Pháp siết chặt an ninh quy mô lớn chưa từng có cho Euro 2016

Thứ Năm, 02/06/2016, 10:25
Từ ngày 10-6 đến 10-7 tới, tại Pháp sẽ khởi tranh giải Vô địch bóng đá châu Âu lần thứ 15 (Euro 2016) với sự tham dự lần đầu tiên của 24 đội.


Mọi công việc đã hoàn tất

Mọi công tác chuẩn bị để đón ngày hội bóng đá sôi động này đã sẵn sàng. Trong số 10 sân vận động được chuẩn bị cho các trận cầu ở Euro 2016, bốn sân được xây mới tại Bordeaux, Lille, Lyon và Nice; 5 sân được nâng cấp. 

Quy mô đảm bảo an ninh cho sự kiện lớn chưa từng có.

Tất cả các công trình này cũng như công tác hậu cần đón tiếp đều đã hoàn tất đúng tiến độ dự kiến. Đặc biệt, 2 triệu vé xem 51 trận đấu đã được bán hết, trong đó 1 triệu vé được bán rộng rãi cho công chúng từ ngày 10-6 đến 10-7 năm ngoái với giá từ 25 đến 895 euro; 1 triệu vé còn lại được dành bán cho cổ động viên (CĐV) của 24 quốc gia có đội tuyển tham dự. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu mua vé xem Euro 2016 nhiều gấp 8 lần so với khả năng cung cấp của nhà tổ chức.

Các trận đấu của Euro 2016 sẽ được phân bổ khá đều cho các thành phố tổ chức. Hai trận bán kết được tổ chức tại Lyon và Marseille trong khi trận chung kết sẽ diễn ra tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis ngoại ô thủ đô Paris - sân vận động lớn nhất nước Pháp với sức chứa 80.000 người.

Theo số liệu thống kê, trong 1,7 tỷ euro được chi cho các công trình liên quan hạng mục xây dựng các sân vận động phục vụ Euro 2016, ngân sách Chính phủ Pháp chiếm tới 152 triệu euro.

Vì trận đấu an toàn thay vì thu hút CĐV

Một lần nữa châu Âu chấn động vì các vụ tấn công khủng bố ở Brussels, Bỉ, hôm 23-3, vụ việc xảy ra chỉ vài tháng sau thảm họa tương tự ở Paris khiến 150 người thiệt mạng, 300 người bị thương. Tình hình bất ổn ở châu Âu buộc chủ nhà Pháp phải áp dụng các biện pháp an ninh chưa từng có tại Euro 2016.

Ngay sau khi xảy ra các vụ đánh bom tự sát ở sân bay Zaventem của Bỉ, Hãng tin AP đã phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve về việc cập nhật kế hoạch bảo đảm an ninh tại Euro 2016. Theo lời tuyên bố của quan chức này, nước Pháp sẽ huy động một chiến dịch quy mô lớn kỷ lục để bảo vệ an ninh tại bữa tiệc bóng đá lớn nhất khu vực. Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, giới chức an ninh Pháp đứng trước một nhiệm vụ đầy khó khăn. Họ không chỉ phải bảo đảm an toàn tại các sân vận động mà còn ở các sân bay, nhà ga tàu điện ngầm, các khu vực công cộng khi người hâm mộ tới đây.

Thực tế, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi đầu tháng 11 năm ngoái, chính quyền Pháp đã lên kế hoạch siết chặt an ninh tại Euro 2016. Chủ tịch Ủy ban tổ chức giải Jacques Lambert cho biết, các biện pháp an ninh sẽ được đảm bảo ở mức tối ưu khi giới chức Pháp huy động 100.000 nhân viên an ninh chuyên nghiệp bảo vệ 51 trận đấu trong 31 ngày của giải đấu.

Một chiến dịch rà phá bom mìn, mối lo lớn nhất ở thời điểm này đã được đặt ra. Ngoài ra, các phương tiện an ninh đặc biệt cũng sẽ được triển khai trong các khu vực "fan zone" để bảo đảm an toàn cho các CĐV tụ tập bên ngoài sân vận động hay các điểm đặt màn hình lớn truyền hình trực tiếp trận đấu.

Trước mắt, Pháp sẽ tập trung lắp đặt camera theo dõi ở khắp các khu vực có CĐV xuất hiện. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn của nước chủ nhà 2 triệu euro. Tất cả các CĐV mang theo túi xách đều không được vào bên trong sân vận động hoặc các khu dành riêng cho người hâm mộ theo dõi trận đấu qua màn hình lớn. Các cổng an ninh, hệ thống máy soi chiếu được dựng lên và lắp đặt xung quanh những địa điểm tham gia tổ chức.

Quãng thời gian từ nay đến Euro 2016 là thời điểm để Pháp tiếp tục đánh giá công tác tổ chức, đặc biệt là việc bảo vệ an ninh. Nếu trong trường hợp cảm thấy bất an, nhà chức trách có thể sử dụng biện pháp cuối cùng ở một số địa điểm nghi ngờ: cấm tất cả các CĐV vào sân.

Khả năng này đã được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tính tới và họ đang bàn thảo với chính quyền Pháp. Biện pháp chưa từng áp dụng và không có tiền lệ này được Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành UEFA, Giancarlo Abete nhắc đến sau các vụ tấn công khủng bố ở Bỉ. Theo quan chức này, nếu chính quyền Pháp không thể bảo đảm an toàn cho các CĐV ở các sân vận động, UEFA buộc phải để các trận cầu diễn ra trên sân vận động không có khán giả.

Mối đe dọa an ninh tại Euro 2016 lại bị đẩy lên cao sau khi xuất hiện thông tin về kế hoạch đánh bom giải đấu này của các phần tử khủng bố. Thông tin trên đến từ Mohamed Abrini, kẻ bị tình nghi là đứng sau những vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris và Brussels. Bị cảnh sát Bỉ bắt giữ cách đây ít ngày, tên này sau đó thừa nhận đã có mặt tại hiện trường các vụ đánh bom kể trên.

Không chỉ vậy, theo tiết lộ của cơ quan điều tra, Abrini và đồng bọn thậm chí còn đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công nước Pháp một lần nữa, dựa theo "mệnh lệnh" từ cấp trên. Mục tiêu của những phần tử này chính là Euro 2016. Thông tin trên chắc chắn khiến cho ban tổ chức giải đấu, người hâm mộ cũng như chính quyền địa phương và người dân nước Pháp không khỏi lo lắng.

Nếu những gì Abrini nói là chính xác thì chúng ta có thể chắc chắn Bỉ là một căn cứ hoạt động của chúng và cần phải theo dõi chặt chẽ hơn. Những đội quân thánh chiến đã tụ họp ở đó ít nhất 10 năm rồi. Các nhà điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh những lời khai của tên này. Trong một chiếc máy tính do những kẻ tấn công Brussels sử dụng được tìm thấy trong thùng rác trước xưởng chế bom của chúng, cảnh sát phát hiện một tập tin cho thấy, Trung tâm thương mại La Defense tại thành phố Paris và một hiệp hội Thiên Chúa giáo là một trong nhiều mục tiêu mà bọn khủng bố hướng tới.

Trong chiếc máy tính cũng lưu lại một đoạn ghi âm dài 16 phút có lời của một trong những kẻ tấn công Brussels, nói với ai đó về các cuộc tấn công dự kiến trong tương lai, mà mục tiêu cụ thể là nhiều địa điểm tại Pháp và Bỉ. Trong đoạn ghi âm, chúng bàn bạc về địa điểm, thời gian, có bao nhiêu thành viên tham gia và những người còn lại nên dự phòng cho các cuộc tấn công sau đó.

Theo các nhà phân tích, giọng nói trên là của tên Najim Laachraoui - người được cho là đã chế tạo bom cho nhóm khủng bố, cũng là kẻ đã tự kích nổ bom tại sân bay Brussels. Cơ quan chức năng không nghe được kẻ đang trao đổi với tên Laacharaoui nói gì, tuy nhiên nhóm điều tra ngờ rằng đó là một phiến quân khủng bố cao cấp tại Syria.

Văn Nguyễn-T.K.(tổng hợp)
.
.