Pháp và NATO can thiệp vào Mali: Giải pháp quân sự thắng thế

Chủ Nhật, 20/01/2013, 15:45

Việc Pháp quyết định hỗ trợ chính quyền Mali, sau đó là Anh và Mỹ, sử dụng giải pháp quân sự nhằm đẩy lùi quân Hồi giáo đang tiến về chiếm thủ đô Bamako đã chấm dứt cục diện giằng co lâu nay giữa các trường phái ủng hộ giải pháp chính trị và quân sự cho tình hình Mali hiện nay. Có thể nói Pháp can thiệp quân sự vào Mali là một bước ngoặt, tuy nhiên giải pháp này sẽ đem lại gì cho một Mali sau đó?

Sau những lời kêu gọi liên tiếp của quyền Tổng thống Mali, Dioncounda Traoré, trước cuộc tiến quân của quân nổi dậy Hồi giáo vũ trang, Pháp đã gửi quân tham gia lực lượng hỗn hợp - trong đó quân Pháp chiếm phần lớn - hỗ trợ quân đội Mali giành lại các thành phố bị chiếm đóng. Hiện Pháp đã triển khai khoảng 500 binh sĩ tại Mali và sự can thiệp này được Liên minh châu Âu (EU), NATO và Mỹ ủng hộ. Anh cung cấp hỗ trợ hậu cần bằng các máy bay vận tải. Còn Đức, ngày 14/1 tuyên bố đang xem xét cách thức giúp Pháp trong sứ mệnh tại Mali, như cung cấp hậu cần, y tế hoặc cứu trợ nhân đạo.

Trước đó, ngày 20/12/2012, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2085 để khôi phục sự ổn định cho Mali. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại chính trị và theo đuổi tiến trình đàm phán, đồng thời cho phép triển khai lực lượng đa quốc gia của Tây Phi để ứng phó với những đe dọa an ninh đang ngày càng tăng tại Mali. Lực lượng này đang hình thành và sẽ do một tướng người Nigeria, quốc gia đóng góp khoảng 600 binh sĩ, chỉ huy với mục tiêu giúp Chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát miền Bắc. Burkina Faso, Niger, Senegal và Togo đều cam kết gửi quân vào cuối tuần tuần này.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3/2012, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc. Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây, vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Tại sao chính quyền Mali ưu tiên vai trò của Pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng? Theo André Bourgeot, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội Cao cấp (EHESS) của Pháp, Tổng thống Hollande phối hợp với Tổng thống Niger, Mahamadou Issoufou, cả hai đều thuộc phái xã hội, đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của binh lính thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) để giúp chính quyền Mali giành lại miền Bắc hiện nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm Hồi giáo vũ trang. Như vậy, Pháp được xem là mũi chủ công của cuộc can thiệp vì dẫu sao Pháp cũng là nước tỏ ra quyết tâm nhất.

Binh lính Pháp tại Mali.

Mặc dù quân Pháp được chính quyền Mali hiện nay yêu cầu can thiệp, song người Mali có thể nhìn sự can thiệp này bằng con mắt không thiện cảm. Liệu đó có phải là một hình thức tái thực dân hóa hay một hình thức đô hộ mới? Một bộ phận dân chúng Mali, vốn rất yêu quý nền độc lập của mình và rất muốn quân đội nước mình chiếm lại các vùng ở miền Bắc, sẽ đón nhận sự can thiệp này như thế nào? Theo André Bourgeot, điều chắc chắn là mâu thuẫn sẽ gia tăng giữa những người ủng hộ cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài và những người muốn quân đội Mali phải tiến hành chiến dịch quân sự để giành lại miền Bắc Mali bằng mọi giá mặc dù đội quân bị thất bại nặng nề hồi tháng 3 và 4/2012.

Đối với nhà chính trị học và xã hội học Michel Galy, quyết định của Tổng thống Hollande là hợp lý vì tình hình ở Mali đang trở nên nguy kịch khi Hồi giáo vũ trang quyết định tiến xuống phía nam nhằm chiếm Bamako. Giải pháp duy nhất là sự can thiệp của các cường quốc phương Tây.

Là chuyên gia về Mali, ông Michel Galy cho rằng nguy cơ đối với quân đội Pháp là chiến sự leo thang. Có thể đó sẽ không còn là một cuộc chiến tranh hạn chế về thời gian và không gian, do đó quân đội Pháp có thể phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài. Thách thức đối với quân đội Pháp là rất lớn: diện tích Mali rộng gấp đôi nước Pháp và 2/3 phía bắc Mali là sa mạc.

Tuy nhiên, chuyên gia Michel Galy khẳng định về mặt quân sự, sẽ không có đối kháng. Điều có thể gây nguy hiểm là Pháp phải nghĩ đến chuyện đưa lính dù đến Gao, Tombouctou và Kidal trong khi việc kiểm soát các vùng này là rất phức tạp. Quân Pháp có thể chiếm lại các thành phố này, nhưng quân Hồi giáo vũ trang sẽ ẩn náu trong sa mạc và vùng núi. Thay đổi vị thế như vậy có thể gây ra hiệu ứng lây lan ở Niger, Mauritania, thậm chí cả Algeria và toàn vùng Sahel, từ đó có thể gây mất ổn định liên hoàn kéo theo một cuộc chiến tranh không ở một nơi cố định.

Về mặt an ninh tại Pháp, ngay sau khi Paris gửi quân sang Mali, kế hoạch Vigipirate chống khủng bố tại Pháp đã được tăng cường, từ màu đỏ lên màu đỏ sậm vì chính quyền Pháp sợ rằng, Al-Qaeda có thể sẽ trả thù cuộc đột kích tại Somalia và chiến dịch quân sự ngăn chặn ý đồ khủng bố Hồi giáo tiến chiếm Mali do quân Pháp tiến hành. Các mạng "thánh chiến" đã đưa ra lời kêu gọi tấn công vào thường dân và quyền lợi của Pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Drian nhìn nhận đơn vị biệt kích của Cơ quan Tình báo Pháp đã đụng phải hỏa lực phòng thủ mạnh hơn dự kiến. Hôm 14-1, Tổng thống François Hollande thừa nhận chiến dịch "Somalia" tuy không đạt được kết quả đã chứng tỏ quyết tâm của Pháp "không nhượng bộ trước áp lực của khủng bố". Song, ông Hollande vẫn chỉ thị nâng cấp mức độ báo động chống khủng bố từ màu đỏ, có hiệu lực từ sau vụ khủng bố ở London năm 2005, lên mức "đỏ sậm", ngay dưới mức cao nhất.

Theo đó, những nơi có đông đảo công chúng như trường học, phương tiện chuyên chở công cộng hàng không, đường sắt, cơ quan công sở… được canh chừng nghiêm ngặt hơn. Một thủ lĩnh Hồi giáo vũ trang ở Somalia tuyên bố sẽ làm cho Pháp nếm mùi "cay đắng". Theo các chuyên gia về chống khủng bố của Pháp, khả năng tấn công trên lãnh thổ Pháp khó xảy ra nhưng cộng đồng Pháp kiều ở châu Phi dễ bị đe dọa hơn.

An ninh trên toàn nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động sau khi Chính phủ Pháp quyết định can thiệp quân sự vào Mali.

Thực ra thì gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Mali nằm chỗ nào? Giáo sư Jeremy Swift từ Đại học Sussex (Anh) cho rằng cuộc khủng hoảng tại Mali được kích hoạt bởi cuộc xung đột ở Libya, đặc biệt là do sự trở về của hàng nghìn người Tuareg Mali từng phục vụ trong quân đội Libya. Tuy nhiên, gốc rễ của cuộc khủng hoảng nằm trong vấn đề nội bộ của Mali.

Theo ông Swift, vấn đề cần được xem xét không phải là cuộc khủng hoảng ở phía bắc Mali mà là một trong những vấn đề còn tồn tại đối với Nhà nước Mali. Kể từ khi giành được độc lập, Nhà nước Mali đã không thể đi đến một thỏa thuận chính trị hoàn toàn khả thi với người Tuareg và những cộng đồng dân cư khác tại miền Bắc, đồng thời không có khả năng giải quyết nhu cầu của các công dân ở miền Nam.  

Trong bối cảnh một số nhóm nổi dậy (ly khai và Hồi giáo) đang hoạt động ở miền Bắc và một hệ thống chính trị, quân đội rệu rã ở miền Nam đất nước, tình hình Mali hiện nay đang thực sự bất ổn. Ông Swift cho rằng, Chính phủ Mali và cộng đồng quốc tế không nên đặt mục tiêu khôi phục niềm tự hào của Nhà nước Mali và sự toàn vẹn lãnh thổ, mà phải đặt mục tiêu cải cách và cơ cấu lại Nhà nước Mali. Việc lựa chọn giải pháp quân sự - hiện đang được theo đuổi - đã tạo ra ba kịch bản chính, trong đó không có kịch bản nào hứa hẹn giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo kịch bản thứ nhất, Chính phủ Mali và ECOWAS với sự hỗ trợ của phương Tây đứng đầu là Pháp, sẽ khởi động một cuộc tấn công để chiếm lại miền Bắc và sẽ "giành chiến thắng". Việc này sẽ làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sẽ tiếp tục làm khốn đốn thêm những người Tuareg. Theo kịch bản thứ hai, quân nổi dậy sẽ giành chiến thắng và cũng sẽ tạo ra một kết cục tương tự. Còn kịch bản thứ ba là một sự bế tắc.  

Theo ông Swift, cần phải có một giải pháp chính trị mang tầm quốc gia mà các lựa chọn tốt nhất là dựa trên Hiến chương quốc gia năm 1992, bao gồm cả việc chuyển giao quyền lực tối đa cho các vùng phía bắc và một quá trình hòa giải quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các lực lượng chính trị nội bộ cần thiết để thúc đẩy các giải pháp như vậy và các cuộc thảo luận quốc tế chủ yếu vẫn tập trung vào việc can thiệp quân sự

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.