CAND 60 năm học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy:

Phấn đấu xứng đáng với danh hiệu cao quý là người Công an của nhân dân

Thứ Năm, 20/03/2008, 08:30
Trong dịp kỷ niệm 60 năm Lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 - 11/3/2008), Bộ Công an tổ chức Hội thảo Khoa học - thực tiễn "60 năm Công an nhân dân làm theo lời Bác". Nhân dịp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi Bộ Công an và bài viết "Phấn đấu xứng đáng với danh hiệu cao quý là người Công an của nhân dân".

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Lực lượng Công an được thành lập. Ngay từ những ngày đầu xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân đã vô cùng tự hào là lực lượng đầu tiên được Bác Hồ quan tâm khi bàn về tư cách đạo đức của người cách mạng.

Bác đặt tên cho Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Theo tôi, đó chính là vinh dự to lớn nhất của các đồng chí; đồng thời Bác cũng chỉ ra những phẩm chất đạo đức và tư cách mà người Công an nhân dân cần phải có, đó là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Những lời dạy đó của Bác Hồ thật sâu sắc, cụ thể đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng cũng như đối với cán bộ, đảng viên, quân nhân nói chung. Những lời dạy đó là di sản tinh thần quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta.

Đến nay lời dạy ấy của Bác đã trải qua 60 năm, nhưng nó vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Vị thế của Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng ở khu vực và quốc tế. Chúng ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức hết sức quyết liệt.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ trương mở cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, Bộ Công an đã có kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Để cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác dạy được thực hiện tốt trong lực lượng Công an nhân dân, tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí một số vấn đề sau đây:

Quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng và nhiệm vụ của lực lượng Công an

Bác Hồ là người giác ngộ cách mạng rất sớm. Sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh gia đình, địa phương có truyền thống cách mạng, nên Bác luôn luôn xác định cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng; giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với kẻ thù muốn nô dịch dân tộc ta là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, một mất, một còn.

Theo Bác, muốn cách mạng phát triển thì điều cực kỳ quan trọng là phải bảo vệ cách mạng, bảo vệ lực lượng chủ chốt của cách mạng. Lúc chưa có Đảng, phải bảo vệ những nhân vật tiền bối của cách mạng. Lúc có Đảng, phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đó là nhiệm vụ không thể thiếu.

Cần nhận thức rõ: Kẻ thù không thể sống chung với cách mạng, chúng luôn luôn tìm mọi cơ hội, thời cơ để tiêu diệt cách mạng, để xóa bỏ độc lập của ta, phá hoại chủ nghĩa xã hội, để thâm nhập và phá hoại Đảng ta. Vì vậy, muốn bảo vệ cách mạng, chúng ta phải luôn cảnh giác, kịp thời phát hiện kẻ thù, cũng như những mưu đồ đen tối của chúng.

Để làm được việc này, điều quan trọng bậc nhất là Công an phải dựa vào dân. Có dân thì có tất cả. Bác đã từng nói: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì việc gì cũng xong”(Tư cách người Công an cách mạng - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Sự thật - 1985, tr75). Vì vậy, “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, ngày 17/9/1945 - Hồ Chí Minh, SĐD, tập 4 /1999, tr18).

Theo tôi, đấy là vấn đề căn bản nhất trong tư tưởng của Người. Cho nên, điều mà Công an cần đặc biệt chú ý là phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý là người Công an của nhân dân. Điều thứ 4 của Bác dạy: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” tuy thật là giản dị, nhưng nó đã hàm chứa trong đó tất cả mối quan hệ mà người Công an cần phải giải quyết khi tiếp xúc với nhân dân. Muốn trở thành người Công an nhân dân, trước hết thái độ với dân “Phải kính trọng, lễ phép”. Có như vậy, mới được dân tin yêu, gần gũi và giúp đỡ, do đó Công an mới có điều kiện thuận lợi để làm tròn nhiệm vụ.

Tôi còn nhớ, trong những ngày đầu cách mạng, khi mới trở về nước, Bác Hồ của chúng ta đã phải luôn nghĩ cách để bảo vệ cách mạng, cảnh giác với kẻ địch. Theo Bác, chúng ta phải tích cực tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng, phát triển phong trào phòng gian, bảo mật để bảo vệ cách mạng. Hiểu ý Bác ở đây là hai nội dung:

Thứ nhất là: Phải phát động nhân dân, tổ chức nhân dân, tổ chức Việt Minh. Đây là một chủ trương lớn của Bác để bảo vệ cách mạng. Những ngày ở căn cứ địa Việt Bắc, tôi cũng được phái đi làm công tác dân vận; chúng tôi đã xây dựng được “bản hoàn toàn” (tức là ở bản đó, mọi nam, phụ, lão, ấu đều tham gia cách mạng), rồi “xã hoàn toàn”, “huyện hoàn toàn”, “châu hoàn toàn”... Để làm được việc này là phải dựa vào dân.

Hồi đó ở Cao Bằng, Bắc Kạn, cá biệt vẫn có những tên phản động; nhưng đối với mỗi tên phản động, chúng tôi đều có phân công người dân theo dõi. Tức là phải dựa vào dân để tổ chức dân. Có thể nói, sức mạnh của dân là cực kỳ to lớn. Toàn dân đều tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ cách mạng chống địch phá hoại. Vì vậy, trong thời gian này cơ sở cách mạng của ta được tồn tại và ngày càng mở rộng.

Thứ hai là: Cùng với việc phát động nhân dân, tổ chức nhân dân, ta còn phải hướng dẫn cho dân biết cảnh giác với địch và biết giữ gìn bí mật. Có thể nói, khẩu hiệu "ba không" (không nghe, không thấy, không biết) - được người dân học tập và thực hiện rất tốt. Do vậy mà phần lớn các chiến dịch ta đánh đều gây cho địch nhiều bất ngờ.

Khi lực lượng Công an đã được thành lập, lúc đó, tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trực tiếp chỉ đạo Công an. Sau là cụ Huỳnh Thúc Kháng phụ trách Bộ Nội vụ, một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác Công an. Có Chính phủ rồi vẫn phải dựa vào dân. Lúc đó, tình hình rất rối ren, bọn Việt quốc, Việt cách, bọn phản động trong nước câu kết với bọn phản cách mạng nước ngoài, bọn Tưởng Giới Thạch hoạt động rất ác liệt, nhưng chúng tôi vẫn bảo vệ được thành quả cách mạng, giữ vững được lực lượng cách mạng. Và cũng chính nhờ dựa vào dân, nhờ có dân phát hiện, mà ta mới phá được vụ Ôn Như Hầu tiêu diệt và bắt được tất cả bọn chúng.--PageBreak--

Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ, lúc Bác giao cho tôi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong một đêm đông ở hang Pắc Bó, hai Bác cháu nằm trên một chiếc giường làm bằng gỗ ghép lại, bàn về vũ trang khởi nghĩa, đầu tiên Bác nói: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” - tức là: Phải để việc nước, việc dân lên trên hết". Lúc chia tay, Bác còn dặn: “Đánh trận đầu nhất định phải thắng - dựa vào dân thì nhất định thắng - Có dân thì có tất cả”. Có hai câu mà tôi nhớ nhất, đó là “Dĩ công vi thượng” và “Có dân thì có tất cả”. Sau đó, Bác mới dẫn câu tục ngữ Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Theo tôi, “Dựa vào dân” - đó chính là một tư tưởng cốt lõi của Người. Và điều này luôn luôn được thể hiện qua mọi chủ trương, đường lối và lời dạy của Bác đối với mọi cán bộ, đảng viên cũng như với toàn thể lực lượng Công an nhân dân.

Công an với vai trò là một trong những lực lượng cốt yếu, có nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, tiêu diệt kẻ thù. Nhưng để làm được điều trên, thì trước hết người Công an phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Tức là con người có đức. Đức đó là suốt đời vì nước, vì dân, không có chủ nghĩa cá nhân.

Theo Bác, yêu cầu lớn nhất đối với người Công an phải có đạo đức: Chí công vô tư. Tất nhiên phải mưu trí, cảnh giác. Do tinh thần như vậy, Bác Hồ mới đề ra 6 điều dạy đối với Công an nhân dân. Không phải là ngẫu nhiên mà trong 6 điều dạy, Bác lại đưa ra điều dạy “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” lên trên hết. Đây là quan hệ gốc, quan hệ số một, chi phối tất cả các mối quan hệ còn lại.

Nhìn nhận ở một mức độ nhất định, nếu người Công an không “cần, kiệm, liêm, chính” đối với chính bản thân mình, thì không thể “tuyệt đối trung thành” với Chính phủ, không thể “thân ái, giúp đỡ” đối với đồng sự và cũng không thể “kính trọng, lễ phép” với nhân dân...

Nói tóm lại, lực lượng Công an rất quan trọng. Người Công an cần phải “Một lòng vì nước, vì dân - luôn luôn cảnh giác - Không chủ nghĩa cá nhân - Và phải luôn luôn dựa vào dân”.

Về nhiệm vụ của Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những mặt tích cực là rất lớn thì những tác động tiêu cực cũng không phải là nhỏ, chủ nghĩa cá nhân có điều kiện để phát triển.

Hội nhập sẽ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp thu nguồn đầu tư nước ngoài, nhưng nó cũng làm cho những nhân tố độc hại, những luận điểm sai trái, lối sống không lành mạnh, cá nhân chủ nghĩa có điều kiện để xâm nhập dễ dàng. Chính trong điều kiện này, kẻ địch sẽ dùng tiền tài, vật chất để tấn công vào hàng ngũ cán bộ của ta; dùng những công nghệ hay kiến thức quản lý mới để bắt ta phụ thuộc vào chúng.

Đây là mưu đồ rất tinh vi và xảo quyệt của kẻ địch. Lực lượng Công an nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, cần phải chủ động, nắm chắc tình hình; phát hiện kịp thời và đấu tranh ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thời gian qua do sơ hở của chúng ta, bọn tội phạm đã trực tiếp tấn công vào hàng ngũ cách mạng, mà phương thức chủ yếu của chúng là dùng tiền để mua chuộc. Chúng đã mua chuộc, lôi kéo được một bộ phận trong lực lượng Công an, trong một số cơ quan thông tin đại chúng, tư pháp, kiểm sát. Vì chúng nhận thức được các cơ quan này là những cơ quan quan trọng nắm giữ những vị trí quan trọng, chủ chốt. Theo tôi, đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tuy chỉ là số ít, nhưng đã làm cho dân mất lòng tin.

Tôi muốn trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, các đồng chí cần thường xuyên đề cao cảnh giác, kịp thời nắm được mưu đồ tinh vi, xảo quyệt của kẻ địch và bọn tội phạm, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng hối lộ - một thứ giặc nội xâm như Bác Hồ thường nói.

Bây giờ, vấn đề này không phải là ít, có thể nói: Tham nhũng, hối lộ hiện nay đang là quốc nạn. Vì vậy, tất cả mọi lực lượng, đoàn thể phải đấu tranh, nhưng Công an cần phải chú ý hơn. Để xảy ra tình hình như vừa rồi thật là nguy hiểm và nó là một mất mát lớn. Nếu chúng ta không kịp thời phát hiện, không biết tình hình rồi sẽ trở nên như thế nào?

Theo tư tưởng của Bác Hồ, cần phải trừng trị một cách thích đáng, có trọng điểm để răn đe, giáo dục; nhưng đối với những người biết hối hận, ăn năn hối cải, ta cũng có thể khoan hồng. Cần chú ý là: Phải rất nghiêm khắc, nhưng cũng phải khoan dung, độ lượng.

Tôi rất hoan nghênh Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã kịp thời, chủ động phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và hôm nay các đồng chí tổ chức Hội thảo để đánh giá kết quả 60 năm học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực để tổng kết kinh nghiệm rất đáng hoan nghênh.

Để tiếp tục cuộc vận động và thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, theo tôi, cơ bản là phải tiến hành một cách thiết thực, từng thời gian, có nội dung, yêu cầu cụ thể, gắn học với hành không phô trương hình thức. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà tình hình xã hội có những vấn đề phức tạp, kẻ địch hoạt động ngày càng tinh vi và xảo quyệt, chúng ta càng cần phải đặc biệt chú ý giáo dục tinh thần cảnh giác cho mọi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Bác Hồ đã từng nói: “Bom đạn của kẻ địch không nguy hiểm bằng đạn bọc đường, vì nó làm hại mình mà mình không biết” (Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, tháng 9/1945 - Hồ Chí Minh, SĐD, tập 7/1987, tr.39-40).Người cán bộ, chiến sĩ Công an lúc này cần phải có đạo đức - kiến thức - gần dân - và hiểu địch. Tôi tin là các đồng chí làm được điều này và sẽ thành công.

Cuối cùng nhân dịp kỷ niệm này, tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng nhiệt liệt đến các đồng chí, anh chị em toàn thể lực lượng Công an, chúc các đồng chí thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý là “Công an nhân dân” như Bác Hồ mong muốn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
.
.