Phá băng quan hệ Nga - Mỹ?

Thứ Ba, 25/05/2021, 07:02
Nga đã bày tỏ sự vui mừng trước “những tín hiệu tích cực” trong quan hệ Nga-Mỹ sau khi Washington từ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí chiến lược Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).


Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ca ngợi đây là một “tín hiệu tích cực” vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất mọi thời đại khi Moscow bị Washingron cáo buộc can thiệp bầu cử, gián điệp, tấn công mạng và trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Tuy nhiên, quyết định này gây ra một số phản ứng trái chiều từ các nước liên quan.

Khi Washington và Moscow đang đàm phán về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Mỹ hôm 19-5 đã tuyên bố từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với công ty chính xây dựng đường ống Nord Stream 2 cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu bỏ qua lãnh thổ Ukraine.

Màn chào hỏi giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-Nga tại Reykjavik, Iceland.

Ngoài việc ca ngợi quyết định nói trên, ông Dmitry Peskov cũng đánh giá tích cực về cuộc gặp đầu tiên, hôm 19-5 tại Reykjavik, thủ đô Iceland, bên lề Hội đồng Bắc Cực, giữa những người đứng đầu ngành ngoại giao Nga và Mỹ, ông Sergei Lavrov và ông Antony Blinken.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga coi cuộc trò chuyện này là “mang tính xây dựng” và nói rằng ông hy vọng sự kết thúc của “khí hậu không lành mạnh” giữa Nga và Mỹ. Phía Mỹ cũng nói đây là một cuộc thảo luận “hiệu quả” và “trung thực”, ngay cả khi cuộc hội đàm không có gì đột phá. Bất chấp “nhiều vấn đề đã tích tụ” trong quan hệ Nga-Mỹ, ông Peskov ước tính những cuộc thảo luận này sẽ góp phần vào việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin có thể xảy ra.

Trong bối cảnh đó, Washington hôm 19-5 tuyên bố sẽ từ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhắm vào Nord Stream 2, vốn đã được quyết định dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo ông Antony Blinken, nếu sự phản đối của Mỹ đối với đường ống dẫn khí này vẫn “không thể lay chuyển” thì Mỹ đã lựa chọn để dành cho Đức, đồng minh và là nước ủng hộ chính cho đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu nhưng cũng gián tiếp để thỏa mãn Moscow.

“Các hành động được thực hiện hôm nay thể hiện cam kết của chính quyền (Tổng thống Joe Biden) đối với an ninh năng lượng ở châu Âu, phù hợp với lời hứa của tổng thống về việc khôi phục quan hệ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở châu Âu, một vấn đề an ninh quốc gia”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết khi thông báo quyết định này.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm: “Sự phản đối của chúng tôi đối với đường ống Nord Stream 2 là không hề dao động mặc dù chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý với các biện pháp trừng phạt, chúng tôi muốn liên minh của mình mạnh mẽ”.

Trong một lá thư gửi Quốc hội, ông Blinken đã giải thích với các quan chức lập pháp Mỹ, những người đã biểu quyết vào năm 2019 một đạo luật yêu cầu hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các bên liên quan đến dự án Nord Stream 2 vào năm 2019. Ông cho biết, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt “sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với Đức, Liên minh châu Âu và các đồng minh và đối tác châu Âu khác”.

Berlin khẳng định dự án là “cần thiết” và “coi các lệnh trừng phạt của Mỹ là sự can thiệp vào công việc nội bộ của mình”. Đức hoan nghênh quyết định của Mỹ, coi đây là một “bước đi mang tính xây dựng”. “Chúng tôi hiểu rằng các quyết định được đưa ra ở Washington có tính đến mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp đã được xây dựng với chính quyền ông Biden”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong cuộc họp báo.

Nhưng, một số nghị sĩ Mỹ đã phản đối quyết liệt. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch cho biết đây là “một món quà cho Putin”, điều này sẽ chỉ “làm giảm cơ hội đàm phán của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin sắp tới”.

Nord Stream 2 nối Nga với Đức, dài khoảng 1.200 km và đã hoàn thành 95%.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ có ảnh hưởng Bob Menendez đã kêu gọi chính quyền đảo ngược các quyền miễn trừ đã cấp cho Công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành của công ty này. Công ty Nord Stream 2 AG, một công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ và Giám đốc điều hành Matthias Warnig, người mang quốc tịch Đức, được hưởng lợi từ việc miễn trừ các lệnh trừng phạt.

Washington vẫn sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 4 tàu chở dầu của Nga và một số thực thể khác liên quan đến việc xây dựng Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic, dài khoảng 1.200 km và đã hoàn thành 95%.

Ukraine, quốc gia mà đường ống Nord Stream 2 không đi qua và các nước Đông Âu khác “tiếp tục thúc giục Mỹ phản đối dự án Nord Stream 2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người kiên quyết phản đối dự án vì nó sẽ khiến nước này mất nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của mình, đồng thời cho rằng việc từ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ là một “chiến thắng” của Nga.

“Đó sẽ là thất bại của Mỹ và cá nhân Tổng thống Biden (...), là một chiến thắng địa chính trị quan trọng đối với Nga”, ông nói. Đối với những người gièm pha đường ống, chủ yếu từ các nước Đông Âu thù địch với Moscow, việc hoàn thành công việc này tương đương với việc từ bỏ Ukraine, một đồng minh của phương Tây luôn cho là mình bị Nga “xúc phạm” bằng việc sáp nhập Crimea và đang phải hứng chịu cuộc chiến chống ly khai ở phía Đông.

Những nước ủng hộ dự án, Nga và Đức dẫn đầu, lại cho đây là một dự án thương mại thuần túy không nên là chủ đề của các toan tính chính trị. Dự án chủ yếu liên kết tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga với 5 tập đoàn châu Âu: Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo và Shell của Anh-Hà Lan.

Công việc xây dựng Nord Stream 2 được tiếp tục vào tháng 2 sau nhiều tháng đình trệ do các lệnh trừng phạt của Mỹ, tại vùng biển Đan Mạch. Trong vùng biển của Đức, 2 đoạn đường dài khoảng 15km vẫn sẽ được lắp đặt, điều này đã được chính quyền liên bang xác nhận vào đầu tuần bất chấp đơn kiện dự án của các hiệp hội môi trường.

Cuối cùng, ông Zelensky cũng chỉ trích Pháp và Đức đã tỏ ra kém cứng rắn hơn đối với Nga, trong khi các nước này đang hòa giải cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Hồi tháng 4, Nga đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự can thiệp quân sự. NATO, Mỹ và châu Âu đã lên án hành vi của Nga nhưng từ chối đem lại sự hài lòng cho Ukraine, quốc gia đã kêu gọi cho phép nước này gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhanh chóng hơn để đảm bảo an ninh cho nước này.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.