Quan hệ Mỹ - EU: Đồng sàng dị mộng

Thứ Sáu, 23/07/2010, 16:40
Châu Âu đã mòn mỏi mong chờ thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đánh dấu bước ngoặt nồng ấm trong quan hệ EU - Mỹ sau thời gian băng giá của người tiền nhiệm G.W.Bush. Tuy nhiên, sự mong đợi đó đã không được đáp ứng.

Mới đây Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã phải lên tiếng trên tờ Times, với một văn phong ngoại giao hiếm thấy, rằng quan hệ xuyên Thái Bình Dương không xứng với tiềm năng của hai bên và thật lấy làm tiếc khi thời của Tổng thống Obama vẫn là một cơ hội bị bỏ lỡ trong việc cải thiện quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống EU - Mỹ.

Cách đây 18 tháng, khi Nhà Trắng có sự thay đổi về nhân sự chủ chốt, EU đã rất hy vọng vào một mối quan hệ mới giữa Mỹ và EU sẽ được mở lại, tuy nhiên khi người ta càng hy vọng bao nhiêu vào chuyện gì đó nhưng khi kết cục không được như mong đợi thì người ta lại càng thất vọng bấy nhiêu. Những lời chua xót được thốt ra từ miệng của người đứng đầu Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso trên trang báo Times hồi tuần trước mới chỉ là tín hiệu gần đây nhất thể hiện sự thất vọng này.

Hồi tháng 2/2010, EU đã nuốt khó trôi "cục ức" khi Tổng thống Barack Obama từ chối tham gia một hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Madrid, Tây Ban Nha. Và điều này vẫn chưa phải đã chấm dứt vì trong lịch trình của lãnh đạo Mỹ hiện nay vẫn chưa có tên cho cuộc gặp sắp tới vào tháng 11 với các nhà lãnh đạo EU tại Lisbonne...

Nếu như Washington cho rằng đó là những cuộc gặp "không cần thiết" thì mối oán giận tại châu Âu ngày càng lớn dần. 27 nước thành viên EU cảm thấy tức tối bởi những bài học về tăng trưởng kinh tế mà Mỹ đã giao giảng cho họ, trong khi cho đến giờ này, EU vẫn coi cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ năm 2008 là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng thế giới. Điều làm các nước thành viên trong liên minh này cay đắng hơn cả là trong khi đó chính quyền Obama lại đặc biệt thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí họ còn lo ngại Mỹ đang âm mưu qua mặt EU để cùng với Trung Quốc thành lập khối G2, thống trị thế giới.

Trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, người anh cả của EU, Đức - một đối tác kinh tế lớn của Mỹ đã không thể làm dịu được những lo ngại trong quan hệ EU - Mỹ. Đầu tháng 5 vừa qua, trong khi lãnh đạo cả châu Âu đang phát sốt phát rét vì cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và đồng euro của họ tụt giá thê thảm thì Tổng thống Obama lại bày tỏ sự lo ngại trước khả năng "lây nhiễm" tới đồng USD và thị trường phố Wall "bệnh dịch" đến từ EU.

Bằng chứng là ông Obama đã phải hai lần điện thoại cho Thủ tướng Đức Angela Merkel để thuyết phục người này thông qua kế hoạch cứu trợ những đối tác đang gặp khó khăn trong liên minh. Cuối cùng thì Thủ tướng Đức đã chấp thuận kế hoạch cứu trợ chung cho EU, trị giá 750 tỉ USD, nhờ thế Mỹ thoát kiếp nạn.

Tổng thống Barack Obama (trái) cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso, tại hội nghị thượng đỉnh tại L'Aquila, Italia, ngày 10/7/2009.

Phát biểu trên tờ Times, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso nay kêu gọi Nhà Trắng không nên nghi ngờ đồng minh truyền thống của mình. "Xây dựng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh hơn không chỉ là xác định những giá trị chung mà còn cùng nhau hành động trên những vấn đề lớn của thế giới" - ông Barroso giải thích. Phát biểu trên ẩn ý rằng châu Âu vẫn chưa thể "tiêu hóa nổi" việc Mỹ đã coi châu Âu như những "kẻ thù" trong cuộc mặc cả về khí hậu trái đất tại Hội nghị Copenhague, Đan Mạch, và 6 tháng sau là trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh về kinh tế tài chính của nhóm G20 tại Toronto, Canada.

Châu Âu trước đây vẫn nghi ngờ rằng họ bị cô lập trước những cường quốc thế giới đang lên. Sự thờ ơ và sự bỏ rơi người bạn châu Âu của Tổng thống Obama gần đây lại càng làm cho sự nghi ngại này thêm lớn hơn. "Lần đầu tiên kể từ năm 1945 cho đến nay, chúng ta mới thấy một vị Tổng thống Mỹ không thể hiện sự quan tâm tới những gì đang diễn ra ở bên kia bờ Đại Tây Dương" -  Denis MacShane, cựu Ngoại trưởng Anh, cay đắng nhận xét.

Theo giới quan sát, Tổng thống Barack Obama đã không coi EU ra gì, điều này là sự thật rõ ràng được minh chứng rõ nét về những vấn đề quốc tế trong thời gian qua. Mức độ quan hệ Mỹ - EU được thể hiện qua hàng loạt diễn đàn mà những diễn đàn này lại chưa bao giờ hoạt động tệ đến thế kể từ khi ông Obama bước chân vào Nhà Trắng.

Trước sự thờ ơ của Mỹ, châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn. Sau khi được Nghị viện châu Âu cho phép, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Catherine Ashton, sắp tới sẽ thành lập một Ủy ban hành động đối ngoại, tập hợp tới 6.000 nhà ngoại giao, chuyên gia dân sự và quân sự.

Về phía mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, cũng đang chuẩn bị một cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của khối chỉ dành để bàn về vấn đề ngoại giao. Thay vì đi chỉ trích sự thờ ơ của Mỹ, ngôi sao đang lên trong chính trường châu Âu lại muốn đi tìm căn nguyên của vấn đề: "Châu Âu hiện đã có những công cụ ngoại giao nhưng như thế vẫn chưa đủ cần phải trang bị thêm một tầm nhìn chiến lược thực thụ. Châu Âu phải học cách quyết định và hành động nhanh chóng để trở thành một đối tác tin cậy của bất kỳ ai".

Theo giới phân tích, vị thế chính trị hiện tại của châu Âu trên trường quốc tế còn lâu mới được cải thiện như mong muốn của lãnh đạo khối này bởi lẽ đúng như lời kết của tờ Times, châu Âu hiện giờ vẫn chưa có một chính sách ngoại giao cụ thể nào, nên các nước thành viên còn phải bàn nhiều

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.