Phép thử lớn trong tiến triển nhỏ

Thứ Tư, 27/02/2019, 17:45
Sáng 25-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ hoãn việc tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng trị giá hơn 200 tỷ USD, dự kiến được áp đặt vào ngày 1-3. Lý do Tổng thống Trump đưa ra là bởi hai bên đã đạt được "những tiến triển đáng kể" trong đàm phán thương mại.

Thông tin "sốt dẻo" diễn ra đúng thời điểm cực kỳ nhạy cảm ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Tôi vui mừng thông báo rằng Mỹ đã đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đối với các vấn đề mang tính cơ cấu quan trọng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và nhiều vấn đề khác".

Tổng thống Trump cho biết thêm, ông sẽ lên kế hoạch thực hiện một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, nhằm ký kết một thỏa thuận khi cho rằng cả hai bên đều đạt được tiến triển.

Vậy những "tiến bộ đáng kể" đó là gì? Một số tờ báo lớn của Trung Quốc cho biết, đó là "tiến bộ" đạt được trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và nông nghiệp...

Theo cáo buộc của phía Mỹ, Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Đổi lại, để nhận được "lời tuyên bố" của Tổng thống Trump, các nguồn tin nói với CNBC rằng Trung Quốc cam kết mua tới 1,2 ngàn tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, tuy đây chỉ là bước đi đầu tiên nhưng quyết định hoãn tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la được coi là dấu hiệu cho thấy hai bên đang đạt được tiến bộ trong việc xử lý cuộc chiến thương mại gây nhiều tổn hại cho cả hai nước và đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ D.Trump gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 22-2.

Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một số nhà phân tích Trung Quốc còn lạc quan nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới khi hai bên đạt được đồng thuận trong hàng loạt vấn đề thương mại, trong khi Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu có thể sẽ được trả tự do vào đầu tháng 4.

Tuy nhiên, nhiều người cũng thừa nhận, cho dù kết quả có lạc quan như thế nào đi chăng nữa thì mối quan hệ song phương này cũng sẽ không bao giờ trở lại như trước. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bất ổn và mang tính cạnh tranh trong dài hạn, dù doanh nghiệp đã tìm ra cách để thích nghi. Để hóa giải bớt những nghi ngờ, Bắc Kinh và Washington cần phải tiến hành thêm các cuộc thảo luận thương mại trong khoảng 3 tháng tới dựa trên những thỏa thuận đạt được tại Washington tuần này.

Để có kết quả "sâu hơn", Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, phái viên đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ thảo luận về một biên bản ghi nhớ nhằm đình chỉ cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Các chuyên gia phía Trung Quốc tin rằng, khả năng hai bên có thể giải quyết những bất đồng và khúc mắc, song mọi chuyện sẽ không chỉ kết thúc đơn giản như vậy. Chỉ khi nào có thêm một vòng đàm phán mới và vào tháng 6, hầu hết các khoản thuế đánh vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ. khi đó chiếc "vòng kim cô" mới từ từ nới lỏng.

Trung Quốc đang sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ thương mại vì mức thặng dư lớn, song quốc gia này lại khó có thể nhân nhượng hay dễ dàng chấp nhận những yêu cầu về thay đổi cấu trúc. Trong khi đó nước Mỹ cũng phải "suy nghĩ nghiêm túc" về những tác động và tác hại khi nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu đi vào “chu kỳ suy thoái” từ năm nay sau một thập kỷ tăng trưởng và sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán năm 2018 là tín hiệu cho thấy đà xuống dốc sắp tới.

Rõ ràng, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã làm lộ rõ nhiều vấn đề mà cả Trung Quốc và Mỹ đang gặp phải. Và như thế, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là cơn ác mộng của Mỹ, bởi vì Trung Quốc sẽ trở thành một nhân tố khi Mỹ đánh mất vị thế độc tôn mà bấy lâu nay vẫn có. Khi đó, thật khó để lạc quan về mối quan hệ Mỹ-Trung.

Quan hệ Mỹ-Trung “đã biến đổi” và việc Mỹ muốn tìm mọi cách để kiềm chế Trung Quốc là chuyện cả thế giới đều biết. Một khi Trung Quốc đủ mạnh, Trung Quốc dấn thân vào một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ, khi đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có bên nào muốn lùi bước.

Nhiều người lo ngại tuyên bố của Tổng thống Trump chỉ là bước lùi "chiến thuật" và nếu đúng như vậy, va chạm thương mại sẽ kéo dài, chẳng hạn như trên 10 năm, thậm chí kéo dài trên 30 năm. Tuy nhiên, một số người khác lại nhận định, Tổng thống Trump đã sắp tới hạn tranh cử, thể chế của Mỹ có ủng hộ cho sự va chạm thương mại lâu dài như vậy hay không?

Tổng thống Mỹ cứ sau 4 năm lại phải một lần tranh cử, tuy xác suất để tổng thống tái đắc cử khá lớn nhưng không phải ai và lúc nào cũng thế. Đồng thời, vấn đề thay thế quyền kiểm soát quốc hội là việc bình thường. Khoảng 10 năm gần đây, phương thức chính trị phủ quyết của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thường xuyên diễn ra, hiện tượng phản đối chỉ để phản đối ngày càng phổ biến, mâu thuẫn giữa hai đảng ngày càng gay gắt.

Thể chế hiện nay của Mỹ dẫn đến một số chính sách không có tính bền vững. Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018 đã khiến đảng Cộng hòa mất đi Hạ viện, nếu trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, quyền kiểm soát Nhà Trắng hoặc quốc hội có sự thay đổi thì chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì hay không thì vẫn còn đặt dấu hỏi.

Tuy quan hệ Trung-Mỹ thực sự có thay đổi căn bản nhưng sau khi có sự thay đổi Chính phủ Mỹ, những người thuộc phe cứng rắn cố hữu bị gạt ra ngoài rìa trong thời gian dài rất có khả năng sẽ bị loại bỏ khỏi trung tâm hoạch định chính sách. Cuộc đọ sức Trung-Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra nhưng có thể chuyển sang hình thức khác.

Tóm lại, va chạm thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không thể hoàn toàn bị loại bỏ, đã tồn tại trong quá khứ và sẽ xuất hiện trong tương lai.

Hoa Vinh
.
.