Philippines muốn “thoát” Mỹ…

Thứ Tư, 12/10/2016, 16:00
Hơn 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến báo chí trong nước, khu vực và thế giới tốn không ít giấy mực. Sự thay đổi, những phát ngôn của ông, chiến lược mới của Philippines đang khiến cả thế giới chú ý.

Giả “hàm hồ” hay tính toán chiến lược?

Giáo sư David Camroux, một chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế (CERI) của Pháp, nhận định: Những lời lẽ “khiếm nhã” của ông Duterte nhằm vào Tổng thống Mỹ cho tới đức Giáo hoàng..., những người đã chỉ trích chiến dịch “thanh trừng” vấn nạn ma túy ở Philippines mà ông đang tiến hành; cho tới việc tuyên bố “sốc” về quan hệ với đồng minh Mỹ... khiến mọi người đi từ ngỡ ngàng, tới tức giận và sau cùng là hồ nghi.

Trong khi đó, vấn đề nhạy cảm nhất hiện tại là tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thống Philippines lại chủ trương “mềm mỏng” với Trung Quốc, khác hẳn với người tiền nhiệm, khiến những quyết định bị coi là “hồ đồ” nhất của ông Rodrigo Duterte bị giới phân tích hồ nghi, tất cả các phát ngôn hay lời lẽ gây sốc đó đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng?

Nhà phân tích Michel de Grandi nhận định trên tờ Les Echos, một lần nữa Tổng thống Rodrigo Duterte lại áp dụng chính sách “nhất cử lưỡng tiện”: vừa xoa dịu Bắc Kinh, vừa thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ, không chỉ với Philippines mà còn cả với khu vực Đông Nam Á. Đằng sau tính toán đó là việc Manila không muốn bị trói buộc vào nguồn cung cấp vũ khí duy nhất là Mỹ. Ông Rodrigo Duterte không che giấu ý đồ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Tóm lại, chiến lược của ông Duterte gồm các điểm chính: tái lập trật tự “ở bên trong”, từng bước tìm đến con đường hòa giải với các lực lượng nổi dậy, và tìm một thế cân bằng cho Manila giữa các siêu cường. Bài toán đó đã không khỏi khiến các nước láng giềng và đồng minh của Philippines bối rối.

Người dân Philippines bày tỏ ủng hộ ông Duterte.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà báo Nyshka Chandran trên website CNBC ngày 4/10, việc “lạnh nhạt” với Mỹ và tiềm lực quân sự Mỹ trong dài hạn có thể sẽ khiến Philippines “bó tay” trước các nguy cơ có thể xảy ra khi các mối quan hệ mới chưa đủ vững chắc.

“Bỏ” Mỹ, từ lời nói tới hành động

Theo trang tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, quyết định của Manila hôm 7/10 tạm ngừng các cuộc tuần tra và tập trận hải quân chung với Mỹ trên Biển Đông là hành động cụ thể đầu tiên mà chính quyền quốc gia này tiến hành nhằm chứng tỏ những tuyên bố chỉ trích Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte không chỉ là nói suông.

Khi thông báo quyết định ngừng các cuộc tuần tra chung, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cho biết rằng quốc gia này, mặc dù có một hiệp định an ninh lâu năm với Mỹ, song dự định mua vũ khí của các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga, và rằng Philippines có thể bù đắp được những tổn thất nếu mất nguồn viện trợ quân sự của Mỹ.

Theo ông Lorenzana, 107 binh sĩ Mỹ đang điều hành các chuyến bay do thám không người lái từ hòn đảo Mindanao ở miền nam Philippines sẽ được yêu cầu rời đi một khi Philippines tự trang bị được những thiết bị thu thập thông tin tình báo cần thiết như vậy.

Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra vào thời điểm ông Duterte chuẩn bị tới thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/10 trước khi ông tới Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực. Quyết định này cũng biến những phát biểu hùng hồn của ông Duterte thành hành động.

Thời gian gần đây, các thành viên khác trong chính quyền của ông Duterte thường đưa ra những thông điệp khác nhau về tình trạng của mối quan hệ Mỹ - Philippines cũng như về những ý định của Manila. Do đó, ông Duterte không thể tiếp tục duy trì tình trạng phát ngôn trái chiều trong chính quyền của ông cũng như trong quân đội, đồng thời cần có hành động cụ thể để những lời nói của ông có sức nặng.

“Thoát Mỹ”, không dễ dàng và nhanh chóng

Việc các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như với các nước khác để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro là điều hết sức bình thường. Philippines không phải là ngoại lệ.

Câu hỏi đặt ra “cân bằng ngoại giao” hay là ông Duterte thực sự muốn chống Mỹ? Bởi mối quan hệ Mỹ - Philippines cho dù trắc trở, nhưng được cho là vẫn khá “ổn”. Mỹ và Philippines từng là kẻ thù trong cuộc chiến năm 1899-1902. Washington chỉ trao trả độc lập hoàn toàn cho Manila vào năm 1946. Đến năm 1951, hai nước ký kết một hiệp ước song phương, cho phép các bên trợ giúp nhau trong trường hợp bị xâm lược.

Người dân Philippines bày tỏ ủng hộ ông Duterte.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã duy trì sự hiện diện quân sự cả trong và ngoài lãnh thổ Philippines từ nhiều thập kỷ nay. Washington và Manila luôn nhìn về một hướng; cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác và thực hiện Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng để cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines; thỏa thuận tuần tra chung ở Biển Đông; hỗ trợ huấn luyện và bảo vệ chủ quyền Philippines... và Philippines cũng là nước nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ trong khu vực châu Á, USAID đã cung cấp hơn 5 tỷ USD cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Philippines từ năm 2013, đồng thời dành các khoản cho vay và tín dụng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, khi mà tỷ lệ công chúng Philippines có quan điểm “thích Mỹ” với tỷ lệ tương ứng là 85% và 92%.

Các chuyên gia tình báo Mỹ nhận định: “Manila đang đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao và giảm bớt sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Tiến trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ sẽ không thể diễn ra nhanh chóng hay dễ dàng”. M.Brian, chuyên gia phân tích chính trị của CIA cho biết, chỉ riêng việc thay các hệ thống do thám của Mỹ ở Mindanao cũng sẽ mất vài năm. Cũng theo chuyên gia trên, việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ có thể buộc Philippines phải cơ cấu lại quân đội vì lực lượng này lâu nay phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí của Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng, Manila sẽ không thể nhanh chóng có nguồn lực nào thay thế cho viện trợ quân sự của Mỹ cho tới khi Philippines “tìm được” sự giúp đỡ từ những quốc gia khác. Thêm vào đó, thực tế đang diễn ra lại cho thấy, chiến lược “thoát Mỹ” của Manila thực chất là việc tái cân bằng quan hệ với Mỹ sao cho vừa không đe dọa liên minh an ninh này đồng thời “lợi dụng” dùng đòn bẩy Mỹ để tăng cường quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Quân đội Philippines khảng khái từ chối viện trợ Mỹ

Nước Mỹ quan trọng là vậy, “tiền” Mỹ rất cần cho quân đội Philippines, nhưng đó không phải là tất cả. Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố rằng quan hệ Mỹ - Philippines đang rất “gập ghềnh” và quân đội Philippines có thể xoay xở được nếu đồng minh Mỹ rút viện trợ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết nước này dự định mua vũ khí của Nga, Trung Quốc và không có phản ứng trái chiều trong quân đội Philippines trước việc Tổng thống Rodrigo Duterte muốn nới lỏng quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Tuyên bố của ông Lorenzana cho thấy ông cũng theo bước các quan chức cấp cao khác trong chính quyền ủng hộ chính sách chống Mỹ cứng rắn của Tổng thống Duterte. Ngày 7/10, chính Bộ trưởng Lorenzana tuyên bố rằng giá trị viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Philippines là “không nhiều” và quân đội Philippines sẽ yêu cầu Quốc hội nước này lấp đầy khoảng 50-100 triệu USD viện trợ quân sự từ Mỹ hằng năm nếu Mỹ cắt viện trợ. Phát biểu tại một diễn đàn báo chí, ông Lorenzana nhấn mạnh: “Không có khoản viện trợ đó (của Mỹ), chúng tôi vẫn sống được”.

Sở dĩ Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đưa ra phát biểu trên là bởi, hệ thống lãnh đạo nước này đã quyết định đi theo chiến lược ngoại giao mới, theo quan điểm của ông Duterte là đa dạng hóa quan hệ ngoại giao của Philippines, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Thêm vào đó, rõ ràng sự “ủng hộ” tích cực từ Nga, Trung Quốc trước những phát biểu của ông Duterte trong thời gian qua “nhắm” vào Tổng thống Obama cho thấy, ông Duterte đã có một con đường thênh thang phía trước. Ông Duterte đã nói thẳng ra rằng sẽ không có vấn đề gì bất ổn liên quan đến việc mua sắm vũ khí từ Nga và Trung Quốc, hai nước đang sẵn sàng bán vũ khí cho Philippines.

Đi giữa những “người khổng lồ”

Theo giới phân tích, lý do ông Duterte mong muốn triển khai một chính sách ngoại giao độc lập là để tránh vướng vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung, hoặc tồi tệ hơn, là bị tổn thương trong một cuộc đối đầu giữa hai “gã khổng lồ” này. Các nhà phân tích cho rằng ông Duterte nhận thức rõ việc quá thân với Mỹ cũng nguy hiểm như quá gần gũi với Trung Quốc. Ông muốn đi theo đường lối trung lập giữa hai cường quốc này để tránh chọc giận một trong hai nước mà vẫn đạt được lợi ích từ một mối quan hệ cân bằng.

Một nhà ngoại giao cấp cao Philippines đã nói rằng, mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng về việc xúc tiến quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc sau khi đã có lời chỉ trích Mỹ - đồng minh lâu năm của mình, song việc thúc đẩy một liên minh quân sự với cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không thể diễn ra.

Để cụ thể hóa mối quan hệ với các cường quốc khác, ngày 6/10, phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện, Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói: “Khi chúng ta muốn tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, chúng ta không nhất thiết phải gắn kết trong bất kỳ kiểu liên minh nào với Bắc Kinh xét trên quan điểm quân sự bởi điều này chưa bao giờ là ý định của Tổng thống”. Ông nói tiếp: “Nhiều lần, Tổng thống đã nói dứt khoát rằng ông sẽ chỉ có một liên minh quân sự, và đồng minh duy nhất của chúng ta ở khía cạnh này là Mỹ”.

Ông Duterte nói rằng, Philippines có thể luôn hướng sang phía Trung Quốc và Nga, song tuyên bố này được các quan chức chính phủ giải thích là cách thể hiện dự định của ông muốn tạo lập một chính sách đối ngoại độc lập, đồng thời mở ra cho Philppines khả năng liên minh với các đồng minh tiềm năng khác.

Theo ông Yasay, mục tiêu chính của ông Duterte khi thăm Trung Quốc trong tháng này là nhằm tăng cường và thúc đẩy các khía cạnh khác trong mối quan hệ hai nước nằm ngoài những tranh cãi về lãnh thổ ở Biển Đông. Các lĩnh vực này bao gồm “quan hệ thương mại, các cơ hội đầu tư, hợp tác và hỗ trợ phát triển hạ tầng, giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa”.

Nữ tác giả Shannon Tiezzi phân tích trên tạp chí "The Diplomat" số ra mới đây, bước đi của Tổng thống Philippines được cho là có chiến lược, có chủ đích rõ ràng. Philippines sẽ tích cực lôi kéo Trung Quốc thông qua các mối quan hệ kinh tế. Tác giả Shannon Tiezzi dẫn lời ông Duterte tuyên bố: sẽ "liên minh với Trung Quốc và Nga" trong bối cảnh "không hoàn toàn phá vỡ mối quan hệ" với Washington.

Nguyễn Hòa
.
.