Phương Tây dùng con bài "vũ khí hóa học" để can thiệp vào Syria?

Thứ Năm, 13/12/2012, 11:55

Nếu căn cứ vào những gì truyền thông phương Tây đang đưa tin có thể dễ dàng nhận thấy chính quyền Syria đã bị dồn vào đường cùng và đang chuẩn bị dùng vũ khí hóa học. Liệu kho vũ khí hóa học của Syria có thực sự đáng sợ như những gì người ta nói và phương Tây đang chuẩn bị gì để "đối phó"?

Đây không phải là lần đầu kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát cách đây hơn một năm, vấn đề Syria sử dụng vũ khí hóa học để chống lại phe phiến loạn có sự tiếp tay của các thế lực bên ngoài được nêu ra.

Vào tháng 7/2012, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã khiến cộng đồng thế giới “lên ruột” khi tuyên bố sẽ dùng vũ khí hóa học nếu Syria bị các thế lực bên ngoài tấn công. Ngay lập tức, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã lên tiếng cảnh báo: Damascus chớ có làm liều. Mọi chuyện khi ấy chỉ dừng lại ở những tuyên bố của giới chính khách trên truyền thông.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Syria dường như đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi quân nổi dậy tuần trước đã áp sát thủ đô Damascus, nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính quyền Tổng thống Al-Assad. Đây là lúc phương Tây lo sợ chính quyền Syria sẽ "chơi lá bài cuối". Trong vài ngày qua, các quan chức phương Tây liên tục nhấn mạnh sự quan tâm đối với điều mà họ coi là mối đe dọa nghiêm trọng nếu ông Assad sử dụng khí độc. Các quan chức Mỹ còn nói rằng, họ có thông tin tình báo cho biết Syria có thể đang chuẩn bị cho việc triển khai vũ khí hóa học. Trong khi đó, Syria - vốn không ký Hiệp ước vũ khí hóa học quốc tế - nói rằng họ sẽ không bao giờ dùng vũ khí hóa học này đối với người dân của mình.

Ngày 3/12, phát biểu tại Trường đại học Tổng hợp quốc phòng, Tổng thống Barack Obama cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt. Tổng thống Obama nói: "Hôm nay, tôi muốn khẳng định rõ với ông Assad và các cộng sự dưới quyền chỉ huy của ông ta rằng, thế giới đang theo dõi chặt chẽ tình hình Syria. Sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được. Nếu sử dụng các loại vũ khí đó, ông ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những hậu quả".

Cùng ngày, trong cuộc gặp các quan chức Cộng hòa Séc tại thủ đô Praha, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho biết Mỹ và các nước đồng minh đang đề ra kế hoạch hành động nếu chế độ Syria liều lĩnh sử dụng các loại vũ khí hóa học và sinh học. Nhiều quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ đang xem xét các lựa chọn, từ các cuộc tấn công trên không đến các cuộc tập kích giới hạn để đánh chiếm các kho vũ khí hóa học và sinh học của Syria.

Đi kèm với những tuyên bố trên, lần này phương Tây mà đại diện là NATO đã triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nên biết chính quyền Damascus vẫn cáo buộc các thế lực bên ngoài, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đang giúp đỡ cho phe nổi dậy chống lại chính quyền trung ương. Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức yêu cầu các đồng minh trong khối NATO triển khai các giàn tên lửa Patriot sau một loạt những vụ pháo kích ngang qua biên giới phát xuất từ Syria, như vụ hôm 3/10 khiến 3 thường dân thiệt mạng.

Theo AFP, kho vũ khí hóa học của Syria được cho là đã có từ nhiều thập niên trước, thậm chí còn có quy mô lớn nhất nhì tại Trung Đông. Nhìn lại lịch sử, kể từ đầu những năm 80, sau khi thất bại trong các cuộc chiến chống lại Israel, Syria đã nỗ lực xây dựng và duy trì một kho vũ khí hóa học nhằm đối phó với khả năng Nhà nước Do Thái phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù tuyên bố ủng hộ một khu vực Trung Đông phi vũ khí hủy diệt hàng loạt, song Syria không thể đơn phương từ bỏ vũ khí hóa học chừng nào Israel còn là mối đe dọa an ninh đối với họ. Vì vậy, năm 1971, Syria bắt đầu phát triển khả năng tự sản xuất vũ khí hóa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học.

Tên lửa Patriot được NATO triển khai tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Theo trang web Global Security - cơ quan chuyên tập hợp các dữ liệu tình báo, có 4 cơ sở vũ khí hóa học bị nghi ngờ tại Syria: một ở phía bắc thủ đô Damascus, cơ sở thứ hai gần thành phố công nghiệp Homs, cơ sở thứ ba ở Hama - nơi được cho là đang sản xuất các chất VX, bên cạnh khí sarin và tabun. Cơ sở cuối cùng gần cảng Địa Trung Hải Latakia. Các nhà phân tích cũng cho rằng, thị trấn Cerin nằm bên bờ biển có khả năng là một cơ sở sản xuất vũ khí sinh học. Rất nhiều địa điểm khác đang được các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi chặt chẽ.

Các nhà phân tích nhận định rằng, những vũ khí hóa học đầu tiên của Syria do Ai Cập cung cấp trước khi xảy ra cuộc chiến năm 1973 với Israel. Còn kể từ năm 1973, Syria gần như đã đạt được khả năng phát triển và sản xuất các chất độc dùng làm vũ khí hóa học, trong đó có chất độc dạng lỏng không màu, không mùi (sarin), chất hóa học tác động lên hệ thần kinh (VX) và khí mù tạt (mustard gas), vốn là khí độc có thể gây phồng rộp da. Mặc dù chưa rõ số lượng chính xác các loại vũ khí hóa học, sinh học của Syria, song CIA ước tính, quốc gia này có thể sở hữu hàng trăm lít vũ khí hóa học và hàng năm, họ sản xuất hàng trăm tấn chất độc hóa học.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết: Mỹ đang cố gắng xác định thông tin tình báo về việc chế độ Syria di chuyển các loại vũ khí hóa học và sinh học gần đây nhằm mục đích gì và chế độ Syria sử dụng chúng hay cung cấp cho Hezbollah hoặc các phần tử khủng bố.

Theo các nhà phân tích, việc triển khai tên lửa đất đối không của NATO là một phần trong một chiến lược tổng thể nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng quân sự của các nước phương Tây đối với tương lai của cuộc khủng hoảng tại Syria và đạt được mục đích cuối cùng của họ là lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.

Trong khi NATO cho biết các tên lửa Patriot hoàn toàn chỉ để phòng vệ thì Syria cùng các quốc gia khác như Nga và Iran cho rằng, động thái trên càng làm tăng sự bất ổn trong khu vực và có thể sắp đặt cho một giai đoạn áp đặt khu vực cấm bay. Một số chuyên gia về an ninh cho rằng, việc triển khai tên lửa Patriot - loại tên lửa có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu và tên lửa - sẽ tạo ra hiệu quả răn đe, khiến các máy bay chiến đấu của Syria không dám hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này của NATO sẽ có lợi cho phe nổi dậy tại Syria - lực lượng dễ bị tổn thương nhất trước các cuộc không kích của Tổng thống Assad.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây, cả Tổng Thư ký NATO, tướng Anders Fogh Rasmussen và bà Clinton dường như đều không thể làm giảm bớt những lo ngại của Nga về việc triển khai tên lửa này. Ông Lavrov nói: "Động thái tăng cường vũ trang này tạo ra nguy cơ những vũ khí này sẽ được sử dụng... Về mặt chính trị, chúng tôi lo ngại rằng cuộc xung đột này ngày càng bị quân sự hóa". Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: Những mối đe dọa chống lại Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị thổi phồng và kêu gọi tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao hơn là can thiệp quân sự nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Nga cho rằng, trong thế giới hiện đại “không thể áp đặt nền dân chủ bằng sắt và máu”

Một Thạch (tổng hợp)
.
.