Pháp: “Cơn bão” của ông Macron

Thứ Hai, 02/11/2020, 16:20
Chỉ ít ngày sau vụ thầy giáo dạy sử trung học Samuel Paty bị một thanh niên Hồi giáo cực đoan sát hại, nước Pháp lại rúng động với vụ việc một kẻ được cho là tấn công khủng bố đã chặt đầu 1 người phụ nữ và sát hại thêm 2 người khác trước khi bị khống chế.

Các vụ việc nghiêm trọng liên tiếp đã thổi bùng ngọn lửa tranh cãi xung quanh các phát ngôn của Tổng thống Emmauel Macron và phản ứng của Điện Elysee đối với vụ việc.

Vụ việc thứ hai xảy ra trước cửa một nhà thờ ở thành phố Nice. Thị trưởng Nice, ông Christian Estrosi mô tả vụ tấn công trên là một vụ khủng bố. Ông Estrosi cho biết kẻ tấn công đã liên tục hét lên cụm từ “Allahu Akbar” (Chúa là vĩ đại nhất), ngay cả khi hắn ta đã bị cảnh sát khống chế. “Quá đủ rồi!” - ông Estrosi - “Đã đến lúc nước Pháp phải tự giải thoát mình khỏi các luật lệ về gìn giữ hòa bình để xóa sổ chủ nghĩa phát xít Hồi giáo trên lãnh thổ của chúng tôi”.

Trở lại với nguyên nhân vụ sát hại thầy giáo Paty được cho là xuất phát từ một giờ dạy học trên lớp. Thầy giáo Paty giảng cho học sinh về quyền tự do ngôn luận, vốn đang là vấn đề tranh luận dai dẳng của nước Pháp. Để minh họa cho bài giảng của mình, thầy giáo Paty đưa ra một số hình ảnh, trong đó có bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed từng được đăng trên tạp chí Charlie Hebdo.

An ninh tăng cường trước nhà thờ ở Nice, nơi vụ việc xảy ra.

Mặc dù thầy giáo Paty đã khuyến cáo các học sinh Hồi giáo có thể đi ra ngoài để tránh bị tổn thương hay xúc phạm nhưng vấn đề không đơn giản vậy. Một số phụ huynh đã rất phẫn nộ và lên án thầy giáo Paty, có người còn đăng những lời bình luận trên mạng, từ đó lan truyền rộng khắp. Một “fatwa” (giáo lệnh) của các cộng đồng Hồi giáo đã được phát đi và một thanh niên nhập cư gốc Chechen tên Abdullah Anzorov đã thực hiện giáo lệnh.

Vụ sát hại thầy giáo Paty đã gây chấn động nước Pháp, làm cho cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận trở nên gay gắt hơn. Từ cuộc tranh luận đó đã chuyển thành cuộc “đấu tranh” mà Tổng thống Macron gọi là “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của nước Pháp”. Một làn sóng phản ứng gay gắt đã xuất hiện khi ông Macron viết trên Twitter những câu bình luận về vụ sát hại thầy giáo Paty, gọi ông ấy là “người hùng thầm lặng” của cuộc chiến.

Ngọn lửa phản đối tiếp tục bùng cháy dữ dội sau khi cảnh sát Pháp mạnh tay truy quét các tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ sát hại thầy giáo Paty và những nơi mà hung thủ Anzorov đã từng lui tới sinh hoạt. Cuộc truy quét đã phát đi thông điệp cứng rắn tới cộng đồng người Hồi giáo trong và ngoài nước Pháp, khiến sự phẫn nộ càng lúc càng gia tăng.

10 ngày sau vụ thầy giáo bị chặt đầu, làn sóng phản đối nước Pháp bắt đầu chuyển sang cuộc chiến tẩy chay về kinh tế. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi không chỉ kêu gọi tẩy chay hàng hóa mà còn bắt đầu hành động cụ thể bằng việc tháo hàng hóa của Pháp xuống khỏi các kệ hàng trong siêu thị, hủy hàng loạt chuyến du lịch đến Pháp,... Các giáo sĩ Hồi giáo ở Iran còn cứng rắn hơn, thúc giục Chính phủ Iran kêu gọi cộng đồng các quốc gia Hồi giáo triển khai biện pháp cấm vận Pháp.

Giới phân tích cho rằng, làn sóng phản đối nước Pháp và Tổng thống Macron không chỉ xuất phát từ vụ thầy giáo Paty bị sát hại mà đã râm ran, âm ỉ từ trước đó do những phát ngôn của Tổng thống Macron liên quan đến bức biếm họa chân dung nhà tiên tri Mohammed đăng trên tạp chí Charlie Hebdo. Trong một bài phát biểu trước công chúng hôm 2-10, Tổng thống Macron đã trình bày đề cương một đạo luật mới nhằm thúc đẩy chủ nghĩa thế tục ở Pháp, chống lại chủ nghĩa ly khai tôn giáo, trong đó ông đề cập đến Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Đạo luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 12 tới. 

Ngay lập tức, trường Đại học Al-Azhar thuộc dòng Hồi giáo Sunni đầy quyền lực ở Cairo, Ai Cập đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Macron là “kỳ thị chủng tộc và xúc phạm”, có thể gây tổn thương cộng đồng người Hồi giáo khắp thế giới. Các Imam quyền lực ở trường Đại học Al-Azhar và các thầy cả ở Ai Cập, Somalia đã lên tiếng kêu gọi trừng phạt ông Macron, trừng phạt nước Pháp.

Ngày 27-10, Chính phủ Iran đã triệu tập đại diện ngoại giao Pháp tại Tehran đến để “khuyên” rằng cách phản ứng của Tổng thống Macron và Điện Elysee đối với vụ sát hại thầy giáo Paty là “kém khôn ngoan” khi liên tục đưa ra những phát biểu, tuyên bố khiến người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm.

Ngày 28-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng dọa sẽ kiện tạp chí Charlie Hebdo sau khi tạp chí này cho đăng bức biếm họa ông Erdogan như một phản ứng trước các phát biểu của ông trước đó liên quan bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Trong khi đó, văn phòng công tố ở Ankara đã mở cuộc điều tra đối với ban lãnh đạo tạp chí Charlie Hebdo.

Vụ việc thầy giáo Paty dần trở nên cuộc đối đầu mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp khi một cuộc đối đầu căng thẳng khác vẫn chưa lắng xuống giữa Ankara và Paris xung quanh tranh chấp ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đều đứng sau lưng ủng hộ nước Pháp. Pháp đang thúc đẩy EU triển khai các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cho những hành động tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải, còn Ankara thì cũng vận động cộng đồng Hồi giáo “trừng phạt” nước Pháp do việc xúc phạm Hồi giáo và nhà tiên tri Mohammed.

Khi làn sóng phản đối trở nên dữ dội khắp thế giới, bộ sậu ngoại giao của nước Pháp đã ra sức xoa dịu cộng đồng Hồi giáo. Các cố vấn của ông Macron cho rằng từ ngữ các phát ngôn của Tổng thống đã bị một số đối thủ chính trị trong nước cố tình “bóp méo” nhằm mục đích chính trị riêng. Các cố vấn đổ lỗi cho các đối thủ chính trị đã cố tình tạo ra những luồng “thông tin giả” và tuyên truyền đầy ác ý gây bất lợi cho Tổng thống Macron.

An Châu (Tổng hợp)
.
.