Belarus là “hành động của một nhà nước khủng bố”. Đại diện của Đức yêu cầu Belarus phải giải thích vụ việc ngay tức khắc.

Là quốc gia thành viên của EU, Lithuania kêu gọi EU và NATO có phản ứng. Bà Ursula von der Leyen, lãnh đạo Ủy ban châu Âu, yêu cầu Protasevich phải được phóng thích ngay lập tức. Bà Leyen còn khẳng định những người chịu trách nhiệm cho “vụ cướp máy bay Ryanair phải bị trừng phạt”.

Bản đồ mô tả hành trình chuyến bay cho thấy yêu cầu hạ cánh tại Minsk của chính quyền Belarus là vô cùng khó hiểu với lý do trên chuyến bay có bom.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết chuyến bay đã bị “cướp” và nói sẽ đề nghị các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus tại buổi họp Hội đồng châu Âu tiếp theo.

“Nếu máy bay có thể bị ép hạ cánh để trừng phạt nhà hoạt động đối lập chính trị, nhà báo tại Anh và chính khách tại châu Âu sẽ khó lên tiếng hơn”, Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, cho biết. Ông Tugendhat cùng người đồng cấp Mỹ, Ireland, Đức, Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan và Cộng hòa Séc cùng lên án hành động của Minsk là “không tặc”. Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu “cuộc điều tra toàn diện” vào hành động gây nguy hiểm tới mạng sống của hành khách, bao gồm công dân Mỹ. “Vì có dấu hiệu cho thấy có sự lừa dối để ép máy bay hạ cánh, chúng tôi ủng hộ Hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế tổ chức họp mặt sớm nhất để đánh giá sự việc”, ông Blinken nói trong một tuyên bố. Đại sứ Mỹ tại Belarus Julie Fisher thì lên tiếng chỉ trích đây là hành động “nguy hiểm”.

Khi các nước phá vỡ quy tắc quốc tế mạnh mẽ chống lại việc gây rối hàng không dân dụng, họ phải chịu sự lên án của quốc tế. Năm 2013, một số quốc gia châu Âu đã chặn chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales khi chiếc máy bay bay qua không phận của họ vì nghi ngờ Edward Snowden, người làm rò rỉ hồ sơ tình báo của Mỹ, đang ở trên máy bay. Mặc dù máy bay của chính phủ các nước không nằm trong phạm vi điều chỉnh bởi các công ước liên quan, các nước châu Âu đã xin lỗi khi máy bay của Tổng thống Bolivia hạ cánh ở Vienna (Áo) và thực tế Snowden không có mặt trên máy bay.

Bà Sviatlana Tsikhanouskaya, lãnh đạo phe đối lập Belarus và hiện lưu vong tại Litva, kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phải loại bỏ tư cách của Belarus trong tổ chức này. Phía ICAO cũng đã lên tiếng cho rằng hành động của chính quyền Minsk có dấu hiệu vi phạm Công ước Chicago - vốn là nền tảng nguyên tắc của hoạt động hàng không dân dụng. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.

Một phụ nữ cầm tờ giấy ghi "Roman (Protasevich) đang ở đâu?" tại sân bay Vilnius, Lithuania, ngày 23-5.

Nhiều nước cũng kêu gọi cấm mọi chuyến bay qua bầu trời Belarus ở cả hai chiều đi lại. Đồng thời, nhóm này yêu cầu NATO và các thành viên EU áp lệnh trừng phạt và ngừng “khả năng sử dụng Interpol” của Belarus.

Việc làm suy yếu các quy tắc toàn cầu về hàng không dân dụng đồng nghĩa với việc các hãng hàng không sẽ phải tính toán đến yếu tố địa chính trị khi thiết kế đường bay. Họ có thể sẽ phải kiểm tra các hoạt động chính trị của hành khách để tránh bị trừng phạt. Các phi công sẽ không biết liệu thông tin về một quả bom trên máy bay là sự thật hay chỉ là sự mở đầu cho việc buộc phải hạ cánh. Ít nhất, những vấn đề này sẽ dẫn tới việc các chuyến bay sẽ phải thay đổi đường bay, kéo dài hơn, tốn kém hơn đối với cả hành khách và hàng hóa, từ đó gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ cùng EU, Anh và Canada từ trước đã áp lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với gần 90 quan chức Belarus, bao gồm cả Tổng thống Lukashenko. Động thái này được đưa ra sau cuộc bầu cử Belarus vào tháng 8-2020 mà phía đối lập và phương Tây cho là có gian lận. Nhưng, nếu chính quyền Minsk không có lời giải thích thỏa đáng cho sự việc này thì hậu quả mà đất nước họ phải gánh chịu còn khủng khiếp hơn nhiều.
Đỗ Tiến
.
.