Pakistan: Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif chuẩn bị hồi hương

Thứ Bảy, 25/08/2007, 09:30
Chính trường Pakistan đang thực sự sôi động sau phán quyết của Toà án Tối cao cho phép cựu Thủ tướng Nawaz Sharif hồi hương sau gần 8 năm bị đảo chính và sống lưu vong.

Điều đáng nói là quyết định kể trên do Chánh án Iftikhar Mohammad Chaudhry, người từng bị Tổng thống Pervez Musharraf cách chức (tháng 10/2006) và mới được phục hồi hôm 20/7.

Tuy không được Tổng thống Pervez Musharraf bảo lãnh nhưng cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người đang sống lưu vong tại Anh vẫn tuyên bố sẽ sớm về nước để tham gia tranh cử (từ 15/9 đến 15/10).

Khác với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từng bị Tổng thống Pervez Musharraf đảo chính (năm 1999) và cáo buộc với nhiều tội danh nên chuyến trở về sắp tới của ông được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý.

Thứ nhất, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người đứng đầu đảng phái chính trị đối lập "Liên minh hồi giáo Pakistan - Nawaz" được coi là "vật cản lớn nhất" trong cuộc tranh cử sắp tới mà Tổng thống Pervez Musharraf hy vọng sẽ tái cử. Những tuyên bố của ông Nawaz Sharif đưa ra ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án Tối cao đang đặt cựu Thủ tướng vào tình huống vô cùng nguy hiểm.

Ngoài ra, ông Nawaz Sharif còn kêu gọi Mỹ ngừng ủng hộ Tổng thống Pervez Musharraf. Thứ hai, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từng cam kết sống lưu vong và không tham chính trong vòng 10 năm để đổi lấy tự do sau khi bị đảo chính và kết án với nhiều tội danh khác nhau.

Trong lịch sử 60 năm thành lập nước, Pakistan đã trải qua 4 cuộc đảo chính quân sự (1958, 1969, 1977 và 1999) và cuộc đảo chính tối 12/10/1999 đã đem lại ghế Tổng thống cho Thượng tướng Pervez Musharraf, người lãnh đạo cuộc đảo chính.

Nhưng sau gần 8 năm sống lưu vong, sự trở về của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đang là một thách thức lớn đối với việc tái cử của Tổng thống Pervez Musharraf. Theo giới bình luận, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vẫn được nhiều người ca tụng bởi trong thời gian chấp chính, ông đã làm nhiều chuyện hiếm thấy như cách chức cả Tổng thống, giành lấy quyền giải tán Quốc hội, cách chức Chủ tịch Tòa án hiến pháp…

Ngoài ra, ông Nawaz Sharif còn là một trong những Thủ tướng chấp chính lâu nhất, được ca ngợi, ủng hộ nhiều nhất tại Pakistan. Hơn nữa, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từng được coi là người thân Mỹ, thường xuyên khuất phục trước sức ép của Mỹ.

Nhưng điều đáng nói là trước cuộc đảo chính khoảng 3 tuần, Mỹ từng "đánh tiếng" về một cuộc đảo chính nếu xung đột giữa Thủ tướng Nawaz Sharif với Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân kiêm Tham mưu trưởng lục quân, Thượng tướng Pervez Musharraf không được cải thiện. Mỹ cũng từng lạnh nhạt với Tổng thống Pervez Musharraf khi ông vẫn tiến hành đảo chính quân sự, bỏ qua những lời cảnh cáo và tình hình này khó cải thiện nếu không xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001.

Trong bối cảnh nhạy cảm đó, việc chuẩn bị hồi hương của 2 cựu Thủ tướng đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi trước đó Tổng thống Pervez Musharraf từng có cuộc mật đàm với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto.

Nhiều người cho rằng, Tổng thống Pervez Musharraf muốn liên minh với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto để chống lại cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cho dù có phải từ bỏ một số quyền lực như chỉ huy quân đội, từ bỏ quyền sa thải Thủ tướng và giải tán Quốc hội...

Trường Giang
.
.