Pháp: Tái khởi động dự án xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu

Thứ Năm, 10/07/2008, 10:30
Với vai trò là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm 2008, mới đây Pháp đã đề xuất việc tái xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu nhằm bảo vệ lãnh thổ châu Âu và những quyền lợi quan trọng của khối này.

Tiền đề của hệ thống phòng thủ này là Chính sách an ninh và quốc phòng châu Âu (gọi tắt là PESC). Đây là yếu tố chính trong chính sách ngoại giao và an ninh chung của Liên minh châu Âu có chức năng chính là can thiệp vào các cuộc khủng hoảng ngoài lãnh thổ EU và giúp đỡ bình ổn tình hình an ninh và chính trị tại những quốc gia có liên quan đến quyền lợi của châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin ngày 28/5 vừa qua khẳng định đã chuẩn bị một loạt sáng kiến để thực hiện kế hoạch này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin cho biết hiện nay châu Âu đang sẵn có “trạm không gian Hélios”, ý ám chỉ vệ tinh quan sát quân sự Hélios. Đây là một bệ phóng thực sự cho việc thành lập một hệ thống phòng thủ châu Âu.

“Chúng tôi đã có các cuộc hội đàm quan trọng với một số quốc gia thành viên EU như Anh, Đức và Tây Ban Nha về một loạt biện pháp nhằm thực hiện hệ thống phòng thủ này”- ông Hervé Morin phát biểu với báo giới sau một cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng của EU tại Brussels.

Ngoài ra, Pháp và Anh cũng đã đạt được việc thỏa thuận thành lập một hàng không mẫu hạm châu Âu. Cũng trong thời gian này, Ngoại trưởng Pháp ông Bernard Kouchner đang tiến hành đề xuất trước một viện nghiên cứu chiến lược EU về một chính sách ngoại giao châu Âu sau khi hiến pháp mới của khối này chính thức được phê chuẩn bởi 27 nước thành viên và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Giới chuyên môn cho rằng, việc Pháp tái khởi động dự án xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu lần này xuất phát từ các cuộc tranh luận đang diễn ra tại Ireland và Anh về việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbonne.

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đặt mục tiêu xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu vào danh sách những ưu tiên hàng đầu về chính sách châu Âu sau biện pháp thắt chặt nạn nhập cư và đấu tranh chống lại hiệu ứng nhà kính. Nhà lãnh đạo Pháp còn bày tỏ mong muốn một mặt tiếp tục thắt chặt quan hệ với Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO), mặt khác sáp nhập bộ máy quân sự của Pháp vào hệ thống phòng chủ châu Âu một khi hệ thống này được thành lập.

Cũng theo đề xuất của Pháp, một trung tâm điểu khiển thường trực các hoạt động quân sự của châu Âu sẽ được đặt trụ sở tại Brussels, Bỉ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, việc thành lập trung tâm này (gồm khoảng 50 người trong khi đó trung tâm điều khiển của NATO hiện nay là 900 người) sẽ cho phép tiết kiệm những chi phí không cần thiết và phát huy tối đa vai trò của từng chiến dịch quân sự của khối. Thực vậy, trung tâm này đã tồn tại trên giấy tờ từ tháng 1/2007 nhưng nó chưa bao giờ được sử dụng.

Phát biểu trước câu hỏi của các phóng viên cho rằng hệ thống phòng thủ châu Âu ra đời sẽ chồng chéo nhiệm vụ với NATO khi mà hiện nay có quá nhiều thành viên mới của EU muốn gia nhập tổ chức quân sự này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết: “Sẽ không có một sự chồng chéo hay xung đột nào giữa chính sách phòng thủ châu Âu và NATO”.

Trước từng tình huống cụ thể, trung tâm điều phối sẽ cho thành lập một đội ứng phó tạm thời. Khi nhiệm vụ kết thúc, đội ứng phó này sẽ giải tán. “Chúng tôi muốn cơ cấu hoạt động của hệ thống phòng thủ châu Âu không đồ sộ, tốn kém nhân sự và cũng không nhất thiết phải có một tổng hành dinh như NATO” - ông Hervé Morin cho biết. Ngoài việc thành lập các đội gìn giữ hòa bình những quốc gia cần trợ giúp, Cơ quan Điều phối quân sự châu Âu cũng phát triển các hoạt động chế tạo khí tài chung như máy bay trực thăng hạng nặng hay các hoạt động bảo vệ con người.

Sở dĩ nói Pháp tái khởi động dự án xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu là do ý tưởng này đã được Pháp và Anh đưa ra trong hội nghị cấp cao tại Saint-Malo ngày 4/12/1998. Tháng 6/1999, Liên minh châu Âu chính thức phê chuẩn đường lối chính trị an ninh và quốc phòng của khối (PESC). Xuất phát từ các cuộc khủng hoảng tại một số quốc gia trên thế giới vào những năm 90, qua đó các quốc gia thành viên EU nhận thấy rằng cá nhân từng nước trong khối không thể tiến hành can thiệp vào những nước có nhu cầu trợ giúp.

Từ nhận định này, chính sách an ninh và quốc phòng châu Âu được ra đời với mục tiêu ban đầu là can thiệp các cuộc khủng hoảng ngoài lãnh thổ EU. Với chính sách này, EU không chỉ có một công cụ quân sự giúp dập tắt các cuộc khủng hoảng tại một quốc gia trước khi để nó lan ra phạm vi quốc tế mà còn có cả những công cụ dân sự giúp tái thiết nhanh chóng sau khủng hoảng tại một quốc gia.

Với chính sách PESC, hiện EU có 8 sứ mạng (một quân sự và 7 dân sự) chủ yếu tại châu Phi, vùng Balkans, Trung Đông và Afghanistan. Các sứ mệnh này dựa trên sự cam kết tham gia của từng quốc gia thành viên chứ khối này chưa có một hệ thống quân đội riêng.

Tuy nhiên, Hiệp ước Maastricht (cơ sở xây dựng Liên minh châu Âu) chỉ rõ PESC chỉ trở thành một chính sách chung khi Hội đồng châu Âu quyết định. Nói cách khác, PESC không phải là công cụ của một chính sách quốc phòng chung của châu Âu theo đúng nghĩa là bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của khối mà là một chính sách nhằm điều phối các cuộc khủng hoảng bên ngoài lãnh thổ EU và giúp đỡ các quốc gia có đặt quyền lợi của khối này bình ổn tình hình an ninh và chính trị

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.