Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên: Đã muộn?

Thứ Năm, 03/08/2017, 11:36
Việc Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên châu lục (ICBM) đêm 28-7, đồng thời khẳng định khả năng vũ khí hủy diệt này có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ đã cho thấy những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế không hề đem lại hiệu quả.

Ngược lại, những biện pháp này như một sự kích động khiến Bình Nhưỡng càng tỏ ra quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu hạt nhân nhằm chứng tỏ sức mạnh công nghệ cũng như bước tiến vượt bậc trong chương trình hạt nhân của mình. Với thành công trong 2 vụ thử liên tiếp trong vòng 3 tuần, có lẽ Bình Nhưỡng đang muốn biến những tiến bộ về mặt công nghệ thành những lợi thế trên bàn đàm phán.

Vụ phóng thử ICBM thứ hai này diễn ra ba tuần sau khi Triều Tiên lần đầu bắn thử ICBM bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm qua muốn kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tên lửa ICBM có tên gọi Hwasong-14 đã bay 47 phút, đạt độ cao 3.724km và bay xa hơn 1.000km trước khi rơi vào vùng biển Nhật Bản, nằm giữa Bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản.

Tên lửa Hwasong-14 được cho là cùng loại với tên lửa Triều Tiên vừa bắn thử hôm 4/7. Một chi tiết khá là bất thường ở lần bắn này là Triều Tiên tiến hành thử tên lửa vào ban đêm, từ Jagang, một cơ sở chưa từng được biết đến đang hoạt động.

Theo giới chuyên gia, cuộc bắn thử ICBM mới nhất của Triều Tiên đi xa hơn và cao hơn bất kỳ vụ thử tên lửa nào trước đó, điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng có thể tấn công sâu hơn vào trung tâm đất liền của Mỹ so với đánh giá ban đầu. Các số liệu về tên lửa cho thấy nó có tầm bao phủ khoảng 10.400km. Vì được phóng từ bệ phóng di động, nếu tên lửa phóng từ thành phố Đông Bắc Rason thì New York sẽ nằm trong tầm ngắm của ICBM.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá “đây là hành động liều lĩnh và nguy hiểm nhất của chính quyền Triều Tiên”. Trên trang Tweet, ông Trump cũng viết rằng ông “rất thất vọng” với Trung Quốc và rằng Bắc Kinh đã “chẳng làm gì” cho Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Bằng tuyên bố không cho phép tình hình này tiếp tục, ông Trump cho biết Washington “sẽ đề xuất những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh trên toàn lãnh thổ quốc gia cũng như để bảo vệ các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực”.

Có thể nói cho tới lúc này cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên gần như trở thành một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên. Cả hai bên đều coi nhau là mối đe dọa đáng kể đối với lợi ích quốc gia. Triều Tiên lâu nay xem Mỹ là kẻ thù chính và coi sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên khi liên tục gây sức ép với Bình Nhưỡng trong cả lĩnh vực ngoại giao lẫn kinh tế. Thậm chí giải pháp quân sự đã có lúc được Washington đặt lên bàn cân.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 4-7.

Trong suốt 64 năm kể từ khi hai miền ký Hiệp định đình chiến ngày 27-7-1953, Bán đảo Triều Tiên không ít lần đứng trước nguy cơ tái diễn xung đột. Những nỗ lực hòa giải, những cố gắng nhằm phi hạt nhân hóa và đem lại hòa bình thực sự cho Bán đảo này đã từng có những bước tiến triển, nhưng rồi lại liên tiếp rơi vào bế tắc. Sức ép ngoại giao cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể nói là đã thất bại trong việc buộc một quốc gia từ bỏ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhiều nhà phân tích đang lo ngại, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bị đẩy tới điểm không còn đường lùi, lời đề nghị đàm phán về đối thoại của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đưa ra đã bị Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ với tuyên bố tất cả đã muộn, không còn cơ hội phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Những kênh tiếp xúc ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên đều đã bị cắt đứt kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền.

Kênh ngoại giao đa phương duy nhất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là các vòng đàm phán 6 bên với sự tham gia của Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã bị đình trệ cả chục năm nay. Giới phân tích cho rằng nếu không ngồi lại được với nhau, mỗi nước hành động một kiểu, thì họ sẽ hành động theo lợi ích của họ và điều đó sẽ dẫn đến những xung đột về lợi ích, và xung đột lợi ích hoàn toàn có thể dẫn tới xung đột về quân sự. Trong bối cảnh hiện nay, một cuộc xung đột quân sự sẽ là cực kỳ nguy hiểm.

Nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ là một con đường dài đầy khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi nếu các bên liên quan vẫn kiên định quan điểm của mình. Triều Tiên luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân không phải là thứ đem ra đàm phán, và đánh đổi lấy lợi ích kinh tế.

Nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un mới đây cũng tuyên bố sẽ không đưa các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình lên bàn đàm phán chừng nào Mỹ vấn duy trì chính sách thù địch mà biểu hiện là sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn diễn ra hằng năm.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc, cùng tuyên bố quyết tâm duy trì áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng cho đến khi nào quốc gia này phải ngồi vào bàn đàm phán để tham gia các cuộc thảo luận hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy, một giải pháp chung cho cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân tên Bán đảo Triều Tiên càng trở nên xa vời.

Và tương lai về một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân có thể mãi mãi chỉ là viễn cảnh mà thôi nếu không có sự nhượng bộ của các bên.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.