Pakistan: Cơn sốt Imran Khan

Thứ Năm, 08/12/2011, 11:35

Báo chí đã dùng từ "cơn sốt" để nói đến hiện tượng thu hút cử tri hiện nay của một ngôi sao chính trị mới trên chính trường Pakistan, ông Imran Khan. Ở một đất nước mà quân đội vẫn còn là một thế lực hùng mạnh sẵn sàng thao túng chính trường, liệu sự vươn lên mạnh mẽ vào lúc này của ông Khan có mang một ý nghĩa tích cực nào không?

Chiều ngày 30/10/2011, Công viên Iqbal ở thành phố Lahore có đến 100.000 người chen chúc nhau để nghe một người mà họ coi là "người hùng" nói chuyện về nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống hàng ngày. "Người hùng" đó không ai xa lạ, chính là cựu ngôi sao cricket Imran Khan, một thời là tuyển thủ quốc gia môn cricket vô địch thế giới.

Cũng cần biết rằng thành phố Lahore, tỉnh Punjab từng được xem là "thánh địa" của đảng đối lập Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Trước nay, chưa có chính khách nào ngoài đảng PML thu hút được sự chú ý mạnh mẽ của công chúng tại một buổi nói chuyện như thế ở Lahore. Vậy mà Khan đã làm được điều đó. Mà còn hơn thế nữa. Pakistan là một quốc gia thành viên Khối thịnh vượng chung (Commonwealth), với môn thể thao ưa thích nhất là cricket. Vì vậy, việc một ngôi sao cricket như Khan được đông đảo người dân Pakistan hâm mộ như thần tượng là chuyện bình thường. Nhưng việc có đến 100.000 người chú ý lắng nghe ông nói chuyện thì lại là chuyện khác.

Năm nay 59 tuổi (sinh năm 1952), về tuổi đời Imran Khan không còn trẻ nữa. Trong những năm 70-80 thế kỷ XX, Khan là cầu thủ bóng cricket nổi tiếng của Pakistan. Ông là thành viên đội tuyển quốc gia Pakistan đoạt cúp vô địch thế giới năm 1982 tại Australia. Sau khi giải nghệ, Khan chủ yếu tập trung vào công tác xã hội, từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, xây bệnh viện từ thiện giúp người bệnh ung thư,…

Năm 1996, Khan tham gia vào chính trường với việc lập ra đảng Tehreek-e-Insaf, chủ trương chống tham nhũng. Khan nổi tiếng là một người theo chủ thuyết Hồi giáo truyền thống và chống Mỹ quyết liệt. Vào năm 2005, báo chí Pakistan từng đăng rùm beng vụ việc tờ tuần báo Newsweek của Mỹ bị Khan công kích kịch liệt vì đã đăng một bài báo báng bổ kinh Koran của đạo Hồi. Khan đã tổ chức họp báo, đả kích bài báo đồng thời yêu cầu Tổng thống Pakistan lúc đó là Pervez Musharraf làm sao buộc tờ báo Mỹ phải xin lỗi người Pakistan. Và khi Tổng thống Musharraf không làm được như yêu cầu, Khan đã công khai chỉ trích ông Musharraf là "liếm giày Bush".

Có khoảng 100.000 người đã đến Công viên Iqbal ở thành phố Lahore để nghe ông Khan nói chuyện.

Ijaz Chaudhry, một người cùng đảng với Khan, nói rằng, ông Khan "không muốn người Pakistan làm nô lệ cho Mỹ". Ông thường hay mỉa mai gọi Ngoại trưởng Mỹ là "bà cô" Hillary Clinton mỗi khi bà này ra vào Pakistan mà không thông báo trước cho chủ nhà biết, cứ như là "thích đến thì đến, thích đi thì đi" - một sự coi thường không thể chấp nhận được. Năm 2010, có lần Khan đã tuyên bố thẳng thừng trước một phái đoàn nghị sĩ Mỹ rằng các chính sách của Mỹ ở Pakistan, kể cả việc không kích bằng máy bay không người lái, là "nguy hiểm và cần phải thay đổi".

Chính trường Pakistan lâu nay hoạt động dựa trên 3 "chân kiềng" lớn là quân đội (một thế lực hùng mạnh, từng nắm quyền lãnh đạo đất nước hơn 30 năm), đảng PML của cựu Thủ tướng Sharif, và đảng cầm quyền Nhân dân Pakistan (PPP) của đương kim Tổng thống Asif ali Zardari. Trong cái thế “3 chân kiềng” đó, sự vươn lên mạnh mẽ của ông Khan khiến người ta nghĩ đến một sự thay đổi lớn đang diễn ra ở Pakistan. Thật vậy, Khan có được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng là do ông là một nhân tố mới, hoàn toàn khác so với những chính khách quen thuộc hiện nay, vốn bị dân chúng Pakistan chán ghét vì những tai tiếng tham nhũng, bạc nhược và nhất là "lụy" người Mỹ. Khan thì khác, ông chưa từng vấy bẩn bất cứ điều gì. Nói rằng ông "hoàn toàn trong sạch" thì có vẻ hơi quá nhưng sự thật là Khan, dù tham gia chính trường gần 20 năm, nhưng xét bề dày lịch sử chính trị thì ông giống như một "vùng đất mới", chưa có tì vết gì. Và chủ trương chống tham nhũng là át chủ bài của Khan.

Tuy nhiên, chỉ có "cơn sốt Imran Khan" thì chưa đủ để chắc chắn giành chiến thắng. Giới phân tích tỏ ra thận trọng khi đánh giá khả năng thành công của ông Khan tại kỳ bầu cử sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2013. Ở Pakistan, chính trị đảng phái với những mối quan hệ rộng rãi trong các cộng đồng cử tri mới là kẻ chiến thắng trong các kỳ bầu cử. Một mình Khan với sự hứng khởi nhất thời của cử tri thì không thể giúp đảng Tehreek-e-Insaf giành chiến thắng. Điều quan trọng là ông Khan phải làm sao có được những ứng cử viên sáng giá được đông đảo cử tri chấp nhận. Cú thử thách tiếp theo sẽ là cuộc nói chuyện trước công chúng sắp tới của ông Khan sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2011

An Châu (tổng hợp)
.
.