Ông Donald Trump vừa mở hộp Pandora

Thứ Hai, 14/05/2018, 12:59
Khi tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức mở chiếc hộp Pandora tại Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Trump nhất quyết phải xé bỏ bằng được thỏa thuận đã được chính quyền tiền nhiệm ký với 5 cường quốc thế giới khác và liệu thỏa thuận này có bị đổ bể khi Mỹ rút? Vùng Trung Đông sẽ ra sao sau khi thỏa thuận này đổ vỡ?

Vì sao ông Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran?

Bất chấp nỗ lực ngăn cản của 5 cường quốc thế giới còn lại trong thỏa thuận, ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này đã ký kết với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran năm 2015. Quyết định của Mỹ không bất ngờ vì nó đã được cảnh báo từ hơn một năm nay. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra vào thời điểm này và thực sự ông Trump muốn gì khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran?

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa chính quyền tiền nhiệm với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vì cho rằng đây là thỏa thuận bất lợi cho nước Mỹ. Nhưng ngoài những tuyến bố hùng hồn cáo buộc Iran thử tên lửa, yêu cầu trừng phạt Tehran, ông Trump chưa thể đụng đến thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm vì 2 lý do, thứ nhất là sự bất tuân của Liên minh châu Âu trong vấn đề này và thứ hai cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khi ấy đang ở cao trào. Nay cả hai trở ngại trên đều đang có xu hướng biến mất nên ông Trump muốn ra tay với Iran. 

Ngày 8-5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nếu như trước đây, châu Âu cực lực phản đối lời đe dọa rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ thì gần đây họ đã dịu giọng hơn và cho rằng “có thể đàm phán lại”.

Theo một tài liệu mật được hãng tin AFP công bố ngày 16-3-2018, Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria.

Theo AFP, dự thảo đề nghị trừng phạt đã được gửi đến các từng thành viên EU để xem xét. Việc công bố tài liệu trên diễn ra trong bối cảnh ông Brian Hook, cố vấn phụ trách chiến lược của Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức cao cấp Anh, Pháp, Đức, đã họp tại Vienna, Áo, ngày 16-3, thảo luận một số điểm bổ sung vào hiệp định đã được ký với Iran năm 2015, liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và những hoạt động của Iran tại Trung Đông.

Vậy thì tại sao ông Trump nhất quyết muốn bỏ thỏa thuận mà ông coi là “tệ hại mà lẽ ra không nên có” mặc dù Iran không hề có vi phạm gì? Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran không tuân thủ cam kết cắt giảm chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo thỏa thuận năm 2015, Iran phải giảm các chương trình làm giàu uranium ở mức độ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng điều đó không có nghĩa là Iran không được phát triển các loại vũ khí phòng thủ khác, nhất là khi Iran nằm ở giữa các quốc gia có hệ phái tôn giáo đối lập. Từ năm 2016, Tehran đã tiến hành thử nhiều loại tên lửa khác nhau. Điều này khiến chính quyền Trump thấy khó chịu và tìm cách ngăn cản.

Động thái này của Mỹ cũng dễ hiểu vì trước giờ Iran là quốc gia thù địch của Mỹ. Hơn nữa, Iran bị cho là có tham vọng trở thành cường quốc Trung Đông và bị bao quanh bởi các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực này. Tiềm lực quân sự của Iran mà mạnh lên sẽ khiến cả Mỹ và các đồng minh lo ngại nên thà dập từ trong trứng nước còn hơn sau này đi chữa cháy.

Trái với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Donald Trump chủ trương thắt chặt quan hệ với Arập Xêút theo hệ phái Suni và kêu gọi cô lập Iran theo hệ phái Shia, đối thủ của Riyad. Từ nhiều tháng nay, Washington tố cáo Tehran là một mối đe dọa trong khu vực, trực tiếp gây bất ổn hoặc thông qua các tổ chức khủng bố ở Syria, Iraq, Yemen hay Liban.

Muhammad Salimi, chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Nam California, nhận định ông Trump có những động cơ ngầm khi làm căng với Iran. Theo ông Salimi, không có một từ nào trong thỏa thuận hạt nhân nhắc đến chương trình tên lửa của Iran hay sự hiện diện của nước này ở Iraq và Syria.

Chuyên gia cho biết, thậm chí Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ cũng chỉ “yêu cầu” Iran kiềm chế thử tên lửa. Ông nói: “Cái Mỹ luôn muốn là một Iran không phòng vệ để nước này có thể tùy ý tấn công”.

Ông Salimi cũng nhắc lại trong khi Iran chuẩn bị tự phòng vệ thì Mỹ vẫn tiếp tục trang bị vũ khí đầy đủ cho các quốc gia mà nước này lo sợ là Arập Xêút và Israel với những hệ thống vũ khí tấn công. Cụ thể, Washington đã bán vũ khí trị giá hơn 200 tỷ USD cho Arập Xêút và các quốc gia Arập Vùng Vịnh, ngoài ra là khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Israel hằng năm.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu về thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ tuyên bố rút lui.

Chuyên gia này giải thích chính quyền Donald Trump muốn tiếp tục chính sách truyền thống là kích động nỗi lo sợ khu vực đối với Iran nhằm mục đích khiến những quốc gia Trung Đông phải mua những số lượng lớn vũ khí đắt đỏ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Hộp Pandora đã mở, Trung Đông gia tăng xung đột

Chỉ 2 ngày sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 10-5, người phát ngôn quân đội Israel, Trung tướng Jonathan Conricus, thông báo quân đội nước này đã đánh trúng hàng chục mục tiêu quân sự của Iran tại Syria lúc nửa đêm. Động thái này diễn ra sau vụ nã tên lửa nhằm vào các lực lượng Israel mà theo nước này là do Iran tiến hành, khiến căng thẳng leo thang đột ngột.

Phát biểu với báo giới, ông Conricus cho biết quân đội Israel đã đánh trúng các mục tiêu tình báo, hậu cần, kho tàng và phương tiện, cũng như địa điểm phóng tên lửa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất của Israel trong những năm trở lại đây và cũng là chiến dịch lớn nhất nhằm vào các mục tiêu của Iran. Tuy nhiên, ông Conricus nhấn mạnh, Israel không tìm cách làm leo thang căng thẳng.

Cũng trong buổi họp báo, quan chức trên cáo buộc tướng Qassem Soleimani, người phụ trách chiến dịch ở nước ngoài thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã chỉ huy vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel trên Cao nguyên Golan từ bên trong lãnh thổ Syria.

Ông Conricus còn cho biết, Israel đã báo trước cho Nga về cuộc không kích của nước này nhằm vào nhiều mục tiêu ở Syria. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva đã hối thúc Iran và Israel tránh những hành động có thể làm leo thang xung đột.

Theo nhận định của Reuters, căng thẳng khu vực có thể sẽ gia tăng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran và Israel bày tỏ quyết tâm ngăn chặn Iran cố thủ ở Syria. Hành động này sẽ khiến Iran trả đũa và có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho khu vực Trung Đông.

Hãng tin Reuters đã đưa ra những kịch bản sau. Thứ nhất, với Iraq, khi IS chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq hồi năm 2014, Iran đã nhanh chóng ủng hộ Chính phủ Iraq. Từ đó, Tehran đã giúp trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh. Lực lượng huy động quần chúng (PMF) này cũng là một lực lượng chính trị quan trọng ở Iraq. Nếu thỏa thuận sụp đổ, Iran có thể khuyến khích các nhóm PMF vốn muốn Mỹ rời khỏi Iraq đẩy mạnh các lời lẽ chống đối và có thể là hành động quân sự nhằm vào lực lượng Mỹ.

Thứ hai, về Syria, Iran và các đồng minh bán quân sự của họ như lực lượng Hezbollah của Lebanon đã tham gia vào cuộc chiến ở Syria từ năm 2012. Iran đã trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh Shi’ite để chiến đấu giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Israel cho rằng Iran đã tuyển mộ ít nhất 80.000 chiến binh Shi’ite. Sự hiện diện của Iran ở Syria đã khiến Tehran lần đầu tiên xung đột trực diện với Israel với một loạt những vụ va chạm lớn trong những tháng vừa qua.

Giới chức Israel nói họ sẽ không bao giờ cho phép Tehran hay Hezbollah thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước láng giềng Syria. Nếu thỏa thuận hạt nhân thất bại, Iran sẽ có ít động cơ ngăn các đồng minh Shi’ite của họ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel. Iran và lực lượng họ kiểm soát ở Syria cũng có thể gây ra phiền phức cho gần 2.000 lính Mỹ được đưa tới miền bắc và miền đông Syria để ủng hộ lực lượng chiến đấu của người Kurd.

Một cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tối cao Iran đã nói hồi tháng 4-2018 rằng ông hy vọng Syria và các đồng minh của họ có thể đẩy quân đội Mỹ ra khỏi miền đông Syria.

Thứ ba, về Lebanon, hồi năm 2006, lực lượng Hezbollah đánh nhau với Israel trong một cuộc xung đột biên giới bế tắc kéo dài 34 ngày. Theo các quan chức Israel và Mỹ, hiện giờ Iran đang giúp đỡ Hezbollah xây dựng các công xưởng để sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác và trang bị thêm các tên lửa tầm xa với hệ thống dẫn đường chính xác. Các lực lượng Israel liên tục tấn công quân Hezbollah ở Syria nơi nhóm này đang lãnh đạo nhiều đồng minh dân quân Shi’ite của Iran.

Trong những tuần gần đây Israel và Iran tăng cường chỉ trích lẫn nhau. Mặc dù Hezbollah và Israel nói họ không muốn có xung đột, căng thẳng có thể dễ dàng lan ra thành một cuộc chiến Lebanon khác. Hồi năm ngoái Hezbollah nói rằng bất cứ cuộc chiến nào do phía Israel tiến hành chống lại Syria và Lebanon có thể thu hút hàng ngàn chiến binh từ các nước khác, trong đó có Iran và Iraq.

Điều này có nghĩa là các lực lượng dân quân Shi’ite có thể đến Lebanon để giúp đỡ Hezbollah. Hezbollah cũng là một lực lượng chính trị chính ở Lebanon và họ có thể củng cố sức mạnh của mình qua bầu cử.

Hiện nay, họ đang hợp tác với Thủ tướng Saad al-Hariri, người được các chính phủ phương Tây ủng hộ. Tuy nhiên nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran có thể sẽ gây sức ép lên Hezbollah để cô lập đối thủ của họ, một diễn biến mà các chuyên gia tin rằng sẽ gây bất ổn cho Lebanon.

Tương lai nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran?

Ngày 8-5, Tổng thống Hassan Rohani đã yêu cầu Ngoại trưởng Iran bắt đầu đàm phán không chỉ với Paris, London và Berlin, mà cả với Moskva và Bắc Kinh, để xem liệu 5 cường quốc này hợp lại với nhau có thể đảm bảo được lợi ích của Iran hay không, sau vụ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Ông khẳng định: “Hoặc là lợi ích của Iran được 5 nước liên can bảo đảm, hoặc là Iran sẽ đi theo con đường riêng của mình”, ý muốn nói là Tehran cũng có thể rời bỏ thỏa thuận hạt nhân. Như để nhấn mạnh khả năng thứ hai đó, ông Rohani đã gợi đến khả năng cho nâng mức độ làm giàu uranium lên cao hơn nếu các cuộc đàm phán với 5 nước nói trên không đạt kết quả mong muốn.

Tên lửa Israel bắn vào các căn cứ của Iran tại Syria hôm 10-5.

Ông đã chỉ thị cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran thực hiện các biện pháp cần thiết, trong khi chờ kết quả các cuộc đàm phán giữa Iran và 5 quốc gia còn lại, để xem liệu họ có thể bù đắp các thiệt hại do Mỹ gây ra hay không”. Hành động của Iran có thể bị ảnh hưởng của mức độ mà các bên ký kết khác phản ứng trước sự rút lui của Mỹ.

Điều này tùy vào mức độ mà Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh rằng các công ty của họ sẽ vẫn tiếp tục làm ăn với Iran theo khuôn khổ một thỏa thuận quốc tế được Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua, mức độ ủng hộ ngoại giao của Nga dành cho Iran và liệu Trung Quốc muốn gắn kết Iran vào dự án “Một vành đai, Một con đường” của họ.

Chính quyền Donald Trump đe dọa rằng những ai vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ sẽ bị hệ thống ngân hàng Mỹ cấm cửa. Trong số các nước ký kết còn lại, chỉ có Trung Quốc, nước mua nhiều dầu mỏ của Iran nhất, là có khả năng bỏ ngoài tai lệnh cấm này.

Giới chức Iran nói rằng một lựa chọn khác họ đang nghiên cứu là rút hoàn toàn ra khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nếu Iran rút ra khỏi NPT, thì nó sẽ là hồi chuông báo động toàn cầu.

Chỉ ít phút sau khi Tổng thống Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục cùng làm việc cho một thỏa thuận “rộng hơn, bao trùm các hoạt động hạt nhân (Iran) giai đoạn sau 2025, hoạt động tên lửa đạn đạo và ổn định ở Trung Đông...”. Công việc này sẽ được triển khai ngay từ ngày 14-5, với cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pháp, Đức, Anh với đại diện của Tehran.

“Các nước châu Âu giờ đây phải làm sao giữ được Iran ở lại thỏa thuận, nếu họ muốn cứu vãn văn kiện này thực sự”, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, ông Robert Malley và là người đã tham gia đàm phán hiệp định hạt nhân Iran, nhận định. Một nhiệm vụ gần như không thể, nếu không muốn nói là có quá ít cơ may thành công.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu đã nói rằng sẽ cực kỳ khó khăn để đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán về “một hiệp định mới rộng hơn”, nhất là khi họ coi quyết định của Washington vừa rồi là thiếu tôn trọng cam kết quốc tế. Điều mà Tehran quan tâm giờ đây là các cường quốc đã ký vào hiệp định có thể bảo đảm lợi ích gì cho Iran khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng trở lại với Iran.

Ngày 10-5, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga giữ vững cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ với Iran bất chấp việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran.

M.T. (tổng hợp)
.
.