Phản ứng bất ngờ của EU và Canada với Trung Quốc

Thứ Tư, 01/07/2020, 15:05
Bên cạnh những nghi hoặc về nguồn gốc phát tán virus corona đang làm thế giới điên đảo và những chỉ trích về Biển Đông, Trung Quốc lại đang hứng chịu những đòn phản công mạnh mẽ về kinh tế và pháp lý từ Canada cùng Liên minh châu Âu.

Ngày 25-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bác lời kêu gọi can thiệp vào thủ tục dẫn độ một lãnh đạo tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ, để đổi lấy việc trả tự do cho 2 công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ. Đầu tuần trước, nhiều cựu ngoại trưởng và đại sứ Canada đã đề nghị thủ tướng trao trả bà Mạnh Vãn Chu để 2 công dân Canada được trở về nhà.

Tuy nhiên, đối với ông Trudeau, ngưng thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu chẳng khác gì vẽ đường cho những mưu đồ mặc cả khác trong tương lai. Ông nói: “Trả tự do cho Mạnh Vãn Chu sẽ gây nguy hiểm cho hàng ngàn công dân Canada đang đi đây đi đó ở Trung Quốc và trên khắp thế giới, khi cho thấy rõ là một chính phủ có thể gây áp lực chính trị đối với Canada bằng cách bắt giữ công dân nước này một cách tùy tiện. Đây là điều tuyệt nhiên không thể chấp nhận”.

Lãnh đạo châu âu và Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh.

Bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ năm 2018, khi quá cảnh ở Vancouver, theo đề nghị của phía Mỹ, vì Washington cáo buộc nhân vật số hai của Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận nhắm vào Iran. Để trả đũa, Bắc Kinh bắt giam 2 công dân Canada từ 18 tháng nay với tội danh làm gián điệp. Theo giới quan sát, thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu rất có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Đó cũng là quãng thời gian để Michael Spavor và Michael Kovrig phải tiếp tục ở trong nhà tù Trung Quốc.

Cũng trong tuần trước, trong cuộc đối thoại thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu với Thủ tướng và Chủ tịch Trung Quốc ngày 22-6, châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy khi nêu với Bắc Kinh các vấn đề “nhạy cảm” mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh, sợ làm mếch lòng Trung Quốc.

Trong cuộc hội đàm cấp cao này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có lời lẽ “đặc biệt cứng rắn với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hong Kong cũng như về vấn đề khí hậu”.

Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhiều năm qua châu Âu đã tích tụ khá nhiều thất vọng. Từ giờ trở đi EU bắt đầu triển khai chiến lược phòng thủ rõ nét hơn trước Bắc Kinh và trong khi tìm kiếm mối quan hệ tương tác có tính xây dựng với Bắc Kinh về nhiều chủ đề đa phương, châu Âu dường như đang quyết tâm nâng tầm cuộc chơi trước một đối tác từ giờ được đánh giá là đối thủ mang tính hệ thống.

Đây là một sự thay đổi rõ rệt, không chỉ giọng điệu mà còn cả về chiến lược với Trung Quốc của Liên minh châu Âu vốn trước đây vẫn bị đánh giá là nhu nhược và bất lực trước Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là để xem từ lời nói đến hành động thực tế như thế nào trong khi EU vốn vẫn có điểm yếu là thiếu đoàn kết và thiếu các phương tiện gây áp lực.

Hai công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ vì cáo buộc hoạt động gián điệp.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, kết thúc Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 ngày 26-6, các lãnh đạo ASEAN nhất trí tái khẳng định Công ước UNCLOS năm 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Tuyên bố chung của Thượng đỉnh ASEAN khẳng định các lãnh đạo ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Lo ngại về việc cải tạo các đảo, những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Theo nhận xét của hãng tin AP, bản thông cáo trên “đánh dấu một bước tiến quan trọng” trên con đường khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, nơi vốn được coi mà một trong những địa điểm xung đột dễ dàng bùng phát thành chiến tranh, trong bối cảnh các tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cũng trong thượng đỉnh trên, Tổng thống Philippines đã báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp.

Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa ASEAN và Bắc Kinh, Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu giữ hòa bình và ổn định. Theo ông Duterte, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến được COC trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Manila đã 2 lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.

Ngày 27-6, Mỹ là một trong những cường quốc đầu tiên đã lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về Biển Đông, vừa được tái khẳng định tại Thượng đỉnh ASEAN 36. Trong một tin nhắn trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết “Hoa Kỳ hoan nghênh việc các lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, trong đó có UNCLOS.

Ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại cho rằng “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông thuộc phạm vi đế chế hàng hải của họ”, đồng thời cho biết thêm là Mỹ sẽ “sớm lên tiếng nhiều hơn về chủ đề này”.

Điểm đáng chú ý là trong tin nhắn của mình, ông Pompeo đã đính kèm bản Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN mang tên “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.