Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Bằng mặt không bằng lòng

Thứ Tư, 05/11/2014, 16:45

Những vấn đề thời cuộc đang ngày càng khoét sâu những mâu thuẫn âm ỉ trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, từ chuyện can thiệp vào nội chiến ở Syria để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad cho đến việc tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chưa bao giờ Ankara phối hợp suôn sẻ với Washington và các đồng minh khác trong khối NATO.

Những hục hặc hiện nay bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự gần khu vực Đông Nam nước này để làm bàn đạp tấn công IS, rồi những cãi vã xung quanh cách thức kiểm soát cuộc chiến ở thị trấn Kobani, giáp biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, và giọng điệu chống Mỹ gay gắt của các quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả đang làm nổi bật lên khoảng cách chia rẽ giữa 2 quốc gia đồng minh cùng khối NATO trong tình thế cả hai đều đang đối mặt cuộc chiến chống IS.

Giới phân tích nhận định, sự chia rẽ ấy đang thách thức mối quan hệ 60 năm giữa Ankara và Washington. Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm ở tiền tuyến cuộc chiến chống IS, kiểm soát 780km đường biên giới với Iraq và Syria. Francis Ricciardone, cựu Đại sứ Mỹ tại Ankara nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh rất quan trọng. Không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ không có bất kỳ chính sách nào của Mỹ trong khu vực Trung Đông có thể thành công.

Erdogan và Obama, bằng mặt không bằng lòng.

Có thể xem việc Mỹ tăng cường hỗ trợ nhiều mặt cho lực lượng người Kurd chống IS ở khu vực biên giới Syria là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm gia tăng mâu thuẫn giữa 2 nước đồng minh. Hành động thả hàng viện trợ người Kurd của các máy bay Mỹ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy hai phương hướng khác nhau của 2 nước. Thổ Nhĩ Kỳ xem các nhóm người Kurd là khủng bố chống nhà nước do các hoạt động ly khai, đòi thành lập nhà nước riêng của họ.

Người Kurd cũng là lý do chính khiến cho việc quyết định tham gia cuộc chiến chống IS của Ankara rất khó khăn; Ankara đã phải rất thận trọng khi chọn lựa phương án tham gia. Vì vậy, việc Mỹ viện trợ cho người Kurd chẳng khác nào một hành động chống lại Ankara.

Ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố với báo chí rằng Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ cho phép việc thả hàng đó xảy ra, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện thoại báo cho ông biết về quyết định thả hàng viện trợ người Kurd. Hành động này khiến ông Erdogan không thể kiềm chế được sự tức giận đối với ông Obama, và ông đã chỉ trích gay gắt Tổng thống Obama trong chuyến công du các nước vùng Baltic vừa qua.

Vụ việc Kobani là một trong những vụ việc bất đồng liên tiếp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vấn đề liên minh chống IS. Trung tuần tháng 10 vừa qua, giữa Ankara và Washington từng công khai cạnh khóe nhau cũng vì việc Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý cho Mỹ và các đồng minh sử dụng các căn cứ quân sự làm bàn đạp xuất kích ném bom IS ở Iraq và Syria.

Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ không những không muốn trực tiếp tham gia cuộc chiến, mà còn ra điều kiện, đòi lập vùng đệm an ninh dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bảo vệ an toàn cho người tị nạn, thực chất là Ankara muốn tạo khoảng cách an toàn, không để cuộc chiến chống IS lan sang lãnh thổ mình.

Việc Mỹ thả viện trợ vũ khí cho người Kurd ở Kobani đang làm cho quan hệ hai nước thêm căng thẳng.

Những bất đồng trong cuộc chiến chống IS làm người ta nhớ lại những trục trặc tương tự khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tấn công Iraq vào năm 2003. Khi đó, Washington đã rất tức giận khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu từ chối cho phép quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ làm bàn đạp tấn công Iraq, dẫn đến sự lạnh nhạt trong quan hệ 2 nước kéo dài nhiều năm sau.

Sự cứng cỏi của Ankara trong quyết định năm 2003 được lý giải là kết quả của những thay đổi trong chính sách đối ngoại, và của cách Mỹ đã đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn những năm 70 thế kỷ XX, với việc Washington áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội đánh chiếm Síp vào năm 1974.

Đến trước vụ việc năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Erdogan đã trải qua hơn một thập niên thay đổi, phát triển và thịnh vượng hơn trước dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan và đảng Hồi giáo AKP, thiên về mô hình chính trị Hồi giáo, không đi theo mô hình thế tục đa nguyên mà Mỹ đã dày công ủng hộ bấy lâu.

Vụ việc năm 2003 và cả trong cuộc chiến chống IS hiện nay đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, Ankara không muốn “bị” Mỹ sử dụng như một bàn đạp tấn công các quốc gia “đồng đạo” Hồi trong khu vực. Đây là nguyên nhân cốt lõi nhất lý giải cho thái độ chống Mỹ của ông Erdogan trong thời gian gần đây đối với chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Erdogan đã tố cáo Mỹ chỉ chú trọng vào dầu mỏ hơn là lo giúp đỡ người dân khu vực Trung Đông. Ông xem đảng Công nhân người Kurd (PKK) là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn hơn IS, trong khi Mỹ thì ngược lại. Erdogan khẳng định, chính Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Mỹ đang phải đối mặt hằng ngày với mối đe dọa từ IS, vì vậy Ankara buộc phải thận trọng khi chọn cách ứng phó phù hợp với IS.

Sự bất đồng về chính sách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ còn thể hiện trong các vấn đề gay cấn khác trong khu vực, đặc biệt là trong cách ứng phó với cuộc nội chiến ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chiến lược thiếu cân nhắc và nguy hiểm của Mỹ tại Syria có thể gây phản tác dụng. Ankara cho rằng Washington đã theo đuổi chính sách “nửa vời” khi can thiệp không tới nơi tới chốn vào Syria, khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với gánh nặng 1,5 triệu người Syria đang tị nạn tại các khu vực biên giới Đông Nam nước này.

Tháng 11/2014, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm “tạ lỗi” cho những phát biểu gây bão vừa qua, trong đó hàm ý nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “phải chịu trách nhiệm cho sự trỗi dậy của IS”.

Sự đụng chạm, xúc phạm này được thực hiện trong lúc Ankara còn chưa hết tức giận về những tiết lộ hoạt động gián điệp mà các cơ quan tình báo Mỹ nhắm vào lãnh đạo và công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong mấy năm qua. Tất cả góp phần làm cho những nỗ lực hàn gắn của Mỹ càng trở nên “khó như hai đường thẳng song song gặp nhau” – phát biểu của Gokhan Bacik, Đại học Ipek ở Ankara

An Châu (tổng hợp)
.
.