Qua Báo CAND, đã có hơn 10 tỉ đồng đến với bà con vùng lũ
Ngày 28 và 31/10, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND - Chuyên đề ANTG tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (Tổng Cty CPXL dầu khí), cộng đồng người Việt kinh doanh ở Trung tâm Thương mại Moskva tiếp tục về các vùng quê nghèo Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An để động viên, giúp đỡ bà con vùng lũ gần 2,5 tỉ đồng.
Sẻ chia bằng cả tấm lòng
9h ngày 28/10, đoàn công tác xã hội từ thiện do ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó bí thư thường trực Đảng ủy - Phó chủ tịch HĐQT Tổng Cty CPXL dầu khí và Thượng tá Trần Thanh Phong - Phó trưởng Ban Pháp luật - Bạn đọc Báo CAND làm trưởng đoàn dẫn đầu đoàn công tác về vùng rốn lũ huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bà con nông dân nơi đây vốn đã nghèo lại phải liên tục gồng mình chống 2 trận lũ dữ vừa qua, nên nhiều nhà dân đã kiệt quệ. Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn làm ngập sâu xã Bắc Trạch. Nhiều nhà dân ngập chìm trong nước. Lũ lên nhanh không kịp trở tay, nên gia súc, gia cầm, lúa gạo, đồ dùng sinh hoạt... của bà con gom góp trong nhiều năm đã bị lũ cuốn trôi.
Nghe lãnh đạo xã thông báo tình hình thiệt hại của người dân, chúng tôi thấy nhiều anh chị em đi trong đoàn đã lặng đi nhìn bà con nghèo trong tình thương yêu đồng cảm. Ông Nguyễn Ngọc Quý tâm sự với bà con: "Số tiền 1,5 tỉ đồng chia làm 3.000 suất quà (500 ngàn đồng/suất) và hàng ngàn bộ quần áo, mỳ tôm mà đoàn cứu trợ đưa từ Hà Nội vào để giúp đỡ bà con các tỉnh miền Trung, đó là tấm lòng, là sự sẻ chia của cán bộ công nhân viên công ty, những người luôn nêu cao tinh thần hết sức hết lòng vì bà con nhân dân ruột thịt". Nhiều anh chị em trong Tổng Cty cả tháng nay sau giờ làm việc là đi huy động quần áo, nhiều người còn bỏ thói quen uống cà phê sáng để dành tiền ủng hộ người dân vùng lũ.
Sau khi đọc Báo CAND và Chuyên đề ANTG biết được những thiệt hại quá lớn của bà con miền Trung do lũ, nhiều bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở Trung tâm thương mại Moskva (TTTM) đã khóc. Hướng về miền Trung bằng cả tấm lòng, bà con quyết định thành lập Ban vận động quyên góp giúp đỡ người dân miền Trung. Sau hơn 10 ngày quyên góp được 880 triệu đồng, bà con Việt kiều đã cử anh Nguyễn Văn Nhiên và Võ Quốc Dũng làm trưởng đoàn mang tiền đưa về nước để ủng hộ tận tay cho người dân vùng lũ.
Anh Nhiên cho biết, ngay sau lũ, anh và một số người bạn của mình đã tự nguyện quyên góp 12 tấn gạo và gần 50 triệu đồng để ủng hộ, giúp đỡ bà con bị thiệt hại nặng nề do lũ ở Hà Tĩnh. Hơn 15 ngày sau lũ, Gia Phố huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn hoàn toàn bị biệt lập. Ở Gia Phố nước lũ đã cuốn mất đường, trong khi đó nước sông Ngàn Phố vẫn cuồn cuộn chảy như giận dữ muốn cuốn phăng tất cả những gì còn sót lại sau lũ. Vì vậy hàng trăm bà con Gia Phố nhiều ngày vẫn đứng bên làng mình ngóng trông thấy các đoàn cứu trợ đến các địa phương khác ủng hộ bà con, còn Gia Phố vẫn rùng mình trong cái đói, cái rét vì lũ.
Đại diện bà con Việt Kiều ở TTTM Moskva trao tiền ủng hộ người dân xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Ngày 26/10, các anh chị em đi trong đoàn cứu trợ do anh Nguyễn Văn Nhiên phụ trách quyết định tìm mọi cách vượt sông Ngàn Phố để đến với bà con Gia Phố. Nhờ xuồng máy của lực lượng kiểm lâm huyện Hương Khê để rạch con nước vào với đồng bào, nhiều người dân và anh chị em trong đoàn cứu trợ cứ ôm lấy nhau, nước mắt nhạt nhòa.
Tối 30/10, từ Hà Nội, Ban vận động quyên góp của TTTM Moskva đã đi thâu đêm vào Quảng Bình để sáng hôm sau ủng hộ người dân. Tại Quảng Bình đoàn đã ủng hộ người dân 3 xã Sơn Trạch, Liên Trạch, Bắc Trạch huyện Bố Trạch 150 triệu đồng. Ủng hộ bà con bị thiệt hại nặng nề trong lũ ở Hà Tĩnh và Nghệ An 730 triệu đồng. Để làm công tác từ thiện, ủng hộ người dân vùng lũ miền Trung, anh Nguyễn Văn Nhiên, Võ Quốc Dũng đã nhiều lần phải hoãn chuyến bay qua Nga, gác hết công việc của riêng mình.
"Bên này chúng tôi xuống ủng hộ trao tiền, gạo cho bà con gần xong, chuẩn bị sắp xếp công việc để qua Nga thì bà con Việt kiều bên TTTM Moskva lại điện sang ủng hộ tiếp nên anh em lại ở lại. Qua lần này chúng tôi hiểu thêm, tình cảm, tinh thần đoàn kết của người dân nước mình ở đâu cũng vậy, có khoảng cách về địa lý nhưng không có khoảng cách trong suy nghĩ, tình cảm" - anh Nhiên nói vậy.
Thắp một nén nhang trước bàn thờ 2 ông cháu Trần Quốc Tuấn bị chết trong lũ ở xã Liên Trạch, tôi thấy trên khuôn mặt của các anh chị Việt kiều Nga đều nhòa lệ...
500 ngàn đồng và hàng ngàn câu chuyện được viết tiếp
Nhận phần quà 500 ngàn đồng hay 300 ngàn đồng từ đoàn cứu trợ, hàng ngàn người dân nghèo vùng lũ đã rất đỗi vui mừng. Với người dân nghèo như Bắc Trạch, Phú Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch... huyện Bố Trạch (Quảng Bình) hay Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh), Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An) thì 500 ngàn đồng sau lũ sẽ giúp đỡ phần nào người dân ổn định cuộc sống. Khi được hỏi, bác, cô, chú... nhận tiền cứu trợ xong sẽ dùng vào việc gì?
Người viết bài này đã nghe được cả ngàn câu chuyện. 500 ngàn đồng sẽ mua sách, vở cho con tiếp tục tới trường; 500 ngàn đồng để người nông dân mua mấy tấm tôn che lại mái nhà khỏi dột; 500 ngàn đồng để mua con heo, con gà chăn nuôi lại; 500 ngàn đồng để mua thóc giống... Rời Bắc Trạch, Phú Trạch, Mỹ Trạch đoàn cứu trợ đến xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch. Trời trở gió, cơn lạnh như làm se sắt thêm người dân chân lấm tay bùn.
Theo danh sách lên nhận quà ủng hộ của đoàn, không ít người dân cứ cầm tay những người trong đoàn thật chặt. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 1, xã Hạ Trạch cho biết; lũ tràn vào cả hồ tôm của chị trôi sạch. Hồ tôm là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình và để vợ chồng chị nuôi 4 đứa con đang học đại học.
"Sau lũ, các con cứ điện về nói là về thăm gia đình, nhưng ba hắn động viên các con ở lại thành phố lo học, đừng về. Nói thật, vợ chồng sợ con về nhìn tài sản trôi hết rồi lại nghĩ lung tung, phân tán chuyện học hành. Thương con nhưng con về thì ba mạ lấy tiền mô để cho con mua vé tàu, vé xe..." - lau vội giọt nước mắt chị Hoa bảo vậy. Khi nhìn cháu Nguyễn Thanh Tùng đầu quấn khăn tang vì mất cha trong lũ, đến nhận tiền, quà cứu trợ, nhiều người trong đoàn không cầm được nước mắt. Học lớp 5 trường làng nhưng Tùng nhỏ xíu, gầy gò xanh xao. Từ khi cha mất, mẹ Tùng nằm ốm liệt giường nên khi nhận hàng cứu trợ Tùng phải đi thay mẹ.
Rời UBND xã Bắc Trạch khi trời đã nhá nhem tối, đoàn cứu trợ lại tiếp tục lên đường đến nhiều vùng quê bị lũ khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Xe đã chuyển bánh, nhưng qua cửa kính rất nhiều người dân vẫn nắm chặt tay anh, chị em đi trong đoàn với lời cám ơn chan chứa nghĩa tình