Philippines: Các cựu Tổng thống và những tham vọng quyền lực

Thứ Hai, 19/09/2005, 08:13

Trong đợt khủng hoảng chính trị gần đây tại Philippines người ta dễ dàng nhận thấy 3 vị cựu tổng thống đã về hưu đều rất sốt sắng: Người thì bênh vực Tổng thống đương nhiệm Arroyo, người thì yêu cầu từ chức.

Theo các nhà phân tích, đối với một số nhà lãnh đạo quá quen với việc sử dụng quyền lực tối cao, vì một lý do nào đó buộc phải rời khỏi chính trường, quả là một việc không dễ dàng chút nào. Nhìn từ một khía cạnh khác, các vị này cho rằng họ còn “nợ” những người ủng hộ.

Nữ cựu Tổng thống Corazon-Aquino là một ví dụ: Trong đợt khủng hoảng chính trị tại Philippines vừa qua, bà đã nói từng là bạn bè thân thiết và kiên định ủng hộ tổng thống, nhưng cũng đã hơn một lần bà yêu cầu tổng thống từ chức. Bà nhấn mạnh: “Arroyo đã không còn tín nhiệm với nhân dân, không thể là người lãnh đạo cao nhất của quốc gia!”.

Lời phát biểu này có thể coi là một đòn đánh mạnh vào bà Arroyo, bởi đối với người dân Philippines cựu Tổng thống Corazon Aquino, 72 tuổi, là một “tín đồ thánh thiện” có phẩm chất cao thượng trên quốc đảo. Là một quả phụ của Belnians Aquino, cố thủ lĩnh phe đối lập trước đây, năm 1986, chính Aquino đã hô hào quần chúng xuống đường đòi lật đổ sự thống trị độc tài của Marcos trong suốt 20 năm và sau đó bà được bầu làm Tổng thống.

Không riêng gì Aquino, đối với Fidel Ramos cũng có những mưu toan riêng. Ông là Tổng thống Philippines từ năm 1992 - 1998. Nhiều người dân đều tin rằng ông sẽ đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng Hiến pháp không cho phép. Trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này, ông Ramos đã đứng về phía bà Arroyo, rằng bà phải đứng vững ở vị trí của mình. Tuy nhiên, chính khách này lại có mưu toan lợi dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp, chuyển Philippines từ chế độ tổng thống sang chế độ nghị viện.

Ông ta cho rằng, sửa đổi lại thể chế chính trị đồng thời tổ chức một cuộc bầu cử mới sẽ là một “cú đá” ngoạn mục đối với bà Arroyo. Các nhà phân tích nhận xét: Ramos, 77 tuổi, luôn là người “đa mưu, túc kế”. Ý đồ của ông ta là thông qua việc sửa đổi Hiến pháp để phát triển ảnh hưởng của mình. Nếu sự thật Philippines theo chế độ nghị viện, Ramos sẽ có cơ hội trở thành tổng thống qua bầu cử, mộng tưởng trở lại nắm quyền sẽ đạt được.

Người tiền nhiệm của bà Arroyo là Joseph Estrada, 68 tuổi bị hạ bệ năm 2001. Tuy đang trong tù, nhưng vị cựu tổng thống này vẫn nghĩ đến ngày quay trở lại nắm quyền. Estrada một mực tuyên bố rằng ông bị phế truất một cách phi pháp.

Estrada còn tự cho mình là người phát ngôn của dân chúng, được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo. Trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Philippines, ông lớn tiếng chỉ trích bà Arroyo đồng thời tỏ ý mong muốn trở thành người lãnh đạo chính phủ quá độ cho tới khi thành lập chính phủ mới

Phạm Xuân Tiến (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.