Pháp cải tổ tình báo sau các vụ khủng bố ở Paris

Thứ Hai, 11/07/2016, 15:30
Một ủy ban trong Nghị viện Pháp vừa đưa ra lời kêu gọi nước Pháp phải cải tổ các cơ quan tình báo nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới trong cuộc chiến chống khủng bố ở Pháp cũng như ở châu Âu. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi có báo cáo kết luận điều tra về 2 vụ khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp vào 2015 do chính ủy ban này thực hiện.

Trong báo cáo công bố ngày 5-7, Ủy ban điều tra Nghị viện Pháp đưa ra 40 đề xuất giải pháp cải tổ ngành tình báo. Trong số đó, các nhà làm luật đề nghị Chính phủ Pháp sáp nhập một số cơ quan tình báo có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo với nhau, cạnh tranh lẫn nhau lại và xây dựng một cơ quan an ninh quốc gia mới theo mô hình giống như Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia mà nước Mỹ lập nên sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001.

Cơ quan an ninh quốc gia mới này sẽ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ Pháp thực hiện một số việc như xây dựng một cơ sở dữ liệu chia sẻ chung; giám sát chặt chẽ những nhà tù nơi có tỉ lệ cực đoan hóa trong tù nhân cao; và khắt khe hơn trong việc tuyên án các bị can phạm tội khủng bố.

Nghị sĩ Georges Fenech, người chủ trì Ủy ban điều tra Nghị viện Pháp, đưa ra các đề xuất cải cách tình báo Pháp.

Hạ viện Pháp đã quyết định thành lập Ủy ban điều tra vào tháng 1-2016 để nghiên cứu, đánh giá vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và các vụ tấn công khác trong tháng 1-2015, cũng như loạt tấn công do IS thực hiện tại các địa điểm khác nhau ở Paris trong tháng 11-2015. Có tất cả 147 nạn nhân tử vong trong các vụ tấn công này. Ủy ban điều tra bao gồm các thành viên thuộc hai đảng chính trị lớn nhất nước Pháp là đảng Xã hội và đảng Liên minh vì nền Cộng hòa (UMP).

Để thực hiện việc điều tra, các thành viên Ủy ban điều tra phải đi đến nhiều quốc gia có liên quan, như Bỉ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ để tìm kiếm thông tin, tư liệu thông qua việc trao đổi với các đồng nghiệp. Ngoài ra, các thành viên Ủy ban này còn thẩm vấn, phỏng vấn hàng trăm người không nằm trong các cơ quan tình báo, an ninh để có được các thông tin, dữ liệu đầy đủ nhất.

Trên cơ sở đó, báo cáo điều tra của ủy ban này đưa ra cái nhìn xác đáng, rõ ràng nhất về các vụ tấn công khủng bố ở Paris trong năm 2015, trong đó có những đánh giá về các thất bại của ngành tình báo trong khoảng thời gian trước khi xảy ra các vụ khủng bố. Tuy nhiên, do quy mô điều tra còn hạn hẹp, các nhà điều tra chưa thể tiếp cận được các hồ sơ mật của ngành tình báo, chỉ có thể tiến hành một số cuộc họp kín với các quan chức tình báo và an ninh.

Mặc dù các đề xuất của Ủy ban điều tra Nghị viện không mang tính ràng buộc nhiều, nhưng cũng đủ tạo nên một vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài cho Tổng thống Francois Hollande. Đây sẽ là một trong những vấn đề sẽ được ông Hollande đưa ra trong kỳ tranh cử vào năm tới, nếu ông tiếp tục ra ứng cử Tổng thống Pháp.

Sự thiếu phối hợp giữa tình báo Bỉ và tình báo Hy Lạp đã để cho Abdelhamid Abaaoud dễ dàng trốn thoát.

Trong báo cáo điều tra của mình, mặc dù không trực tiếp phê phán Chính phủ Pháp đã có phản ứng khá chậm chạp đối với các vụ tấn công, nhưng Ủy ban điều tra cũng đã nêu lên một số câu hỏi về tính hiệu quả của tình trạng khẩn cấp mà Tổng thống Hollande tuyên bố vào tháng 11-2015, cũng như việc triển khai 10.000 binh sĩ bảo vệ các thành phố và các khu vực nhạy cảm khác trên cả nước.

Georges Fenech, người chủ trì Ủy ban điều tra cho rằng, chính sự bất cập của ngành tình báo là một trong những nguyên nhân khiến cho nước Pháp không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và hoạt động của bọn khủng bố. Cụ thể hơn, ông Fenech phân tích, Cảnh sát Quốc gia được phân nhiệm vụ bảo vệ các thành phố lớn, còn Hiến binh (Gendarmerie) thì lo bảo vệ các thị trấn và thành phố nhỏ, nhưng hai lực lượng này lại có các cơ quan tình báo riêng.

Ông Fenech nói, tại sao không tổ chức các đơn vị tình báo thuộc hai lực lượng này làm một - vì chúng có cùng mục tiêu nhiệm vụ - để cho dễ hoạt động và đạt hiệu quả cao hơn?

Về phía Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve biện minh rằng, một vài phát hiện của Ủy ban điều tra phù hợp với các kế hoạch riêng của Chính phủ. Trong tình trạng khẩn cấp, nhà nước từng bước tăng cường quyền hạn cho cảnh sát và các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, Sébstien Pietrasanta, một nghị sĩ thuộc Ủy ban điều tra cho rằng nguyên nhân thất bại quan trọng nhất vẫn là sự thiếu phối hợp, hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan tình báo không chỉ ở Pháp mà toàn châu Âu.

Ông Sebastien phân tích trường hợp sự thiếu phối hợp giữa tình báo Bỉ và tình báo Hy Lạp đã để cho nghi can khủng bố hàng đầu Abdelhamid Abaaoud dễ dàng tẩu thoát sau khi gây ra vụ khủng bố ở Paris ngày 13-11-2015. Abaaoud từng tham gia lập mưu khủng bố ở thị trấn Verviers, Bỉ.

Tình báo Hy Lạp đã phát hiện ra hành tung của tên này vào tháng 1-2015 và cảnh báo các đồng nghiệp Bỉ, nơi y đang bị truy nã rất gắt gao. Thế nhưng, khi cơ quan an ninh Bỉ phá được âm mưu khủng bố tại Verviers, tập kích vào nơi trú ẩn của Abaaoud ở Brussels nhưng không bắt được y, họ lại không báo động lại với các đồng nghiệp Hy Lạp, và kết quả là Abaaoud dễ dàng chuồn thoát.

Ngoài ra, còn trường hợp Salah Abdeslam, công dân Pháp gốc Morocco, sống ở Bỉ, cũng ung dung lẩn trốn ngay tại Brussels suốt 4 tháng sau khi gây ra vụ khủng bố Paris. Chính vì vậy, ông Fenech cho rằng thất bại trong các vụ khủng bố năm 2015 vừa qua không chỉ của riêng tình báo Pháp mà còn của chung cộng đồng tình báo châu Âu.

Do đó, ông đề nghị Liên minh châu Âu cần phải tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan kiểm soát biên giới của EU (FRONTEX) tiếp cận Hệ thống Thông tin Schengen - hệ thống chia sẻ thông tin tình báo toàn châu Âu - để họ có thể phối hợp điều tra một cách hiệu quả hơn.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.