Tổng thống V. Putin: Phương Tây đang cố cô lập nước Nga

Thứ Sáu, 26/12/2014, 11:00
Đó là phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo thường niên diễn ra vào chiều 18/12 (theo giờ Việt Nam) tại thủ đô Moskva. Tờ Nước Nga ngày nay dẫn lời ông chủ Điện Kremlin cho biết, quan điểm thù địch của phương Tây đối với Nga có từ trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina diễn ra và thái độ thù địch này là sự trả giá của Nga cho việc muốn trở thành một quốc gia độc lập (với phương Tây).

"Nếu có đủ thiện chí, chúng ta có thể khôi phục được hệ thống an ninh toàn cầu và khu vực"

Tổng thống Putin khẳng định: "Các nước đối tác của chúng tôi (phương Tây) nghĩ rằng họ đang giành được ưu thế và họ sẽ không dừng lại. Họ sẽ không ngừng xây dựng nhiều "bức tường" khác (bằng những biện pháp trừng phạt và luận điệu chỉ trích nhằm vào Nga) dù chúng tôi đã nỗ lực hợp tác với châu Âu và thế giới".

Tổng thống Putin ví von quan hệ Nga - phương Tây với việc một chú gấu Nga sống trong rừng Taiga. Đáng lẽ ra, chú gấu này phải được thảnh thơi để nếm mật và người ta (phương Tây) phải để nó yên. Tuy nhiên, người ta lại muốn xích cổ con gấu này và chiếm lấy khu rừng Taiga của nó. Việc nó chống lại những người này khiến họ "lu loa" là "không công bằng".

Tổng thống Nga khẳng định: "Nga đang bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình và tới 25-30% các vấn đề nội tại của Nga là do các lệnh trừng phạt gây ra". Bên cạnh đó, trang Spunik News dẫn lời Tổng thống Putin nêu rõ, hệ thống an ninh toàn cầu đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi ý thức hệ "Chiến tranh lạnh" còn rơi rớt tại các nước phương Tây, đồng thời nhấn mạnh, hệ thống này chỉ có thể được phục hồi nếu các nước lớn hợp tác một cách minh bạch.

Ông nhấn mạnh: "Chiến tranh lạnh đã qua nhưng nó không kết thúc bằng hòa bình. Nó cũng không kết thúc bằng những thỏa thuận minh bạch và rõ ràng về những quy tắc và chuẩn mực mới", và rằng: "Thật không may là không có gì bảo đảm hệ thống an ninh toàn cầu và khu vực hiện nay không bị suy sụp. Hệ thống này đã bị suy yếu nghiêm trọng, bị hủy hoại và biến dạng. Các mô hình hợp tác về chính trị, kinh tế và văn hóa toàn cầu và trong khu vực đang phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn".

Theo Tổng thống Nga, thay vì thiết lập một trật tự cân bằng mới giữa các nước lớn để duy trì trật tự và ổn định trên thế giới thì Mỹ lại đang tiến hành những hành động gây mất cân bằng kể từ sau Chiến tranh lạnh. Ông khẳng định: "Dường như, những kẻ coi mình là "chiến thắng" trong Chiến tranh lạnh đang muốn giành lấy mọi thứ và rắp tâm định hình lại thế giới để phục vụ cho lợi ích của riêng họ".

Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến hiện nay, Tổng thống Putin cho rằng, với những nỗ lực và thiện chí của các nước trên toàn thế giới, hệ thống an ninh toàn cầu có thể được phục hồi: "Tôi tin rằng, nếu có đủ thiện chí, chúng ta có thể khôi phục được hệ thống an ninh toàn cầu và khu vực".

Về tình hình kinh tế trong nước, trả lời câu hỏi về việc liệu ông có tin rằng những khó khăn của nền kinh tế Nga hiện nay là cái giá phải trả cho việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 hay không, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Đó không phải là cái giá phải trả cho việc Nga sáp nhập Crimea. Đó là cái giá phải trả cho khao khát muốn gìn giữ một nước Nga toàn vẹn", đồng thời khẳng định: "Ngay cả khi gấu Nga ngồi yên ăn dâu và nếm mật thì nó cũng không được yên bởi những áp lực từ bên ngoài chống lại nó". Tổng thống Putin nhắc lại: "Vậy việc cướp lấy Texas từ tay Mexico (của Mỹ) có công bằng hay không? Việc chúng tôi có quyền kiểm soát vùng đất của mình là không công bằng? Chúng tôi phải nhả cho họ à?".
Tổng thống Putin tại buổi họp báo thường niên.

Thị trường tiền tệ Nga đang bị lũng đoạn

Tổng thống Putin cho rằng, kinh tế Nga chưa rơi vào khủng hoảng và ông hoàn toàn lạc quan, tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ thích nghi với những khó khăn nếu nó tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, ông thừa nhận Nga cũng còn nhiều điều chưa làm được để vực dậy nền kinh tế. Ông Putin cam kết, Ngân hàng Trung ương đang tiến hành nhiều biện pháp để "lèo lái" kinh tế Nga đi đúng hướng. Ông nói: "Thực ra, Ngân hàng Trung ương có nhiệm vụ phải cân nhắc có hạ lãi suất hay không và họ phải hiểu rõ điều này và phản ứng tức thì".

Tổng thống Nga cho rằng, Ngân hàng Trung ương cần hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Nga nhưng hai bên cần không can thiệp vào việc của nhau. Tổng thống Nga cáo buộc những kẻ lũng đoạn thị trường tiền tệ của Nga có thể là những quỹ tài chính nước ngoài nhưng cũng không loại trừ khả năng là từ chính các công ty Nga.

Đồng rúp của Nga đã giảm xuống đến 20% ngày 16/12 vừa qua. Đây là một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải đề ra các biện pháp triệt để. Từ đầu năm đến nay đồng rúp đã mất đi 42% giá trị so với đồng euro và 49% so với đôla. Đồng rúp mất giá kéo theo thị trường chứng khoán Moskva giảm 10%.

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng niềm tin này là 2 yếu tố: giá dầu thô giảm cộng với những biện pháp chế tài của phương Tây để trừng phạt Nga về việc ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina. Nhưng chính sự giảm giá dầu đã gây tổn hại nhiều nhất vì gần một nửa thu nhập ngân sách Nga dựa vào dầu, và nếu giá dầu không tăng trở lại, nền kinh tế Nga có thể suy giảm hơn 4% vào năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Anton Silouanov cho biết: "Chúng ta mất khoảng 40 tỉ USD mỗi năm do những chế tài địa chính trị, và chúng ta có thể mất thêm từ 90 đến 100 tỉ USD mỗi năm do giá dầu thô giảm 30%".

Các công ty địa phương ngày càng ít có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính từ quốc tế và dòng đầu tư cứ lặng lẽ chảy ra nước ngoài. Để đáp trả sự trừng phạt của phương Tây, vào tháng 8 vừa qua chính quyền Nga đã ra lệnh cấm vận phần lớn những sản phẩm thực phẩm từ Ukraina và các quốc gia liên quan, vì thế nước này không thể xuất khẩu khoai tây, đậu nành, nước trái cây, đồ hộp, sữa, phó mát cùng nhiều nông sản khác. Nhưng sự phản công này của Nga lại gây thiệt hại cho người dân vì đã khiến cho lạm phát gia tăng.

Đối với các mặt hàng nhập khẩu, lạm phát tất nhiên càng cao hơn: Samsung và Apple đã thông báo sẽ tăng giá điện thoại bằng tiền rúp, sau đó họ lại ngưng mọi đơn đặt hàng trên mạng với lý do đồng rúp "trồi sụt quá nhiều". Và sự tăng giá này dần dần lan sang mọi lĩnh vực khác, chẳng hạn như Hãng Ikea đã tăng giá đồ gỗ nội thất đến 60% dù được sản xuất trong nước.

Đối với người tiêu dùng, cuộc khủng hoảng đã gây tổn hại rất nghiêm trọng. Các nhà xuất nhập khẩu trên thị trường Nga cho rằng "chúng ta sẽ uống sữa bột, thay thịt bò bằng xúc xích đậu nành và bỏ qua điện thoại Apple hay Samsung để dùng các sản phẩm của Trung Quốc. Và tất nhiên chúng ta cũng có thể sử dụng xe hơi thương hiệu ngoại nhưng được sản xuất trong nước Nga". Tuy nhiên, chính các nhà nhập khẩu Nga mới bị thiệt hại nặng (họ nợ đôla) sẽ bị phá sản trước tiên, tiếp đến là nhà xuất khẩu nợ tiền rúp.

Doanh số bán ra của các sản phẩm điện tử gia tăng từ tháng 10 nhưng những nhà bán lẻ không vội vã đặt hàng vì giá cả leo thang liên tục. Chỉ trong một tuần, những sản phẩm này đã tăng giá 35%. Hôm 15/12, trang Player.ru thông báo tăng giá 30%, nhưng ngày hôm sau giá lại tăng đến 50%. Ngành hàng ăn uống là một lĩnh vực rất nhạy cảm và sự thay đổi thái độ của khách hàng đã được thấy rõ.

Theo giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bán sỉ và nhà hàng La Marée, các cửa hàng ăn uống chưa bị ảnh hưởng nặng nề như nhà hàng. Doanh số của công ty gồm 70% là sản phẩm nhập khẩu. "Những sản phẩm đó trở nên quá đắt đối với khách hàng và lại không tìm được sản phẩm thay thế. Sản phẩm chất lượng cao sản xuất tại nước Nga cũng có, nhưng nhà sản xuất thích bán ra nước ngoài vì giá cao hơn". Người ta cũng nhận thấy sự giảm sút lượng khách hàng đến với các cửa hiệu thức ăn nhanh.

Ngành nông sản Nga lệ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp ở nước ngoài. Không có cơ cấu nông nghiệp nào tại Nga mà không cần nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện hay kỹ thuật. Đến 40% lượng sữa tiêu thụ tại Nga là nhập khẩu. Một số nhà cung cấp sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ khánh kiệt với sự tụt dốc của đồng rúp. Nhìn chung, chỉ các khu vực kinh tế không vay tín dụng bằng ngoại tệ mới có thể sống được.

Bất chấp những sự can thiệp vào thị trường để nâng đỡ đồng rúp, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn không dập tắt được cuộc khủng hoảng. Dường như đồng rúp đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ đầu tháng 12 tới nay, định chế tiền tệ này đã tiêu tốn vô ích gần 6 tỉ USD. Như thế là trong một năm ngân hàng phải bỏ ra 100 tỉ USD để bảo vệ đồng rúp. Trữ lượng của ngân hàng còn khoảng 400 tỉ USD. Nhưng Moskva không muốn phung phí tiền tiết kiệm một cách vô ích.

Sau một cuộc họp khẩn, ngân hàng thông báo tăng lãi suất lên 17% so với 10,5% trước đây. Nhưng sự gia tăng lãi suất đột ngột này có thể gây bất trắc thêm cho nền kinh tế. Đến ngày 16/12, đồng rúp tiếp tục rớt giá. Nếu lãi suất tín dụng tăng đến 20%, mức này sẽ khó mà chấp nhận được đối với đa số gia đình mà sức mua của họ đã giảm sút cũng như với những công ty bị tách rời khỏi thị trường tài chính vì lệnh trừng phạt. 

Dấu hiệu của niềm tin bị mất, một số cửa hàng tại Moskva bắt đầu niêm yết giá bằng ngoại tệ, điều bị nghiêm cấm. Sự gia tăng lãi suất cũng nhằm chặn đứng đà lạm phát lên đến 11,5% trong vòng một năm qua. Nhưng thay vì củng cố lại niềm tin, Ngân hàng Trung ương Nga lại đưa ra những dự báo bi quan cho năm 2015, cảnh báo rằng GDP có thể giảm từ 4,5 đến 4,8% nếu giá dầu thô vẫn giữ ở mức 60 USD/thùng. Hãng thông tấn AFP đưa tin: Hôm 16/12 vừa qua, người dân Nga đã bắt đầu xếp hàng trước các ngân hàng để đổi tiền rúp ra ngoại tệ.

Để hãm tốc cuộc khủng hoảng, Tổng thống Putin đã đề nghị "ân xá hoàn toàn" cho những ai mang tiền trở về nước. Theo Ngân hàng Trung ương, gần 100 tỉ euro đã rời khỏi đất nước một cách âm thầm trong năm 2014. Nếu cuộc khủng hoảng không được ngăn chặn, dường như Tổng thống Putin phải có 1 trong 2 sự lựa chọn đau khổ: tái lập sự kiểm soát hối đoái, điều này sẽ gây tổn hại đến hình ảnh của nước Nga, hoặc phải cắt giảm ngân sách, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng đầy nhạy cảm.

Khổng Hà - Mê Linh (tổng hợp)
.
.