Tổng thống Ecuador Rafael Correa:

Phía trước còn nhiều chông gai

Thứ Tư, 17/01/2007, 09:00
Tổng thống Rafael Correa khẳng định, sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ một động thái nào của Washington và quyết tâm xây dựng đất nước theo đường lối độc lập hoàn toàn với Mỹ.

Ngày 15/1, trước sự chứng kiến của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Bolivia Evo Morales, thủ lĩnh phe cánh tả, nhà kinh tế học Rafael Correa, đã tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phe cánh tả tại khu vực châu Mỹ Latinh.

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái sau khi đánh bại ứng cử viên được Mỹ ủng hộ Alvaro Noboa, Rafael Correa đã trở thành Tổng thống thứ 8 của Ecuador trong vòng một thập kỷ qua. Vào thời điểm này, quốc gia Nam Mỹ này đang chìm trong nợ nần và thực hiện một nửa con đường đàm phán thương mại với Mỹ. Vì vậy, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, ông Rafael Correa đã tuyên bố sẽ tái đàm phán với các quốc gia về khoản nợ 10,3 tỷ USD mà Ecuador đang mắc phải, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo phe cánh tả ở châu Mỹ Latinh cùng đoàn kết chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ.

Tiếp đó, Tổng thống Ecuador kêu gọi viết lại Hiến pháp vì theo ông Hiến pháp ra đời năm 1998 đã không còn phù hợp trong thời đại mới. 3 lĩnh vực chủ chốt còn lại mà ông Rafael Correa muốn thay đổi là kinh tế, giáo dục và y tế.

Riêng về vấn đề dầu mỏ, Tổng thống Rafael Correa cho rằng, cần phải gia tăng phần trăm lợi nhuận dầu mỏ cho những người dân nghèo Ecuador theo hiến kế cải cách của cựu Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Diego Borja. Mang tinh thần của hai Tổng thống VenezuelaBolivia, ông Rafael Correa dự định sẽ hạn chế quyền khai thác của các công ty dầu mỏ nước ngoài đang hoạt động trên đất Ecuador.

Bên cạnh đó, ông Rafael Correa cũng chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Jamil Mahuad năm 2000 xung quanh việc sử dụng đồng đôla Mỹ là đồng tiền chính thống ở Ecuador. Tham vọng của ông là sẽ xây dựng đồng tiền riêng ở châu Mỹ Latinh giống như đồng euro hiện nay ở châu Âu và thành lập Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ.

Về việc đàm phán thương mại tự do với Mỹ, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định, sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ một động thái nào của Washington và quyết tâm xây dựng đất nước theo đường lối độc lập hoàn toàn với Mỹ.

Đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, ông Rafael Correa chủ trương "quan là đầy tớ của dân" và ra lệnh giảm lương của các quan chức cao cấp trong chính phủ xuống còn một nửa. 17 thành viên nội các, trong đó có 7 phụ nữ chỉ được phép nhận lương không quá 3.500 USD/tháng trong khi lương của ông nhỉnh hơn có 500 USD. Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cũng được ông cách tân bằng việc đề cử người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Ecuador nhận trọng trách này.

Phải nói rằng việc nhà kinh tế học 43 tuổi Rafael Correa nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 11 ở châu Mỹ Latinh thuộc phe cánh tả đã làm thay đổi cục diện chính trị tại khu vực này, cho thấy sự yếu thế của Mỹ ở khu vực vốn coi là sân sau trong bối cảnh thế giới thiên về đa cực. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc ông kêu gọi viết lại Hiến pháp mới và những dự định về một cộng đồng Nam Mỹ độc lập có thể sẽ gây ra những rắc rối không nhỏ nhưng nó lại là cơ hội để Rafael Correa một lần nữa khẳng định bản lĩnh, uy tín và tài năng lãnh đạo của mình

Phan Hiển
.
.