Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp chưa từng có
- Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mua S-400 để…bảo vệ cả châu Âu lẫn NATO
- Căng thẳng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ và châu Âu can thiệp nội bộ
Động thái của Bộ Quốc phòng Mỹ dừng chương trình hợp tác và cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ được xem là bước đáp trả đầu tiên buộc chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan phải đưa ra lựa chọn, hoặc duy trì một đối tác quan trọng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác đó. Liệu quan hệ đồng minh giữa hai nước thành viên NATO này có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trận chiến Twitter giữa Washington và Ankara càng trở nên căng thẳng sau khi Lầu Năm Góc ngừng vận chuyển các thiết bị liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 tới Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định việc giao hàng sẽ không tiếp tục trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua S-400 của Nga.
Giới phân tích cho rằng Mỹ đang đi đến những bước quyết định trong một cuộc đối đầu kéo dài nhiều năm với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong NATO, sau khi không thể thuyết phục Tổng thống Erdogan rằng việc mua hệ thống phòng không của Nga sẽ làm tổn hại đến vấn đề bảo đảm an ninh của F-35, máy bay chiến đấu hiện đại nhất trong kho vũ khí của Mỹ.
Mặc dù Ankara giải thích rằng hợp đồng mua hệ thống S-400 là hợp đồng đã ký kết và khẳng định đây không phải là một dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ Nga - Thổ, cũng như không phải Thổ Nhĩ Kỳ muốn hủy hoại liên minh hay đồng tình với Nga về mọi thứ, việc Thổ Nhĩ Kỳ quay sang mua vũ khí của Nga trên thực tế xuất phát từ việc không được mua tên lửa Patriot của Mỹ. Song, Lầu Năm Góc vẫn đẩy sự việc này lên mức căng thẳng khi đặt điều kiện chỉ nối lại việc bàn giao các thiết bị liên quan đến F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định dứt khoát từ bỏ nhận S-400.
Nếu Lầu Năm Góc thực hiện bước đi tiếp theo và loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình bàn giao F-35, đó sẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai đồng minh kéo dài suốt nhiều thập kỷ này.
Thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang khoét sâu căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. |
Theo giới phân tích, sự bất đồng liên quan đến F-35 và S-400 chỉ là một trong số những mâu thuẫn ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị cáo buộc là đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016, những khác biệt về chính sách Trung Đông và cuộc chiến ở Syria... cũng đang là những vấn đề chia rẽ trầm trọng.
Tháng 10 năm ngoái, Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ cho phép mục sư người Mỹ Andrew Brunson trở về nước, căng thẳng giữa hai nước đã có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, với những cảnh báo đáp trả lẫn nhau cùng những bất đồng mới xuất hiện lại đẩy mối quan hệ giữa hai đồng minh này tiếp tục có những căng thẳng mới.
Liên quan đến cuộc chiến tại Syria, bất chấp các cuộc đối thoại cấp cao trong những tuần gần đây, Mỹ đã thể hiện xu hướng khó chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập vùng an toàn dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ ở bờ Đông sông Euphrates tại Syria. Trong khi các cuộc đàm phán chưa đạt được thỏa thuận, Tổng thống Erdogan gần đây đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về sự chậm trễ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phá hủy” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tấn công lực lượng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn chống IS tại Syria.
Chuyến thăm gần đây của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump tới một trường học có liên kết với phong trào Giáo sĩ Gulen cũng làm dấy lên cuộc tranh luận dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và càng làm sâu sắc thêm bất đồng trong mối quan hệ giữa hai đồng minh này.
Từ góc độ thương mại song phương, giới chức Mỹ cũng cho biết nước này có ý định chấm dứt ưu đãi thuế quan đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng sự thiếu lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh và những căng thẳng xung quanh kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga là nguyên nhân chính dẫn đến quyết dịnh này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục âm ỉ nhưng sẽ không bùng phát quy mô lớn ngay lập tức bởi lẽ mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO này nằm trong chiến lược của cả hai bên. Sớm hay muộn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.