Ông Donald Trump “đánh võng” trong đường lối đối ngoại?

Thứ Tư, 15/02/2017, 16:45
Khi tranh cử, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ không làm “anh cả” bao bọc các nước đồng minh về quân sự nữa mà các nước này phải tự bỏ tiền túi ra lo cho vấn đề an ninh của chính họ, nhưng trong cuộc tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây, tân Tổng thống Mỹ hứa sẽ bảo vệ Nhật.

Lời hứa đầy “hào hiệp” của ông khiến người ta phải liên tưởng đến phản ứng khi bị Trung Quốc công kích sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn không lâu sau khi đắc cử, ông Donald Trump tuyên bố ông không đi theo chính sách công nhận một nước Trung Quốc theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây, ông lại xác nhận chính sách “một Trung Quốc”. Phải chăng tân Tổng thống Mỹ đang “đánh võng” với đường lối đối ngoại?

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi ăn tối ngày 10-2-2017, tại Club Mar-a-Lago bang Florida.

Trong cuộc điện đàm kéo dài với ông Tập Cận Bình hôm 9-2, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”. Thông cáo của Nhà Trắng sau đó có đoạn: “Tổng thống Trump đã đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” theo đó đòi hỏi Washington chỉ có mối quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Đài CCTV của Trung Quốc tường thuật rằng, ông Tập Cận Bình hoan nghênh sự khẳng định của ông Trump còn phía Nhà Trắng thì miêu tả cuộc điện đàm là “vô cùng thân thiện”, hai nhà lãnh đạo còn mời nhau đến thăm quốc gia của họ và trông đợi sẽ có thêm các cuộc thảo luận trong tương lai.

Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ Fox News ngày 11-12-2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, đồng thời, ông cũng đặt dấu hỏi về việc liệu Mỹ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không. Đây là lời biện luận cho việc ông Trump đã có cuộc điện đàm trước đó với người đứng đầu chính quyền Đài Loan, Thái Anh Văn.

Theo ông Trump, Trung Quốc đã không hợp tác một cách thỏa đáng với Mỹ, vậy tại sao Washington phải tôn trọng những yêu sách của Bắc Kinh. Ông nói: “Tôi rất hiểu chính sách một nước Trung Hoa, nhưng tôi không biết phải chăng chúng ta cảm thấy bị ràng buộc bởi chính sách này, trừ phi chúng ta có sự trao đổi với Trung Quốc trên các hồ sơ khác, ví dụ như thương mại.

Trung Quốc đã gây khó khăn cho chúng ta như phá giá đồng tiền quốc gia, đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc trong khi chúng ta lại không đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc, xây dựng một pháo đài khổng lồ ở Biển Đông (mà lẽ ra họ không được làm như vậy). Và nói thẳng ra, họ chẳng giúp gì chúng ta trong hồ sơ Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng lại có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc có thể giải quyết được vấn đề này, nhưng họ không hề giúp chúng ta. Do vậy, tôi không muốn Trung Quốc chỉ đạo các hành động của tôi”.

Trong khi vận động tranh cử, ông Trump tố cáo rằng: “Trung Quốc cưỡng bức Mỹ với chính sách thương mại, và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho vụ ăn cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”.

Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) và là cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá rằng: “Ông Trump sẽ bị coi là hổ giấy, và việc ông ta thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" sẽ được hiểu là chiến thắng to lớn nhờ công lao của ông Tập”.

Ðối với nhiều người, “bước ngoặt” ngoại giao của Tổng thống Donald Trump có vẻ bất ngờ. Nhưng nếu theo dõi kỹ, người ta sẽ không ngạc nhiên. Bà Thái Anh Văn đã nói trước với dân Ðài Loan chuyện này: Ðừng mong chính quyền Mỹ thay đổi chính sách! Bà hiểu rằng quyền lợi kinh tế sẽ quyết định chính sách ngoại giao! Ðài Loan chưa tới 23 triệu dân, còn lục địa là một thị trường lớn 1.400 triệu nhân khẩu. Họ sẽ tiêu thụ hàng hóa của Mỹ trong thế kỷ 21 này; ngoài máy bay Boeing, đậu nành và bắp, còn có mấy chục nhãn hiệu của các công ty mang tên Trump “đã trình tòa” trong lục địa.

Trong hai năm 2015 và 2016, 14 công ty của ông Trump có nhãn hiệu được Bắc Kinh công nhận. Lần sau chót, ngày 14-11-2016, sau khi ông Donald Trump đắc cử, một nhãn hiệu TRUMP đã được ghi danh với mã số 5771154 tại Bộ Công nghiệp và Thương mại Chính phủ Bắc Kinh; cái tên viết hoa này dành cho các dịch vụ trang trí và chỉnh trang nhà cửa, khách sạn.

Trước đó, ông Trump đã gặp nhiều trắc trở vì từ năm 2006 nhiều nhãn hiệu mang tên Trump được người dân lục địa “đăng ký” dành chỗ trước! Hiện nay trong số 46 nhãn hiệu tên Trump được “trình tòa” ở Trung Quốc chỉ có 29 thuộc các công ty của ông Donald Trump... thật.

Nhưng không thể nghĩ vì quyền lợi của chính mình mà ông Trump đã nhượng bộ ông Tập Cận Bình, nói ngược lại những lời tuyên bố trước về nguyên tắc “một nước Trung Hoa”. Lý do chính là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã dính líu với nhau. Nếu buông ra, cả hai bên đều thiệt hại, nếu gây chiến tranh mậu dịch thì cả thế giới thiệt hại nặng. Những tỷ phú trong giới kinh doanh Mỹ có mặt xung quanh ông tổng thống tỷ phú biết như vậy. Chính sách ngoại giao thế nào cũng không thể làm thiệt hại kinh tế nước Mỹ.

Trong một phần tư thế kỷ qua, người Mỹ đầu tư 228 tỷ USD vào Trung Quốc, trong 6.700 thương vụ, theo tính toán của một công ty tư, Rhodium. Hơn 430 công ty Mỹ đầu tư hơn 50 triệu USD, và 56 công ty trên một tỷ đôla, trong số 1.300 công ty có hoạt động quan trọng ở Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc lục địa đầu tư vào Mỹ 1.200 vụ, tổng cộng 64 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc có cuộc điện đàm kéo dài hôm 9-2.

Trong năm 2015, lần đầu tiên số đầu tư của người Trung Quốc vào Mỹ đã vượt lên, cao hơn số tiền Mỹ đem qua Trung Quốc làm ăn. Từ năm 2005 đến 2016, Trung Quốc đầu tư 109 tỷ USD vào Mỹ, đứng hàng đầu, trên nước đứng hạng nhì Australia với 93 tỷ. Gần một phần tư số vốn này, hơn 25 tỷ, đã đem vào California. Công ty Rhodium cho biết các công ty Mỹ tạo thêm công việc cho 1,6 triệu người Trung Quốc, còn các công ty Trung Quốc thuê mướn hơn 100 ngàn công nhân Mỹ.

Một ngày sau khi quay ngoắt quan điểm thừa nhận một nước Trung Hoa, ngày 10-2, Thủ tướng Nhật Bản được tân Tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng. Tại buổi tiếp Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Donald Trump tuyên bố liên minh Mỹ - Nhật là trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng và khẳng định lại cam kết liên minh quân sự giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Còn nhớ khi tranh cử, ông Trump từng tuyên bố là nếu đắc cử ông sẽ bỏ mặc các đồng minh trước đây của Mỹ, từ NATO cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông nói rằng từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã chi tiền để bảo vệ an ninh cho các nước này. Đó là điều dại dột của các chính quyền tiền nhiệm. Từ nay họ sẽ tự bảo vệ lấy mình, nước Mỹ sẽ không bỏ một xu!

Việc lại thay đổi quan điểm của ông Trump với Nhật Bản cũng nên xét trên khía cạnh kinh tế. Khi sang Mỹ gặp ông Trump, Thủ tướng Shinzo Abe cầm trong tay một kế hoạch đầu tư và hợp tác kinh tế khổng lồ, tạo ra 700.000 công ăn việc làm tại Mỹ, trong đó Nhật sẽ giúp xây dựng đường xe lửa cao tốc ở hai bang Texas và California, chế tạo robot phục vụ y học...

Đối với chủ nhân Nhà Trắng thì chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật còn là cơ hội tốt để ông tỏ ra xứng đáng với vai trò mới lãnh đạo siêu cường chứ không còn là anh MC, hoạt náo viên truyền hình. Các hợp đồng khổng lồ về kinh tế và công nghiệp có thể giúp cho công luận bớt chú ý vào những thất bại và phê phán cay nghiệt, câu chuyện dài nhiều tập do chính ông gây ra: từ những tuyên bố bốc đồng cho đến sắc luật di trú mang tính phân biệt đối xử, phản lại truyền thống tự do, bao dung của Mỹ, bị tòa án đình chỉ.

Qua hai chuyện ở trên có thể thấy ông Donald Trump là người rất có đầu óc thực tế. Mặc dù mồm mép này nọ nhưng khi đi vào thực tế ông hoàn toàn tính toán theo kiểu của một nhà kinh doanh tư bản, với lợi ích trên hết. Kiểu chính sách ngoại giao này thực chất chẳng có gì khác so với bản chất của các chính quyền Mỹ từ trước đến giờ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.