Quan hệ Mỹ-Trung lao dốc

Thứ Tư, 03/10/2018, 10:20
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, một quan chức cấp cao Mỹ (giấu tên) vào hôm 30-9 (giờ Mỹ) cho biết, Trung Quốc đã hủy bỏ một cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, cuộc họp vốn được lên lịch trình trong tháng 10 này. Người ta đã nghĩ tới một cuộc chiến toàn diện và những nguy cơ đằng sau đó.

Những “quyết định lịch sử” sắp được đưa ra

Người này cho hay, không rõ liệu cuộc họp có được xếp lịch trở lại hay không. Quan chức Mỹ cung cấp tin cũng nói rằng không rõ liệu việc hủy bỏ này có phải là do quy mô rộng lớn trong tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề như bán vũ khí, thương mại và hoạt động quân sự hay không... Trước thông tin được tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận. Các quan chức Nhà Trắng cũng không đáp lại đề nghị bình luận.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phản ứng lại đề nghị đưa ra bình luận về thông tin này. Cũng hôm 28-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước ông sẽ không khuất phục trước áp lực thương mại.

Một loạt diễn biến mới càng củng cố nhận định rằng mối quan hệ Mỹ-Trung dường như đang “lao dốc không phanh”. Trang mạng scmp.com dẫn lời Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger nói rõ với các nhà ngoại giao Trung Quốc rằng Mỹ xem mối quan hệ với quốc gia này là một cuộc cạnh tranh.

Ông Pottinger khẳng định: “Đối với Mỹ, cạnh tranh không chỉ là một từ gồm mấy âm tiết. Chính quyền Trump đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc để đưa khái niệm cạnh tranh lên tiền tuyến. Đây là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia của tổng thống”.

Quan chức Mỹ khẳng định khái niệm tự do và cạnh tranh là những vấn đề “trung tâm” của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường Mỹ, đồng thời lưu ý rằng việc không thừa nhận cuộc cạnh tranh giữa hai nước sẽ dễ dẫn đến những hiểu nhầm và tính toán sai lầm. Về phần mình, Đại sứ Thôi Thiên Khải cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều đối diện với “quyết định lịch sử” về tương lai mối quan hệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 6 tháng. Ảnh: South China Morning Post.

Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc đã có lựa chọn của mình. Chúng tôi cam kết nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi với Mỹ”. Về thương mại, nhà ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định tuyên bố mà nước này đã nhiều lần đưa ra trước đó rằng Bắc Kinh sẽ “mở cửa với thế giới bên ngoài” và sẽ “bảo vệ vững chắc” trật tự thế giới để thúc đẩy thương mại tự do.

Những bình luận trên được đưa ra tại buổi lễ ở Đại sứ quán Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh hôm 29-9. Phát biểu của ông Pottinger được scmp.com đánh giá là gây khá nhiều ngạc nhiên và dễ kích động căng thẳng, nhất là tại một sự kiện quan trọng như buổi lễ kỷ niệm này của Trung Quốc. Trong khi đó, New York Times đưa tin cho biết Trung Quốc đã hủy hội nghị an ninh thường niên dự kiến diễn ra giữa tháng 10 tới với Mỹ.

New York Times bình luận: “Quyết định hủy bỏ cuộc gặp an ninh cấp cao, được biết đến như đối thoại an ninh và ngoại giao, là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, và càng làm trầm trọng hơn quãng thời gian liên tục diễn ra những hành động trả đũa lẫn nhau giữa hai phía”.

Việc hủy bỏ đối thoại, sự kiện mà Trung Quốc mãi cho tới gần đây vẫn quảng bá là cách hữu hiệu để hai bên có thể ngồi lại với nhau, phản ánh mức độ mà những căng thẳng về chiến tranh thương mại ngày càng leo thang đang tác động tới các khía cạnh khác của mối quan hệ này như thế nào.

Quan chức Mỹ nói rằng không rõ có phải những vụ ăn miếng trả miếng liên tục trong thời gian gần đây, hay một lý do cụ thể nào đó, đã dẫn tới quyết định gây sốc của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, hành động này của Trung Quốc không quá bất ngờ nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đe dọa “gây thiệt hại nghiêm trọng” tới mối quan hệ Mỹ-Trung, kể cả “hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng”. Tuần trước, Trung Quốc cũng từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc cử tàu USS Wasp tới thăm cảng Hong Kong vào tháng 10. Mọi chuyện không chỉ dừng ở đó.

Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan điểm của chính quyền Washington trước các hành động của Trung Quốc trong môi trường quốc tế những năm trở lại đây, bao gồm cả điều mà Washington cho là nỗ lực nhằm tác động tới tình hình chính trị nội bộ của Mỹ. New York Times cho rằng bài phát biểu này chắc chắn sẽ càng hủy hoại hơn nữa mối quan hệ lạnh giá giữa Washington và Bắc Kinh.

Công nghệ - Cuộc chiến “không nương tay”

Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác với hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua. Đó chính là “Tech War” - một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai.

Về chủ đề này, tờ nhật báo Le Figaro số ra mới đây có bài viết với tiêu đề “Trung Quốc và Mỹ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay” giữa những thủ lĩnh công nghệ. Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Mỹ và Trung Quốc cũng giống như “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Bảng báo cáo “Mary Meeker Internet Trends 2018” cho thấy trong số 20 doanh nghiệp hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như “vắng mặt” mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán. Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn 1 tỷ USD cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này.

Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần 1/2 (khoảng 125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30. Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Mỹ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Mức đầu tư cho AI của hai bên xấp xỉ nhau, tương đương khoảng 165-170 tỷ USD (kể cả trong khối tư nhân).

Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Thế chiến hai, Mỹ đã hiểu được tầm quan trọng của AI - một công cụ gần như bí hiểm, nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai: Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Công nghệ AI có vai trò như một phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của “quyền lực mềm”.

Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ USD. Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ là giáo dục. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính 1/4 số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không hạ nhiệt mà trái lại ngày càng gia tăng. Ảnh: Food Business News.

Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là “thủ phạm” của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3-2018 cho thấy có sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại Thung lũng Silicon.

Trong khi trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt, buộc các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ... nếu không, những doanh nghiệp đó bị “cấm cửa” thâm nhập thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Apple và Intel. Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Mỹ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều át chủ bài.

Được mệnh danh “8 chiến binh gác cổng” - Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo “đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc”. Mỹ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho Tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn này thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).

Các quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc cho thấy quyết tâm của ông quay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ, thậm chí chấp nhận “tự cô lập” mình với các đồng minh. Thắng lợi của AlphaGo năm 2016: Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là từ lúc nào trí tuệ nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc? Trả lời tờ Le Figaro, nhà nghiên cứu Charles Thibout thuộc Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy (trong đó có trí tuệ nhân tạo), cho rằng sự ganh đua giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và “Tập đoàn khổng lồ” có thế lực như nhà nước là GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).

Khi AlphaGo (Chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển) đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol tháng 3-2016 đã tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí tuệ nhân tạo. Chính thắng lợi của một tập đoàn Mỹ đã thúc đẩy nhanh chương trình trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vì lo bị tụt hậu về công nghệ.

Khó khăn kép

Nhìn từ tình hình kinh tế tổng thể của Trung Quốc, đà tăng trưởng chậm lại đã rất rõ ràng, hơn thế không chỉ tốc độ tăng trưởng GDP mà cả các phạm trù khác, từ đầu tư, tiêu dùng, đến thị trường tài chính và xuất khẩu đều xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc liên tiếp đưa ra các biện pháp, trong đó bao gồm nới lỏng cung ứng tiền tệ.

Theo số liệu công bố mới nhất của Chính phủ Trung Quốc và Caixin Media Company Ltd - công ty truyền thông tài chính của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) - thước đo chủ chốt đánh giá hoạt động chế tạo, hiện đang ở mức thấp. Trong đó, PMI do Caixin công bố đã xuống thấp đến mức 50 - ranh giới phản ánh chiều hướng tăng trưởng hay suy giảm. Đây là con số thấp nhất trong 8 tháng gần đây.

Trong chỉ số này, chỉ số sản xuất và đơn đặt hàng mới đều tụt dốc, đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. Điều này đồng nghĩa với trong tương lai gần, quy mô ngành chế tạo của Trung Quốc sẽ buộc phải thu hẹp hơn. Điều đáng chú ý là từ trước đến nay, ngành chế tạo luôn là “đầu tàu” của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời tạo ra lượng việc làm lớn.

Việc “đầu tàu” kinh tế giảm tốc ở quy mô lớn chắc chắn sẽ kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế Trung Quốc chậm lại. Hơn thế, khi ngành chế tạo thu hẹp, hàng triệu công nhân rất nhanh sẽ phải đối mặt với mối đe dọa giảm giờ làm, kéo theo giảm thu nhập và thậm chí là mất việc làm, trở thành thất nghiệp. Hệ quả là một loạt vấn đề xã hội sẽ nảy sinh.

Một trụ cột khác của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là xuất khẩu. Lĩnh vực này của Trung Quốc hiện nay có thể nói là “mây đen bao phủ”. Chiến tranh thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động bản chất là đòn “giương Đông kích Tây”. Bề ngoài, Mỹ áp thuế với hầu hết các đối tác thương mại của mình nhưng trên thực tế, đối tượng tấn công lớn nhất là Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, va chạm thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) vốn là không thể đàm phán, bất ngờ đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán. Trong đó hai bên cam kết không tăng thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau, ngay cả kịch bản đánh thuế mặt hàng ô tô cũng đã là điều xa vời.

Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn bị công kích là “không đáng giá một xu” cũng đã đạt được thỏa thuận mới. Duy chỉ có đàm phán thương mại Mỹ-Trung là bế tắc, không có được bất kỳ tiến triển nào. Cuộc chiến trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc từ đầu tháng 7-2018 đến nay vẫn đang tăng nhiệt.

Vinh Hoa
.
.