“Phép vua” có thua “lệ làng”?

Thứ Hai, 25/07/2016, 11:35
Chỉ vài ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực ở La Haye ra phán quyết “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ, ít nhất có hai quốc gia châu Á đã lên tiếng dọa kiện Trung Quốc vì những tranh chấp lãnh thổ trong tình hình Trung Quốc tiếp tục phớt lờ luật pháp và dư luận quốc tế.

 

 

Tác động trước mắt từ phán quyết của Tòa Trọng tài

Ngày 13-7, một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”, Hãng tin Kyodo đưa tin: Ủy ban về khai thác tài nguyên biển Hoa Đông thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản quyết định sẽ yêu cầu Chính phủ Nhật Bản đệ trình trình tự pháp lý ở Tòa Trọng tài, căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Động thái này nhằm ngăn chặn và buộc Trung Quốc dừng hoạt động khai thác tại các mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông. Đảng cầm quyền Nhật Bản nhận định: hành động đơn phương của Trung Quốc đối với các thỏa thuận khai thác dầu khí mà hai bên đã đạt được từ năm 2008 là vi phạm Điều 74 của UNCLOS, quy định về nghĩa vụ nỗ lực thực hiện thỏa thuận đã ký kết giữa các nước.

Nội dung chủ yếu của thỏa thuận Trung - Nhật năm 2008 gồm: Hai nước cùng khai thác tài nguyên ở một khu vực được xác định bằng hiệp thương; Hoan nghênh pháp nhân Nhật Bản tham gia khai thác ở mỏ dầu Xuân Hiểu theo quy định của luật pháp Trung Quốc về hợp tác đối ngoại để khai thác dầu khí đại dương.

Hai tàu tuần duyên Nhật Bản áp sát tàu của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai nước Trung - Nhật bùng phát tháng 9-2010 khi Nhật bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc do tàu này va chạm với hai tàu tuần tra biển của Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung, Nhật cùng tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng ngoại giao khiến thỏa thuận về khai thác chung trên biển bị gác lại cho đến nay. Tokyo sẽ khởi kiện Bắc Kinh dựa trên cơ sở này.

LDP khẳng định: Cần vận dụng đầy đủ luật pháp quốc tế với với thẩm quyền cầm cân nảy mực của cơ quan tư pháp quốc tế sau thành công của Philippines đối với vụ kiện của Trung Quốc về căn cứ pháp lý của “đường chín đoạn” mà nước này áp đặt trên Biển Đông.

Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, LDP đặt kế hoạch hoàn thành nội dung cụ thể của phương án kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, và gửi yêu cầu tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 7. Yoshiaki Harada, Chủ tịch Ủy ban khai thác tài nguyên trên Biển Hoa Đông đã lắng nghe ý kiến từ Bộ ngoại giao và Bộ Tư pháp Nhật trong giai đoạn thảo luận.

Trước khi chưa có phán quyết của Tòa Trọng tài bác “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, tàu thuyền các nước mỗi khi đi qua vùng biển này đều phải khai báo với chính quyền Bắc Kinh. Từ nay, tàu thuyền và thậm chí là các chiến hạm có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo Công ước UNCLOS, không cần phải thông báo cho Trung Quốc.

Trang mạng Indiaexpress.com của Ấn Độ ngày 13-7 vui mừng nhận định: Các chiến hạm Ấn Độ từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7-2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng chiếc tàu này đã đi vào vùng biển Trung Quốc.

Tàu chiến INS Airavat của Ân Độ từng bị tàu Hải quân Trung Quốc quấy nhiễu.

Phán quyết của Tòa Trọng tài là cơ hội cho New Delhi khẳng định vị thế như một cường quốc biển với các nước trong khu vực, phù hợp với thông báo chung Mỹ - Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7-2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.

Chưa hết, phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông có thể tác động đến tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn tại Arunachal Pradesh. Arunachal Pradesh là một trong 28 bang của Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết lãnh thổ bang này và gọi đây là Nam Tây Tạng, dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ 2 nước.

Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Claude Arpi nhận định: “Lần đầu tiên, một tòa án quốc tế đã bác bỏ một trong những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đây có thể là điều quan trọng với Ấn Độ”.

Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư bộ môn Trung Quốc học tại Trường ĐH Jawaharlal Nehru ở thủ đô Delhi - Ấn  Độ, nói: “Các quyền lịch sử của Trung Quốc không có hiệu lực ở bang Arunachal. Ấn Độ chưa bao giờ đưa ra những lập luận lịch sử đối với Tây Tạng”. Theo ông Kondapalli, kết quả vụ kiện, theo đó “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông bị phán quyết là không có cơ sở pháp lý, có thể giúp Ấn Độ bẻ gãy luận điệu của Bắc Kinh khi đòi chủ quyền tại Arunachal Pradesh.

Trung Quốc khó chấp nhận “nhường bước”(?)

Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, Mỹ đã áp dụng một chiến lược tạm gọi là “bêu xấu”, lợi dụng việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết quốc tế để cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao trong khu vực và trên thế giới. Mỹ đã âm thầm vận động các nước trong khu vực trong vài tháng qua. Theo suy nghĩ của Mỹ, “chiến lược bêu xấu” sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc trước nguy cơ uy tín của họ trong khu vực và trên trường quốc tế bị tổn hại.

Trên lý thuyết, chiến lược này có vẻ rất tốt, thế nhưng, theo nhận định của chuyên gia Julian Ku trên trang blog về luật pháp Lawfare hôm 19-7, thì hơn một tuần sau khi phán quyết của tòa được ban hành, kết quả cuộc vận động ngoại giao của Mỹ khá nghèo nàn.

Ngày tòa ra phán quyết, Mỹ và Nhật Bản đã ra tuyên bố gần như giống nhau về sự kiện đó. Trong hai thông cáo rất ngắn gọn đầu tiên của mình, cả Washington lẫn Tokyo đều thẩm định rằng phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính chất “ràng buộc pháp lý” đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc. Cả hai bản thông cáo cũng đều cho biết rằng Mỹ và Nhật Bản “chờ đợi” cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tuân thủ các quyết định trọng tài.

Tại thượng đỉnh ASEM 16-7, Thủ tướng Nhật gia tăng sức ép đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

Thế nhưng, cho dù Mỹ và Nhật đã từng gây áp lực ngoại giao trước đó, chỉ có một vài nước là lên tiếng công nhận tính chất “ràng buộc pháp lý” của phán quyết về Biển Đông.

Theo chuyên gia Yanmei Xie thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), cho đến nay mới chỉ có Úc và New Zealand nêu lên tính “ràng buộc về mặt pháp lý” của phán quyết. Còn các quốc gia hay tổ chức khác thì chỉ dùng những công thức chung chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước UNCLOS và các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Điều quan trọng là cả Liên minh châu Âu lẫn ASEAN đều không nhất trí được để đưa ra một tuyên bố rõ ràng xác định tính ràng buộc pháp lý của phán quyết trọng tài, và kêu gọi hai nước Trung Quốc và Philippines tuân thủ. Ngay cả văn phòng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng không dám thừa nhận khi bị chất vấn, là phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thậm chí còn giữ khoảng cách với Tòa Trọng tài...

Theo giới phân tích, chiến lược “bêu xấu” chỉ có thể được gọi là thành công khi tất cả, hoặc là đa số các nước trong khu vực sẵn sàng lên tiếng công nhận rằng phán quyết trọng tài có tính ràng buộc về mặt pháp lý và các nước đã ký kết UNCLOS, như Trung Quốc, phải tôn trọng phán quyết. Đằng này, các khẩu ngữ chung chung nặng tính ngoại giao hình thức được đa số các tác nhân chủ chốt - đặc biệt là Liên minh châu Âu và ASEAN - đưa ra, có thể được Trung Quốc dễ dàng chấp nhận, và đó chính là vấn đề.

Thật khó mà tưởng tượng ra việc Trung Quốc chấp nhận nhường bước. Bằng cách bôi nhọ một cách triệt để các quyết định trọng tài, và bằng cách lớn tiếng để cho hầu hết các nước đều muốn giữ thái độ trung lập trước việc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc sẽ không cảm thấy là họ cần phải từ bỏ bất cứ điều gì vào lúc này.

Giai đoạn cuối tháng 6, trong khi dư luận quốc tế “nóng lên” trông đợi phán quyết của Tòa Trọng tài, tờ Japan Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc thông báo với các nhà ngoại giao của Hiệp hội ASEAN rằng, họ sẽ rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết bất lợi.

Theo Giáo sư Julian Ku thuộc Đại học Luật Hofstra, Mỹ, khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, họ đã đồng ý hoàn toàn với việc tuân thủ việc giải quyết tranh chấp theo điều 296, trong đó quy định “Bất cứ quyết định nào do tòa án có thẩm quyền đưa ra đều là quyết định cuối cùng và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ”. Ông Ku chỉ ra rằng bản chất “ràng buộc” của phán quyết do tòa án quốc tế đưa ra đã được Trung Quốc nhất trí khi phê chuẩn UNCLOS, và họ không có cớ gì để bác bỏ điều này.

Sau khi đã cam kết ủng hộ phán quyết trọng tài, Mỹ giờ đây chỉ còn nước nhắc nhở Trung Quốc và thế giới rằng phán quyết của tòa có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thế nhưng, ít ra là sau một tuần, tình thế có vẻ như là phán quyết đã chưa thay đổi được gì nhiều cảnh quan ngoại giao.

Có lẽ bước tiếp theo là phải do Philippines tiến hành, phải ra trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hoặc cuộc họp hàng năm của các thành viên Công ước UNCLOS để tìm kiếm một nghị quyết kêu gọi tuân thủ phán quyết. Tờ Guardian nhấn mạnh: “Bắc Kinh đã thua trong một vụ kiện quốc tế quan trọng đối với các rạn san hô và bãi cạn chiến lược có khả năng mang đến cho họ quyền kiểm soát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông”.

Theo tờ báo này, phán quyết của tòa hoàn toàn có lợi cho Philippines và sẽ gia tăng các áp lực ngoại giao toàn cầu lên Trung Quốc.Tuy nhiên, với chiến dịch ngoại giao chớp nhoáng mới đây, Trung Quốc có thể là đã thu hút được đủ số phiếu ủng hộ từ các nước nhỏ để ngăn chặn một nghị quyết như vậy.

Ngoại giao có thể thực hiện được những điều tuyệt vời. Thế nhưng một tuần sau khi phán quyết Biển Đông được ban hành, khó có thể nói được là con đường ngoại giao vừa qua đã mang lại hiệu quả. Theo giới phân tích, nếu muốn sử dụng phán quyết để gây áp lực hoặc áp đặt lên Trung Quốc, thì Mỹ còn có rất nhiều việc phải làm.

Liên quan tới vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, nhật báo Pháp Le Monde ra ngày 17-8 nhận định Trung Quốc cần rút ra những bài học quan trọng sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang cảnh giác đề phòng Mỹ đe dọa gây chiến tranh trong khu vực nhưng theo Le Monde, điều mà Trung Quốc cần lo ngại không phải là nguy cơ chiến tranh trực tiếp mà chính là việc hình ảnh của Trung Quốc ở châu Á - khu vực mà Trung Quốc muốn lãnh đạo - lại đang bị chính nước này hủy hoại.

Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định là không muốn cư xử như các cường quốc khác mà Bắc Kinh cáo buộc là đã lạm dụng quyền lực để gây sức ép, nhưng theo Le Monde, phán quyết của Tòa La Haye rõ ràng đã cho thấy Trung Quốc lạm dụng sức mạnh trên Biển Đông, không tôn trọng Luật Biển và đã xâm phạm chủ quyền các nước láng giềng nhỏ. Trung Quốc không muốn đàm phán với các nước này thông qua Liên Hiệp Quốc mà chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng nước. Theo nhận định của Le Monde, đương nhiên, khi đối mặt trực tiếp với gã khổng lồ Trung Quốc, các nước nhỏ đều ở vị trí thua kém hơn.

Cậy mình là cường quốc trong khu vực, Trung Quốc tự mình áp đặt luật lệ. Trung Quốc tỏ ra rất tự tin nên luôn áp đặt sức mạnh lên các nước khác. Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp, biến chúng thành các căn cứ quân sự, hải quân và không quân. Trung Quốc biết rằng lực lượng hải quân của các nước khác yếu thế hơn và tương lai kinh tế của các nước này lệ thuộc vào Trung Quốc.

Giáo sư James Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Trường Hải quân chiến tranh (Naval War College), Mỹ, cho rằng khi dư luận đang “sục sôi” với phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc có thể “nằm im” chờ cho cơn sóng dịu xuống và sẽ quay trở lại. Sau đó, Bắc Kinh có thể khôi phục “chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ”, chủ yếu dựa vào các tàu và máy bay của lực lượng hải cảnh, sau đó là có sự hỗ trợ của “tàu vỏ trắng”, cùng không quân và thậm chí cả tên lửa. Với Việt Nam và Philippines, Bắc Kinh có thể dùng “cây gậy kinh tế” để đối phó.

Tuy nhiên, Le Monde đánh giá là Trung Quốc đã phạm hai lỗi lớn: thứ nhất, Trung Quốc đã tự hủy hoại tham vọng trở thành một cường quốc “trỗi dậy trong hòa bình” và biết tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Thứ hai, Trung Quốc đã gây ra mâu thuẫn và góp phần làm cho căng thẳng quân sự leo thang trong khu vực có nhiều nước đồng minh của Mỹ. Theo Le Monde, chính Trung Quốc là nước gây bất ổn và chạy đua vũ trang trong khu vực. Những gì mà Trung Quốc gây ra hoàn toàn đối lập với cái mà Trung Quốc nói là đang tìm kiếm.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.