Qua vụ thảm sát tại Toulouse: Quả bom nổ chậm trong nước Pháp

Thứ Năm, 29/03/2012, 15:20

Thảm kịch tại Toulouse với tên khủng bố bắn chết nhiều trẻ em và giáo viên tại một ngôi trường Do Thái (trước đó còn là 3 quân nhân) đã làm hé lộ một vấn đề nghiêm trọng đối với nước Pháp, trước đó không có nhiều chính trị gia dám mạo hiểm công khai nói ra: Cộng đồng Hồi giáo hàng triệu người đang có nguy cơ trở thành một quả bom nổ chậm trong lòng nước Pháp.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, chính sách liên kết với người nhập cư trên thực tế đã phá sản, khi nhiều người trong số này không những vẫn xa lạ với các giá trị truyền thống của nước Pháp, mà thậm chí còn nuôi dưỡng thái độ thù địch. 

Dư luận giờ đây mới biết rõ, tên khủng bố hóa ra không phải là một phần tử phát xít mới tại Pháp (như nhiều giả thuyết được nêu ra ban đầu), mà là một phần tử Hồi giáo cực đoan gốc Algeria - Mohammed Merah (24 tuổi). Chiến dịch bố ráp và tiêu diệt tên sát nhân do đích thân Bộ trưởng Nội vụ Claude Gueant chỉ đạo, còn Tổng thống Sarkozy cũng trực tiếp đến Toulouse. Tên khủng bố cuối cùng đã bị bắn chết sau gần 30 giờ thương lượng giằng co.

Vụ thảm sát đã hé lộ một vấn đề nghiêm trọng của nước Pháp, từ trước đến nay vẫn được coi là "một đề tài cấm kị" - đó là chính sách "tích hợp" những người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo. Đã có một vài chính trị gia đã lợi dụng đề tài này cho chiến dịch tranh cử, đầu tiên là thủ lĩnh "Mặt trận quốc gia"  Marine Le Pen. Nhưng nhiều người đã cho đây là một quyết định kém khôn ngoan, khi giới chính trị gia hàng đầu của Pháp gọi Marine và cha của bà là Jean-Marie Le Pen là những kẻ ích kỷ. Đó là lý do khiến nhiều người đã tìm cách tảng lờ chủ đề trên. Nhưng thảm kịch tại Toulouse giờ đây đã làm đảo lộn tất cả.

Vấn đề là kẻ sát hại những trẻ em không phải là một người nhập cư trái phép, mới chỉ đến đây vài tháng và chưa kịp được xã hội Pháp dung nạp. Đó lại là một công dân Pháp đã sống cả đời tại đây và… căm thù chính quốc gia này. Mohammed Merah từng đưa ra “thông điệp” giải thích cho động cơ sát hại các quân nhân để trả thù việc nước Pháp đã tham gia vào chiến dịch tại Afghanistan. Còn những nạn nhân trẻ em Do Thái bị bắn chết là vì "nỗi thống khổ của nhân dân Palestine".

Đây cũng là lý lẽ điển hình của những tay súng "Hamas" hay "Islamist Jihad" tại Dải Gaza. Nhưng sát thủ tại Toulouse lại là một kẻ hoàn toàn khác. Hắn đã có điều kiện trở thành một công dân Pháp lương thiện, nhưng rồi lại trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan, là thành viên một nhóm có liên quan đến Al-Qaeda. Tên này hơn nữa đã từng được tập huấn tại những trại huấn luyện các tay súng Hồi giáo ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan.

Tổng thống Sarkozy trực tiếp tới hiện trường .

Người Pháp ngay lập tức đã đặt câu hỏi cho các cơ quan mật vụ của mình: Vì sao họ đã không chịu để mắt tới Mohammed Merah? Vì sao họ không quan tâm tới những gì tên này đã làm tại Afghanistan và Pakistan, dù hắn không phải là một phóng viên, nhân viên tổ chức nhân đạo hay đơn giản hơn là một khách du lịch? Đại diện của mật vụ Pháp đã lên tiếng thanh minh khi khẳng định, họ đã chú ý tới Merah, nhưng đã không giám sát chặt chẽ vì không có bằng chứng về hoạt động chống lại luật pháp của hắn.

Điều chủ yếu là giờ đây, ai trong số các chính trị gia sẽ lên tiếng đầu tiên về một thực tế phức tạp và khá tế nhị: nhiều người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo đã không thể (hoặc không muốn) tích hợp vào xã hội Pháp. Họ vẫn giữ những giá trị tinh thần của mình, hầu như luôn rất cách biệt với giá trị của người châu Âu. Nhưng điều nguy hiểm nhất là những phương pháp tranh đấu vì những giá trị này. 

Thảm kịch tại Toulouse chắc chắn sẽ trở thành một trong những chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống tại Pháp (vòng 1 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/4). Chắc chắn Marine Le Pen sẽ nhấn mạnh hơn về chủ đề này nhằm kiếm thêm vài phần trăm số phiếu cho mình. Có điều ứng cử viên này dù thế nào sẽ khó có thể vượt "mức trần" 20% số phiếu. Dư luận đang quan tâm là hai ứng cử viên hàng đầu - Nicolas Sarkozy và Francois Hollande - sẽ nói gì về đề tài này.

Thảm kịch tại Toulouse.

Đối với Francois Hollande, chủ đề người nhập cư chắc chắn không phải là vấn đề có ưu thế nhất. Phe cánh tả tại Pháp vẫn yêu cầu trao cho họ nhiều quyền hành hơn, đồng thời chỉ trích Nicolas Sarkozy và nội các của ông ta đã không chú ý nhiều tới các vấn đề của những cộng đồng tôn giáo thiểu số. Hiện phần lớn những người gốc Arập, người châu Phi đang sinh sống tại Pháp và có quốc tịch nước này vẫn sẵn sàng bỏ phiếu cho Francois Hollande.

Dù thế nào, đề tài đang nóng bỏng trên chắc chắn sẽ có lợi nhất cho Nicolas Sarkozy. Trong quá khứ, ngay khi còn chưa được bầu làm Tổng thống, Sarkozy đã rất tích cực sử dụng "con bài yêu nước", nêu bật nỗi sợ hãi của người Pháp chính gốc trước làn sóng những người nhập cư. Thật ra, Sarkozy đã chơi con bài này một cách thận trọng và tinh tế hơn so với các thủ lĩnh của "Mặt trận quốc gia". Sarkozy hiện đang có cơ hội rất tốt để thể hiện mình là một thủ lĩnh mạnh mẽ, không chỉ điều hành nhanh chóng nhằm vô hiệu hóa được tên khủng bố, mà còn không lảng tránh "vấn đề phức tạp" của người dân Pháp, đang trở nên nóng hơn bao giờ hết sau thảm kịch Toulouse. 

Nếu như đương kim Tổng thống có thể đưa ra được những chính sách và phương thức giải quyết vấn đề cụ thể, ông có thể thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của nhóm cử tri cánh hữu truyền thống

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.