Ông chủ WikiLeaks thở phào sau kết quả bầu cử tổng thống Ecuador

Thứ Năm, 06/04/2017, 16:45
Ứng cử viên của Chính phủ Ecuador Lenin Moreno đã giành chiến thắng sát nút trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador diễn ra hôm Chủ nhật 2-4. Kết quả này không chỉ khiến hàng triệu người Ecuador ủng hộ cuộc “cách mạng” của cánh tả vui mừng, mà ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange cũng thở phào nhẹ nhõm. Một trụ cột của cánh tả châu Mỹ Latinh tiếp tục được duy trì.

Với kết quả kiểm phiếu gần như hoàn tất ngay trong đêm 2-4 (sáng 3-4 giờ Việt Nam), hàng triệu người dân Ecuador đã đổ ra đường ăn mừng. Ông Moreno đã giành chiến thắng sát nút, 51% so với 49% của ứng cử viên đối lập Guillermo Lasso và đang đứng trước cơ hội tiếp nối các chính sách an sinh xã hội nhân đạo của người tiền nhiệm Rafael Correa.

Ông Lenin Moreno vui mừng chiến thắng.

Đối với 15 triệu dân Ecuador, chiến thắng của ông Moreno có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sẽ tiếp tục cuộc “cách mạng” cánh tả với các chính sách an sinh xã hội nhân đạo mang lại cuộc sống thay đổi tích cực trong hơn 10 năm qua. Marisol Jaramillo, một nông dân 34 tuổi, nhảy múa ăn mừng chiến thắng của ông Moreno, cho báo chí biết cảm nghĩ của mình là “muốn cuộc sống như 10 năm qua sẽ tiếp tục”.

Các chính sách màng chính phủ thiên tả của ông Correa mang lại cho người dân Ecuador trong 10 năm qua bao gồm chương trình giảm nghèo và cải thiện điều kiện được tiếp cận giáo dục và y tế tốt hơn cho các tầng lớp dân nghèo Ecuador. Mặc dù bị chỉ trích là kiểm duyệt báo chí gắt gao, không thực hiện vài lời hứa về bảo vệ môi trường, tham nhũng, nhưng những gì chính quyền của ông Correa làm được đã được người dân Ecuador đón nhận với sự hài lòng và ủng hộ cao. Thế giới cũng đã công nhận những kết quả tích cực đó.

Trong khi đó, thành phần tư bản, thiên về kinh doanh, thị trường, đối nghịch với lợi ích của đa số dân nghèo thì không cảm thấy thích hợp với các chính sách đó. Đại diện tiêu biểu cho thành phần này là ứng cử viên đối lập Lasso. Ông Lasso đưa ra các chính sách thay thế, thiên về kinh doanh, ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng, tạo thêm công ăn việc làm, nhưng lại hứa hẹn cắt giảm thuế nhằm phục vụ lợi ích của giới kinh doanh giàu có.

Ứng cử viên đối lập Guillermo Lasso tố gian lận và đòi kiểm phiếu lại.

Bên cạnh đó, bản thân ông Lasso cũng đang bị bủa vây bởi các cáo buộc trốn thuế thông qua việc mở một loạt công ty bình phong ở hải ngoại (có tên trong Hồ sơ Panama công bố hồi tháng 4-2016). Uy tín không nguyên vẹn, cộng với đường lối, quan điểm đi ngược lại các chính sách an sinh xã hội vốn đã được nhân dân Ecuador đồng tình hưởng ứng là nguyên nhân chính khiến Lasso không thể vượt qua được ông Moreno.

Ở cách xa đến 5 múi giờ, một con người cũng thấp thỏm mong ngóng kết quả bầu cử ở Ecuador, đó là Julian Assange, ông chủ trang WikiLeaks. Assange có vấn đề riêng của mình để đặt mọi niềm tin vào ứng cử viên cánh tả, bởi vì một kết quả chiến thắng cho ông Lasso đồng nghĩa với dấu chấm hết cho việc lưu trú tị nạn của Assange bên trong Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh, vì ngay trong giai đoạn tranh cử ông Lasso đã tuyên bố sẽ yêu cầu Assange rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở Anh nếu ông thắng cử, vì Lasso cho rằng việc chứa chấp Assange trong Đại sứ quán đã gây “tốn kém ngân sách” quốc gia. Với kết quả ông Moreno giành chiến thắng, Assange thở phào nhẹ nhõm vì sẽ được tiếp tục tị nạn.

Từ tháng 8-2012, ông chủ trang WikiLeaks đã xin cư trú tị nạn bên trong Đại sứ quán Ecuador tại London trong thời gian tại ngoại để tránh bị cơ quan chức năng Anh bắt giữ và giao cho Thụy Điển để xử lý theo cáo buộc “hiếp dâm” được đưa ra ngay sau khi ông tung lên trang WikiLeaks công bố loạt hồ sơ mật tiết lộ sự thật về cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, việc cho phép Assange tiếp tục cư trú tị nạn cũng không hoàn toàn vô điều kiện. Ông Moreno từng tuyên bố sẽ cho Assange tiếp tục tị nạn nếu ông chủ WikiLeaks chịu thể hiện trong các tuyên bố của mình sự tôn trọng một số quốc gia có quan hệ hữu nghị, bạn bè với Ecuador.

Đối với khu vực Mỹ Latinh, cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador cũng mang một ý nghĩa nhất định. Khi chiến thắng của ông Moreno được chính thức công nhận, Ecuador sẽ củng cố vị thế của mình với tư cách là một trụ cột quan trọng của cánh tả Mỹ Latinh. Nhưng nếu kết quả không được công nhận và sau đó Moreno nhường chiến thắng cho ông Lasso, cục diện Mỹ Latinh sẽ tiếp tục đi theo xu hướng tan rã của cánh tả, hay nói cách khác là sự đi xuống của “làn sóng hồng”.

Ông chủ trang WikiLeaks thở phào sau khi có kết quả bầu cử ở Ecuador.

Gần đây, Mỹ Latinh đã chứng kiến một loạt lãnh đạo cánh tả rời khỏi chức vụ bằng cách này hay cách khác, với thất bại trong bầu cử ở Argentina và trưng cầu dân ý ở Bolivia, cùng với việc bà Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất và luận tội.

Chính vì tầm quan trọng của cuộc bầu cử cao như vậy nên mọi trục trặc dù nhỏ cũng có thể gây nên sự biến lớn. Giới quan sát đang bày tỏ quan ngại với việc ứng cử viên đối lập Lasso lên tiếng phản đối kết quả bầu cử, kêu gọi người ủng hộ mình xuống đường phản đối ngay sau khi có thông tin về kết quả sơ bộ. Sau lời kêu gọi đó, hàng ngàn người ủng hộ ông Lasso đã kéo đến vây chặt trụ sở Ủy ban Bầu cử quốc gia để đòi kiểm lại phiếu bầu.

Ông Lasso đưa ra cơ sở để cáo buộc gian lận là kết quả khảo sát cử tri 3 phòng phiếu sớm nhất mà ông quan sát được cho kết quả ông dẫn trước ông Moreno đến 6 điểm phần trăm. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ có thể tham khảo, hoàn toàn không thể dùng làm căn cứ để tính kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu.

Sự phản đối của ông Lasso làm dấy lên dư luận lo ngại sẽ có căng thẳng chính trị tại Ecuador trong vài ngày tới. Trong nỗ lực ngăn ngừa xung đột, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Juan Pablo Pozo ngay lập tức lên tiếng kêu gọi ông Lasso hãy chấp nhận thua cuộc và công nhận kết quả bầu cử. “Ecuador xứng đáng để các chính khách có trách nhiệm đạo đức công nhận quyết định dân chủ do nhân dân đưa ra tại hòm phiếu” - ông Pozo nói trong phát biểu chính thức.

Tại một sân khấu được dựng sẵn ở trung tâm thủ đô Quito, ông Moreno đứng bên cạnh Tổng thống mãn nhiệm Rafael Correa kêu gọi ứng cử viên đối lập “hợp tác trong hòa bình và hài hòa”, sẵn sàng lắng nghe để cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình cách mạng do người tiền nhiệm Correa tạo dựng nên.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.