Oái ăm... hổ giả

Thứ Ba, 14/05/2013, 21:45

Hổ là "đại ca" rừng xanh, là chúa muôn loài, là mãnh thú mà khi nhắc đến tên, thiên hạ kẻ kiêng dè, người "say máu"...
Nói về cái sự "say máu" mãnh hổ của con người ta, ôi thôi bá tánh có 1.001 kiểu "say" với đủ loại cung bậc. Kẻ "say" cái vóc dáng uy dũng cùng bộ móng vuốt sắc lẹm như dao cạo của chúa sơn lâm, người mê như điếu đổ bộ da vằn vện quý phái chẳng loài nào có thể thay thế được của "anh hai" muông thú…

Trong rất nhiều kiểu "say" ấy, người ta, chủ yếu là cánh mày râu, mà lại là những ông lắm tiền "say" nhất cái cục đen đen được gọi là… cao hổ. Say bởi các ông tin cao hổ bổ lắm, quý lắm, ai dùng cũng tấm tắc với “thần dược”.

Người ta "say" chúa sơn lâm, mà đúng hơn là "say" mẻ cao được luyện từ thịt cốt của "đại ca" rừng xanh vì lẽ đó. Chính cơn say bất tận, thậm chí quay cuồng này đã tạo nên đủ kiểu bi kịch… hổ giả!

Hổ giả tất nhiên chẳng phải hổ thật. Hổ giả có nghĩa người ta dùng con vật khác giả làm hổ. Hổ giả là hổ chẳng phải hổ nhưng nhiều người khi mục diện cứ đinh ninh là hổ. Hổ giả đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ lời rao bán cao hổ cốt chính quy vốn tràn lan trên các trang mạng đến những con hổ mà không phải hổ được không ít tay chơi lắm tiền tung bộn bạc rinh về tư gia để luyện cao. Hổ giả bây giờ loạn cào cào nhưng điều nực cười là dân quý tộc "say" hổ lại không hề biết điều ấy…

1. Trước khi đi sâu vào câu chuyện hổ giả hay giả hổ, người viết xin được điểm qua thị trường cao hổ cốt hiện nay. Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Tp HCM cho biết, loài hổ trong tự nhiên chỉ còn vài mươi con, là loài quý hiếm tột bậc nhưng điều lạ là đâu đâu cũng thấy người ta rao bán cao hổ. Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đủ để khẳng định 99,99% cao hổ được rao bán trên thị trường, từ bán trên mạng, bán qua các mối giới thiệu hay tại các cửa hiệu đông y gia truyền… là cao hổ dỏm.

Vậy cao hổ dỏm là cao hổ như thế nào? Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Phòng pháp chế Chi cục Kiểm lâm Tp HCM thì cao hổ dỏm nghĩa là "cao hổ" được ninh từ xương cốt hầm bà lằng, có thể là xương trâu bò hay gà vịt, hoặc xương con này xương con nọ chứ chẳng phải là xương hổ. "Hổ tự nhiên bây giờ hiếm lắm, làm gì có sẵn ra đấy để người ta ninh cao. Hổ được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, số lượng cũng rất ít nên chắc chắc không có chuyện người ta thích thì đè con hổ ra nấu cao và bán tràn lan được!".

Hổ trong tự nhiên chỉ còn vài mươi con nhưng thông tin cao hổ cốt được bán tràn lan.

Ai cũng rõ cao hổ dỏm được rao bán tràn lan trên thị trường nhưng điều lạ là nhiều quý ông quý bà tin cục cao đen sì sì được luyện từ xương các loài thú khác mà họ đang có trong tay là cao hổ thứ thiệt. Niềm tin này được chính họ với trải nghiệm bằng xương bằng thịt, qua đó cảm nhận được sự thần hiệu của từng lát cao nên mới khẳng định như thế: "Hoàn toàn không có chuyện niềm tin mù quáng ở đây. Công dụng của cao hổ dỏm với cao hổ thật khác xa một trời một vực. Tôi dùng cao hổ đã lâu nên rành cái món này lắm. Cao hổ mà được bán với giá dăm bảy triệu đồng một lạng chắc chắn là cao tào lao, dùng chẳng mấy bổ béo gì. Chứ cao xịn giá phải từ 15 triệu đồng trở lên uống đến đâu là cảm nhận được sự thần hiệu đến đấy".

Đây là tâm sự của ông Nguyễn T.T., một doanh nhân thành đạt mà nhắc đến tên thì ai cũng biết nhưng vì lý do tế nhị nên người viết không tiện nêu đích danh. Ông T. tâm sự: Công việc kinh doanh của ông đúng nghĩa thương trường như chiến trường nên rất căng thẳng, mệt mỏi. Để không bị suy nhược, nhất là để không bị loạn thần bởi những con số, ông T. cho biết ông dùng đủ món bổ dưỡng bậc nhất như yến sào, vi cá, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tinh dầu thông đỏ… và sau cùng ông dừng lại ở "món" cao hổ cốt. 

Ông T. quả quyết: "Khi mệt, khi căng thẳng tôi cắt lát cao hoặc ngậm hoặc khuấy với nước ấm uống vào thì tinh thần sảng khoái ngay, cảm giác tinh lực được hồi phục nhanh chóng. Có điều cái món này ngày nào không dùng thì có cảm giác thiếu thiếu, thấy nhớ nhớ thèm thèm. Hỏi ra tôi mới biết đó là thói quen của cơ thể, như mình có thể ăn đủ thứ sơn hào hải vị nhưng không thể không ăn cơm, không thể thiếu rau xanh được".

Thông tin về con báo hoa mai giả hổ tràn lan trên nhiều trang mạng.

Khi người ta tin rồi thì có nói thế nào khác họ cũng không tin, càng bàn ra họ càng tin mới lạ. Thế nên dù rất muốn chia sẻ với ông T.  rằng mẻ "cao hổ thần diệu" mà ông mua từ tay "chuyên ninh cao người tỉnh Cao Bằng", mà ông đã và đang dùng kia nhiều khả năng là cao được ninh từ xương cốt trâu bò pha với tân dược gây nghiện hay thuốc phiện.

Điều này được lương y Bá Minh ở phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông, phân tích rất rõ: "Đang yêu yếu trong người, gia chủ cắt lát cao dùng bỗng cảm giác khỏe lên trông thấy, khỏe như thế nhờ tác dụng của chất kích thích hay thuốc phiện chứ không phải tinh cốt của chúa sơn lâm. Bởi chỉ có những chất kích thích này mới mang lại tác dụng nhanh như vậy. Và cũng vì càng dùng càng nghiện, càng dùng càng lệ thuộc nên ông T. mới có cảm giác nhớ nhớ thèm thèm như vậy".

2. Chuyện dùng cao hổ dỏm mà cứ ngỡ "hổ thật' bởi tác dụng của tân dược gây nghiện hoặc thuốc phiện thì có thể đã có người biết, chứ chuyện hổ dỏm thì chẳng mấy ai tỏ tường, ngoại trừ đám con buôn lưu manh, ma mãnh! Cần lưu lý hổ dỏm ở đây không phải là cái màn cũ rích dùng xương nghé hay chó bẹc-giê xử lý kỹ thuật qua các màn tạo dáng rồi đóng màn kịch nhờ "ông thầy" mà thực chất là người của quân lừa đảo được đơm lên là "chuyên gia nhận dạng xương hổ"… thẩm định rồi gài hàng "con mồi" bằng câu nói của vị chuyên gia "hổ thật 100%, mấy khi gặp bộ cốt hổ chuẩn như vầy, nếu được cho tôi tham gia để có cao cứu người, chữa bệnh"…

"Hổ dỏm ở đây là những con hổ nhìn tưởng là hổ nhưng không phải là hổ. Chiêu này được đám con buôn áp dụng đối với những tay đại gia vốn nâng cao khẩu hiệu đề cao cảnh giác, không "chơi" cao hổ được bán qua bán lại mà chỉ khoái rinh nguyên con về luyện cao. Mấy bố tưởng với chiêu này sẽ chắc ăn, sẽ không có chuyện bị bọn gian cho dùng cao xương heo pha thuốc phiện, nào ngờ sự thể còn bi kịch hơn thế".  

Tôi biết được những chuyện thâm cung bí sử này từ ông Trương Tài, chủ cửa hàng đông dược V.M trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5. Từ câu chuyện của ông Tài, ngẫm sự việc "báo đội lốt hổ" được Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cùng các cơ quan hữu quan phát hiện sáng 18-4 vừa qua trên địa phận xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tôi thấy trúng phóc. Chuyện là khi kiểm tra hành chính xe ôtô bảy chỗ BKS 29X-4196, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có một con hổ đông lạnh bị mổ bụng nặng gần 100kg đựơc tài xế khai mua từ Lào.

Chiều cùng ngày, qua giám định, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát hiện sự thật nực cười rằng con hổ đông lạnh kia là báo hoa mai. Sau khi được nhuộm màu, xăm vẽ vân lên toàn thân, con báo lột xác thành… mãnh hổ.

Nhắc lại câu chuyện báo giả hổ, ông Tài cười hì hì bảo đó hổng phải là chuyện mới đây, mà chuyện ấy đã diễn ra lâu nay, dân trong nghề buôn bán đồ rừng ai cũng biết, chỉ có mấy đại gia hám được trở thành dũng sĩ phòng the nhờ cao hổ… thì "mù tịt" mà thôi.

Chuyện cao trâu bò giả cao hổ hay chuyện báo giả hổ là chuyện nực cười đến oái oăm mà các quý ông đang nuôi dưỡng giấc mơ chiến binh phòng the từ cao hổ cốt nên biết để không bị dính đòn phường láu cá!

N.Thành Dũng (thanhdung_pv@yahoo.com)
.
.