Philippines trước thềm bầu cử: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Thứ Năm, 07/01/2010, 17:45
Mặc dù còn 4 tháng nữa mới tới cuộc bầu cử, nhưng với tất cả những gì đã diễn ra tại địa phương cho thấy, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, đe dọa tới sự ổn định cũng như tiến trình hòa giải dân tộc ở Philippines.

Thực tế khó chấp nhận

Cuộc tấn công của quân đội nhằm vào một căn cứ có quan hệ với Al-Qaeda ở khu vực miền Nam Philippines hôm 30/12/2009 cho thấy, chính phủ của Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đang thực sự quan ngại trước những diễn biến bất ổn sau khi mạnh tay với gia tộc Ampatuan ở tỉnh Maguindanao, nghi can lớn nhất trong vụ thảm sát khiến 57 người chết, trong đó có 30 phóng viên ngày 23/11/2009.

Ngày 29/12/2009, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Maguindanao, Sultan Kudarat và thành phố Cotabato để giúp chính quyền sở tại duy trì trật tự và hòa bình. Bà Arroyo đã tái ban bố tình trạng khẩn cấp tại Maguindanao sau khi biết tin, có hơn 50 tay súng ủng hộ gia tộc Ampatuan đã gia nhập tổ chức ly khai Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF).

Tuy nhiên, theo giới truyền thông, đã có hơn 200 người ủng hộ gia tộc Amputuan gia nhập tổ chức MILF, lực lượng đã tiến hành các hoạt động vũ trang chống Chính phủ Philippines trong mấy chục năm qua. Đây là điều từng được cảnh báo sau khi bà Arroyo quyết định mạnh tay với gia tộc Ampatuan.

Giới bình luận cho rằng, bầu cử và bạo lực thường song hành tại Philippines và thường nóng bỏng hơn ở địa phương bởi nếu thất bại họ sẽ mất tất cả - từ uy tín đến tiền bạc và mối quan hệ. Cũng trong ngày 29/12/2009, các phần tử vũ trang đã thực hiện 2 vụ tấn công nhằm vào 3 xe chở khách trên quốc lộ tại tỉnh Lanao del Sur ở đảo Mindanao khiến 3 người chết.

Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Jesus Verzosa và Tư lệnh Quân đội Victor Ibrado đều lo ngại trước những nguy cơ có thể bùng phát bạo lực nếu người thân trong gia tộc Ampatuan bị kết án. Thị trưởng Datu Unsay Andal Ampatuan Jnr đang bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm trước cái chết của 57 người trong vụ thảm sát trên. Được biết, cả 4 con trai của cựu Tỉnh trưởng Maguindanao và ông Andal Ampatuan Snr, tộc trưởng gia tộc Ampatuan đều chính thức phủ nhận việc liên quan tới vụ thảm sát, cho dù họ bị cáo buộc tội nổi loạn và giết người.

Tuy Thị trưởng Andal Ampatuan Jnr đã bị đưa ra xét xử, song một bản án thích đáng dành cho ông ta không phải dễ tuyên. Theo thống kê, Thị trưởng Andal Ampatuan Jnr là người giàu nhất trong gia tộc Ampatuan.

Vụ mưu sát nhằm vào ông Wilbert Suanco Origenes, ứng cử viên của đảng Dân tộc đối lập vào chức Phó thị trưởng thành phố Taganaan thuộc tỉnh Surigao del Norte khiến cho những lo lắng về sự an toàn của cuộc bầu cử sắp tới càng có thêm căn cứ. Hôm 29/12/2009, ông Wilbert Origenes bị một tay súng không rõ danh tính đã bất ngờ xông vào tư dinh và bắn thẳng vào ngực ông trước sự hoảng sợ của các thành viên trong gia đình. Cảnh sát đang điều tra vụ tấn công có động cơ chính trị, xung đột lợi ích hoặc tư thù.

Trước đó (28/12), một số tay súng đã tấn công đoàn xe chở khoảng 50 người, trong đó phần lớn là các ứng cử viên của đảng Dân tộc và những người ủng hộ ở tỉnh Ilocos Norte khiến ông Joen Caniete, ứng cử viên chạy đua vào Hội đồng thành phố Dingras bị chết và 6 người bị thương.

Theo thống kê, kể từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước đã xảy ra nhiều vụ bạo lực khiến hàng chục chính khách bị giết hại trước mỗi kỳ bầu cử. Tháng 5/2007, Thị trưởng thành phố San Carlos Resuello bị bắn chết, còn Thị trưởng thành phố Morong Linao bị thương. Ông Benito Astorga, Thị trưởng thành phố Daram, thuộc tỉnh Samar cũng bị bắn chết (tháng 1/2007) chỉ một ngày sau khi Tổng thống Arroyo ra lệnh cho cảnh sát thắt chặt an ninh đề phòng bạo lực chính trị xảy ra trước cuộc bầu cử. Nghị sĩ Luis Bersamin, một đồng minh thân cận của Tổng thống Arroyo cũng từng bị ám sát (tháng 12/2006) ngay trước cửa một nhà thờ ở Manila.

Có một thực tế không thể bỏ qua, đó là tình trạng lực lượng vũ trang riêng của nhiều thủ lĩnh chính trị tại khu vực miền Nam, nơi có cộng đồng đông đảo người Hồi giáo sinh sống. Đây cũng là trung tâm bùng phát của những vụ tấn công khủng bố trong hơn 30 năm qua nhằm yêu cầu Chính phủ cho thành lập một nhà nước Hồi giáo ở khu vực miền Nam Philippines. Những vụ bắt cóc và thảm sát liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an ninh nghiêm trọng do những tranh chấp quyền lực giữa các phe phái tạo ra.

Cuộc chạy đua giữa các gia tộc

Theo dự kiến, cử tri Philippines sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 250 thành viên Hạ viện và 24 thành viên Thượng viện, cùng hàng nghìn các chức vụ ở địa phương (thống đốc và thị trưởng...) vào trung tuần tháng 5/2010. Đa số các thành viên trong Quốc hội Philippines (Hạ viện và Thượng viện) đều xuất thân từ các gia tộc chính trị. Theo thống kê, trong số 24 ghế ở Thượng viện thì có khoảng 50% xuất thân từ các gia đình và gia tộc làm chính trị.

Nhiều nhà nghiên cứu và sử gia cho rằng, sự tồn tại của các gia tộc chính trị phản ánh sự mâu thuẫn nội tại của bất cứ thể chế dân chủ nào và nếu muốn hiểu cơ cấu và văn hóa chính trị của Philippines phải xét đến tầm quan trọng của các gia đình danh thế ở đây. Cố Tổng thống Corazon Aquino là người từng ban hành điều luật hạn chế bớt uy quyền của các gia tộc trên vũ đài chính trị (rút ngắn nhiệm kỳ của mỗi quan chức được bầu từ 6 năm xuống còn 3 năm), nhưng tất cả mới chỉ dừng lại trên giấy tờ.

Mặc dù đa số cử tri đều muốn bỏ phiếu cho những ứng cử viên có chủ trương ủng hộ người nghèo, có hồ sơ trong sạch, nhưng mọi việc không hoàn toàn diễn ra như vậy. Theo kết quả thăm dò dư luận (do Công ty Pulse Asia công bố hôm 21/12/2009), Thượng nghị sĩ đảng Tự do Benigno Aquino đang dẫn trước các ứng cử viên trong cuộc chạy đua kế nhiệm Tổng thống Arroyo. Ông Benigno Aquino, con trai cố Tổng thống Corazon Aquino, nữ Tổng thống đầu tiên của Phillippines (1986) đã giành được 45% số người ủng hộ, bỏ xa Chủ tịch đảng Dân tộc, tỉ phú bất động sản Manny Villar chỉ có được 23% số người ủng hộ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro, ứng cử viên thuộc liên minh cầm quyền của Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo chỉ giành được 5%, kém xa số người ủng hộ đối với cựu Tổng thống Joseph Estrada (19% số người ủng hộ). Mặc dù từng phải ngồi tù, nhưng ông Joseph Estrada đã tăng được 8% số người ủng hộ chỉ trong vòng có 2 tháng. Được biết, ông Joseph Estrada đã và đang được ông Eduardo Conjuangco, bạn thân của cố Tổng thống Ferdinand Marcos, người sở hữu chính tập đoàn chế biến thực phẩm và bia danh tiếng San Miguel ủng hộ.

Tuy mới tuyên bố tham gia tranh cử cách đây khoảng 4 tháng (8/9/2009), nhưng ông Benigno Aquino đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của dư luận. Giới phân tích coi đây là kết quả tất yếu bởi ông Benigno Aquino sinh ra trong dòng họ Aquino-Conjuangco, một gia tộc chính trị tiêu biểu nhất ở Philippines bởi có tới 4 thế hệ liên tiếp tham chính. Ông nội của cựu Tổng thống Aquino từng là tướng trong cuộc cách mạng quân sự và là nghị sĩ trong Quốc hội Malolos năm 1898. Ông nội của cựu Tổng thống Corazon Conjuangco cũng tham gia Quốc hội Philippines ngay từ khóa đầu tiên.

Tuy sẽ rời ghế Tổng thống, nhưng bà Arroyo, con gái cựu Tổng thống Diosdado Macapagal vẫn muốn có chân trong Quốc hội. Dòng họ Maccapacal chiếm đa số ở Pampanga, tỉnh rộng thứ hai của miền Trung đảo Luzon, nơi có lượng cử tri rất lớn. Em gái bà Gloria Maccapacal Arroyo, Phó thị trưởng Pampanga từng muốn làm thị trưởng. Cựu Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos tuy đã 80 tuổi vẫn ra tranh cử tại Illocos Norte. Tại tỉnh Illocos Norte, có ít nhất 5 thành viên của nhà Marcos có chân trong Tòa thị chính.

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", câu này  xem ra rất đúng đối với những gia tộc đã và đang tham chính. Trong khi gia tộc Ayala nắm giữ tất cả các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu từ bất động sản, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông đến cung cấp điện nước sinh hoạt thì gia tộc Lopez lại là "Vua truyền thông" bởi sở hữu kênh truyền hình ABS-CBN và một số tờ báo chủ yếu khác. Cố Tổng thống Ferdinand Marcos và cựu Tổng thống Joseph Estrada từng nhận được hậu thuẫn rất lớn về tài chính từ gia tộc Lopez. Gia tộc càng lớn thì số ứng cử viên ra tranh cử càng đông bởi sức mạnh kinh tế luôn hỗ trợ đắc lực cho chính trị và ngược lại

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.