Phiên bản điện ảnh của vở nhạc kịch hay nhất mọi thời đại

Thứ Hai, 18/04/2005, 07:43

Tác phẩm Bóng ma nhà hát thật ra đã được dàn dựng nhiều lần kể từ khi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1911 của nhà văn Pháp Graston Leroux. Cuốn sách này là nguồn cảm hứng cho một chuỗi những vở kịch và phim, kể cả bản phim câm vào năm 1925.

Nội dung câu chuyện xảy ra phần lớn ở Paris thế kỷ XIX, tại Nhà hát giả tưởng Opéra Populaire, kể về một nhân vật bí ẩn đeo mặt nạ, sống lẩn quất ở khu hầm mộ phía dưới nhà hát. Con ma này là một thiên tài âm nhạc có hình dạng xấu xí kinh tởm. Anh ta yêu say đắm một nữ ca sĩ giọng cao trẻ tuổi, xinh đẹp tên là Christine, rồi trở thành người trợ giáo, và biến nàng thành một ngôi sao trong tác động thôi miên, mê hoặc của mình.

Khi người yêu từ thuở ấu thơ của Christine – chàng Tử tước Raoul – xuất hiện, để đòi lại tình yêu của nàng, thì sân khấu trở thành nơi diễn ra trận tranh hùng quyết liệt giữa đôi bên.

Phân vai cho bộ phim cũng là một công việc khó khăn. Christine phải là một nàng thiếu nữ xinh đẹp, nhưng hoàn toàn không được giống những cô gái trần tục khác. Bóng ma phải trẻ trung, hùng dũng – dù rất xấu xí – để tạo nên một tình yêu đầy thuyết phục. Nhưng anh ta cũng phải mang nặng trong tâm hồn những nỗi đau đớn và điên dại... Sau khi xem xét hơn 100 diễn viên (trong đó có cả những ngôi sao lớn), các nhà làm phim đã mạo hiểm khi quyết định chọn 3 nhân vật không mấy tên tuổi. Emmy Rossum, trong vai Christine, chỉ mới 16 tuổi. Cô đã hát với Plácido Domingo và đã đóng vai cô gái bị sát hại trong phim Dòng sông bí ẩn.

Tại phim trường Pinewood ở London, người ta đã trưng dụng 73 tấn thép, 148 kilômét thanh gỗ, 13.250 lít sơn để dựng các bối cảnh. Nhà hát opéra Populaire có phần mái gắn những ống máng hình thú khổng lồ, một sân khấu 880 chỗ, các hầm mộ, hang động của bóng ma và dĩ nhiên là ngọn chúc đài khổng lồ mà anh ta đã quẳng nó xuống sàn nhà trong một phân cảnh đạt đỉnh điểm của sự căng thẳng.

Thực ra, ngay cả ngọn chúc đài cũng phải được làm thành 3 phiên bản: một phiên bản treo cao trên trần nhà để quay phim mỗi ngày, một phiên bản điện tử cho bối cảnh năm 1919 và một phiên bản cho cảnh tàn phá dữ dội. Với 20.000 viên pha lê Swarovski, ngọn chúc đài này cao tới 5 mét, rộng 4 mét, nặng 2,2 tấn, trị giá tới 1,3 triệu USD! Hiệu ứng đặc biệt cũng xuất phát từ dàn nhạc 127 nhạc công được Lloyd Webber đích thân điều khiển. Với những sự chuẩn bị hiện đại, đồ sộ và tốn kém như vậy, chúng ta hãy chờ xem, liệu “Bóng ma nhà hát” – phiên bản điện ảnh có đạt được những thành công hay không?

T.H (Theo Reader's Digest)
.
.