Phiên toà xét xử vụ gây rối tại 178 phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội

Thứ Sáu, 12/12/2008, 13:00
Ngày 8/12/2008, TAND quận Đống Đa đã mở phiên lưu động xét xử vụ án Hủy hoại tài sản và Gây rối trật tự công cộng trong vụ việc xảy ra tại khu đất số 178 phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. 8 bị cáo ra trước vành móng ngựa và đều phải chịu các mức hình phạt nặng nhẹ khác nhau thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Phiên tòa diễn ra trong đúng một ngày, toát lên tinh thần chung là thái độ tuân thủ luật pháp của tất cả thành phần tham dự.

Sáng mùa đông, trời Hà Nội khá lạnh. Suốt dọc các trục đường chính dẫn tới trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa, nơi diễn ra phiên tòa, người người đi lại hối hả, xe cộ nườm nượp. Ai nấy đều tất bật cho một ngày làm việc mới, mong muốn một tuần làm việc hiệu quả. Không có nhiều người tỏ ra để ý tới phiên tòa. Không phải không quan tâm, mà đơn giản chỉ là nhiều người Hà Nội đã coi sự việc xảy ra như một "sai sót" trong ăn ở giữa những người hàng xóm với nhau, và những gì đã xảy ra rồi, thì nên cho qua để mà hướng tới cái mới tốt đẹp hơn. Còn ở ngay bên ngoài trụ sở UBND phường số 5 phố Hoàng Cầu, một số giáo dân vẫn tụ tập ngóng chờ tin xét xử...

Tự nhận mình... dốt!

Bị cáo Nguyễn Thị Nhi được "mở hàng" thẩm vấn đầu tiên. Nguyễn Thị Nhi cùng Ngô Thị Dung là 2 bị cáo phải giam giữ chờ xét xử, số còn lại đều đã được tại ngoại.

Trở lại với diễn biến vụ việc. Do biết Giáo xứ Thái Hà đang tiến hành đòi đất tại Công ty Cổ phần May Chiến Thắng nên Nhi đã dùng điện thoại gọi cho 6 phụ nữ dân tộc Mường đều trú tại xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình mang theo một bộ cồng chiêng về Hà Nội và suốt mấy ngày liền, Nhi đã tổ chức đánh cồng chiêng 6 lần, mỗi lần khoảng 20 phút vào các buổi sáng, trưa và chiều tối. Đoàn cồng chiêng đã dẫn đầu đi quanh khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng (từ đây gọi là khu đất 178), phía sau là các giáo dân đi theo đọc kinh cầu nguyện. Nhi thừa nhận việc đánh cồng chiêng của mình đã gây náo loạn, mất trật tự trị an, mục đích gây sự chú ý để đòi lại đất cho nhà thờ Thái Hà.

Chưa hết, chính Nhi đã khai nhận trước đó đã tham gia cầu nguyện trước trụ sở Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm tại 42 phố Nhà Chung, Hà Nội vào trưa ngày 25/1/2008 và đã gây rối ở đây. Lấy lý do vào trong sân cơ quan để dâng hoa tượng Đức Mẹ, Nhi đã trèo rào vào sân cơ quan. Khi các lực lượng bảo vệ ngăn chặn, yêu cầu ra ngoài, Nhi đã không chấp hành và giằng co với lực lượng bảo vệ, hô hoán kích động buộc lực lượng bảo vệ phải cưỡng chế. Khi được đưa ra ngoài, Nhi đã "tiện tay" tháo, giật, xé rách 4 tấm panô quảng cáo giới thiệu chương trình hoạt động của Nhà Văn hóa và có những lời nói kích động, thách thức chính quyền.

Trước tòa, Nhi đã thừa nhận những hành vi của mình, tuy nhiên lại luôn mồm giải thích, thanh minh cho những hành vi đó khiến vị chủ tọa phiên tòa thường xuyên phải nhắc nhở Nhi trả lời vào câu hỏi, không lan man. Để biện minh cho hành vi tụ tập ăn, nghỉ tại chỗ ở khu đất 178 nhằm gây sức ép đòi đất, Nhi đã cho rằng mình đến đấy là để "xác minh sự thật xem có đúng đất đấy của nhà thờ Thái Hà bị mất hay không". Tuy nhiên, khi tòa hỏi xác minh như thế nào, thì Nhi trả lời "chỉ nghe thấy các linh mục nói như thế và thấy một tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đóng dấu đỏ dán trên bản tin của nhà thờ".

"Vậy bị cáo có biết là cơ quan nào đóng dấu đỏ không?". "Thưa, tại vì dấu có chữ nước ngoài, bị cáo không hiểu", Nhi ấp úng. Chủ tọa lại hỏi tiếp: "Không hiểu sao lại biết đấy là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?". Đến đây, thay vì cung cách lòng vòng ban đầu, Nhi chuyển sang xưng "em" tự lúc nào... Hơn một lần Nhi thanh minh rằng trong cáo trạng ghi học vấn 9/10 là sai, bởi thực tế Nhi mới chỉ học... chưa hết lớp 5 khiến những người tham dự phải bưng miệng cười vì sự ngây ngô của "người đi xác minh sự thật" Nguyễn Thị Nhi.

Không tìm hiểu cặn kẽ nhưng cũng... không nông nổi?!

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Cũng giống như đối với các bị cáo khác, phần xét xử của bị cáo Phạm Chí Năng diễn ra đúng trình tự và rõ ràng. Các câu hỏi của đại diện HĐXX, đại diện Hội thẩm nhân dân, đại diện VKS đều xoay quanh việc làm rõ những hành vi của các bị cáo được nêu trong cáo trạng và đi tới khẳng định việc có tham gia và vai trò bị kích động của các bị cáo trong vụ việc. Bản thân Năng là giáo dân của Giáo xứ Thường Lệ thuộc giáo phận Bắc Ninh. Khi sự việc xảy ra, Năng đã có mặt tại nhà thờ Thái Hà và tham gia cùng các giáo dân khác tràn qua khu vực tường rào của khu đất 178 để cầu nguyện đòi đất. Năng đã cùng khoảng 1.000 giáo dân khác đi theo linh mục chủ tế và đoàn thánh giá nến cao đi từ cổng phụ nhà thờ Thái Hà ra khu đất, vừa đi vừa hát thánh ca qua loa phóng thanh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính Năng cũng tham gia đập phá tường rào và phát quang khu vực để các giáo dân khác tiện bề làm lễ.

Trước tòa, Phạm Chí Năng thừa nhận có tham gia đập tường bao khu đất 178, nhưng lại cho rằng mình làm thế không phải là để gây áp lực cho Công an và chính quyền. "Vậy bị cáo đi đến khu đất ấy cùng với ai?" - Tòa hỏi. "Tôi đi mỗi mình tôi và một đoàn người" - Năng đáp thật thà. "Một mình và một đoàn người?" - Tòa hỏi lại. Lác đác trong phòng có tiếng cười... Khi đại diện HĐXX hỏi: "Theo bị cáo thì đất đó của ai?", Năng đáp: "Tôi ở giáo xứ khác, chỉ nghe các Cha nói rằng đó là đất của nhà thờ". "Vậy bị cáo có tìm hiểu thêm về giấy tờ, nguồn gốc đất đó không?". "Không. Các Cha là bề trên, nói thì tôi tin!". "Như vậy bị cáo cho là đã tìm hiểu cặn kẽ chưa?". "Đúng là chưa tìm hiểu cặn kẽ" - Năng thừa nhận.

Thẩm phán chốt: "Chưa tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc đất mà đã xông vào đập phá tường rào của người ta, việc làm ấy có nông nổi không?". Năng ấp úng nói liều: "Thưa... không nông nổi!". "Không tìm hiểu cặn kẽ nhưng cũng không nông nổi?". Không có lời đáp.

Phạm Chí Năng còn thêm vài lần "thể hiện" mình khi thừa nhận việc đập phá tường rào khu đất 178 là sai nhưng không tin bức tường xây có giá trị 3.479.990 đồng (như Hội đồng định giá tài sản quận Đống Đa đã xác định). "Tôi mà xây bức tường đó thì chỉ 500 nghìn đồng. Mà tôi xây còn đẹp hơn???".

Bị lôi kéo

Thực tế qua ngày xét xử có thể thấy hầu hết bản chất các bị cáo đều là những người bị lôi kéo, kích động, xúi giục mà gây ra hành vi phạm tội. Nhiều người nước ngoài tham dự phiên tòa cũng phải bật cười khi người phiên dịch chuyển ngữ phần trả lời của các bị cáo. Bị cáo Ngô Thị Dung là một trong số những người đầu tiên vượt qua tường rào, là người đứng phía bên trong khuôn viên khu đất 178 để hỗ trợ những người khác đập phá bờ tường nhưng lại trả lời rất quanh co về sự tham gia của mình. Dung chối bay chối biến rằng mình không hề đập một viên gạch nào. Mãi đến khi đại diện VKS quận yêu cầu chiếu đi chiếu lại hai, ba lần đoạn băng quay cảnh đập phá tường rào, bị cáo Dung mới ấp úng mà rằng: "Vì sự việc xảy ra nhanh quá nên không nhận thức được hết...". Dung cũng là bị cáo duy nhất trong phiên tòa hôm ấy không đeo thánh giá trước ngực.

Cảnh trong phiên toà.

Có thể nhận thấy đa phần lý lẽ mà các bị cáo đưa ra để biện hộ cho hành vi đập phá, gây rối trật tự công cộng của họ đều được "chuẩn bị" khá sơ sài, hay nói đúng hơn, nhiều lúc còn là lý sự... cùn. Theo HĐXX, đa phần hành vi của các bị cáo đều xuất phát từ nhận thức chưa đúng về vấn đề quản lý đất đai mà theo đó phải là sở hữu của toàn dân, do Nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng.

Trả lời vì sao lại cho rằng đấy là đất của nhà thờ thì bị cáo Lê Quang Kiện nói rằng "vì từ nhỏ đã vào đấy chơi rồi" và đưa ra lý luận rằng "đất của ai phải trả lại cho người ấy". Vị đại diện HĐXX tiếp lời ngay: "Vậy bị cáo có biết giấy tờ về đất đai của nhà thờ có từ bao giờ không?". "Từ năm 1928", Kiện trả lời. "Vậy trước năm 1928 đất ấy của ai?". Mọi người chứng kiến cười ồ. Kiện bí thế nói liều: "Thì nhà thờ mua của người ta". Cả phòng xử lại thêm một phen nghiêng ngả...

Hay như bị cáo Lê Thị Hợi, trả lời câu hỏi của đại diện Hội thẩm nhân dân rằng "đập tường thì có vi phạm không?". Hợi đáp: "Đập tường thì tôi có đập. Nhưng tường bây giờ cũng chẳng còn nữa mà nói tôi vi phạm!!!". Một vài người nước ngoài có mặt tại phiên tòa khi nghe truyền đạt lại câu trả lời này đã tròn xoe đôi mắt, không giấu nổi sự ngạc nhiên.

Đề nghị xử lý nghiêm

Trong phiên tòa sáng 8/12, đại diện Công ty Cổ phần May Chiến Thắng có mặt với tư cách có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Theo đại diện công ty, việc gây rối của một số giáo dân đã làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Dựa trên cơ sở kết quả điều tra thu được, ngày 30/1/1961, Sở Quản lý nhà đất Hà Nội - nay là Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất - có Quyết định số 76/QL-NĐ giao cho Xí nghiệp Thảm len Hà Nội được sử dụng khu đất phố Nam Đồng, khu Đống Đa, Hà Nội với diện tích 16.296m2. Sau đó, Bộ Công nghiệp nhẹ - nay là Bộ Công thương ký quyết định sáp nhập Xí nghiệp Thảm len với Công ty May Chiến Thắng. Công ty May Chiến Thắng được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần May Chiến Thắng cũng theo quyết định của Bộ Công thương. Như vậy, về pháp luật quản lý đất đai, Công ty Cổ phần May Chiến Thắng là chủ sử dụng hợp pháp của khu đất 178 cho đến thời điểm xảy ra vụ việc. Việc các giáo dân bị kích động tụ tập, gây rối mất trật tự đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới công ty cũng như của bà con nhân dân khu vực xung quanh.

Việc làm của một số giáo dân bị kích động, quá khích đã không nhận được sự ủng hộ của chính những người dân lương thiện sống xung quanh khu vực. Ngày 17/8/2008, đại diện Cụm dân cư số 1 - tổ dân phố số 2, phường Quang Trung đại diện cho 130 hộ dân đã có đơn tố cáo về việc các giáo dân tụ tập, cầu nguyện bằng loa gây mất trật tự, ảnh  hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

Cùng ngày, đại diện Cụm 1B tổ dân phố 84, phường Ô Chợ Dừa cũng có đơn tố cáo. Và đặc biệt là sau khi nghe những lời phát biểu của Tổng Giám mục Hà Nội tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 20/9/2008, như giọt nước tràn ly, tối ngày 21/9/2008, quần chúng nhân dân từ nhiều nơi đã đến khu vực cổng sau nhà thờ Thái Hà để thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Tối hôm đó, lực lượng Công an nói chung và Công an quận Đống Đa đã phải một phen cực kỳ vất vả để bảo đảm an toàn cho phía nhà thờ, tránh những hành vi quá khích của những người dân đang bức xúc.

Mặc dù đưa ra mức thiệt hại khá lớn, tuy nhiên phía đại diện Công ty Cổ phần May Chiến Thắng không đòi các bị cáo phải bồi thường mà chỉ đưa ra yêu cầu phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, xét nhận thức của các bị cáo còn hạn chế, lại do bị kích động, lôi kéo, các bị cáo thiếu hiểu biết về pháp luật; có bị cáo đã nhận thức đầy đủ sai phạm tại Cơ quan điều tra nên tuyên án: Bị cáo Nguyễn Thị Nhi nhận mức án 15 tháng tù treo vì tội "Gây rối trật tự công cộng", thời gian thử thách 24 tháng; Ngô Thị Dung 13 tháng tù treo, thử thách 22 tháng; Nguyễn Thị Việt 12 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng; Lê Quang Kiện 13 tháng tù treo, thử thách 22 tháng; 3 bị cáo cùng chịu chung mức hình phạt cải tạo không giam giữ là Lê Thị Hợi 13 tháng; Phạm Chí Năng và Nguyễn Đắc Hùng đều 12 tháng.

Bị cáo Thái Thanh Hải do thành khẩn và xét yếu tố chưa từng phạm tội, bị án cảnh cáo về 2 tội “Hủy hoại tài sản và Gây rối trật tự công cộng”. Mỗi bị can đều phải chịu án phí 50.000 đồng

Nhóm PV
.
.