“Quả bóng trách nhiệm” quanh miệng hố tử thần

Thứ Hai, 15/11/2010, 07:15
Khi hố tử thần lần đầu tiên xuất hiện tại TP HCM, các cơ quan chức năng có trách nhiệm đã không cho dư luận thấy được động thái kiên quyết xử lý. Để rồi, khi nhiều hố tử thần liên tiếp xé toác các con đường, người dân hoảng hốt và cùng giới truyền thông phản ứng rất mạnh thì những cuộc họp giữa các ban, ngành liên quan nhằm hướng đến việc khắc phục hậu quả mới được diễn ra.

Nhưng ai cũng biết rằng, việc nói và hứa giữa các kỳ họp không thể giải quyết tận gốc chuyện hố tử thần. Nhất thiết, đã đến lúc cần một "bàn tay sắt" từ lãnh đạo thành phố mới hy vọng có thể khôi phục lại niềm tin của người dân đối với hố sâu trách nhiệm đang diễn ra.

1. Trở lại thời điểm vào lúc 16h ngày 1/8/2010, tại Ngã tư Phú Nhuận đoạn Phan Đình Phùng một hố sâu bất ngờ xuất hiện trên mặt đường khiến những người tham gia giao thông hoảng loạn. Giới truyền thông khi ấy gọi hố sâu này chỉ đơn giản là "sụp lún mặt đường)”. Rồi giữa tháng 8, kéo dài đến hết tháng 9, qua tháng 10 và đến tháng 11 liên tiếp hàng chục vụ sụp lún mặt đường từ lớn đến nhỏ xuất hiện. Người dân sinh sống tại TP HCM bắt đầu làm quen với tên gọi hố tử thần khi nhắc đến chuyện "những con đường bỗng dưng tự vẫn". Ở thời điểm ấy, không ai có thể nghĩ rằng hố tử thần sẽ trở thành nỗi ám ảnh rất vô hình nhưng lại thường trực đối với người tham gia lưu thông.

Tối ngày 7/11 vừa qua, lại thêm một hố tử thần xuất hiện tại vòng xoay Ông Ích Khiêm - Lạc Long Quân, quận 11 khiến chiếc xe hơi 4 chỗ hiệu Toyota lâm nạn. Chiếc hố sâu 1mét với hàm ếch rộng, đầy nước này làm chiếc Toyota bị gẫy trục bánh, phải nhờ xe cẩu trợ giúp thì mới thoát nạn. Không có thương vong về người. Nhưng, đằng sau tai nạn này là sự lo sợ của người tham gia lưu thông, tức những người đóng thuế để được thụ hưởng chất lượng từ các cơ sở hạ tầng.

Sáng ngày 8/11, lại thêm một hố tử thần xuất hiện trên đường Trương Định, đoạn gần giao lộ Điện Biên Phủ, quận 3. Các bác tài xe ôm đậu xe gần khu vực này phút chốc trở thành những người cảnh báo nguy hiểm bất đắc dĩ.

Một không khí ảm đạm xoay quanh chuyện giao thông vốn đã rối như không thể rối hơn tại TP HCM, nơi vẫn được xem là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Trước đây, khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cho UBND TP HCM về việc khắc phục hố tử thần trên đường, UBND TP HCM đã nhanh chóng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM rà soát và khắc phục sự cố. Lại cũng rất nhanh chóng, người đứng đầu Sở này là ông Trần Quang Phượng phản bác là nguyên nhân của sự xuất hiện các hố tử thần chỉ do 30% từ chất lượng thi công công trình. 70% còn lại là do lỗi của các đơn vị quản lý hạ tầng, như Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco, Trung tâm Quản lý chống ngập, Ban Quản lý nâng cấp đô thị... mà những đơn vị này trực thuộc sự quản lý của UBND TP HCM thế cho nên không thể đổ hết trách nhiệm lên Sở GTVT.

Đáp lại lời của ông Phượng, hàng loạt đơn vị đã chối bỏ trách nhiệm của mình trong chuyện “hố tử thần”. Đơn vị nào cũng có cái lý riêng, lối giải thích đầy "trách nhiệm"..., chỉ có điều khi các cuộc đùn đẩy trách nhiệm chưa ngã ngũ thì “hố tử thần” vẫn cứ thản nhiên xuất hiện. Và người dân vẫn là đối tượng chính phải hứng chịu "cơn thảm họa" được báo trước này.

Luật sư Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từng bức xúc: "Nếu tôi là Chủ tịch UBND TP HCM, tôi sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm". Dĩ nhiên, đó chỉ là ý kiến chủ quan của riêng ông Lê Hiếu Đằng, người từng phản ánh rất mạnh khi còn làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM trước những vụ việc liên quan đến dân sinh tại thành phố này. Nhưng, phát biểu của ông Đằng phần nào khiến dư luận được cảm thấy an ủi khi mà cho đến lúc này, vẫn chưa thấy lãnh đạo thành phố mạnh tay trong việc xử lý các đơn vị liên quan trong chuyện tạo ra hố tử thần. Điều đáng tiếc, ông Đằng không phải là Chủ tịch UBND TP HCM để có thể đứng ra chịu trách nhiệm như lời ông từng nói(!).

Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Ngô Minh Hồng đưa ra kiến nghị sẽ kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng... của đơn vị nào gây ra hố tử thần tại cuộc đối thoại “Nói và Làm” do Hội đồng nhân dân TP HCM phối hợp cùng Đài Truyền hình TP HCM thực hiện diễn ra ngày 7/11 vừa qua. Có thể đây là một biện pháp mạnh, nhưng dẫu sao cũng là biện pháp để được thực hiện khi việc đã rồi. Đơn vị thi công gây ra hố tử thần có thể bị xử phạt hành chính, có thể bị mất uy tín khi thi công cẩu thả, thiếu trách nhiệm gây ra hố tử thần. Nhưng hậu quả, không phải họ gánh chịu mà là người dân. Vấn đề lớn nhất chính là "Làm cách nào để hố tử thần thôi xuất hiện", lại không có biện pháp khả thi.

Ông Trần Quang Phượng nói là có đến 6 đơn vị hành chính quản lý về vấn đề giao thông, với những chức năng riêng biệt khiến cho tình trạng quản lý có khi chồng chéo. Thế nên, rất khó để xác định trách nhiệm khi xảy ra sự cố hố tử thần.

Theo quan điểm của cá nhân mình, tôi cho rằng ý kiến của người đứng đầu Sở GTVT - một đơn vị chuyên trách về cơ sở hạ tầng tại TP HCM lại phát biểu như vậy là chưa thỏa đáng. Bởi không thể nói chuyện quản lý chồng chéo gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm. Thế nên, phải chăng đã đến lúc cấp thiết cần thành lập một Ủy ban điều tra lâm thời để xác định trách nhiệm thuộc về ai trong chuyện “hố tử thần” xuất hiện trên đường phố với tần suất ngày càng dày đặc. Ủy ban này sẽ giúp vị đứng đầu Sở GTVT này đỡ phải băn khoăn khi chỉ đạo thuộc cấp xác định phần trách nhiệm liên quan đến hố tử thần.

Hình ảnh ám ảnh đối với những người tham gia lưu thông tại TP HCM.
Hố tử thần hạ gục container.

2. Cách nói của người đứng đầu các đơn vị liên quan trực tiếp trong chuyện “hố tử thần” khiến người dân không thể yên tâm. Bởi, yên tâm sao được khi tất cả đều lo sợ chuyện chịu trách nhiệm. Trong khi, họ hoàn toàn có thể tránh được chuyện chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố nếu như khâu lựa chọn đơn vị thi công được thực hiện một cách nghiêm túc.

Để một công trình phục vụ dân sinh được đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư nhất thiết phải lựa chọn được một đơn vị thi công có uy tín và đủ năng lực khi ký hợp đồng thực hiện khối lượng công trình. Có thể, khi đang thi công công trình, do nhiều nguyên nhân chủ quan, sẽ có một số đơn vị thi công không hoàn thành tốt công việc được giao. Lúc đó, chủ đầu tư sẽ căn cứ vào phần trách nhiệm được ký kết trong hợp đồng để buộc đơn vị thi công phải bồi hoàn những tổn thất. Tiếc rằng, chuyện tưởng chừng đơn giản ấy đã không thể thực hiện được.

Điều này có khó không? Dĩ nhiên, là không khó. Vậy thì tại sao lại trở thành vấn đề nan giải đối với người đứng đầu đơn vị là chủ đầu tư? Đây là câu hỏi không hy vọng có được câu trả lời.

Như vậy thì không thể nói chuyện liên tiếp xảy ra tình trạng hố tử thần, mà nguyên nhân đa phần là do đơn vị được chọn thi công đã thi công cẩu thả gây ra hố tử thần mà chủ đầu tư không chịu trách nhiệm. Chỉ cần xác minh được khâu chọn đơn vị thi công chủ đầu tư đã dựa trên nguyên tắc nào để ký hợp đồng là có thể truy ra chuyện ai phải chịu trách nhiệm cho hố tử thần xuất hiện tràn lan tại TP HCM. Việc tưởng như đơn giản, nhưng không hiểu sao đã có rất nhiều cuộc họp và thảo luận giữa các ban, ngành liên quan vẫn không thể tìm ra đâu là người phải chịu trách nhiệm chính cho “cơn hoảng loạn” của người dân(?!).

Đặt giả thuyết là nếu khâu lựa chọn đơn vị thi công được thực hiện nghiêm túc người dân sẽ được lợi gì(?!). Chắc chắn người dân sẽ không phải vác đơn khởi kiện như trường hợp ông Nguyễn Văn Lang ở quận Bình Thạnh (Chuyên đề ANTG đã có bài viết "Một vụ kiện hi hữu”), người tham gia lưu thông sẽ không phải hoảng sợ chuyện thình lình bị hố tử thần nuốt chửng, dư luận sẽ không phải băn khoăn trước thực trạng "đường là của chung, ta thích ta cứ đào"... Các ban, ngành liên quan sẽ được lợi gì(?!). Điều lợi đầu tiên là niềm tin của người dân đối với lãnh đạo sẽ không bị xói mòn. "Dân dĩ vi bản", khi niềm tin được củng cố thì tuyệt nhiên sẽ kéo theo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.

Chỉ động thái đơn giản là minh bạch khi chọn đơn vị thi công công trình sẽ được rất nhiều cái lợi từ các phía, nhưng đáng tiếc là cho đến tận thời điểm này, điều này có vẻ như vẫn là... quá khó.

Khi sự minh bạch không được thực hiện, thì không thể có hy vọng trong việc giải quyết dứt điểm sự bức xúc của người dân đối với những gì đang xảy ra trước mắt họ. Dĩ nhiên, khi người tham gia lưu thông bị thiệt hại do “hố tử thần”, họ có thể khởi kiện. Nhưng lẽ nào lại hy vọng một tình hình chung có thể tươi sáng từ phán quyết của Tòa án (!).

Công nhân thi công bỏ mặc nước lênh láng do vỡ đường ống ngầm thoát nước tại đường 232 Cao Lỗ, phường 4, quận 8.

3. Hôm rồi, một số người dân trên đường 232 Cao Lỗ, phường 4, quận 8 gọi điện thoại tới Chuyên đề ANTG nêu bức xúc vì tình trạng thi công cẩu thả của Công ty Dịch vụ công ích quận 8 khi thi công hạng mục nâng cấp vỉa hè đô thị. Theo ghi nhận thì chủ đầu tư công trình này là Công ty Cổ phần Kiến Á, đơn vị thi công là công ty dịch vụ trên.

Trong quá trình thi công, công nhân của đơn vị thi công không hiểu làm thế nào mà khiến đường ống ngầm cấp nước bị vỡ. Nước tuôn xối xả kéo theo đất đá xuống miệng cống gần đó, gây tắc nghẽn. Không có lối thoát, nước tồn đọng thành từng vũng trên bề mặt vỉa hè vừa bị máy phá tan hoang để lót gạch mới. Không thể tiếp tục thi công, những công nhân này kéo nhau đi trước sự ngỡ ngàng của người dân đang sinh sống tại khu vực này. Bởi, họ không thể nghĩ ra rằng đơn vị thi công lại không thông báo cho công ty cấp nước cử nhân viên xuống khắc phục tình trạng đường ống bể. Mà họ lại chọn cách, "cha chung không ai khóc" là bỏ mặc mọi thứ đó và... kéo nhau đi.

Sáng ngày hôm sau, quay lại đoạn thi công trên, vẫn thấy nước tuôn trắng xóa. Vỉa hè ngổn ngang đất đá. Con đường nội bộ vốn dĩ đang rất sạch sẽ bỗng trở nên dơ bẩn chưa từng thấy. Phải rất lâu sau, mới có nhân viên công ty cấp nước xuất hiện để khắc phục tình trạng ấy. Mà thật ra, chỉ cần tốn 1 cuộc điện thoại và vài chục phút là có thể ngăn chặn việc thất thoát có thể lên đến hàng trăm mét khối nước.

Từ chuyện nhỏ là cái vỉa hè đường nội bộ xét đến chuyện lớn là hố tử thần mới thấy có điểm liên quan. Đó là thực trạng thi công cẩu thả, thiếu trách nhiệm mà chẳng bị xử lý.

Có những yếu tố vĩ mô kéo theo sự trì trệ đến vĩ mô. Không thể nào cứ huênh hoang chuyện thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế để khỏa lấp những bức xúc của người dân, tắc trách của người đứng đầu cơ quan quản lý.

Hạ tầng thành phố đang xấu dần đi theo từng ngày, niềm tin của người dân cũng đã suy giảm theo. Và nếu cứ nói và hứa thay vì làm, thì “hố tử thần” vẫn sẽ cứ xuất hiện như để minh chứng cho việc "cái sai đang được đồng lõa bởi sự im lặng"

Ngô Kinh Luân
.
.